Tôi thất vọng vô cùng vì giáo viên vẫn phải soạn giáo án theo mẫu 5512
Theo nội dung bồi dưỡng module 4, việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục đối với khối lớp 10 được thực hiện theo công văn 5512 từ năm học 2022-2023.
Ảnh minh họa
Ngày 30/9/2021, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh ban hành công văn số 2618/SGDĐT-TCCB về triển khai bồi dưỡng Module 4 Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho giáo viên trung học phổ thông, cán bộ quản lí cơ sở giáo dục phổ thông đại trà năm 2021.
Tìm hiểu nội dung module 4 trên trang web “Bồi dưỡng giáo viên phổ thông và cán bộ quản lí cơ sở giáo dục phổ thông” của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tôi được biết kế hoạch bài dạy (giáo án) theo công văn 5512/BGDDT-GDTrH vẫn được dùng cho lớp 10 từ năm học 2022-2023.
Các kế hoạch đều thực hiện theo Công văn 5512
Mục 1.3 nội dung 1 (module 4) “Xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh” ghi rõ (trích):
Trong các năm học tới trường trung học phổ thông sẽ có khối lớp thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 (khối lớp 10 năm học 2022-2023), có khối lớp vẫn thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006 (khối lớp 11, 12 năm học 2022-2023).
Vì vậy đối với khối lớp 10 việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường được thực hiện theo Công văn 5512/BGDDT-GDTrH ngày 18/12/2020.
Nội dung bồi dưỡng modul 4 (Ảnh chụp màn hình do tác giả cung cấp)
Tổ chuyên môn dựa vào khung kế hoạch thời gian thực hiện chương trình (đã thực hiện ở bước 1) xây dựng kế hoạch dạy học (tham khảo phụ lục 1 Công văn 5512) và kế hoạch giáo dục của tổ bộ môn (tham khảo phụ lục 2 Công văn 5512).
Tổ chuyên môn phân công cụ thể nhiệm vụ của các giáo viên trong tổ. Giáo viên được phân công cần chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục cá nhân nhằm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao (tham khảo phụ lục 3 Công văn 5512).
Căn cứ vào đó, cụ thể từng giáo viên sẽ xây dựng kế hoạch bài dạy để thực hiện hoạt động lên lớp hiệu quả (tham khảo phụ lục 4 Công văn 5512).
Như vậy, giáo viên vẫn phải dựa vào phụ lục 1, 2, 3, 4 của Công văn 5512 để xây dựng các kế hoạch theo hướng dẫn của module 4.
Video đang HOT
Vì sao giáo viên ngán soạn giáo án theo Công văn 5512?
Thứ nhất, giáo án 5512 xây dựng bài học theo 4 bước khiến giáo viên rối bời. Cụ thể, bài giảng gồm các hoạt động: xác định vấn đề, nhiệm vụ học tập; hình thành kiến thức mới; luyện tập và vận dụng. Trong đó, ở phần hoạt động, văn bản trên đưa ra các bước: giao nhiệm vụ học tập, thực hiện nhiệm vụ, báo cáo thảo luận và kết luận đánh giá.
Ngày 5/6/2021, Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam dẫn lời ông Nguyễn Xuân Thành – Vụ trưởng Vụ giáo dục trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, “kịch bản” tổ chức các hoạt động trong bài học là rất ngắn gọn.
Nếu giáo viên xác định trúng vấn đề thì chỉ cần khoảng 2 -3 trang/tiết; một bài 2 tiết thì Kế hoạch bài dạy chỉ khoảng 3-5 trang; không thể dài hàng chục trang như một số thầy, cô đã làm, phản ánh.
Thế nhưng, kế hoạch bài dạy “Nghị luận về một vấn đề xã hội” của module 4 minh họa cho giáo viên trung học phổ thông dài đến 9 trang, cỡ chữ 10,5 ( xem tại đây ) .
Thứ hai, các kế hoạch theo hướng dẫn của Công văn 5512 có sự chồng chéo lẫn nhau. Cụ thể, nhà trường phải thực hiện 4 kế hoạch, đó là: Kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn; Kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục; Kế hoạch giáo dục của giáo viên trong năm học; Kế hoạch bài dạy (giáo án).
