Tóc ơi, trở lại!
Tóc rất quan trọng đối với cơ thể người, cả về mặt thẩm mỹ lẫn sức khỏe, đúng như các cụ xưa đã nói: “Cái răng, cái tóc là gốc con người”. Quan trọng thế đấy, ấy vậy mà đôi lúc những sợi tóc lại bỏ ta đi không hề hẹn trước.
Chính vì nó quan trọng cho nên người ta ai cũng cố gắng chăm sóc tốt nhất cho mái tóc của mình, từ keo xịt, dầu gội đến các sản phẩm dưỡng tóc được quảng bá là có nguồn gốc thảo dược hay cả thực phẩm, thuốc uống giúp tóc khỏe, tóc đen cũng được sử dụng. Quan trọng thế đấy, nhưng mấy ai hiểu được cặn kẽ về sợi tóc của mình.
Theo các tài liệu về y khoa, trung bình mỗi người có 100.000 nang tóc, nhiều người có tới 150.000 nang tóc. Số lượng nang tóc thay đổi theo thời gian. Ở da đầu trẻ em, trên mỗi cm2 có chừng 1.100 nang tóc. Đến lúc 25 tuổi thì còn khoảng 600 nang tóc/cm2, tùy người. Tới độ tuổi từ 30 đến 50, nang tóc còn lại trung bình khoảng 250 – 300/cm2. Trong suốt cuộc đời, mỗi nang tóc mọc khoảng 20 sợi tóc mới, mỗi sợi dài thêm 1 cm sau mỗi tháng và có sợi dài tới 1 m.
Những số liệu thú vị trên cho thấy tóc cũng như vạn vật có sinh có diệt, có mọc có rụng. Vấn đề là cần biết là lúc nào rụng tóc là biểu hiện của bệnh lý, lúc nào là chuyện bình thường.
Rụng tóc có đáng lo ?
Mỗi buổi sáng thức dậy, đưa tay vuốt tóc, thấy vài sợi vương lại giữa các ngón tay, bà mẹ trẻ hoang mang: mình bị bệnh rụng tóc chăng? Theo bác sĩ Huỳnh Huy Hoàng, nguyên Trưởng khoa Lâm sàng 1 Bệnh viện Da liễu TP.HCM, rụng tóc là hiện tượng bình thường của cơ thể, tóc cũ rụng để tóc mới mọc. Người bình thường, mỗi ngày trung bình rụng từ 50 đến 100 sợi tóc. Nếu bạn thấy mình rụng quá 100 sợi tóc mỗi ngày thì mới thực sự đáng lo, lúc bấy giờ nên đi khám bác sĩ để tìm hiểu nguyên nhân và cách giải quyết.
Bác sĩ Huy Hoàng cho biết rụng tóc bệnh lý có nhiều loại, nhưng có thể phân thành hai loại chính sau: rụng tóc có sẹo và rụng tóc không có sẹo.
Rụng tóc có sẹo xảy ra sau các tổn thương do hóa học hoặc vật lý, bị phỏng, bị bệnh Lichen phẳng, nhiễm nấm nặng, bệnh Zona, Luput, ban đỏ dạng đĩa mạn tính, xơ cứng bì và sau chiếu xạ ion hóa. Rụng tóc có sẹo thường là vĩnh viễn và không có thuốc nào có thể chữa được, trừ khi phẫu thuật cấy tóc. Khi xác định rụng tóc do bệnh, điều quan trọng là phải chữa các chứng bệnh gây sẹo càng sớm càng tốt.
Video đang HOT
Rụng tóc không sẹo bao gồm rụng tóc lan tỏa, hói đầu và rụng tóc từng mảng. Rụng tóc lan tỏa thường xuất hiện sau khi sinh đẻ, phụ nữ đến tuổi mãn kinh, bị sốt do ổ nhiễm trùng đâu đó trong cơ thể, suy dinh dưỡng, thiếu ăn, thiếu máu, giảm chức năng tuyến giáp trạng, sử dụng thuốc trị bệnh ung thư, bị trầm cảm kéo dài. Còn hói đầu là bệnh lý có thể gặp ở cả đàn ông lẫn phụ nữ, nhưng phái nam thì có xu hướng bị nhiều hơn.
