‘Toán tiểu học khó đến mức giáo sư mới hiểu hết’
GS Đỗ Đức Thái cho hay chương trình và bộ sách giáo khoa Toán tiểu học hiện nay khó đến mức giáo sư có trình độ tương đối tốt mới hiểu được hết.
Chiều 17/12, NXB Đại học Sư phạm ra mắt buổi tọa đàm giới thiệu bộ sách giáo khoa “Cánh diều” với thông điệp “Mang cuộc sống vào bài học. Đưa bài học vào cuộc sống”.
Trao đổi tại hội thảo, GS Đỗ Đức Thái – Tổng chủ biên chương trình môn Toán mới, Tổng chủ biên sách giáo khoa Toán “Cánh diều” – nói sách Toán hiện hành ở bậc phổ thông, đặc biệt với tiểu học, quá nặng.
GS Đỗ Đức Thái (giữa) chia sẻ tại tọa đàm giới thiệu bộ sách giáo khoa “Cánh diều”. Ảnh: Q.Q.
“Tôi nói câu này bằng tất cả trách nhiệm của mình. Chương trình và bộ sách giáo khoa Toán tiểu học hiện nay khó đến mức để hiểu được hết nó phải là các giáo sư Toán học có trình độ tương đối tốt”, ông Thái nói.
GS Đỗ Đức Thái dẫn chứng trẻ 6 tuổi đọc, viết chưa được nhưng đã phải học cách xây dựng tập số tự nhiên bằng hai loại tiên đề. Một là xây dựng thông qua lý thuyết tập hợp trên cơ sở đếm một con gà, một con bò ra số 1; hai bông hoa, hai cốc nước ra số hai. Hai là các em phải học tiên đề về số liền trước, số liền sau.
Trẻ lớp 1 cần học từ đơn giản đến trừu tượng nhưng khi học hình học, các em phải làm quen những thứ không thể sờ, cầm được như “đường thẳng” – khái niệm quá trừu tượng.
Vì quá nặng, môn Toán trở thành nỗi khiếp đảm của nhiều trẻ. Các em không nhìn thấy niềm vui của Toán nữa. Chương trình đã giết chết niềm vui Toán học từ trong trứng.
Video đang HOT
Theo ông Thái, sách giáo khoa chương trình mới phải thực hiện chủ trương của Bộ GD&ĐT là thực sự giảm tải và giảm tải một cách hợp lý, làm sao để mỗi giờ học Toán phải vui, chứ không phải giờ hãi hùng. Sách giáo khoa chương trình giáo dục phổ thông mới phải mở toang cánh cửa để cuộc sống tràn vào.
“Ví dụ, học sinh không chỉ học số 1, 2, 3 hay phép tính 1 1 mà quan trọng là những điều đó phải biến thành năng lực để các em giải quyết được những vấn đề của cuộc sống sau này”, GS Thái thông tin.
Theo chương trình mới, sách Toán được xây dựng trên quan điểm lấy học sinh làm trung tâm, đề cao tính tự học dưới sự hướng dẫn của giáo viên, thầy cô. Sách cũng được thiết kế giúp giáo viên có thể tổ chức bài học một cách sáng tạo, theo đúng tiến trình sư phạm, đúng nhận thức của học sinh.
Về hình thức, cũng theo ông Thái, sách Toán được in 4 màu rất đẹp, không thua kém sách ở các nước phát triển.
GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông, cho biết cuốn sách mới tập trung rèn luyện cho học sinh các kỹ năng đọc, nói, viết, nghe và năng lực giao tiếp.
Bên cạnh đó, sách giáo khoa mới rèn luyện cho học sinh các phẩm chất yêu nước, nhân ái, chăm chỉ và trách nhiệm. Sách giáo khoa lớp 1 kế thừa sách giáo khoa hiện hành, giáo viên cầm sách dạy được ngay không cần tập huấn.
Theo Zing
Dạy Toán trong chương trình Giáo dục phổ thông mới: Giảm tải đến đâu
Tuy nhiên, cụ thể các thầy cô sẽ dạy gì ở môn Toán với từng khối lớp lại đang là vấn đề gây nhiều ý kiến tranh luận khi thông tin nội dung xác suất thống kê sẽ được đưa vào giảng dạy bắt đầu từ lớp 2 cho đến lớp 12.