Thực tiễn soạn giáo án theo Công văn 5512 cho thấy, Kế hoạch giáo dục của giáo viên không cần thiết vì chồng chéo với 3 kế hoạch còn lại. Các yêu cầu: tên bài học, số tiết, thời điểm; thiết bị dạy học, địa điểm dạy học đều có trong Kế hoạch bài dạy (giáo án) nên cần bỏ Kế hoạch giáo dục của giáo viên trong năm học.
Thứ ba, từ khi Bộ Giáo dục ban hành Công văn 5512 thì chợ giáo án rất nhộn nhịp trên mạng xã hội. Theo tìm hiểu của cá nhân người viết, rất nhiều giáo viên mua giáo án này không phải nhằm mục đích học hỏi mà chỉ đối phó với lãnh đạo khi được kiểm tra hồ sơ, sổ sách.
Điều đáng nói là, năm học 2020-2021 và 2021-2022 nhiều tỉnh thành yêu cầu giáo viên bậc phổ thông soạn giáo án theo Công văn 5512 nên thầy cô không dám làm khác. Bởi, Điều lệ trường phổ thông ban hành kèm theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT, Điều 20 quy định: hệ thống hồ sơ quản lý hoạt động giáo dục đối với giáo viên có Kế hoạch bài dạy (giáo án).
Thay lời kết
Ngày 23/6/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH triển khai thực hiện chương trình giáo dục trung học cho năm học 2021-2022.
Theo đó, năm học 2021-2022, các cơ sở giáo dục trung học thực hiện đồng thời chương trình giáo dục phổ thông 2018 với lớp 6 và chương trình giáo dục phổ thông 2006 với các lớp 7 đến lớp 12.
Tại Công văn này, Bộ Giáo dục hướng dẫn cụ thể về việc giáo viên các cấp soạn giáo án theo mẫu mới như sau:
- Với lớp 6: Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường theo Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH ngày 18/12/2020, các phụ lục ban hành kèm Công văn 5512 được sử dụng để tham khảo trong việc xây dựng kế hoạch dạy học, kế hoạch giáo dục và soạn giáo án.
- Với lớp 7 – 12: Thực hiện kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện thực tiễn; giáo án của giáo viên được soạn theo chương trình cũ của các năm học trước đó.
Như vậy, theo Công văn 2613, chỉ giáo viên dạy lớp 6 mới áp dụng hướng dẫn của Công văn 5512 từ năm học 2021-2022. Đồng thời, mẫu giáo án mới ban hành kèm Công văn 5512 cũng chỉ mang tính tham khảo thay vì “bắt buộc” tất cả các giáo viên phải thực hiện như Công văn 5512 đã từng yêu cầu.
Đáng chú ý, trong phần Tổ chức thực hiện của Công văn 5512 cho biết, trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc báo cáo về Bộ Giáo dục (qua Vụ Giáo dục Trung học) để được hướng dẫn giải quyết.
Thực tế, giáo viên cả nước gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại khi soạn giáo án theo Công văn 5512 như tôi đã trình bày phần trên. Thế nhưng, để chuẩn bị thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho lớp 10, Bộ Giáo dục vẫn hướng dẫn giáo viên xây dựng các kế hoạch (module 4) theo Công văn số 5512.
Vậy nên, được biết giáo án 5512 vẫn được dùng cho lớp 10, tôi thất vọng vô cùng! Và chắc chắn giáo viên dạy bậc phổ thông trên khắp cả nước cũng cùng chung tâm trạng này.
Tài liệu tham khảo:
https://hcm.edu.vn/thong-bao/tin-khan-ve-viec-trien-khai-boi-duong-mo-dun-4-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong/ctfull/41012/67255
https://taphuan.csdl.edu.vn/learn/learn/78598068-69638721-69638721/63154894-63163611-1/mo-dun-04-gvpt-mon-ngu-van-thpt.html
https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/vu-truong-vu-giao-duc-trung-hoc-giai-thich-mau-giao-an-5512-va-thu-cong-tac-post218343.gd
https://luatvietnam.vn/giao-duc/cong-van-2613-bgddt-gdtrh-2021-thuc-hien-chuong-trinh-giao-duc-trung-hoc-2021-2022-204323-d6.html
https://luatvietnam.vn/giao-duc/cong-van-5512-bgddt-gdtrh-2020-to-chuc-thuc-hien-ke-hoach-giao-duc-cua-nha-truong-204324-d6.html
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Soạn giáo án: Cần sự linh động, sáng tạo của người thầy
Cùng với nghiên cứu SGK, trong hè này, nhiều giáo viên đảm nhận giảng dạy lớp 6 Chương trình GDPT 2018 bắt đầu soạn giảng giáo án, chuẩn bị cho năm học mới.
