Tôi chuẩn bị hành trình cho con tự kỷ vào lớp 1 từ lúc học mẫu giáo
Cũng như bao mẹ Vip khác, tôi cũng mong con mình có thể vào học lớp 1 đúng độ tuổi như các bạn. Tuy nhiên, việc chuẩn bị hành trình cho con tự kỷ vào lớp 1 gian nan gấp bội đứa trẻ bình thường.
Vì vậy, các mẹ cho con can thiệp càng sớm càng tốt, cùng với đó là chuẩn bị hành trang cho con vào lớp 1 cũng không thể chậm trễ ngày nào.
Ngày cuối tuần con đi công viên giao lưu với các bạn nhiều lứa tuổi
Ngay khi phát hiện con có dấu hiệu bất thường từ lúc 18 tháng tuổi, nhưng phải đến khi con 2 tuổi, tôi mới đưa con đi can thiệp riêng với cô giáo chuyên biệt vào các buổi tối.
Ban ngày, tôi cho con đi học lớp mầm non bình thường, để mong con có thể học ở các bạn bình thường nhanh hơn. Tuy nhiên, khi theo dõi qua camera của lớp và nhiều lần chứng kiến những giờ học tập thể của lớp, con chỉ hoạt động ở thế giới riêng ở góc lớp, cho dù đó là giờ học nào, là hoạt động vui chơi, ăn uống hay nghỉ ngơi của lớp. Thậm chí, có nhiều giờ học, cô chỉ sểnh ra một cái là con đã chạy vụt ra cửa lớp, lang thang ở hành lang hoặc trong sân trường, khiến bao phen các cô giáo phải thót tim, hụt hơi đi tìm con.
Ngoài những giờ học, con được đi công viên để sớm nhận biết mọi thứ xung quanh
Tôi cũng xót xa và vô cùng lo lắng khi khó hoà nhập với môi trường mầm non bình thường, nhưng tôi nghĩ, nếu con không thể hoà nhập được với mọi hoạt động của lớp, không hoà nhập được với các bạn thật nhanh thì con chắc chắn không thể vào lớp 1 đúng độ tuổi. Tôi nghĩ, chỉ cần con biết phân biệt đâu là cô giáo, đâu là mẹ, nghĩa là con có chút nhận thức, thì chúng ta hoàn toàn có thể giúp con hoàn thiện dần những thứ còn khuyết thiếu trong con.
2 tuổi, con tôi không có ngôn ngữ, chữ “ạ” con cũng chưa thể bật ra được, con tăng động nhiều và không có nhận thức. Vậy để con có thể đi học lớp 1, trước hết con cần phải giảm sự tăng động ở mức thấp nhất. Nghĩa là trước khi con học được cái chữ, hiểu biết bài giảng, thì con phải ngồi yên một chỗ đến hết giờ học, hoặc ngồi yên hết chờ tập trung chào cờ, ngày lễ ở trường theo quy định.
Để rèn cho con ý thức kỷ luật ở lớp, tôi đã nhờ cô giáo chuyên biệt kèm con ngay từng buổi học ở giờ học của lớp mẫu giáo 3 tuổi. Bởi tôi thấy, cứ khi có cô giáo chuyên biệt ngồi cạnh thì con ngồi yên, khi cô chuyên biệt chưa tới, thì cô chủ nhiệm có nhắc nhở, quát phạt kiểu gì con vẫn bỏ ghế chạy ra góc lớp chơi 1 mình. Tôi và cô giáo chuyên biệt cùng bàn bạc, nhờ cô giúp con ngồi yên tại hàng ghế quy định được 10 phút mỗi giờ học. Sau đó, tuần sau tăng lên 15 phút, các buổi học sau đó cô chuyên biệt cứ tăng dần cho con ngồi yên 1 chỗ đến 20 phút, 30 phút, 45 phút và thậm chí là 1 giờ.
