Tôi từng chấm luận án TS 4 điểm và không hiểu sao đề tài lại được lọt vào bảo vệ
Nhiều khi người trong hội đồng mà có tâm, trung thực, dám phản biện thực chất, thì lập tức lần sau sẽ không được mời nữa.
Đó là một thực tế rất đáng buồn.
Bắt nguồn từ bệnh thành tích
Những luận án tiến sĩ “không xứng tầm” đang khiến dư luận bức xúc về chất lượng đào tạo tiến sĩ hiện nay.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về nội dung này, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội) cho biết: “Qua theo dõi, tôi thấy các luận án mà dư luận phản ánh quả đúng là quá nhiều vấn đề băn khoăn. Bởi, theo quy định của Bộ Giáo dục và đào tạo có yêu cầu đối với luận án tiến sĩ phải có giá trị gia tăng tri thức khoa học ở lĩnh vực nghiên cứu, hoặc đề xuất ý tưởng giải pháp mới giải quyết những vấn đề trong tình hình thực tiễn. Nhưng với những đề tài như dư luận đã phản ánh vừa qua thì nhiều ý kiến chuyên gia đều đánh giá là không xứng tầm, giá trị đóng góp cho xã hội là một dấu hỏi lớn”.
Rõ ràng, một luận án muốn bảo vệ thành công thì nghiên cứu sinh phải học qua chương trình đào tạo và bảo vệ qua rất nhiều vòng, quy trình rất chặt chẽ. Thế mà vẫn để “lọt lưới” những luận án như vậy, chứng tỏ, công tác đào tạo và thẩm định của chúng ta đang có vấn đề”.
Phân tích về nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này, nữ Đại biểu cho rằng: “Chuyện không đảm bảo chất lượng của các luận án tiến sĩ, theo tôi, đầu tiên do bắt nguồn từ bệnh thành tích. Bởi vì, chúng ta cứ đua nhau chạy theo thành tích, nên mới nảy sinh ra nhiều vấn đề.
Đặc biệt, hiện nay, không chỉ xuất hiện bệnh thành tích trong môi trường giáo dục (tại các nhà trường), như lâu nay chúng ta vẫn đề cập, mà ngay cả trong các cơ quan hành chính cũng có hiện tượng này, đã có bằng cấp để đáp ứng yêu cầu công việc rồi, nhưng vẫn “chạy đua”, tậm niệm phải có bằng cấp cao hơn, cao hơn nữa. Tiếc là điều đó lại không xuất phát từ yêu cầu công việc.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga. (Ảnh: NVCC).
Chẳng hạn, như ở nhiều nước trên thế giới, bằng tiến sĩ chỉ tập trung cho giới nghiên cứu khoa học, hoặc giảng dạy ở bậc đại học trở lên. Tức là đối với những người cần thiết phải học lên cao, phải nghiên cứu sâu, thì sẽ làm luận án tiến sĩ. Còn lại, đối với các đối tượng khác, ví dụ như công tác trong các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp, thì bằng tiến sĩ nhiều khi không có nhiều ý nghĩa. Bởi vì, theo quy định bổ nhiệm, những học hàm, học vị đó không cần thiết.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, có một hiện tượng, người ta cứ ngầm hiểu với nhau rằng, càng bằng cấp cao càng tốt. Trong khi đó, có trường hợp, bằng tiến sĩ lại không liên quan gì đến công việc hằng ngày của người đi làm tiến sĩ. Chỉ vì quan niệm, “cứ có bằng cấp cao là oai”, nên mới tréo ngoe như vậy…
Và trong công tác bổ nhiệm cán bộ, nhiều khi cũng chạy theo điều đó. Thực tế, bổ nhiệm cán bộ thì phải dựa trên năng lực thực tế của con người; còn bằng cấp thì đương nhiên chỉ cần đáp ứng yêu cầu bổ nhiệm là được, không nhất thiết là phải có bằng cấp cao nhất. Bởi vì, bằng cấp cao nhất đôi khi cũng không liên quan gì đến công việc, và cũng chưa thể hiện rõ năng lực của con người”.
