Tình yêu thương nền tảng xây dựng lớp học hạnh phúc
Ngày 22/9, Trường THPT Hoàng Cầu (Hà Nội) tổ chức Hội thảo chuyên đề “ Tình yêu thương – nền tảng xây dựng lớp học hạnh phúc” với sự hỗ trợ và cố vấn khoa học từ Tiến sĩ Hoàng Trung Học- Trưởng khoa Giáo dục – Học viện Quản lý giáo dục.
Các thầy cô thảo luận nhóm về xây dựng lớp học hạnh phúc.
Tham dự hội thảo chuyên đề có sự tham gia của ông Đỗ Văn Nam, Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Hà Nội, ông Phạm Ngọc Tuấn, Trưởng phòng chính trị tư tưởng Sở GD&ĐT Hà Nội, Ban giám hiệu nhà trường cùng đội ngũ thầy cô giáo, CBCNV cùng đại diện ban cha mẹ học sinh nhà trường.
Cô giáo Lưu Thị Lập chia sẻ tại Hội thảo
Phát biểu đề dẫn hội thảo, cô giáo Lưu Thị Lập, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Xuất phát điểm từ chính thực tiễn của nền giáo dục và định hướng phát triển lâu dài của Trường THPT Hoàng Cầu, trong nhiều năm nay, bên cạnh việc nâng cao chất lượng chuyên môn, thì việc tạo ra môi trường học tập tích cực, thân thiện tiến đến mục tiêu “Trường học hạnh phúc - Thầy cô hạnh phúc- Học sinh hạnh phúc” là điều mà tôi – người đứng trên cương vị quản lý luôn trăn trở và quan tâm”.
Ngay từ ngày 6/ 9/2018 (sau buổi lễ khai giảng năm học 2018-2019) nhà trường đã tổ chức buổi Hội thảo chuyên đề “Giáo viên chủ nhiệm với kỹ năng xây dựng lớp học hạnh phúc” có sự tham gia hỗ trợ của hai chuyên gia Tâm lý và giáo dục đến từ trường ĐH Sư phạm Hà Nội là Tiến sĩ Nguyễn Thị Nhân Ái và Tiến sĩ Trần Thị Cẩm Tú.
Các thầy cô thảo luận nhóm và đưa ra ý kiến của mình
Buổi hội thảo đã góp phần trang bị cho đội ngũ CB-GV-NV nhà trường những luận cứ khoa học để từ đó các lực lượng giáo dục nhà trường vận dụng vào giải quyết các tình huống thực tiễn nảy sinh.
Sau hơn một năm, ngày hôm nay nhà trường tổ chức buổi hội thảo lần 2 với chủ đề: “Tình yêu thương- Nền tảng xây dựng lớp học hạnh phúc”, đây chính là cơ hội để các thầy cô giáo, các lực lượng phục vụ giáo dục nhà trường cùng nhìn lại những điều mình đã làm được, đã thay đổi được cũng như cả những điều chưa làm được, chưa thay đổi được trong thời gian qua với sự hỗ trợ và cố vấn khoa học từ Tiến sĩ Hoàng Trung Học- Trưởng khoa Giáo dục- Học viện Quản lý giáo dục.
Tại hội thảo, các thầy cô đã chia sẻ những câu chuyện xúc động về quá trình giáo dục học sinh với các tham luận như “Xây dựng lớp học hạnh phúc – Trách nhiệm không chỉ riêng ai” của cô giáo Nguyễn Thị Lan Phương – Phó Hiệu trưởng nhà trường;
“Thay đổi để hạnh phúc ngập tràn” của cô giáo Hoàng Thu Trang – GV Ngữ Văn, “Dạy bằng tình yêu – Học bằng trái tim”, của cô giáo Nguyễn Hồng Hạnh – GV Ngữ Văn; “Những chuyến đò yêu thương” của cô giáo Nguyễn Thị Thủy – GV Lịch Sử…
Ông Đỗ Văn Nam chia sẻ tại Hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, ông Đỗ Văn Nam, Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội cho biết: “Ngành Giáo dục đang triển khai chương trình GDPT mới, hơn lúc nào hết chúng ta cần phải chuyển mình để đổi mới.