Video đang HOT
Giao lưu với các trẻ nhiều lứa tuổi cũng là cách giúp con hoà nhập nhanh với thế giới xung quanh
Lúc ấy, tôi chỉ nhờ cô giáo chuyên biệt giúp con rèn ý thức tại lớp, chưa cần quan tâm con học được gì ở giờ học đó, dù là vẽ, là bài hát, hay những bài học nhận biết màu sắc, âm thanh… Tất cả nội dung bài giảng của lớp mẫu giáo sau đó đã được cô giáo chuyên biệt đưa con về phòng học chuyên biệt để dạy kèm 1 mình con thêm về kiến thức bài học trên lớp cộng đồng.
Cứ như vậy từng ngày, từng tuần, từng tháng năm tôi và cô giáo kiên trì trao đổi, phối hợp ở nhà và ở lớp để giúp con không bỏ lỡ 1 nhịp nào trong hành trình tiến vào lớp 1.
Càng lên lớp mẫu giáo 4 tuổi, 5 tuổi, càng phải rèn con vào nền nếp học, càng phải giúp con nhận thức về thế giới xung quanh, nhận biết con số, chữ cái bằng nhiều cách khác nhau. Cứ phương pháp này con không nhận thức được, không nhớ được, thì tuần sau tôi và cô giáo chuyên biệt lại bàn bạc, nghiên cứu và thay đổi cách khác để làm sao con dễ nhớ, dễ học và con dần nhận thức tốt hơn.
Để con bớt tăng động, tôi không dùng bất cứ một viên thuốc nào cho con. Bởi bất cứ loại thuốc nào cũng có tác dụng phụ của nó, trong khi con Vip của chúng ta hạn chế nhận thức nên mới có những biểu hiện, hành vi khác người. Con không thể tự nhận thức được mọi sự việc xung quanh, vì vậy chúng ta cần giúp con nhận thức được mọi hành vi, biểu hiện của con với mọi hoạt động thường ngày như: đâu là nguy hiểm khi con cắm đầu chạy về phía trước, đâu là chưa đúng khi con lăn ra đất ăn vạ, khóc lóc khi không đạt được ý muốn của mình, đâu là nước nóng sẽ bị bỏng tay… Tôi cùng các cô giáo kiên trì giúp con mỗi ngày, đến khi con có thể ngồi yên để theo một giờ học tại lớp mẫu giáo lớn cùng các bạn.
Về nhận thức, từ lớp mẫu giáo 4 tuổi, con bắt đầu học thêm chữ cái và con số. Nhưng con hay nhại lại lời cô, chứ không tự nói được. Cô cứ dạy nhiều lần, bằng nhiều hình ảnh để con chụp lại trong trí nhớ tốt hơn. Đến lớp mẫu giáo 5 tuổi, con bắt đầu học về bảng cộng chữ số trong phạm vi 10 và bắt đầu tập tô nét chữ, ghép chữ 2 có 2 vần đơn giản như: ba, bà, ông, mẹ, bố, chị… Và học viết chính tên của con, những từ ngữ đó gắn bó với con hàng ngày, nên con dễ hiểu, dễ nhớ.
Lớp 4 hiện nay, con đã tự ngồi học ở lớp rất ngoan, nhận thức chắc khoảng 60% kiến thức cơ bản của chương trình giáo dục
Khi con đã rèn được ý thức ngồi 1 chỗ theo giờ học của cấp tiểu học, hành vi đánh bạn, biểu hiện ăn vạ, tăng động của con cũng bớt dần. Dù vẫn còn nghi ngại, nhưng tôi vẫn quyết định cho con theo vào lớp 1 học cùng các bạn. Dù đã chuẩn bị rất sớm mọi hành trang cho con vào tiểu học, nhưng ở môi trường mới, con vẫn bộc lộ khá nhiều biểu hiện, hành vi chống đối các cô giáo mới trong giờ học, con không chịu viết bài, ăn vạ… Tôi tiếp tục cho cô giáo chuyên biệt đến kèm con tại trường tiểu học, giúp con tiếp tục hoàn thiện mọi hành vi và nhận thức các bài giảng của lớp 1.
Bởi cách dạy của cô giáo tiểu học cho các bạn bình thường là khá nhanh và đơn giản, nên con Vip không thể nhận thức, tư duy kịp bài giảng. Con không hiểu bài sẽ nhanh chán, sẽ chống đối lại việc ngồi yên trong giờ học, làm ảnh hưởng đến các bạn khác. Vì vậy, có cô giáo đi kèm sẽ vừa giúp con ổn định hành vi, vừa hỗ trợ con theo cách riêng của mình để giải thích lại mọi kiến thức mà cô chủ nhiệm đang dạy các bạn trong lớp.
