‘Tôi xúc động vì sự hy sinh của con được vào đề Văn’
“Tôi rất xúc động khi được nghe tin câu hỏi nghị luận xã hội trong đề thi tốt nghiệp THPT năm nay lại nói đến hành động dũng cảm cứu người của con tôi”, ông Nguyễn Văn Điều – bố của “ anh hùng trẻ tuổi” Nguyễn Văn Nam chia sẻ.
Sự kiện em Nguyễn Văn Nam – nam sinh lớp 12T7, trường THPT Đô Lương I (Nghệ An) qua đời khi dũng cảm cứu 5 em nhỏ thoát khỏi chết đuối trên dòng sông Lam vào chiều ngày 30/4 đã thành đề thi tốt nghiệp THPT môn Văn năm naykhiến không ít thí sinh bất ngờ và chia sẻ cảm xúc khi viết cảm nghĩ về hành động dũng cảm quên mình cứu người khác của người “anh hùng trẻ tuổi”.
Em Nguyễn Văn Nam được Chủ tịch nước truy tặng tặng Huân chương dũng cảm.
Ngay sau buổi thi sáng nay, chia sẻ với PV, cô Nguyễn Thị Kiều Hương – Hiệu trưởng trường PTTH Đô Lương I, cho biết, cô rất bất ngờ về đề thi này và rất tự hào về em Nam. “Đề thi đã bám vào một sự kiện thời sự và với học sinh của trường nên bản thân tôi cảm thấy tự hào. Em Nam là một học sinh ngoan, học tốt, sự hy sinh của em đã gây xúc động rất lớn cho nhà trường, gia đình, bạn bè và thầy cô và là tấm gương xả thân quên mình rất đáng được trân trọng, tuyên dương.
Việc Bộ GD-ĐT quyết định đưa sự kiện này thành đề thi tự luận môn Văn là rất ý nghĩa, có giá trị nhân văn cao nhằm cổ vũ tinh thần sống đẹp, tình yêu thương và sự hi sinh vì người khác cho thanh niên hiện nay”, cô Hương nói.
Cô Hương cho biết, các bạn cùng lớp với Nam và nhiều học sinh trong trường đã gọi điện cho cô chia sẻ cảm xúc xúc động khi làm bài thi môn Văn năm nay. “Với câu hỏi nghị luận xã hội về sự hy sinh quên mình của em Nam mang tính thời sự, được cả xã hội quan tâm, chia sẻ nên tôi nghĩ các em học sinh sẽ có được bài viết chân thực, xúc động. Hành động dũng cảm của Nam mãi sống trong trái tim của mọi người”, cô Hương chia sẻ.
Video đang HOT
Thí sinh trao đổi những chia sẻ về câu nghị luận cảm nghĩ trước sự hy sinh của “anh hùng trẻ tuổi” Nguyễn Văn Nam.
Qua điện thoại, ông Nguyễn Văn Điều – bố em Nam cũng rất xúc động nói ông vừa nghe tin sự hy sinh của Nam được đưa vào đề thi môn Văn. “Cháu Nam đã mất để lại nỗi đau, mất mát quá lớn cho gia đình chúng tôi nhưng sự ra đi của cháu không vô nghĩa bởi tôi tin sẽ có nhiều học sinh, thanh niên sẽ học tập, noi theo tấm gương của cháu có những hành động đẹp, ý nghĩa và nhân văn cho mọi người”, ông Điều tâm sự.
Em Nguyễn Văn Nam đã qua đời vào chiều 30/4 sau khi cứu 5 em nhỏ thoát khỏi miệng “hà bá”. Ngay sau đó, Trung ương Đoàn, Bộ GD-ĐT đã có bằng khen truy tặng em vì hành động dũng cảm này. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có thư khen ngợi em và động viên gia đình em. Bức thư của Chủ tịch nước có đoạn: “Tôi vô cùng xúc động trước hành động dũng cảm quên mình cứu người của em Nguyễn Văn Nam. Em là tấm gương sáng cho thanh niên cả nước học tập”.
Chiều ngày 1/6, tại xã Trung Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An), Trung ương Hội chữ Thập đỏ Việt Nam đã truy tặng huy hiệu “Vì sự nghiệp nhân đạo” cho em Nguyễn Văn Nam. Tại gia đình em Nguyễn Văn Nam, đại diện lãnh đạo Hội Chữ thập đỏ Nghệ An đã thăm hỏi, động viên gia đình trước hành động dũng cảm của em Nguyễn Văn Nam đã dũng cảm cứu người bị đuối nước trên sông Lam ngày 30/4. Được sự uỷ quyền của Trung ương Hội chữ tập đỏ Việt Nam, bà Bùi Thị Mai – Chủ tịch hội chữ thập đỏ Nghệ An đã trao tặng huy hiệu “Vì sự nghiệp nhân đạo” cho em Nam và trao quà tới gia đình.
Theo Dân Trí
Đề mở vô tư, chấm văn vô cảm
Thời gian gần đây, dư luận lên tiếng trước những bài văn sai kiến thức vẫn được điểm cao hay đề văn quá mở đến mức quá đà. Điều này một lần nữa đặt lại vấn đề cách dạy, học và chấm bài môn văn hiện nay.
Giáo viên chấm thi môn văn trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012 (Ảnh chỉ có tính chất minh họa, không phải nhân vật đề cập trong bài viết) - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Đề "mở" bao nhiêu cho vừa ?