Chương trình “Thầy cô chúng ta đã thay đổi” trên sóng kênh VTV7 đã và đang truyền cảm hứng, lan tỏa giá trị tích cực và là động lực để thay đổi đến với những ngôi trường trên khắp Việt Nam. Tôi mong rằng, chúng ta cùng thay đổi để hướng đến trường học hạnh phúc, giờ học hạnh phúc, GV hạnh phúc, HS hạnh phúc”.
Video đang HOT
Các thầy cô giáo được tham gia thảo luận nhóm với sự hỗ trợ của TS Hoàng Trung Học
Tại hội thảo, các thầy cô giáo được tham gia thảo luận nhóm với sự hỗ trợ và cố vấn khoa học từ Tiến sĩ Hoàng Trung Học với các chủ đề: Tại sao HS bạo lực? Tại sao chúng ta lại bạo lực với học trò? Tại sao HS vô lễ với thầy cô? Làm gì để nhà trường hạnh phúc?
Thông điệp của các thầy cô giáo đều đề cao vai trò giáo dục bằng tình yêu thương. Trao yêu thương, nhận yêu thương, Mọi sự thay đổi bắt đầu từ người thầy. Muốn hạnh phúc phải có nụ cười. Nụ cười của thầy cô là sự lan tỏa hạnh phúc.
“Lớp học Hạnh phúc là lớp học được xây lên đến từ trái tim biết cho đi yêu thương và chúng ta cũng sẽ nhận lại được quả ngọt từ sự yêu thương đó. Tôi hy vọng rằng buổi Hội thảo chuyên đề ngày hôm nay chúng ta cùng dũng cảm nhìn nhận, chia sẻ, trao đổi thẳng thắn quan điểm, suy nghĩ của mình để cùng bắt tay đồng hành với nhau trên hành trình xây dựng “Lớp học hạnh phúc – trường học hạnh phúc”,cô Lưu Thị Lập chia sẻ.
Lê Đăng
Theo GDTĐ
Phạt quỳ: Quan hệ thầy trò tôn trọng, bình đẳng, sẽ không ai "sợ" ai hết!
Tôi khẳng định sự yêu thương, tôn trọng như một nguyên tắc giáo dục quan trọng trong xã hội hiện đại không có nghĩa là nói nhà giáo dục "sợ" hay "nhún nhường" học sinh. Khi đã coi mối quan hệ thầy - trò là mối quan hệ tôn trọng, bình đẳng thì sẽ không nhìn nhận ai "sợ" ai hết!
Đó là trao đổi của Tiến sĩ Hoàng Trung Học, Học viện Quản lý giáo dục với phóng viên Dân trí khi bàn về bạo lực học đường, điển hình là vụ cô giáo phạt quỳ học sinh gây xôn xao dư luận.
Cô giáo Trường THCS Tô Hiệu (Thường Tín, Hà Nội) phạt học sinh quỳ gối gây xôn xao dư luận
Phạt học sinh quỳ: Cách tiếp cận sai!
Dư luận đang có nhiều ý kiến trái chiều về câu chuyện cô giáo Trường THCS Tô Hiệu (Thường Tín, Hà Nội) phạt học sinh quỳ gối. Sự việc trên cũng có nhiều chia sẻ và đồng cảm với áp lực của giáo viên và phản đối sự thiếu quan tâm của gia đình trong việc giáo dục con. Là nhà nghiên cứu về giáo dục tâm lý học sinh ông nghĩ sao về vấn đề này?
Việc trả lời cô giáo đúng hay sai có thể được nhìn nhận đa chiều, dưới nhiều góc độ.
