Thái Lan: 500 cảnh sát biểu tình vì bị sỉ nhục
500 cảnh sát Thái Lan đã biểu tình ở thủ đô Bangkok sau khi họ phải kiềm chế trước những hành vi bạo lực và sỉ nhục của người biểu tình.
Ngày 30/12, hàng trăm cảnh sát Thái Lan đã tổ chức một cuộc biểu tình ở thủ đô Bangkok để thể hiện sự tức giận sau hàng tuần đối phó với thái độ hung hăng và có phần bạo lực của người biểu tình chống chính phủ, trong khi cảnh sát được lệnh phải kiềm chế bất chấp những nguy hiểm và sự sỉ nhục mà người biểu tình dành cho họ.
Khoảng 500 cảnh sát cùng các thành viên gia đình và bạn bè đã tụ tập tại một công viên gần khu trại biểu tình ở Bangkok để phản đối việc người biểu tình tấn công và lăng mạ họ sau khi một cảnh sát bị bắn chết trong khi tìm cách ngăn cản người biểu tình xông vào một sân vận động ở thủ đô, nơi các ứng cử viên đến đăng ký tham gia bầu cử.
Cảnh sát Thái Lan tụ tập biểu tình tại thủ đô Bangkok
Cảnh sát đến đây vừa để tưởng niệm người đồng đội vừa hy sinh vừa để bày tỏ sự tức giận khi họ cho rằng mình không được trang bị đầy đủ để có thể tự bảo vệ trước các hành vi quá khích của người biểu tình. Họ cũng phản đối mệnh lệnh buộc họ phải kiềm chế và là điểm yếu để người biểu tình lợi dụng nhằm lăng mạ và xúc phạm họ.
Video đang HOT
Đại tá cảnh sát Niwat Puenguthaisri, người dẫn đầu đoàn biểu tình của cảnh sát cho biết: “Chúng tôi tới đây để nói rằng chúng tôi đã kiên nhẫn đến mức tối đa. Nhưng chúng tôi cũng muốn nói rằng chúng tôi cũng có nhân phẩm và chúng tôi muốn bảo vệ nhân phẩm của mình.”
Hiện người biểu tình ở Thái Lan vẫn đang tìm cách gây sức ép buộc Thủ tướng Yingluck Shinawatra phải mở đường cho một hội đồng được chỉ định để thực hiện các cải cách chính trị nhằm xóa bỏ nạn tham nhũng trước khi tổ chức bầu cử.
Ít nhất 8 người đã thiệt mạng trong các vụ đụng độ bạo lực trong các cuộc biểu tình bùng phát từ cách đây 2 tháng. Trong suốt thời gian này, chính phủ Thái Lan đã ra lệnh cho cảnh sát hết sức kiềm chế bất chấp những hành vi khiêu khích nghiêm trọng của người biểu tình.
Cảnh sát phải kiềm chế trước những hành vi khiêu khích và lăng mạ của người biểu tình
Đại tá Niwwat cho biết cảnh sát đang rất lo lắng cho an toàn của bản thân mình bởi họ thiếu các thiết bị bảo vệ và thiếu phương án chống bạo động. Phần lớn cảnh sát tham gia ngăn cản người biểu tình chỉ được mang theo dùi cui và khiên chống bạo động, chỉ một số người được trang bị súng bắn đạn hơi cay hoặc đạn cao su.
Lệnh giữ kiềm chế đã khiến nhiều phen cảnh sát bị người biểu tình bao vây và buộc phải thương lượng để được thả ra.
Hôm thứ Hai là một ngày khá yên tĩnh ở Bangkok, mặc dù phe đối lập vẫn tuyên bố tẩy chay cuộc bầu cử và tìm cách ngăn cản các ứng cử viên đến đăng ký tham gia bầu cử. Người biểu tình thuộc Ủy ban Cải cách Dân chủ Nhân dân và các đồng minh thân cận với đảng Dân chủ đối lập ở Thái Lan thề sẽ đóng cửa Bangkok sau dịp năm mới nếu bà Yingluck không từ chức.
Theo AFP
Thái Lan: Quân đội có thể sẽ đảo chính
Tư lệnh quân đội Thái Lan không loại trừ khả năng tổ chức đảo chính, nhưng quyết định còn phụ thuộc vào tình hình và thời điểm.
Ngày 27/12, Tướng Prayuth Chan-ocha, Tư lệnh quân đội Thái Lan cho biết ông không loại trừ khả năng quân đội sẽ tổ chức đảo chính lật đổ chính phủ, đồng thời bày tỏ quan ngại về tình hình chính trị hiện nay ở Thái Lan, đặc biệt là những vụ đụng độ bạo lực ngày càng gia tăng.
Tư lệnh quân đội Thái Lan đưa ra tuyên bố này trong một cuộc phỏng vấn tại sở chỉ huy quân đội sau cuộc họp giao ban hàng tháng với các chỉ huy đơn vị. Tướng Prayuth cho rằng đảo chính có thể xảy ra nhưng phải tùy thuộc vào tình hình và thời điểm. Tuy nhiên ông tin rằng trong thời điểm này sẽ không ai lắng nghe quân đội ngay cả họ tiến hành đảo chính.
Tướng Prayuth Chan-ocha, Tư lệnh quân đội Thái Lan (giữa)
Ông Prayuth nói: "Quân đội không đóng hẳn hay mở toang cánh cửa đảo chính, tuy nhiên quyết định cuối cùng phải tùy thuộc vào hoàn cảnh. Hiện quân đội vẫn trung thành với các biện pháp hòa bình và tìm cách giữ mình ở vị thế trung lập. Chúng tôi không hề can thiệp vào công việc của nhà chức trách, nhưng vẫn phải quan tâm bảo vệ người dân."
Vị tư lệnh quân đội này cũng kêu gọi các bên chấm dứt bạo lực, đồng thời khẳng định có một nhóm người đang tìm cách gây hỗn loạn trong cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình tại sân vận động Thái-Nhật ở Din Daeng, giống như những gì đã diễn ra vào năm 2010.
Tướng Prayuth nhấn mạnh quân đội sẽ làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn bạo lực, và những người lính của ông "sẽ bảo vệ chính nghĩa, tạo ra một môi trường an toàn", đồng thời yêu cầu điều tra và có hành động kiên quyết đối với những kẻ gây ra tình trạng bạo lực hôm thứ Năm.
Khi được hỏi về cuộc bầu cử dự kiến được tổ chức vào ngày 2/2 tới đây, Tư lệnh quân đội Thái Lan nói rằng nếu cuộc bầu cử diễn ra, ông chắc chắn sẽ đi bỏ phiếu. Còn về yêu cầu của chính phủ đề nghị quân đội cử binh sĩ đảm bảo an toàn cho cuộc bầu cử, ông Prayuth khẳng định mặc dù quân đội không được phép vào bên trong các điểm bầu cử nhưng họ sẽ điều lực lượng bảo vệ bên ngoài theo quy định của pháp luật.
Theo Bangkok Post
Chính phủ Thái Lan nhờ quân đội bảo vệ bầu cử Chính phủ Thái Lan đã phải yêu cầu quân đội ra tay can thiệp bảo vệ an toàn cho các ứng cử viên và cử tri tham gia cuộc bầu cử sắp tới. Ngày 27/12, chính phủ Thái Lan cho biết họ sẽ yêu cầu quân đội nước này bảo vệ các ứng cử viên và cử tri tham dự cuộc bầu cử...