Tòa án Thái Lan sẽ phế truất bà Yingluck trong hôm nay?
Nhiều khả năng Tòa án Hiến pháp sẽ ra phán quyết bất lợi đối với bà Yingluck.
Ngày 7/5, Tòa án Hiến pháp Thái Lan sẽ ra phán quyết cuối cùng về cáo buộc lạm quyền của Thủ tướng Yingluck Shinawatra, và nhiều khả năng phán quyết này của tòa án sẽ khiến bà Yingluck mất chức, làm gia tăng nguy cơ nổ ra các cuộc biểu tình phản đối của phe Áo Đỏ.
Phán quyết này của Tòa án Hiến pháp có thể dẫn tới cuộc đối đầu giữa phe Áo Đỏ với các nhóm biểu tình chống chính phủ đã bám trụ ở thủ đô Bangkok suốt 6 tháng qua để tìm cách lật đổ chính phủ của bà Yingluck.
Thủ tướng Yingluck có thể mất chức vì phán quyết của Tòa án Hiến pháp
Bà Yingluck bị tố cáo lạm quyền trong việc điều chuyển vị trí của ông Thawil Pliensri, Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Thái Lan nhằm trục lợi cho đảng Pheu Thai cầm quyền và gia đình bà. Bà Yingluck đã kịch liệt phản đối cáo buộc này.
Ông Thawil bị mất chức Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia vào năm 2011 khi bị chuyển sang vị trí cố vấn cho thủ tướng. Ông này cho rằng việc điều chuyển công tác này chỉ có lợi cho gia tộc Shinawatra và đảng cầm quyền.
Ông này bị thay thế bằng Tư lệnh Cảnh sát Quốc gia Wichien Podposri, trong khi chức vụ đứng đầu lực lượng cảnh sát được trao lại cho Priewpan Damapong, em rể của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra.
Video đang HOT
Thawil được phục chức vào hồi tháng Ba, và Tòa án Hiến pháp cho rằng có căn cứ để tổ chức phiên tòa xét xử cáo buộc tội lạm quyền của thủ tướng do 27 thượng nghị sĩ Thái Lan đề xuất. Nếu bị phán quyết là có tội, bà Yingluck sẽ bị cách chức và bị cấm hoạt động chính trị trong vòng 5 năm.
Ra trước tòa án ngày hôm qua, bà Yingluck vẫn rất bình tĩnh và cho rằng một ủy ban gồm nhiều bộ trưởng trong chính phủ đã đưa ra quyết định điều chuyển ông Thawil chứ không phải là quyết định của cá nhân thủ tướng.
Các chuyên gia pháp lý cho rằng nếu tòa án đưa ra phán quyết bất lợi, toàn bộ chính phủ của bà Yingluck cũng sẽ phải theo chân bà từ chức. Nhận định này bị những người ủng hộ bà Yingluck quyết liệt bác bỏ.
Ông Poppadon Pattama, cố vấn pháp lý của cựu Thủ tướng Thaksin nói: “Không có lý do gì để toàn bộ nội các phải từ chức cùng với thủ tướng. Điều đó giống như là một bản án kép.”
Phe Áo Đỏ cáo buộc Tòa án Hiến pháp thiên vị trong việc thường xuyên đưa ra các phán quyết bất lợi cho chính phủ. Hồi năm 2008, chính tòa án này đã buộc 2 thủ tướng có liên quan đến ông Thaksin phải từ chức.
Phe Áo Đỏ tuyên bố sẽ tổ chức những cuộc tuần hành lớn ở thủ đô Bangkok trong thời gian sắp tới nếu như Tòa án Hiến pháp phán quyết bất lợi cho bà Yingluck.
Việc bà Yingluck bị tòa án lật đổ có thể sẽ là một hành động “đổ thêm dầu vào lửa”, thổi bùng căng thẳng trong gần một thập kỷ đối đầu giữa những người ủng hộ ông Thaksin và tầng lớp bảo hoàng ở Bangkok vốn coi ông Thaksin là mối đe dọa với lợi ích của họ.