Một bài văn học sinh (HS) bàn về "canh gà Thọ Xương" là một... món canh ngon nổi tiếng ở Hà Nội được điểm 8 với lời khen tích cực của giáo viên (GV) bị dư luận phản ứng mạnh mẽ. Một bài văn "nhập vai Cám để kể chuyện Tấm Cám" bị điểm 3 với lời phê "nhân vật Cám của em đáng sợ quá" cũng bị dư luận... phản đối kịch liệt vì HS "nhập vai" như thế là đạt, lẽ ra phải điểm khá.
Trên diễn đàn của một trang mạng, một độc giả có tên Tân Lê nhận xét đề văn "nhập vai nhân vật Cám" là khó cho HS quá. "Tôi thực tình không hiểu gợi ý của các thầy cô như thế nào nhưng đã vô tình tạo cho các em suy nghĩ và thể hiện ra cái xấu. Tôi mong rằng nhà trường và các thầy cô nên suy nghĩ thật kỹ trước khi ra đề bài để tránh cho HS suy nghĩ và viết nên những câu văn trên", độc giả này viết. Bà Nguyễn Như Hương, nguyên GV văn Trường THPT Phạm Hồng Thái (Hà Nội) cho rằng: "Từ khi đổi mới chương trình, sách giáo khoa, ngành
GD-ĐT khuyến khích GV ra đề theo hướng mở, phát huy tính sáng tạo của HS. Tuy nhiên không ít thầy cô giáo ra đề "hơi quá đà", không rõ mục đích giáo dục là gì, thậm chí còn kích động những suy nghĩ phản giáo dục trong HS. Đề văn nhập vai Cám là một ví dụ".
Không thể phủ nhận có những đề mở đã giúp ra đời những bài văn chạm tới trái tim của người đọc. Bài văn về đồng tiền, gây xúc động mạnh cho bạn đọc cũng xuất phát từ một đề văn mở của cô giáo Đặng Thị Nguyệt Anh Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. GV này vốn nổi tiếng vì những đề văn thực sự sáng tạo, bất ngờ như: Tại sao lại không?, Điều em muốn nói với cô, Người ấy đối với tôi...
GS Đỗ Ngọc Thống, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cũng cho rằng: "Cần khuyến khích những suy nghĩ sáng tạo, mới lạ. Dạy học làm văn trong nhà trường càng phải như thế". Tuy nhiên, ông Thống cũng cảnh báo: "Dù mới mẻ, khác lạ, mở đến đâu vẫn phải đảm bảo tính chính xác, khoa học, thẩm mỹ và yêu cầu giáo dục tư tưởng cho thế hệ trẻ".
Cần sự tương tác giữa thầy trò trong chấm văn
GV trong bài văn "canh gà Thọ Xương" đã được giải oan rằng không phải cô giảng cho HS đó là một "món canh" khiến nhiều HS làm bài sai như dư luận lên án trước đó. Tuy nhiên, GV này thừa nhận đã có sai sót về nghiệp vụ trong quá trình chấm bài khi không gạch chân chỗ sai và giải thích cho HS hiểu mình sai ở chỗ nào. Hơn nữa, lại cho HS tới 8 điểm với những lời phê tích cực.
Một phụ huynh có con học lớp 12 tâm sự: "Điều tôi thấy buồn nhất là nhìn vào bài làm văn của con, cô chỉ cho điểm, không kèm một lời phê, và nếu có lời phê cũng rất lạnh lùng, vô cảm. Chấm văn như thế thì làm sao các con tiến bộ được?".
Thực tế đề ra theo hướng mở, GV sẽ rất vất vả ở khâu chấm thi. Cô Như Hương nói: "Nếu đề ra theo kiểu bám sát chương trình, sách giáo khoa, chỉ cần đọc qua là biết ngay HS dùng tài liệu nào, sau đó "đo gang, chấm ý" rất nhanh. Còn bây giờ, là những tâm sự riêng, hoàn cảnh riêng của học trò nên các thầy cô không chấm theo kiểu đó được".
Cô Nguyệt Anh tâm sự: "Ra đề theo hướng mở là chấp nhận các em có quyền phát biểu quan điểm, suy nghĩ. Khi đó, trách nhiệm của GV không chỉ dừng lại ở việc ra đề, chấm bài nữa. Những lời phê của GV giống như lời trò chuyện, trao đổi và tranh luận với HS để các em hiểu nên chọn giải pháp nào tốt nhất có thể chứ không phải để áp đặt chủ quan của GV".
Trong hồi ký của mình, cố GS - nhà giáo Dương Thiệu Tống kể ấn tượng về một người thầy đi chấm thi. Người ấy chỉ chấm 5 bài, rồi nghỉ ngơi cho thanh thản đầu óc, sau đó lại chấm tiếp chỉ vì sợ mình sai sót làm mất điểm học trò.
Tuệ Nguyễn
Theo thanh niên
"Nhân vật Cám của bài văn 3 điểm này kinh quá" "Theo tôi đây cũng là một đề văn rất hay và tạo nhiều điều kiện cho người viết thể hiện cá tính của mình. Chỉ có điều, đúng như giáo viên đã nhận xét, nhân vật Cám của bài văn này kinh quá...". Dư luận đang có nhiều tranh cãi xung quanh việc có nên sửa phần kết truyện cổ tích Tấm Cám...