Tòa án Mỹ chấp thuận hoãn truy tố ông Trump vụ tài liệu mật
Tòa phúc thẩm tại Mỹ ngày 14.11 đã chấp thuận yêu cầu của công tố viên đặc biệt Jack Smith về việc hoãn vụ án ông Donald Trump xử lý sai tài liệu mật sau khi rời Nhà Trắng.
Trong biên bản gửi lên tòa phúc thẩm, ông Jack Smith yêu cầu tòa án cho ông thời hạn đến ngày 2.12 để đánh giá “tình huống chưa từng có và xác định hướng đi phù hợp” khi ông Trump chuẩn bị trở lại Nhà Trắng, do Bộ Tư pháp Mỹ từ lâu đã duy trì chính sách không truy tố các tổng thống đương nhiệm, theo AFP
Ban đầu, thẩm phán quận Aileen Cannon hồi tháng 7 đã bác vụ án ông Trump lưu trữ tài liệu mật sai quy định, với lý do quy trình bổ nhiệm ông Smith làm công tố viên đặc biệt để điều tra là không hợp pháp, do ông không được tổng thống bổ nhiệm hay được quốc hội thông qua.
Ông Donald Trump dự sự kiện tại câu lạc bộ golf ở bang New Jersey năm 2023. ẢNH: REUTERS
Ông Smith sau đó kháng cáo nhằm khôi phục vụ án, tuy nhiên vào ngày 13.11, ông đã yêu cầu tòa hoãn truy tố, sau kết quả ông Trump đắc cử tổng thống.
Ông Trump bị truy tố vào tháng 6.2023 với cáo buộc cố tình giữ lại tài liệu mật nhạy cảm tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở bang Florida. Ông Trump bị truy tố với 31 cáo buộc “cố ý giữ lại tài liệu quốc phòng”, với mỗi tội danh có thể chịu án lên đến 10 năm tù. Ông Trump cũng bị cáo buộc âm mưu cản trở công lý và khai báo sai sự thật.
Thẩm phán tạm dừng vụ kiện ông Trump sau chiến thắng bầu cử
Theo Đài MSNBC ngày 14.11, với quyết định mới nhất của tòa, giờ sẽ chờ đến ngày 2.12 để nghe kế hoạch của chính phủ Mỹ đối với các vụ kiện ông Trump. Nhiều khả năng đội ngũ của công tố viên đặc biệt Jack Smith sẽ từ chức, dựa trên những thông tin gần đây ám chỉ vụ án có thể được khép lại.
Tuần trước, một thẩm phán liên bang cũng đã chấp thuận yêu cầu tạm dừng vụ án cáo buộc ông Trump âm mưu lật ngược kết quả bầu cử năm 2020.
Ông Trump sẽ làm gì ngay ngày đầu trở lại Nhà Trắng?
Trong quá trình tranh cử, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố nhiều kế hoạch mà ông sẽ thực hiện ngay ngày đầu trở lại Nhà Trắng.
Ông Donald Trump sắp trở lại Nhà Trắng sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Mỹ năm nay, đánh bại đối thủ Kamala Harris. Trong quá trình tranh cử, ông đã đưa ra nhiều kế hoạch sẽ thực hiện ngay trong ngày đầu tái nhậm chức, ngày 20.1.2025.
Ông Trump tại Nhà Trắng hồi năm 2018. ẢNH: AFP
Cách chức công tố viên đặc biệt
Nếu quay lại Nhà Trắng, ông Trump "trong 2 giây" sẽ cách chức công tố viên đặc biệt Jack Smith, người phụ trách điều tra và đã truy tố ông Trump trong 2 vụ án hình sự liên bang.
"Chúng tôi có quyền miễn trừ từ Tòa án Tối cao. Việc đó quá dễ. Tôi sẽ đuổi cổ hắn ta trong vòng 2 giây. Hắn sẽ là một trong những thứ đầu tiên bị xử lý", ông Trump nói trong chương trình radio Hugh Hewitt Show hôm 24.10.
Ông Smith được Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland bổ nhiệm vào tháng 11.2022 để điều tra nỗ lực lật ngược kết quả bầu cử của ông Trump hồi năm 2020 và việc cựu tổng thống cất giữ tài liệu mật của chính quyền tại nhà riêng sau khi rời Nhà Trắng. Ông Trump đã bị truy tố trong 2 vụ án liên quan những hành động này nhưng vụ tài liệu mật đã bị thẩm phán bãi bỏ.
Ông Trump cũng từng nói sẽ trừng phạt các công tố viên và thẩm phán giám sát những vụ án hình sự chống lại ông, theo ABC News.
Ông Donald Trump hứa gì cho nhiệm kỳ 2?
Ân xá cho người bị kết tội trong vụ bạo loạn ngày 6.1
Ông Trump từng nói nếu đắc cử nhiệm kỳ 2, ông sẽ trả tự do cho một số người bị kết án vì liên quan vụ tấn công Điện Capitol vào ngày 6.1.2021, những người bị cho là "phải đi tù oan". "Tôi có ý định ân xá cho nhiều người trong số họ. Tôi không thể nói là tất cả nhưng một số người có lẽ đã bị mất kiểm soát", ông Trump viết trên mạng xã hội hồi tháng 3.
Tính đến đầu tháng 10, hơn 1.530 người đã bị truy tố tại tòa án liên bang vì liên quan vụ bạo loạn ngày 6.1.2021, trong đó hơn phân nửa đã nhận tội, theo Bộ Tư pháp Mỹ. Có gần 1.000 vụ tấn công cảnh sát trong vụ bạo loạn năm đó, khi người biểu tình xông vào tòa nhà quốc hội để cản trở quá trình chứng nhận chiến thắng của ông Joe Biden trước ông Trump.