Trước hết tôi xin bày tỏ sự chia sẻ với những khó khăn khá đặc thù và áp lực lớn của các thầy, cô, đặc biệt là các nhà giáo dạy học sinh trong lứa tuổi thiếu niên.
Đây là lứa tuổi với những đặc điểm đặc biệt mang tính chuyển giao từ trẻ em sang người lớn với nhu cầu khẳng định cái Tôi mạnh mẽ.
Các em mong muốn được tôn trọng, tạo ra bản sắc riêng nhưng đôi khi chưa biết khẳng định bản thân một cách đúng đắn. Điều này trong một số trường hợp đã dẫn đến những hành vi manh động, thái độ cực đoan, gây ra nhiều khó khăn cho người tiếp xúc, đặc biệt là những người làm công tác giáo dục.
Thứ hai, việc cô giáo phạt học sinh quỳ là hành động chưa đúng dưới phương diện nguyên tắc giáo dục, đạo đức nhà giáo, có biểu hiện xúc phạm nhân phẩm, danh dự của học trò.
Tuy nhiên, cũng cần nhìn thêm ở một chiều hướng ngược lại, là dù sai nhưng cô giáo trong trường hợp này vẫn đang "loay hoay" tìm cách giáo dục học trò, hướng các em đến những điều tốt đẹp hơn, dù cách làm chưa đúng.
Theo tôi, nếu dư luận nhìn nhận không thực sự công bằng, sẽ làm tổn thương đến nhiệt huyết của nhiều nhà giáo đang đứng lớp, có thể dẫn dến xu thế mặc kệ học trò để tìm đến sự an toàn cho bản thân. Điều này thực sự nguy hại cho các em và cho sự phát triển của giáo dục nước nhà.
Liệu hình thức bắt quỳ học sinh sẽ ngoan hơn không?
Bàn sâu về việc sử dụng hình thức bắt học sinh quỳ như một biện pháp giáo dục học sinh, hướng học sinh đến những mục tiêu cụ thể của quá trình giáo dục, tôi thấy đây là biện pháp chưa phù hợp.
Trong các nguyên tắc giáo dục, nguyên tắc tôn trọng thường được nhấn mạnh đầu tiên. Điều này có nghĩa là, dù còn nhỏ tuổi, đang hoàn thiện nhân cách, thậm chí có những sai lạc nhưng các em vẫn là những con người, nhân cách cần được tôn trọng, cần được hỗ trợ giáo dục.
Bên cạnh đó, khoa học giáo dục cũng chứng minh rằng, chỉ khi được giáo dục bằng các biện pháp thể hiện sự "Tôn trọng, yêu cầu cao" thì đứa trẻ mới thực sự có điều kiện để trưởng thành, có điều kiện trải nghiệm, đứng dậy sau sai lầm một cách phù hợp để trở thành công dân có ích.
Dưới phương diện này, tôi cho rằng, việc bắt đứa trẻ quỳ là cách tiếp cận sai về phương pháp giáo dục, không làm cho đứa trẻ tiến bộ, có thể để lại những hệ lụy tiêu cực trong sự phát triển của trẻ.
Giáo dục hiện đại: Tôn trọng - hợp tác
Nhiều ý kiến cho rằng, cách dạy trẻ "truyền thống" không còn phù hợp với thời buổi hiện nay? Theo ông thay vào đó là phương pháp gì?
Người ta thường nói cách giáo dục trẻ truyền thống dựa trên nền tảng kỷ luật chặt chẽ, thậm chí trách phạt bằng đòn roi như một phương pháp giáo dục phổ biến của giai đoạn trước như một cách tiếp cận trái ngược với phương pháp giáo dục hiện đại, dựa trên sự tôn trọng, bình đẳng và yêu thương. Điều này thì không còn phải bàn cãi nhiều nữa.
