Tỉnh ủy Gia Lai chỉ đạo giải trình vụ đề thi ‘đánh võng’
Ngày 16/5, Tỉnh ủy Gia Lai cho biết, đã chỉ đạo sở GD&ĐT giải trình, làm rõ việc ra đề thi môn Ngữ Văn học kỳ II gây dư luận trái chiều.
Đồng thời, sở GD&ĐT báo cáo rõ, chất lượng bài thi của học sinh có bị ảnh hưởng từ đề thi hay không?
Sự vào cuộc của Tỉnh ủy Gia Lai được xem là động thái sâu sát, quan tâm đến ngành giáo dục của tỉnh Gia Lai. Nhiều học sinh đã hoan nghênh sự vào cuộc của Tỉnh ủy. Hy vọng rằng, chất lượng bài thi và điểm số được đánh giá một cách khách quan và công tâm.
“Sau khi Tỉnh ủy có chỉ đạo, sở GD&ĐT đã có văn bản giải trình gửi Tỉnh ủy và UBND tỉnh Gia Lai”, Chánh văn phòng sở GD&ĐT Gia Lai Trần Thị Thu Hà cho biết.
Video đang HOT
Trước đó, nhiều học sinh bất bình khi đề thi môn Ngữ Văn học kỳ II (năm học 2015 -2016) khó hiểu, rối rắm, ảnh hưởng kết quả thi. Trong khi đó, sở GD&ĐT Gia Lai và những thầy cô ra đề đều khẳng định, đề thi “phá cách, phù hợp, phát huy trí tuệ học sinh”.
Đáp án của phần thi gây tranh cãi. Ảnh: Lao Động.
Theo sở GD&ĐT Gia Lai, việc ra đề thi là có cả một Hội đồng ra đề riêng. Họ là những giáo viên có kinh nghiệm, đã tham gia ra đề nhiều năm, gọi là đội ngũ cốt cán. Đề thi gây trái chiều do cô Đinh Thị Như – Tổ trưởng tổ Văn trường PTDT Nội trú tỉnh, cô Hà Thị Hoài Phương – Tổ trưởng tổ Văn trường THPT chuyên Hùng Vương (TP Pleiku) ra đề, người phản biện là thầy Đặng Văn Du – Tổ trưởng tổ Văn trường THPT Pleiku (TP Pleiku). Chủ tịch hội đồng ra đề là người thẩm định cuối cùng – Phó giám đốc sở GD&ĐT Lê Duy Định.
Việc tranh cãi, dư luận trái chiều rơi vào phần đọc hiểu (2,0 điểm), khi đề thi trích dẫn một đoạn trong bài viết “Thắp mình để sang xuân” của tác giả Đoàn Công Lê Huy:
” Hòn đá có thể cho lửa, cành cây có thể cho lửa. Nhưng chỉ có con người mới biết nuôi lửa và truyền lửa. Lửa xuất hiện khi có tương tác, ít ra là 2 vật tạo lửa. Lửa là kết quả của số nhiều. Cô bé bán diêm là số đơn. Cô đã chết vì thiếu lửa, để rồi từ đó loài người đã cảnh giác thắp nến suốt mùa Giáng sinh để cho không còn em bé bán diêm phải chết vì thiếu lửa.
Nước Việt hình chữ “S”, hiện thân của số nhiều, lẽ nào không biết nuôi lửa và truyền lửa, lẽ nào thiếu lửa? Không có lửa, con rồng chẳng phải là rồng, chỉ là con giun con rắn. Không có lửa, làm gì có “nồng” nàn, “nhiệt” tâm! Làm gì có “sốt” sắng, “nhiệt” tình, đuốc tuệ!
Làm gì còn “nhiệt” huyết, “cháy” bỏng! Sẽ đâu rồi “lửa” yêu thương? Việc mẹ việc cha, việc nhà việc nước, làm gì với đôi vai lạnh lẽo, ơ hờ? Không có lửa, em lấy gì “hun” đúc ý chí, “nấu” sử sôi kinh? Em… sống đời thực vật vô tri như lưng cây, mắt lá, đầu cành, thân cỏ… Cho nên: Biết ủ lửa để giữ phẩm cách – người, nhân cách – Việt. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội. Thế nhưng: Nếu không có lửa, sao thành mùa xuân?”
Học sinh phát rối khi đề thi lồng đoạn trích cho rằng: “Cô bé bán diêm là số đơn”; “Nước Việt hình chữ “S” là hiện thân của số nhiều”; “Cô bé bán diêm chết vì thiếu lửa”.
Cô Đinh Thị Như – Tổ trưởng tổ Văn trường PTDT Nội trú tỉnh Gia Lai cho biết, chưa biết gì nhiều về tác giả Đoàn Công Lê Huy. Cô tự ý chọn ngữ liệu là đoạn trích trên thay vì lấy đoạn trích của những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng, bởi theo cô là để “tránh sự lối mòn, rập khuôn”.
Theo Đình Văn/ Lao Động