Tốn tiền du học trong nước
Để tiết kiệm chi phí, nhiều gia đình cho con em du học trong nước tại các trường ĐH liên kết với nước ngoài. Tuy nhiên, chuyên gia về giáo dục cho rằng cách du học này có thể chỉ gây tốn tiền, lãng phí.
PGS.TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học – trao đổi về vấn đề này.
Có trường rởm đang len lỏi vào Việt Nam
Ông là người từng lên tiếng mạnh mẽ về chất lượng của các trường ĐH liên kết với nước ngoài. Vậy ông nhìn nhận như thế nào về việc du học trong nước hiện nay?
Giáo dục hiện nay không có biên giới. Học sinh, sinh viên đi du học các nước và tại các trường ngoại ở Việt Nam cũng là điều bình thường. Hiện ở Việt Nam có trường chất lượng đạt chuẩn quốc tế.
Tuy nhiên, nhiều trường ĐH liên kết trong nước không dám cam kết vì họ không làm được. Hiện nay, ta chưa kiểm soát được trường liên kết. Tôi không khẳng định tất cả các trường liên kết đều rởm. Nhưng liên kết kiểu đó nhìn chung là rủi ro tăng lên rất nhiều. Bằng cấp của những trường này chỉ là hai bên ký với nhau, chứ không được trường ở bên nước đó chấp nhận, không được quốc tế công nhận mà chỉ dùng được ở Việt Nam.
Các chương trình giảng dạy mang từ nước ngoài về cũng không đảm bảo giữ được chất lượng như ở nước đó. Muốn chất lượng ngang bằng, phải đầu tư lớn cho tài liệu, sách giáo khoa, phương pháp dạy, tập huấn cho giảng viên, tập huấn cho quản lý.
Các trường ở Mỹ được kiểm định, được công nhận, người ta mới dám học. Mỹ có 1.500 trường có được sự công nhận đó. Cũng một lượng như vậy là các trường chất lượng rất kém, rất thấp, nên kể cả bằng TS trường đó cấp, chất lượng cũng thấp. Những trường này đang tìm cách len lỏi vào Việt Nam.
Nhiều cán bộ của ta đã và đang học các trường này độ vài chục ngày để lấy bằng TS. Việc ta phải làm là kiểm định và công bố cho người dân biết những trường nào không đủ tiêu chuẩn thì lại không làm.
Video đang HOT
PGS.TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học.
Trong bối cảnh đó, cần có những biện pháp chấn chỉnh gì để tạo ra các trường ĐH liên kết có chất lượng, thưa ông?
Quản lý của ta quá kém, nếu làm chặt chẽ, dứt khoát cơ quan chức năng buộc các trường phải cam kết kiểm định, không phải tổ chức tạp nham mà phải do tổ chức có uy tín thực hiện. Không yêu cầu chất lượng đào tạo tại các trường ngoại, trường liên kết ở Việt Nam cao hơn ở nước cụ thể nào đó, nhưng điều kiện thực hiện phải ngang bằng, từ đó giá trị văn bằng ở Việt Nam cũng ngang bằng ở nước đó. Rất ít trường ĐH nước ngoài liên kết với Việt Nam dám đảm bảo những điều như vậy.
Ở Việt Nam, ta đã có chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao như ở ĐH Bách khoa, ĐH Giao thông Vận tải. Chương trình này được yêu cầu chất lượng đào tạo phải có giá trị ngang với chất lượng tại các trường lớn của Pháp. Ai tốt nghiệp chương trình này thì bằng cấp đó được quốc tế công nhận.
Tiêu chí giảng dạy phải theo tiêu chí của trường Pháp. Ta đã làm rất tốt chương trình này. Tuy nhiên, với cách quản lý yếu kém như hiện nay thì rất khó có cơ sở đánh giá chất lượng thực sự của các trường liên kết khác.
Hiện nay, dư luận đang có nhiều ý kiến quanh bốn trường ĐH được gọi là ĐH xuất sắc? Thực chất các trường này có xuất sắc không?
Gọi tên ĐH xuất sắc là rất kỳ, không nước nào gọi như vậy. Các trường căn cứ vào chất lượng của mình rồi mới được cộng đồng tôn vinh làm ĐH xuất sắc. Tôi không hiểu sao lại lập mới 4 trường, từ trứng nước lại đặt tên cho nó là xuất sắc. Chương trình giảng dạy không phải mua, xin. Có thể trong tương lai nó sẽ xuất sắc nhưng từ trứng nước đặt như vậy là không ổn.
Đã thế, lại đặt ra mục tiêu từ nay đến 2020 một trong bốn trường đó phải lọt vào top 200 trường hàng đầu thế giới. Không khác gì mục tiêu đưa người lên mặt trăng. Muốn vậy phải đầu tư rất nhiều về cơ sở vật chất, giáo viên… Trung Quốc đến nay cũng chưa có trường nào lọt vào top 200 của thế giới. Phải huy động tất cả ngân sách của giáo dục cho 1 – 2 trường đó, làm thế có phải chỉ để lấy danh.
Sau 4 năm học du học trong nước sinh viên, gia đình họ tốn rất nhiều tiền, nhưng họ chỉ nhận được cái bằng cả hai bên cùng ký vào, không được quốc tế thừa nhận.
Cảm ơn ông.
Theo TPO
Chuyện cảm động của cô giáo có "H"
Mang trong mình căn bệnh thế kỷ HIV, cánh cửa cuộc đời tưởng như đã đóng kín với các chị. Nhưng bằng nghị lực và sự giúp đỡ của cộng đồng các chị đã sống hết lòng yêu thương con trẻ, khát khao giúp đỡ người cùng hoàn cảnh.