Một tiết học của HS Trường THCS Chu Văn An (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng).
Công văn 2613 của Bộ GD&ĐT được xem đã "gỡ nút thắt" cho giáo viên trong bước soạn bài. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, với chương trình lớp 6, giáo viên vẫn cần tham khảo thêm các hướng dẫn của Bộ GD&ĐT trước đó.
Độ mở cần thiết
Sau khóa tập huấn Modun 4 về kế hoạch dạy học cho giáo viên cốt cán, cô Nguyễn Thị Đô - Tổ trưởng Tổ Ngữ văn, Trường THCS Nguyễn Huệ (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) đã soạn thử tổng cộng 6 tiết dạy theo hướng dẫn tại Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH (hướng dẫn việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường).
"Nếu so với cách soạn dạy của chương trình hiện hành, các kế hoạch bài dạy theo hướng dẫn công văn 5512 về hình thức rất cồng kềnh, dài dòng và nặng nề. Giáo viên vẫn hiểu rằng, mỗi hoạt động như vậy đều phải xác định rõ mục tiêu, cách thức để tiến hành. Chúng tôi đồng tình với quan điểm này nhưng cứ lặp đi lặp lại rất nặng nề cho GV. GV soạn cho mình dạy nên họ biết mỗi hoạt động hướng đến mục tiêu gì, chứ không phải soạn cho người khác dạy mà phải chỉ dẫn tỉ mỉ", cô Nguyễn Thị Đô chia sẻ.
Chung nhận xét, thầy Nguyễn Văn Tuấn, Tổ trưởng chuyên môn tổ Sử, Địa (Trường THCS Nguyễn Huệ, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cho rằng: "Phụ lục 4 của Công văn 5512 quy định giáo viên phải thiết kế các hoạt động giáo dục, trong đó mỗi hoạt động bao gồm 4 mục: Mục tiêu, nội dung hoạt động, sản phẩm của học sinh và tổ chức thực hiện. Điều này dẫn đến sự chồng chéo, trùng lắp. Mỗi hoạt động phải xây dựng 4 mục. Nếu một tiết dạy có 4 hoạt động sẽ có 16 mục. Đúng các trình tự như vậy, giáo án của một tiết dạy phải mất ít nhất từ 6 - 8 trang. So với soạn giảng truyền thống, nó mang tính hình thức nhiều hơn. Và ở một góc độ nào đó, không còn đất cho giáo viên sáng tạo".
Khi nghiên cứu Công văn 2613, cô Đô thấy "mình và đồng nghiệp thở phào". Các phụ lục kèm theo Công văn 5512 được sử dụng để tham khảo. Như vậy, giáo viên có một độ "mở" để sáng tạo, không bị gò bó vào khuôn mẫu. "Giáo án bao giờ cũng có một khoảng trống dành cho những tình huống phát sinh trong thực tế của một tiết dạy mà khi soạn, giáo viên không thể lường hết được", cô Đô nói.
Còn thầy Tuấn cho rằng: "Theo nội dung Công văn 2613, phụ lục chỉ mang tính chất tham khảo, giáo viên dựa vào đó để áp dụng vào việc soạn giảng để tiết dạy có chất lượng. Điều này sẽ giúp giáo viên linh hoạt, chủ động và vận dụng sáng tạo hơn".
HS Trường THCS Nguyễn Huệ tham gia hoạt động ngoại khóa về biển đảo. Ảnh: TG
Uyển chuyển trong vận dụng
Trong năm học 2020 - 2021, Trường THCS Chu Văn An (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) tổ chức tập huấn cho giáo viên tiến trình soạn giảng theo Công văn 5512. Cô Lê Thị Hoàng Chinh - Hiệu trưởng nhà trường nhận xét: "Công văn 5512 nêu rất chi tiết các bước soạn giảng. Về bản chất nó cũng giống như giáo án cũ, nhưng chi tiết hơn. Hoạt động dạy học theo hướng phát triển năng lực học sinh, giáo án theo mẫu này cho thấy giáo viên giao những nhiệm vụ gì, học sinh làm những công việc gì. Soạn giáo án dài hay ngắn là tùy cách giáo viên tiếp cận, có người muốn giáo án dài, đồng nghiệp khác muốn giáo án phải chi tiết".