Theo Khampha
Phe biểu tình Thái Lan bất ngờ "mở cửa Bangkok"
Lãnh đạo biểu tình ở Thái Lan bất ngờ tuyên bố chấm dứt chiến dịch đóng cửa Bangkok sau 6 tuần phong tỏa đường phố thủ đô.
Ngày 28/2, lãnh đạo biểu tình Suthep Thaugsuban đã bất ngờ tuyên bố rằng Ủy ban Cải cách Dân chủ Nhân dân (PDRC) chống chính phủ sẽ chấm dứt chiến dịch Đóng cửa Bangkok vào ngày Chủ nhật tới đây.
Tuyên bố đầy bất ngờ này của ông Suthep được đưa ra trong một cuộc tuần hành ở thủ đô Bangkok của Thái Lan, và sẽ chấm dứt 6 tuần nỗ lực phong tỏa thủ đô của phe biểu tình nhằm hạ bệ chính phủ tạm quyền của Thủ tướng Yingluck Shinawatra.
Ông Suthep tuyên bố chấm dứt chiến dịch đóng cửa Bangkok
Tuy nhiên ông Suthep cũng nói rõ rằng cuộc chiến nhằm lật đổ chính phủ còn lâu mới chấm dứt, mặc dù người biểu tình đã bắt đầu tháo dỡ tất cả các chướng ngại vật khắp thủ đô, dọn dẹp đường phố và tập trung mọi hoạt động vào một địa điểm tại công viên Lumpini ở trung tâm thủ đô Bangkok.
Phát biểu trước những người biểu tình tại giao lộ Pathumwan tối qua, ông Suthep nói: "PDRC sẽ trả những tuyến đường giao thông này lại cho các anh chị em Bangkok. Tôi chân thành xin lỗi tất cả người dân Bangkok về sự bất tiện này. Nó là việc mà chúng tôi bắt buộc phải làm."
Ông Suthep cho biết không ai ép buộc PDRC phải chấm dứt chiến dịch đóng cửa này, và chính phủ của bà Yingluck không hề có vai trò gì trong việc phe đối lập đưa ra quyết định trên.
Ông này nói: "Chúng tôi quyết định chấm dứt chiến dịch Đóng cửa Bangkok nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục đóng cửa các văn phòng chính phủ và doanh nghiệp của gia tộc Shinawatra như trước đây, và cuộc chiến của chúng tôi sẽ dữ dội hơn."
Người biểu tình sẽ di chuyển tới công viên Lumpini
Vị lãnh đạo biểu tình này giải thích rằng họ quyết định di chuyển tới công viên Lumpini vì ở đây gần nhiều tòa nhà và hội trường, nơi PDRC có thể tổ chức các cuộc gặp để trao đổi với các bên.
Ngoài ra, công viên này cũng là địa điểm "thuận tiện hơn" cho người biểu tình từ tỉnh xa đến Bangkok và cần một nơi để cắm trại qua đêm.
Ông Suthep cũng đặt ra mục tiêu rằng "trò chơi sẽ kết thúc vào tháng 3", khi họ "nâng quy mô những cuộc tuần hành lên một mức độ mới" trên các đường phố thủ đô Bangkok.
Động thái này của phe biểu tình được đưa ra sau khi Tư lệnh quân đội Thái Lan Prayuth Chano-Cha đã cảnh báo người biểu tình không được vi phạm hiến pháp và không được phép dùng vũ lực để lật đổ chính phủ. Tuyên bố trên truyền hình của ông Prayuth được cho là một tín hiệu cho thấy quân đội đang dần dần ngả về phía chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra.
Theo Khampha
Đảng Pheu Thai bỏ rơi bà Yingluck? Đảng Pheu Thai cầm quyền tại Thái Lan có thể buộc phải tìm một ứng viên thủ tướng khác cho một cuộc bầu cử mới thay cho bà Yingluck Shinawatra. Báo Bangkok Post dẫn một nguồn tin từ Pheu Thai tiết lộ đảng này đang cố đấu đến cùng để thành lập một chính phủ mới sau bầu cử song bà Yingluck có...