Ông Trump tại sự kiện mừng chiến thắng tại Trung tâm hội nghị hạt Palm Beach, thành phố West Palm Beach, bang Florida ngày 6.11. ẢNH: REUTERS
Trục xuất hàng loạt và thẻ xanh cho cử nhân
Trong quá trình tranh cử, ông Trump nhiều lần tuyên bố sẽ triển khai kế hoạch vây bắt và trục xuất người nhập cư bất hợp pháp tại Mỹ ngay ngày đầu nhậm chức.
"Ngay ngày 1, tôi sẽ khởi động chương trình trục xuất lớn nhất trong lịch sử Mỹ để tống bọn tội phạm ra ngoài. Tôi sẽ cứu các thành thị đã bị xâm chiếm và chúng ta sẽ tống những tên tội phạm nguy hiểm và khát máu đó vào tù, rồi đuổi chúng khỏi nước ta nhanh nhất có thể", ông Trump nói tại sự kiện ở New York hồi tháng 10.
Theo đó, ông sẽ sử dụng lực lượng hành pháp địa phương và Vệ binh Quốc gia để tìm người nhập cư bất hợp pháp trên khắp cả nước. Theo ước tính, có khoảng 11 triệu người đang sinh sống tại Mỹ mà không có giấy tờ cư trú hợp pháp.
Chi phí để trục xuất 1 triệu người nhập cư không có giấy tờ tại Mỹ mỗi năm được ước tính là hơn 88 tỉ USD và hơn 10 năm là 967,9 tỉ USD, theo báo cáo của tổ chức phi lợi nhuận Hội đồng Di trú Mỹ.
Trong khi đó, ông Trump lại có một đề xuất chính sách "trọng dụng nhân tài" khi nói sẽ mở rộng chương trình thị thực (visa) H-1B cho lao động nước ngoài và sẽ "tự động" cấp thẻ xanh (giấy phép thường trú cho người không phải công dân Mỹ) cho các sinh viên nước ngoài tốt nghiệp tại Mỹ.
H-1B là visa không định cư của Mỹ dành cho những người lao động nước ngoài có kỹ năng chuyên môn cao. Visa này cho phép các công ty tại Mỹ thuê nhân viên nước ngoài cho các vị trí yêu cầu trình độ học vấn cao, thường là bằng cử nhân hoặc cao hơn trong các lĩnh vực như công nghệ thông tin, kỹ thuật, khoa học, y tế, tài chính và nhiều ngành khác. Quá trình xin visa H-1B được đánh giá là cạnh tranh và phức tạp. Mỗi năm, có một mức hạn ngạch về số lượng visa H-1B được cấp.
"Những người tốt nghiệp tốp đầu của lớp, họ không thể thỏa thuận với công ty vì họ không nghĩ là sẽ có thể ở lại nước ta. Việc đó sẽ chấm dứt vào ngày đầu nhiệm kỳ của tôi. Thật đáng buồn khi chúng ta mất những người từ (Đại học) Harvard, MIT (Viện Công nghệ Massachusetts), từ những trường tốt nhất", ông nói hồi tháng 6.
Chính sách đối ngoại của ông Trump
Ông Trump tuyên bố trong ngày đầu tiên trở lại Nhà Trắng sẽ thực hiện chính sách đối ngoại "đặt lợi ích của Mỹ lên trên hết", có phần khác biệt với chính quyền tiền nhiệm vốn nhấn mạnh tầm quan trọng của các liên minh quốc tế và ủng hộ Ukraine trong xung đột với Nga.
Ông tuyên bố sẽ chấm dứt xung đột tại Ukraine trước khi nhậm chức dù không nói rõ kế hoạch. Về NATO, ông từng cảnh báo sẽ không bảo vệ thành viên nào trong liên minh trong trường hợp họ bị tấn công nếu nước đó không chi ngân sách quốc phòng đủ mức cam kết. Để đề phòng, quốc hội Mỹ năm ngoái thông qua luật ngăn tổng thống rút Mỹ khỏi NATO nếu chưa được cơ quan lập pháp phê chuẩn.
Ngoài ra, ông Trump còn nói về nhiều ý định sẽ triển khai trong ngày đầu tái nhậm chức như chấm dứt "sự tàn bạo" của Green New Deal, chương trình chính sách công nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu do các nghị sĩ Dân chủ đề xướng. Ông cũng hứa sẽ dừng các dự án điện gió ngoài khơi và sẽ thúc đẩy sản xuất dầu mỏ, bãi bỏ một số quy định về tiêu chuẩn phát thải đối với các nhà sản xuất xe.
Ngoài ra, trong cuộc phỏng vấn hồi năm ngoái, ông từng nói đùa về việc sẽ không bao giờ lạm dụng quyền lực để báo thù bất kỳ ai, "ngoại trừ ngày đầu tiên". Khi được đề nghị làm rõ phát ngôn, ông Trump nói ý ông là sẽ đóng cửa biên giới và muốn khoan dầu nhiều hơn.
Thẩm phán tại Florida bác bỏ vụ kiện cựu Tổng thống Trump sở hữu trái phép tài liệu mật Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, ngày 15/7, Thẩm phán liên bang tại Florida, ông Aileen Cannon, đã bác bỏ vụ án hình sự cáo buộc cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump sở hữu trái phép các tài liệu mật, qua đó mang lại cho ông Trump một chiến thắng pháp lý lớn khác trong bối cảnh ứng cử viên đảng Cộng hòa...