Vì vậy, Trường THCS Chu Văn An hướng dẫn giáo viên: Những nội dung nào SGK đã có rồi thì không cần đưa vào. Nhưng nội dung kiến thức dạy học cần ghi cụ thể, giáo viên tổ chức các hoạt động dạy học gì, học sinh làm nhiệm vụ gì, làm như thế nào, sẽ ra sản phẩm ra sao phải có hướng dẫn cụ thể.
"Soạn giảng theo Công văn 5512 thực ra không nặng nề đến mức như một số phản ảnh trên các phương tiện truyền thông. Vấn đề là phải vận dụng linh hoạt. Mỗi hoạt động đều có 4 mục, gồm mở đầu, giải quyết vấn đề, luyện tập rồi vận dụng. Vận dụng thì không phải tiết nào cũng có. Vận dụng vào thực tiễn thì có tiết làm được có tiết phải ra bài về nhà, giao việc cho học sinh.
Ba hoạt động còn lại, mỗi hoạt động phải thể hiện rõ nội dung dạy học là cái gì, mục tiêu là gì. Nếu viết mục tiêu chung cho cả bài rồi thì mục tiêu cụ thể có thể ngắn gọn hoặc không cần viết. Nhưng nội dung dạy học phải có ít nhất một vài dòng, tức là kiến thức chính của ngày đó. Giáo viên nhận xét đánh giá học sinh như thế nào và học sinh được giao nhiệm vụ gì... Những hoạt động này có thể tích hợp trong 1 cột cũng được, 2 cột cũng được không cần phải rạch ròi từng phần một. Có thể để kiến thức và sản phẩm cùng ở 1 cột" - cô Chinh dẫn chứng.
Theo cô Lê Thị Hoàng Chinh, phụ lục là kế hoạch của tổ chuyên môn. Thành viên trong tổ phải nắm được trong khối 6 dạy những kiến thức gì nên phải liệt kê hết ra chứ không phải dạy hôm nào biết hôm đó. Vì vậy, phụ lục là bắt buộc. Giáo án thì tùy theo quan điểm của mỗi giáo viên để khi nhìn vào thấy dễ hiểu, tuy nhiên không thể thiếu những mục như Công văn 5512 đề xuất, dù chỉ để mang tính tham khảo.
Lý giải về điều này, cô Chinh cho biết: "Không kiểm tra giáo viên trên giáo án nhưng ít nhất, nhìn giáo án có thể hình dung được giáo viên dạy như thế nào. Nếu không đổi mới sẽ lặp đi lặp lại cái cũ, không thể hiện được tiết dạy diễn biến ra sao, các hoạt động dạy học trong một tiết học tổ chức thế nào. Giáo viên không thể lặp lại 7 hoạt động trong một tiết dạy. Trong thực tế, một số hoạt động có thể tích hợp với nhau thành đơn vị kiến thức. Và đây là sự sáng tạo, linh hoạt của giáo viên trong soạn giảng và tổ chức dạy học chứ không hề triệt tiêu sự sáng tạo".
Nhiều giáo viên cho rằng, soạn giáo án là cho chính bản thân sử dụng, chứ không phải là để đối phó. Giáo án có thể tinh gọn, súc tích, dễ hiểu nhưng phải rõ ràng các hoạt động: Dạy học thế nào, học sinh học ra sao, giáo viên đánh giá nhận xét thế nào... phải mô tả cụ thể ở trong đó.
Sinh hoạt tổ chuyên môn - chìa khóa tạo nên chất lượng tiết học trực tuyến Khi ngành GD&ĐT chuyển trang thái, xác định học trực tuyến là giải pháp ổn đinh, lâu dài trong giai đoạn dịch bệnh Covid- 19 có diễn biến phức tạp, khó lường như hiện nay thì chất lượng dạy - học online rất được coi trọng. Để tạo nên điều này, vai trò sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn của các thầy cô...