Cô chuyên biệt kèm chặt con trong 2 năm đầu tiểu học là lớp 1 và lớp 2, khi con đã hoà nhập tốt hơn với các bạn cùng lớp, thì năm lớp 3, rồi lớp 4 hiện nay, con đã tự ngồi học ở lớp rất ngoan, nhận thức chắc khoảng 60% kiến thức cơ bản của chương trình giáo dục. Dù đôi lúc có những việc không đúng ý của con, con vẫn chống đối, nhưng ngay khi được cô giáo bộ môn và các bạn trong trường giúp đỡ, nhắc nhở, con đã nhận ra mình sai và biết hứa để sửa, biết xin lỗi các bạn và cô giáo khi làm việc gì chưa đúng.
Tôi cho rằng, chỉ cần con bạn có nhận thức, dù là rất nhỏ thì cũng là tia hy vọng để các mẹ tiếp tục kiên trì, không bỏ cuộc, không hoang mang, mà hãy hỗ trợ con từng ngày, từng việc nhỏ nhất trong mọi sinh hoạt hàng ngày, để con hoàn thiện dần bản thân. Chúng ta là cha mẹ Vip, nên hãy xác định sẽ đồng hành cùng con cả cuộc đời, nên trước khi mong cho con bằng bạn bè, chúng ta sẽ là người thương yêu và hiểu các con mình nhất. Bởi khi hiểu con rồi, bạn sẽ dễ dàng chia sẻ, hỗ trợ cùng các cô giáo giúp đỡ con mỗi ngày trong hành trình hoà nhập với cuộc sống./.
Chuyện chưa biết về cô giáo xây dựng phần mềm hỗ trợ trẻ tự kỷ
Đối với cô Nguyễn Thị Bích Diệp, trường Tiểu học Tân Mai, quận Hoàng Mai (Hà Nội), 20 năm dạy trẻ tự kỷ đã chất chứa bao nhiêu niềm vui, nỗi buồn cùng những trăn trở.
Vì vậy, cô đã tự nghiên cứu và xây dựng phần mềm chuyên hỗ trợ trẻ tăng động, trẻ tự kỷ để nâng cao nhận thức, hòa nhập với cộng đồng.
Con đường chông gai
Ít ai biết, từ ngày còn là sinh viên khoa Giáo dục Tiểu học, trường Đại học Sư Phạm Hà Nội 2, cô giáo Nguyễn Thị Bích Diệp đã làm gia sư dạy kèm một trẻ tự kỷ. Khi ra trường, cô cũng dạy một trẻ tự kỷ khác.
Lúc này, nhiệm vụ hằng ngày của cô là dạy trẻ luyện viết và không để ảnh hưởng đến lớp học.
Cô Nguyễn Thị Bích Diệp.
Cô Diệp cho biết: Vì đam mê, lòng yêu trẻ nên tôi lựa chọn con đường chông gai hơn nhiều đồng nghiệp khác, đó là chăm sóc, dạy dỗ trẻ em tự kỷ, trẻ mắc chứng tăng động, giảm tập trung. Trong quá trình dạy học, tôi nhận thấy ngày càng nhiều trẻ khó hòa nhập, làm sao bản thân tìm ra phương pháp để giúp những học sinh (HS) này phát triển bình thường, sớm hòa nhập.
Ra trường vào dạy ở trường Tiểu học Vĩnh Hưng và khi sang trường Tiểu học Tân Mai công tác, tôi luôn áp dụng nhiều cách như dạy học bằng tranh ảnh, bằng thẻ chữ, bằng trực quan sinh động... nhưng kết quả không được như mong muốn. Không thể bỏ mặc HS, tôi say mê tìm tòi, nghiên cứu và tự thiết kế một phần mềm dạy học cho trẻ khó hòa nhập. Khi xây dựng phần mềm, tôi cũng đã tìm hiểu kỹ càng về tâm sinh lý và nhận thức của trẻ.