Đàn ông thường rụng trên đỉnh đầu và lan xuống phía trán, tạo nên những mảng hói đầu lớn kiểu Hamilton. Ở đàn bà, tóc rụng tạo thành một vùng hói lớn trên đỉnh đầu theo kiểu Ludwig. Bác sĩ Huy Hoàng cho biết hói đầu có tính di truyền. Nội tiết tố Androgens thường bắt đầu tạo ra từ tuổi dậy thì và về sau cũng ảnh hưởng tới hói đầu. Cuối cùng là bệnh rụng tóc từng mảng, với biểu hiện là tóc rụng đột ngột từng mảng, có khi rụng hết cả đầu, lông ở các vùng khác của cơ thể cũng rụng theo. Đây là bệnh chưa rõ nguyên nhân.
Như vậy, rụng tóc tùy theo mức độ mà có thể là dấu hiệu bình thường hoặc bất thường của cơ thể. Theo bác sĩ Huy Hoàng, điều quan trọng trước tiên là phải xác định được nguyên nhân gây rụng tóc để có hướng xử lý hữu hiệu.
Bạn có biết cách chăm sóc tóc ?
Thời hiện đại, tóc vẫn luôn được người ta nâng niu, ưu ái. Đã có biết bao bài ca, lời thơ về mái tóc người thương. Ti vi, báo đài thì liên tục quảng cáo dầu gội, dầu xả, dầu dưỡng tóc, các loại thực phẩm chức năng tốt cho tóc. Trên đường phố, các hiệu chăm sóc tóc nhan nhản mọc lên với đủ hình ảnh quảng cáo hấp dẫn. Thế nhưng, mấy ai trong chúng ta dám đoan chắc rằng bản thân mình biết cách chăm sóc để phòng bệnh cho tóc? Cũng như chúng ta có biết phân biệt đâu là rụng tóc bình thường, đâu là bệnh lý để mà đến gặp bác sĩ? Có người khi thấy tóc rụng nhiều, tự ý mua các loại thuốc chích, thuốc uống, thuốc bôi, để rồi rốt cuộc tiền mất tật mang.
Theo bác sĩ Huy Hoàng, để bảo vệ tóc, cần phải cẩn thận khi nhuộm tóc, uốn tóc, sấy tóc, bởi những cách “chăm sóc” như thế này có thể gây rụng tóc. Khi bị rụng tóc nhiều mà chưa khám bệnh đầy đủ, cần tuyệt đối tránh tự ý mua các loại thuốc chăm sóc tóc được quảng cáo là có tác dụng kỳ diệu. Đối với những người rụng tóc do dinh dưỡng, cần ăn uống đủ chất để giúp kích thích tóc mọc tốt sau khi bị bệnh.
Một điểm đáng lưu ý nữa, đó là khi rụng tóc, cần phân biệt rụng tóc từ gốc hay là do đứt ngang sợi tóc. Nếu rụng tóc do đứt ngang thì cần tìm nguyên nhân để loại trừ, bởi rất có thể do tóc thiếu chất. Có thể sử dụng các loại dầu gội có chất dưỡng tóc Pro-vitamin B5 hoặc nước bồ kết, bác sĩ Huy Hoàng khuyên. Loại dầu xả riêng thường có tác dụng dưỡng tóc tốt hơn là loại dầu gội 2 trong 1. Lưu ý là tránh thay đổi dầu gội liên tục.
Rụng tóc, hư tóc là vấn đề thường gặp, gây ra lo lắng cho rất nhiều người. Hiểu biết về rụng tóc có thể giúp chúng ta an tâm hơn mỗi khi thấy tóc mình bị rụng cũng như biết rụng tóc ở mức độ nào được coi là biểu hiện bệnh lý để tìm kiếm sự trợ giúp của bác sĩ.