“Tôi cho rằng, xuất phát từ bệnh thành tích, nên dẫn đến rất nhiều người có nhu cầu, đi học, mà lại có chuyện, đã đi học tiến sĩ là phải bảo vệ thành công, luận án nào cũng hoàn thành xuất sắc. Thêm vào đó, việc đào tạo cũng tràn lan, không ít cơ sở lấy số lượng tiến sĩ đã đào tạo được như một sự đảm bảo về chất lượng…” – Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh.
Bên cạnh vấn đề tiêu cực nảy sinh từ học vị tiến sĩ, Tiến sĩ Lê Hồng Sơn (Nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật – Bộ Tư pháp) cũng chỉ ra, ngay cả đến vấn đề học hàm cũng đang bị lạm dụng: “Đáng lẽ, học hàm chỉ liên quan đến lĩnh vực đào tạo, chỉ dành cho những người tham gia công tác đào tạo tại cơ sở giáo dục, đào tạo. Nhưng có một hiện thực đáng buồn đó là rất nhiều người đi dạy “lấy vì”, dạy cho có, để chạy chọt lấy học hàm. Đây là “học giả” mà giả theo đúng nghĩa đen.
Video đang HOT
Thậm chí, những chức danh trong bộ máy hành chính cũng “đua nhau” lấy học hàm. Đó là một sự tệ hại rất đáng báo động, vì sẽ làm hỏng giáo dục ở trình độ cao”.
Có chuyện Chủ tịch hội đồng đề nghị cho điểm sát nhau?
Theo Tiến sĩ Lê Hồng Sơn, nguyên nhân khiến luận án tiến sĩ không có giá trị như dư luận đang phản ánh, do ngoài cách chọn đề tài của nghiên cứu sinh, còn do cách hướng dẫn và phê duyệt của người hướng dẫn và hội đồng khoa học.
Nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cũng không ngần ngại chia sẻ: “Tôi từng ngồi những hội đồng thẩm định tồn tại rất nhiều vấn đề, có cảm giác như các thành viên ngồi đó cho có, luận án nào cũng nói dăm câu ba điều rồi cho qua.
Thậm chí, còn có chuyện thế này: Một lần, tôi gặp trường hợp nghiên cứu sinh bảo vệ luận án mà còn không hiểu gì về nội dung đang bảo vệ, thậm chí quan niệm sai cơ bản, tôi cũng không hiểu vì sao vẫn qua được hết cấp nọ cấp kia để cho ra bảo vệ. Cho nên, tôi cho luận án ấy 4 điểm.
Tiến sĩ Lê Hồng Sơn chia sẻ, có tiêu cực trong chuyện đánh giá của hội đồng.
Lúc này, Chủ tịch hội đồng quay sang thuyết phục tôi thế này: ” Anh ơi, chỉ có những nghiên cứu sinh không nói sõi tiếng Việt thì mới cho đến điểm 7 là thấp nhất, còn lại là hội đồng cho 9 điểm trở lên… Thôi thì anh chấm điểm cho sát với hội đồng“… Đó, còn có chuyện như thế cơ mà!”.
“Cũng có một thực tế nữa vẫn còn tồn tại, đó là, nhiều thành viên được ngồi vào ghế hội đồng là do có sự “đôn lên”, nên có sự nương nhau, nể nhau, nhận tiền của nghiên cứu sinh, nên toàn cho điểm từ 9 phẩy trở lên.
Còn người trong hội đồng mà có tâm, trung thực, dám phản biện thực chất, thì lập tức lần sau sẽ không được mời nữa. Đó là một thực tế rất đáng buồn!” – Tiến sĩ Lê Hồng Sơn bày tỏ.