Phương pháp giáo dục bằng đòn roi, kỷ luật hà khắc, không tôn trọng nhân phẩm của người học đã không còn phù hợp trong bối cảnh hiện tại với mục tiêu giáo dục, bối cảnh giáo dục mới.
Mục tiêu giáo dục, tính chất của các mối quan hệ thầy - trò trong giáo dục hiện đại đã có những thay đổi lớn, chuyển từ sự áp đặt, truyền thụ một chiều, đào tạo đại trà những sản phẩm có đặc tính như nhau của gia đoạn trước đây sang mối quan hệ bình đẳng, tôn trọng.
Trong đó người thầy, cô coi học sinh là trung tâm, tôn trọng, hợp tác làm việc để các em phát huy hết tiềm năng cá nhân, được là chính mình, hạnh phúc với cuộc đời của mình.
Đây là sự thay đổi lớn trong cách tiếp cận giáo dục và là xu hướng tiến bộ, đúng đắn, cần thiết.
Vì vậy, phương pháp giáo dục hiện đại cần dựa trên những giá trị mới. Đó là sự tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, trải nghiệm và tạo điều kiện để học sinh tự chịu trách nhiệm một cách phù hợp với hành vi của mình, qua đó dần trưởng thành những công dân tốt.
Tiến sĩ Hoàng Trung Học - Học viện Quản lý giáo dục
Cần "trao ấn tín" cho đội ngũ nhà giáo tận tâm
Tình yêu thương của nhà giáo phải đi kèm với hiểu biết về pháp luật cũng như hiểu biết tâm sinh lý trẻ, hiểu biết về các phương pháp sư phạm thì mới có hiệu quả. Tuy nhiên, việc tôn trọng quyền trẻ em không đồng nghĩa với việc giờ đây giáo viên phải nhún nhường trước học sinh?
Tôi khẳng định sự yêu thương, tôn trọng như một nguyên tắc giáo dục quan trọng trong xã hội hiện đại không có nghĩa là nói nhà giáo dục "sợ" hay "nhún nhường" học sinh.
Khi đã coi mối quan hệ thầy - trò là mối quan hệ tôn trọng, bình đẳng thì sẽ không nhìn nhận ai "sợ" ai hết!.
Bên cạnh đó, yêu thương, tôn trọng phải đi kèm với yêu cầu cao và tạo điều kiện để học sinh có điều kiện chịu trách nhiệm về chính hành vi của mình trong môi trường học đường.
Cách tiếp cận dựa trên sự tôn trọng và tình yêu thương trong giáo dục cũng đòi hỏi các thầy, cô nhiều năng lực đặc biệt hơn so với cách giáo dục truyền thống, cứng nhắc.
Trong giáo dục cần thể hiện tình yêu thương đúng cách, tôn trọng nhân phẩm học trò nhưng cũng cần đặc biệt nghiêm khắc với những hành vi, thái độ chưa phù hợp của học trò.
Điều này đòi hỏi giáo viên phải có những hiểu biết về tâm lý học sinh một cách sâu sắc, phải có lòng bao dung, tình yêu thương đối với trẻ và sự khéo léo, tinh tế về sư phạm.
Nói cách khác, trong giáo dục không thể loại trừ được các hình thức kỷ luật. Nhưng kỷ luật phải có nguyên tắc, sao cho vừa đủ để trò nhận ra lỗi lầm, không cảm thấy bị sỉ nhục, từ đó hướng thiện.
Trong các chương trình đào tạo cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên của Học viện quản lý giáo dục, chúng tôi thường nhấn mạnh đến biện pháp này là: "Phương pháp kỷ luật không nước mắt" hay phương pháp "Kỷ luật tích cực". Kiên trì áp dụng biện pháp này sẽ mang lại nhiều kết quả tích cực.