Theo Thanh niên
Tóc khỏe đẹp với 7 thực phẩm thông dụng
Hãy bổ sung các loại quả mọng, trứng, rau xanh... trong chế độ ăn hàng ngày của bạn để có mái tóc khỏe đẹp, óng mượt.
1. Các loại quả mọng
Ăn nhiều các loại quả mọng như dâu tây, việt quất giàu chất chống oxy hóa và vitamin C sẽ giúp bạn tăng lượng collagen cho da và nang tóc phát triển. Collagen là một thành phần giúp tóc khỏe và ngăn ngừa tóc gãy, chẻ ngọn. Tuy nhiên, collagen có xu hướng giảm dần theo tuổi, vì vậy hãy tăng cường các loại quả mọng trong bữa sáng hoặc dùng trong các bữa ăn nhẹ.
2. Trứng
Nếu trứng là món ăn yêu thích của bạn trong bữa sáng thì hẳn bạn đang sở hữu mái tóc khỏe đẹp. Bổ sung trứng vào chế độ ăn hàng ngày sẽ cung cấp biotin, sắt, protein, kẽm, selen và vitamin B-12. Thiếu biotin khiến tóc dễ gãy và rụng.
3. Quả óc chó
Quả óc chó rất tốt cho da và tóc vì nó giàu axít béo omega-3, biotin, vitamin E và đồng. Các axít béo hỗ trợ phục hồi tóc; khoáng chất và đồng trong quả óc chó giúp duy trì màu sắc và vẻ óng mượt tự nhiên; còn vitamin E giúp bảo vệ tóc khỏi tổn thương do ánh nắng mặt trời. Quả óc chó cũng cung cấp kẽm và selen tốt cho sức khỏe da đầu.
Ảnh minh họa: magforwomen
4. Đậu lăng
Đậu lăng giàu protein, sắt, kẽm và biotin giúp bạn nuôi dưỡng mái tóc khỏe mạnh. Bên cạnh đó, đậu lăng còn chứa axít folic rất cần thiết trong việc cung cấp oxy cho da đầu, qua đó đẩy nhanh tốc độ tái tạo tế bào giúp tóc phát triển nhanh hơn.
5. Cá hồi
Bạn tự hỏi tại sao nhiều phụ nữ có mái tóc óng mượt? Bí quyết của họ là tăng cường cá hồi trong chế độ ăn. Cá hồi rất giàu axít béo omega-3, vitamin D và protein mang lại cho bạn mái tóc óng ả, khỏe mạnh.
6. Rau xanh rậm lá
Rau xanh rậm lá được biết đến với vô số lợi ích cho sức khỏe và sắc đẹp bao gồm cả tóc. Bất kể bạn ăn sống cùng với thịt hoặc kết hợp trong món salad thì rau xanh đều giúp bạn duy trì lọn tóc chắc khỏe. Cải xoong, cải bắp hay rau chân vịt có tác dụng cung cấp sắt, vitamin A và C giúp nuôi dưỡng tóc chắc khỏe.
7. Cà rốt
Da đầu bạn bị khô và nhiều gàu? Hãy tăng cường các thực phẩm giàu vitamin A và beta-carotene trong chế độ ăn để điều tiết bã nhờn của da đầu và dưỡng ẩm tự nhiên. Cà rốt, bí ngô, khoai loang là những thực phẩm giàu vitamin A thân thiện với tóc.
Theo iOne
Pétrole Hahn: 130 năm kinh nghiệm về tóc của chuyên gia Pháp Pétrole Hahn là một thương hiệu Pháp, với sứ mệnh góp phần hoàn chỉnh sức hút của đàn ông Pháp qua mái tóc. Bộ trang phục mặc ra phố với mái tóc bồng bềnh tự nhiên mang lại sức hút khó cưỡng - sức hút toát ra từ sự lôi cuốn tinh tế bên trong mỗi con người Pháp, mà chắc chắn nếu...