Thẩm định lại chỉ mang ý nghĩa đối phó
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga đánh giá: “Động thái Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ thẩm định lại các luận án tiến sĩ đang gây ồn ào dư luận, theo quan điểm của tôi là không có nhiều ý nghĩa, mà chỉ có tính chất trấn an dư luận.
Bởi công tác thẩm định vẫn được Bộ Giáo dục và Đào tạo làm thường xuyên, theo kế hoạch hằng năm với một tỉ lệ nhất định đối với các luận án được bảo vệ thành công.
Chẳng lẽ, trong công tác thẩm định thường xuyên đó, Bộ không phát hiện điều gì bất thường? Hay xác suất ngẫu nhiên những luận án được thẩm định đều là luận án tốt, còn các luận án dư luận phản ánh bị “lọt lưới”? Điều này rất khó tin khi năm nào cũng thẩm định không phát hiện bất thường nhưng khi dư luận lên tiếng lại thẩm định.
Bên cạnh đó, Bộ cũng chưa có thông báo rõ ràng về việc thẩm định xong thì phải làm gì tiếp theo, hay thẩm định xong để đó…
Và điều quan trọng nhất, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng không thể mãi chạy theo dư luận, cứ dư luận phản ánh đến đâu thì thẩm định lại đến đó. Bởi, dư luận cũng chỉ có thể phát hiện ra số ít luận án, tôi cho rằng, đây cũng chỉ là phần nổi của một tảng băng khổng lồ. Vậy còn những luận án mà người dân chưa có điều kiện tiếp cận thì sao? Một tháng, có bao nhiêu luận án tiến sĩ được bảo vệ thành công, dư luận cũng không thể tiếp cận hết 100% những luận án đó”.
Chính vì vậy, theo vị Đại biểu, điều cần nhất là các giải pháp để chấn chỉnh chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học: “Tôi cho rằng, điều đó không chỉ nằm ở sự thẩm định, mà cần có sự nhìn nhận, đánh giá thực sự nghiêm túc, có sự chấn chỉnh trong công tác đào tạo, công tác nghiên cứu khoa học, công tác thẩm định”.
“Để giải quyết được thực trạng này, chúng ta cần những giải pháp căn cơ, giải quyết được “gốc rễ” của vấn đề.
Khi có ý kiến về những luận án mà theo đánh giá của số đông là không xứng tầm, không đạt chất lượng, tôi đã đọc lại các văn bản quy định về chương trình đào tạo, đánh giá chất lượng. Có thể nói, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có một hệ thống văn bản khá chặt chẽ và đầy đủ để quy định về nội dung này.
Vậy hành lang pháp lý đã có, vấn đề nằm ở đâu? Vấn đề nằm ở khâu tổ chức, thực hiện không nghiêm. Nghĩa là những quy định này “chỉ nằm trên giấy”, chưa áp dụng được vào thực tiễn. Chính vì vậy, giải pháp căn cơ là phải thực hiện cho đúng, cho nghiêm, mà muốn vậy, phải gắn trách nhiệm cho cá nhân và tổ chức.
Tôi lấy ví dụ, đối với mỗi nghiên cứu sinh, có ít nhất một người hướng dẫn, và để bảo vệ thành công một luận án tiến sĩ, phải qua rất nhiều vòng khác nhau, mà vẫn để xảy ra tình trạng luận án tiến sĩ không đạt yêu cầu cũng được bảo vệ thành công, thì phải quy trách nhiệm rất lớn cho người hướng dẫn và cả hội đồng. Không thể để tình trạng, ai làm nghiên cứu sinh cũng bảo vệ thành công, ai cũng được đánh giá tốt và xuất sắc, đó là một việc cực kỳ vô trách nhiệm với nền giáo dục đào tạo, với nền học thuật nước nhà.
Để những luận án không chất lượng như thế được bảo vệ thành công, vô tình còn “bóp chết” cả những công trình khoa học nghiêm túc. Bởi vì, có một sự đánh đồng, như một sự xúc phạm đối với những người học hành và nghiên cứu chân chính.