Ngoài thời gian giảng dạy tại trường, cô Diệp thường xuyên đến các Trung tâm hỗ trợ trẻ tự kỷ của các Tổ chức Phi Chính phủ để trò chuyện với trẻ; Tham gia nhiều khóa học về trẻ tự kỷ của Mỹ, Úc và Trung Quốc tập huấn tại Việt Nam nhằm bổ sung kiến thức về giáo dục trẻ đặc biệt.
Sau nhiều năm nghiên cứu, đến năm học 2018 - 2019, cô Diệp đã sáng tạo ra phần mềm Hỗ trợ trẻ khó hòa nhập, tập trung dạy môn Toán và môn Tự nhiên xã hội ở trình độ lớp 1, lớp 2 và lớp 3.
Cô Diệp cho rằng, phần mềm dành cho trẻ khó hòa nhập phải được chú trọng nhiều về mặt hình ảnh, biểu tượng, sơ đồ tư duy để dễ tiếp thu. Khi sáng tạo phần mềm này, cô đã nghĩ rất nhiều đến sự khác biệt về nhận thức và tâm sinh lý của HS khó hòa nhập và HS bình thường.
Phần mềm có hướng dẫn cụ thể từng bước mà không cần internet HS vẫn có thể sử dụng được. Càng dùng càng quen, những HS khó hòa nhập dần dần tự tin, tiến bộ. Hiện tại, ngoài thời gian dạy ở trường, cô Nguyễn Thị Bích Diệp còn đi dạy cho những em mắc chứng tự kỷ nặng.
Dạy học bằng tình yêu thương
Có lẽ việc dạy học chưa bao giờ là dễ dàng và càng nhiều chông gai hơn khi dạy trẻ khó hòa nhập. Nhiều lần, cô Diệp bật khóc vì dạy học 1 năm nhưng HS vẫn không biết nắm tay, chào hỏi... Tuy nhiên, không vì vậy mà bỏ cuộc, cô Diệp nhận thấy với tình yêu trẻ, yêu nghề thì mọi khó khăn đều có thể vượt qua.
Dạy học chiếm phần lớn thời gian trong ngày, tuy nhiên, cô Diệp luôn nhận được sự thông cảm, ủng hộ từ gia đình.
Cô Bích Diệp kể: Tôi nhớ nhất vẫn là em Trương Thăng. Mỗi khi đến trường, Thăng không nói gì và cứ lẳng lặng một góc. Nhận thấy như vậy, cô Diệp cố gắg tiếp cận để trò chuyện và truyền đạt những kỹ năng cơ bản của một đứa trẻ bình thường.
Ngày nào cũng vậy, cô luôn cùng Thăng thực hiện những hoạt động dù là nhỏ nhất trong học tập và rèn luyện. Có lần, cô như vỡ òa trong hạnh phúc khi được Thăng nắm tay.
HS Trương Thăng đã từng bước thay đổi qua các năm học. Và sau khi kết thúc 5 năm học tiểu học, Thăng biết đọc, biết viết, biết làm toán, viết văn thể hiện cảm xúc chân thực của mình. Đến thời điểm hiện tại, Thăng đã 18 tuổi và giúp đỡ mẹ được nhiều việc nhà.
Nhận xét về phần mềm của cô Diệp, ông Nguyễn Ngọc Ân - Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho rằng, phải có sự nỗ lực và tâm huyết thực sự, đặc biệt là công việc giảng dạy cho trẻ em khó hòa nhập mới có thể nghiên cứu và tạo nên một phần mềm độc đáo và nhân văn như vậy.
Theo kinhtedothi
Cô giáo 20 năm đồng hành với trẻ tự kỷ Trong 20 năm đồng hành trẻ tự kỷ, tăng động, cô giáo Nguyễn Thị Bích Diệp, Trường Tiểu học Tân Mai, Hoàng Mai (Hà Nội), hiểu hơn ai hết khó khăn và tổn thương mà những đứa trẻ không may phải chịu đựng. Hiểu để yêu thương là lẽ sống mà cô mang theo trong hành trình dạy những học trò đặc biệt....