GS.TS Đỗ Đức Thái- Chủ biên chương trình môn Toán trong Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới cho biết, đổi mới giảng dạy môn Toán trong các trường phổ thông tới đây hướng đến mục tiêu giúp học sinh hiểu được bản chất, giải quyết được vấn đề thực tiễn cuộc sống, có thể kiếm tiền được từ kiến thức và trả lời được câu hỏi "Học Toán để làm gì?" chứ không phải học để đi thi.
Ảnh minh họa.
Dạy gì ở môn xác suất thống kê?
Theo GS Đỗ Đức Thái, việc biên soạn sách giáo khoa môn Toán mới theo tiêu chí "Tinh giản - thiết thực - hiện đại - khơi nguồn sáng tạo", tức là nội dung phải tinh giản, phản ánh đúng giá trị cốt lõi của môn học, chú trọng hiểu bản chất và dứt khoát phải giải quyết được vấn đề vận dụng kiến thức vào thực tiễn.
GS Thái lấy ví dụ như số tiết học ở các cấp đã được giảm đi đáng kể: bậc Tiểu học thay đổi giảm còn 840 tiết (so 900 tiết như chương trình cũ); bậc THCS hiện còn 530 tiết (so với 630 tiết như chương trình cũ) và bậc THPT giảm mạnh mẽ nhất chỉ còn 3 tiết/tuần (so với 5 tiết/tuần như hiện nay). Số tiết giảm, chương trình học chú trọng thực hành, thực nghiệm, điều này sẽ giúp xây dựng môn Toán gần gũi và hiệu quả hơn đối với học sinh.
Như vậy, với nội dung được tinh giản, số tiết học giảm, nhiều chuyên gia đồng tình cho rằng sẽ giảm tải được các kiến thức quá khó so với mặt bằng chung học sinh toàn quốc. Đồng thời, việc học gần gũi với thực tế cuộc sống chắc chắn sẽ cuốn hút học sinh hơn là học toán "chay", toàn lý thuyết khiến các em thấy thiếu hứng thú...
Tuy nhiên, đó là mục tiêu chung còn trong thực tế, theo Chương trình GDPT mới môn Toán do Bộ GDĐT công bố, nội dung thống kê, xác suất được dạy xuyên suốt từ lớp 2 đến lớp 12. PGS.TS Ngô Hoàng Long- giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho hay, trong 11 năm, học sinh được học những nội dung về xác suất và thống kê với chương trình mang tính đồng tâm và nâng cao dần.
Cụ thể, từ lớp 2, phần thống kê gồm các nội dung thu thập, phân loại, sắp xếp số liệu, đọc biểu đồ tranh, nhận xét về các số liệu trên biểu đồ tranh. Với nội dung này, giáo viên cần hướng dẫn học sinh làm quen với việc thu thập, phân loại, kiểm đếm các đối tượng thống kê trong một số tình huống đơn giản, đọc, mô tả được số liệu ở dạng biểu đồ tranh và nêu một số nhận xét. Về phần xác suất, học sinh làm quen với khả năng xảy ra (có tính ngẫu nhiên) của sự kiện, biết mô tả những hiện tượng liên quan các thuật ngữ có thể, chắc chắn, không thể, thông qua một số thí nghiệm, trò chơi, hoặc xuất phát từ thực tiễn.
Ở lớp 3, nội dung tương tự nhưng nâng cao hơn, phần biểu đồ chuyển thành biểu đồ bảng. Lên lớp 4, ở phần thống kê, học sinh cần nắm thêm cách đọc, mô tả biểu đồ cột, biểu diễn số liệu vào biểu đồ cột, đồng thời hình thành và giải quyết vấn đề đơn giản xuất hiện từ các số liệu và biểu đồ cột đã có.
Trong phần xác suất, các em cần biết kiểm đếm được số lần lặp lại khả năng xảy ra (nhiều lần) của một sự kiện khi thực hiện (nhiều lần) thí nghiệm, trò chơi đơn giản (ví dụ trong một vài trò chơi như tung đồng xu, lấy bóng từ hộp kín...).
Trong phần thống kê ở lớp 5, học sinh học nội dung tương tự nhưng về biểu đồ hình quạt tròn. Phần xác suất hướng dẫn học sinh sử dụng được tỷ số để mô tả số lần lặp lại của một khả năng xảy ra (nhiều lần) của một sự kiện trong một thí nghiệm so với tổng số lần thực hiện thí nghiệm đó ở những trường hợp đơn giản.