Đồng thời, sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định, thấy những luận án không đảm bảo chất lượng, thì không chỉ có hình thức xử lý với nghiên cứu sinh đó, mà phải quy trách nhiệm của cả cá nhân người hướng dẫn, các thành viên trong hội đồng thẩm định, và của cả cơ sở đào tạo. Phải làm thật kiên quyết, thì mới hy vọng sau này, có sự nghiêm túc thực sự đối với việc đào tạo tiến sĩ và công tác nghiên cứu khoa học” – Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề cập.
Nghịch lý bảo vệ luận án TS: Quy trình chặt chẽ nhưng vẫn lọt đề tài có 'vấn đề'
Theo Giáo sư Đỗ Thanh Bình, để tránh xảy ra những sai sót không đáng có đối với luận án tiến sĩ thì các cơ sở đào tạo giáo dục nên làm chặt chẽ ngay từ bước đầu.
Những ngày gần đây, giới học thuật và dư luận xôn xao về luận án tiến sĩ có tên "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La".
Nhiều nhà khoa học cho rằng những luận án tiến sĩ không xứng "tầm", không thể hiện rõ được nội dung khoa học như trên là thực tế không lạ trong nền giáo dục đại học Việt Nam hiện nay. Ngay sau đó, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin tới dư luận rằng với những luận án có phản ánh và có ý kiến của dư luận, Bộ sẽ tiến hành thẩm định theo đúng quy chế hiện hành.
Cần thu hồi những luận án không đủ "tầm"
Để nhìn nhận kỹ hơn về vấn đề này, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Đỗ Thanh Bình - nguyên Trưởng Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, đối với những đề tài không đủ "tầm", không có hàm lượng khoa học cao, không đem lại tính ứng dụng cho xã hội thì sau quá trình hậu kiểm cần phải thu hồi lại.
Tất nhiên, có thể có những trường hợp đã bảo vệ thành công luận án và được công nhận tiến sĩ, tuy nhiên khi hậu kiểm phát hiện đề tài có vấn đề, luận án của nghiên cứu sinh không đạt thì áp dụng theo đúng quy chế tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ đó là thu hồi văn bằng này.
Giáo sư Đỗ Thanh Bình - nguyên Trưởng Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (ảnh: NVCC)
Theo Giáo sư Đỗ Thanh Bình, để tránh xảy ra những sai sót không đáng có, các cơ sở đào tạo giáo dục nên làm chặt chẽ ngay từ bước đầu.
Trước tiên, nghiên cứu sinh đề xuất đề tài, người hướng dẫn có nhiệm vụ đánh giá xem xét nhiều yếu tố, đề tài có khả năng phát triển được không. Sau đó, nghiên cứu sinh tiến hành làm đề cương sơ bộ để đưa ra bộ môn giống như 'hội đồng hẹp' của chuyên ngành đó.
Thứ hai, khi được 'hội đồng hẹp' thông qua thì đăng ký đề tài với cơ sở đào tạo.
Thứ ba, nghiên cứu sinh hoàn thành luận án phải đưa luận án cho những người trong bộ môn, chuyên ngành đó đọc từ ít nhất một tuần đến nửa tháng. Đọc xong, họ mang luận án đó ra tổ bộ môn thảo luận kỹ các vấn đề như nội dung khoa học, ý nghĩa đề tài, cấu trúc triển khai,..
Ngoài ra, luận án sẽ được đưa đến ít nhất 2 người phản biện kín thẩm định lại. Nếu trong 2 người có 1 người kết luận thông qua và người còn lại không thông qua thì luận án sẽ được gửi đến người thứ 3. Sau khi thảo luận và góp ý, nghiên cứu sinh tiếp thu, chỉnh sửa lại và hoàn thiện.