Biết tin mình có HIV khi đang là giáo viên mầm non, chị Tô Thị Tuyết (Bắc Giang) đã gần như gục ngã, tuyệt vọng. Chị giấu không cho ai biết, kể cả chồng con. Mọi người trong trường chỉ loáng thoáng nghe câu chuyện của người đồng nghiệp.
Rồi sau khi sinh con chị đã phải dừng dạy sau khi hết chế độ dành cho người nghỉ việc.
Phút buồn của chị Tô Thị Tuyết khi tâm sự về hoàn cảnh của mình (Ảnh: BTC Dấu cộng duyên dáng)
"Cánh cửa cuộc đời tưởng như đã đóng kín nhưng từ khi tham gia vào TT phòng chống HIV/AIDS của tỉnh và các CLB, được làm đồng đẳng viên mình thấy lòng nhẹ nhõm hơn khi được giúp đỡ nhiều người có cùng cảnh ngộ" - chị tâm sự.
Thần may mắn mỉm cười với chị khi cả hai con (cháu gái lớn 7 tuổi, cháu trai bé 4 tuổi) đều không có HIV. Nhiều người vẫn chưa quên những bước đi dù còn ngượng ngùng và những lời nghẹn ngào của chị trên sân khấu cuộc thi Dấu cộng duyên dáng do VTV6, Đài THVN tổ chức tính cho đến nay cũng đã tròn 1 năm.
Chị nói điều chị và mọi người có "H" cần nhất chính là công việc. Có việc thì sẽ có thu nhập, sẽ hỗ trợ cho con cái và gia đình.
Và chị vui mừng thông báo mình vừa được nhận dạy hợp đồng cho các bé ở TT Bảo trợ xã hội của tỉnh. "Các cháu một nửa là trẻ mồ côi, số còn lại thì vừa mồ côi vừa có "H". Nhiều lần nhìn các con mà lòng mình đau lắm" - chị chia sẻ.
Lương hợp đồng chỉ 2 triệu đồng/tháng, cộng thêm làm ở dự án phòng chống HIV/AIDS của tỉnh như vậy với người mẹ ấy là niềm động viên, khích lệ tinh thần thiết thực nhất. "Mình thấy yêu cuộc sống này hơn, biết quý trọng những giây phút khi còn trên cuộc đời" - giọng chị xúc động.
Không ngại ngần nói với mọi người rằng mình là người có "H", chị cười vui cho hay: "Mình thấy thoải mái hơn khi được mọi người biết chuyện, được sự sẻ chia, đồng cảm của xã hội".
Cô giáo mầm non Đậu Thị Thu Hà hạnh phúc bên "đàn con" ở trường của mình. (Ảnh: BTC Dấu cộng duyên dáng)
Cũng từng đớn đau, xót xa khi cầm lá đơn xin nghỉ việc gửi tới BGH Trường Mầm non Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh nhưng cô giáo Đậu Thị Thu Hà may mắn hơn khi nhận được sự đồng cảm của đồng nghiệp.
Từ khi chồng mất, bản thân biết mình có "H" cô giáo trẻ gần như suy sụp hoàn toàn. Chị chẳng nhớ đã bao đêm khóc ròng, nghĩ tới cái chết. Nhưng cũng như chị Tuyết, người mẹ ấy khi nghĩ về con, về tương lai chúng sẽ ra sao khi không còn bố mẹ trên đời, chị Thu Hà tự động viên mình phải sống cho thật tốt.
Và khi được chính cô Hiệu trưởng Lê Thị Ngọc Hoa đến nhà động viên rồi lại tất tả lên phòng GD-ĐT xin quyết giữ một người có "H" như chị ở lại trường, lại được các phụ huynh giúp đỡ, tạo điều kiện lá đơn xin việc của chị Thu Hà đã được rút lại.
Ngoài việc hoàn thành tốt công việc chuyên môn, chị Thu Hà còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội nhằm giảm thiểu bớt nguy cơ lây nhiễm từ những người có H. Chị chủ động ghi tên mình tham gia vào Câu lạc bộ "Vì ngày mai tươi sáng" dành cho những người nhiễm HIV ở trung tâm phòng chống HIV/AIDS của Hà Tĩnh.
6 năm đã qua từ ngày biết mình có "H", chị thấy mình là người may mắn khi sức khỏe vẫn tốt dù vẫn phải dùng thuốc điều trị thường xuyên. Người mẹ ấy phấn khởi cho biết cô con gái của chị giờ đã được 9 tuổi, cháu đã lên lớp 4 ngoan ngoãn, vâng lời.
Công việc dạy học cả ngày, bận bịu với "đàn con" ở trường nên chị phải gửi con nhờ ông bà nội cháu chăm sóc. Những ngày cuối tuần mẹ con mới có thời gian bên nhau nhiều hơn.
Theo VNN
Sách giáo khoa khó, khô và khổ! Bộ sách giáo khoa (SGK) - bộ sách chuẩn duy nhất được sử dụng trong hệ thống giáo dục quốc dân. Thế nhưng, bộ sách lại khiến giáo viên bức xúc vì còn quá nhiều lỗi, trong đó có những lỗi do cẩu thả, thậm chí nhiều lỗi... ngớ ngẩn. Không khó để phát hiện nhiều lỗi, sai sót trong SGK đang làm...