Bên cạnh đó, vai trò của gia đình, sự quan tâm của cha mẹ, dư luận xã hội có ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả của các tác động giáo dục. Dư luận xã hội, gia đình cần thực sự trân trọng nhà trường, các thầy, cô; kết hợp chặt chẽ với nhà trường trong quá trình giáo dục trẻ thì mới mang lại hiệu quả như mong muốn.
Nếu dư luận xã hội, gia đình không thể hiện được sự tôn trọng ở mức cần thiết, có xu hướng khoét sâu, thổi phổng những hành vi sai trái vốn không mang tính đại diện cho các thầy, cô giáo thì vô hình chung sẽ làm ảnh hưởng lớn đến hình ảnh của người thầy và thái độ học tập của trò, từ đó ảnh hưởng đến tính hiệu quả trong những tác động sư phạm của họ.
Vì vậy, ta không ủng hộ những hành vi sai trái của một bộ phận giáo viên bạo lực với trò nhưng cũng cần thể hiện thái độ tôn trọng, tin tưởng và thực sự "trao ấn tín" cho đội ngũ nhà giáo tận tâm đang cháy hết mình với nghề.
Với sự phát triển, hội nhập mạnh mẽ như hiện nay, các nhà sư phạm bây giờ cần phải thay đổi và trang bị những kỹ năng gì để giáo dục học sinh?
Trong bối cảnh mới, để phục vụ tốt cho công cuộc đổi mới giáo dục nước nhà, tôi cho rằng, đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên cần chuẩn bị nhiều thứ. Tuy nhiên, liên quan đến vụ việc hôm nay, tôi muốn nhấn mạnh đến một vài điểm sau trong việc giáo dục học sinh trong bối cảnh mới:
Thứ nhất, cần thay đổi nhận thức về cách tiếp cận trọng giáo dục, thực sự coi học sinh là đối tượng trung tâm, là đối tác cần được tôn trọng, lấy sự hợp tác, tôn trọng, yêu cầu cao làm nền tảng trong cách tiếp cận giáo dục.
Thứ 2, người thầy lên lớp không chỉ dạy chữ mà quan trọng hơn là giáo dục nhân cách, đạo đức học trò. Vì vậy, cần lấy việc hướng dẫn phương pháp, truyền cảm hứng học tập, đam mê cho trò làm trung tâm.
Thứ 3, lực lượng các nhà giáo cần được hỗ trợ nhiều hơn để giải quyết những vấn đề phức tạp trong quá trình giáo dục. Ở đây, trong mỗi nhà trường, việc triển khai mô hình phòng tham vấn - hỗ trợ tâm lý học đường thực sự rất quan trọng.
Các chuyên gia trong lĩnh vực tâm lý - giáo dục tại mô hình này sẽ hỗ trợ các cán bộ, giáo viên phát hiện, phòng ngừa, can thiệp những trường hợp gặp khó khăn trong quá trình giáo dục, tránh được những vụ việc đáng tiếc.
Ngay từ năm 2006, Học viện quản lý giáo dục của chúng tôi đã đào tạo các chuyên gia tâm lý giáo dục làm việc trong mô hình này.
Mong rằng, khi lực lượng này thực sự phát huy ảnh hưởng chuyên môn của mình trong quá trình giáo dục học sinh trong nhà trường, cùng với sự vào cuộc mạnh mẽ và chung tay của các lược lượng giáo dục khác, sẽ giúp các nhà trường tránh được những vụ việc đáng tiếc như trong thời gian qua.
Xin trân trọng cám ơn ông!
Hồng Hạnh ( thực hiện)
Theo Dân trí
Trải nghiệm hạnh phúc tại lớp học Trong xã hội công nghệ 4.0, xây dựng lớp học hạnh phúc được nhiều nhà giáo dục quan tâm. Làm sao để mỗi ngày học sinh đến trường là một ngày vui, giáo viên đến trường mỗi ngày là một niềm hạnh phúc, quan hệ thầy trò là động lực để học sinh vươn tới tri thức? Vì vậy, việc xây dựng lớp...