Thứ tư, nghiên cứu sinh chỉnh sửa xong, cơ sở đào tạo có nhiệm vụ thành lập một hội đồng gồm 7 thành viên hay còn gọi là bảo vệ luận án ở cấp bộ môn. Hội đồng đó sẽ xem xét, đưa ra những góp ý, nhận xét về nội dung và hình thức để nghiên cứu sinh chỉnh sửa. Trường hợp đưa đề tài ra cấp cơ sở và hội đồng đánh giá không đạt yêu cầu, khi đó bắt buộc phải làm lại luận án.
Thứ năm, khi chỉnh sửa xong, thầy hướng dẫn báo cáo cơ sở đào tạo để cơ sở bố trí, sắp xếp một hội đồng khác có thể là cấp trường, cấp viện gồm 7 thành viên, 3 phản biện. Họ căn cứ vào điều 20, Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về quy trình đào tạo tiến sĩ xem xét luận án có đạt yêu cầu không.
Nghịch lý: Quy trình chặt chẽ nhưng vẫn để lọt những luận án có "vấn đề" ?
Nguyên Trưởng Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhấn mạnh, quá trình để bảo vệ thành công một luận án tiến sĩ rất kỳ công.
Vây nhiều người thắc mắc, trải qua một quy trình chặt chẽ như vậy thì tại sao vẫn để lọt những luận án tiến sĩ được coi là "không đủ tầm", "phạm vi hẹp", "không mang tính khoa học" và "không có tính thực tiễn cao" như luận án "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La".
Lý giải vấn đề trên, Giáo sư Đỗ Thanh Bình cho rằng: "Tôi thấy tên đề tài không xứng đáng là tên của một đề tài luận án tiến sĩ. Trước đây, có đề tài tên 'Tắm giặt tập trung cho các quân đoàn đóng quân phía Bắc' gây xôn xao dư luận thì đề tài cầu lông này cũng vậy.
Để có thể trở thành một luận án tiến sĩ thực thụ thì ít nhất đề tài phải đáp ứng được hai yếu tố: hàm lượng khoa học cao và có tác động tới xã hội.
Trải qua quá trình bảo vệ chặt chẽ như vậy nhưng vẫn để lọt những luận án không đủ "tầm" như trên thì tôi thấy hội đồng từ cấp cơ sở cho đến hội đồng cấp trường, viện rất dễ dãi hoặc có sự nể nang. Đã ngồi vào vị trí hội đồng bảo vệ luận án tiến sĩ thì phải là những người có trình độ chuyên môn cao, họ biết đề tài có vấn đề nhưng lại dễ dãi cho qua. Đây là vấn đề cần phải lên án.
Từ đấy, nhiều hệ lụy kéo theo như chất lượng tiến sĩ không được đảm bảo, uy tín của bản thân hội đồng đó cũng bị ảnh hưởng. Nếu trường hợp hậu kiểm lại và phát hiện luận án đó không đạt yêu cầu thì coi như 3-4 năm học của nghiên cứu sinh coi như vô ích. Chính vì vậy, hội đồng cần làm đúng trách nhiệm ngay từ đầu để tránh những hậu quả không đáng có về sau".
Giáo sư Đỗ Thanh Bình chia sẻ thêm: "Quá trình hậu kiểm luận án vẫn diễn ra thường xuyên, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định mỗi cơ sở giáo dục sẽ có khoảng 20 - 30% những luận án được rút ngẫu nhiên đem đi thẩm định lại. Những luận án này phải xóa hết thông tin từ tên tác giả đến người hướng dẫn, sau đó gửi cho 2 nhà khoa học độc lập thẩm định lại từ tên đề tài, nội dung và hình thức".
Tôi chưa thấy trường hợp nào 'chạy', 'lót tay' để bảo vệ luận án TS ở Đài Loan Tiến sĩ Trần Thị Lan cho biết, ở Đài Loan, người học tiến sĩ không nhiều vì thi khó, học khó, đầu ra khó. Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Trần Thị Lan, giảng viên Đại học Quốc gia Cao Hùng (Đài Loan) cho biết: "Tôi từng có thời gian học tiến sĩ ở Đại học...