Băn khoăn giảm tải kiến thức hàn lâm
PGS.TS Ngô Hoàng Long cho biết, đây là mảng kiến thức thay đổi lớn nhất của môn Toán trong chương trình GDPT mới so với chương trình hiện hành. Học sinh được làm quen với phép thử và yêu cầu các em nhận thức được kết quả của những phép thử đơn giản, mức độ có thể hoặc không thể. Với thống kê, ở lớp 2 học sinh làm quen biểu đồ tranh với những thao tác kiểm đếm đơn giản, dễ hiểu; nội dung sẽ chỉ khó ở các cấp học cao hơn.
Trước thông tin này, nhiều ý kiến bày tỏ sự hoang mang, lo lắng không hiểu việc đưa nội dung xác suất thống kê vào chương trình môn học ngay từ lớp 2 liệu có quá sức với học sinh hay không? Thậm chí một số phụ huynh phân tích tới tận năm cuối bậc đại học mới học đến môn học này còn cảm thấy rất khó...
Tuy nhiên, theo thầy Vũ Khắc Ngọc (chuyên gia giáo dục), xác suất thống kê là tên gọi của một môn học. Quan trọng là với môn học đó, với học sinh lớp 2 sẽ dạy học sinh với lượng kiến thức nào, đặt ra mục tiêu gì và cho học sinh tiếp cận ra sao. "Đừng nghe tên gọi xác suất thống kê rồi hình dung ra những thứ khó khăn. Ở thế hệ cũ, chỉ học xác suất thống kê ở bậc THPT và đại học và lượng kiến thức ở đây đưa ra rất hàn lâm và nặng nề. Nhưng tôi cho rằng, đây là môn học có tính ứng dụng và gắn liền với thực tế nhiều nhất ở trong Toán học. Việc cho học sinh tiếp cận xác suất thống kê cũng là điều tiến bộ. Thực tế chương trình Toán học của một số nước có nền giáo dục tiến bộ như Singapore hay chương trình Tú tài quốc tế họ cũng dạy xác suất thống kê cho học sinh tiểu học từ sớm"- thầy Vũ Khắc Ngọc thông tin.
Chia sẻ quan điểm này, cô giáo Phan Hiền- Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ (Hà Nội) cho biết, thực chất, trong chương trình dạy hiện nay đã và đang xen kẽ một chút các phần thống kê theo hình thức kẻ bảng, điền số vào ô còn thiếu theo thứ tự. Theo giải thích của các thầy trong ban soạn thảo chương trình môn Toán thì yêu cầu dành cho học sinh khá đơn giản và phù hợp với lứa tuổi.
Một trong hai điểm đổi mới trong dạy học môn Toán ở Chương trình GDPT mới mà GS.TS Đỗ Đức Thái nhấn mạnh, đó là dạy học theo hướng "ứng dụng toán học vào thực tiễn". Bởi trong hoạt động hàng ngày chính học sinh cũng đã thực hiện việc đếm số lượng, thống kê đồ vật... giờ chỉ lồng ghép trong giờ học và làm rõ tên gọi thống kê và xác suất. Vì thế, mặc dù tên gọi có phần dễ gây hiểu lầm nhưng thực tế không phải kiến thức quá nặng làm khó các em học sinh nên phụ huynh không cần quá lo lắng.
Tuy nhiên, đây mới là ý kiến từ phía các chuyên gia, nhà giáo dục. Còn thực tế sách giáo khoa thể hiện nội dung xác suất thống kê này như thế nào ở từng khối lớp lại là một chuyện khác và dư luận đang rất trông chờ "hình hài" các bộ sách giáo khoa, trong đó có môn Toán ra sao. Sau đó là việc giảng dạy của giáo viên, các yêu cầu đặt ra đối với học sinh, cách tiếp cận nội dung này ra sao để gây hứng thú cho các em mà không làm nặng nề, thậm chí khiến học sinh sợ học... là một thách thức đối với giáo viên.
Thu Hương
Theo daidoanket
95 nữ nhà giáo được công nhận Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2019 Hội đồng Giáo sư Nhà nước vừa công bố Quyết định số 68/QĐ-HĐGSNN công nhận 73 nhà giáo đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư (GS) và 349 nhà giáo đạt tiêu chuẩn chức danh Phó Giáo sư (PGS). Trong đó, có 9 nữ Giáo sư và 86 nữ Phó Giáo sư. Phiên họp cuối cùng của Hội đồng GSNN để xét công...