Tình trạng bạo lực học đường: Nhà trường còn buông lỏng quản lý
Hiện tượng giáo viên sử dụng bạo lực với học sinh có thể xem như một sự sa sút nhân cách nhà giáo, sự bất lực về khả năng sư phạm. Do đó, các thầy cô phải thay đổi để tránh các hành động bạo lực, tạo một môi trường học tập thực sự hạnh phúc cho học sinh.
Cần đẩy mạnh tuyên truyền GD chống bạo lực học đường trong trường học. Ảnh minh họa/INT
Bạo lực học đường vẫn diễn biến phức tạp
Đề cập vấn đề xâm hại trẻ em trong các cơ sở giáo dục, ông Nguyễn Xuân Thủy – giảng viên Học viện Cảnh sát nhân dân, dẫn số liệu của Bộ Công an cho biết: Từ năm 2015 đến hết tháng 6/2019, lực lượng công an trên toàn quốc đã phát hiện hơn 7.800 vụ xâm hại trẻ em (dưới 16 tuổi), với gần 8.600 đối tượng, xâm hại 8.091 em.
Tuy nhiên, số liệu thống kê tội phạm xâm hại tình dục trẻ em trong các cơ sở giáo dục vẫn chưa được đầy đủ. Thời gian gần đây, những vụ xâm hại tình dục học sinh đang xảy ra ngay trong chính trường học và xuất phát từ một số giáo viên gây tâm lý lo lắng cho phụ huynh, bố mẹ.
Đơn cử, một thầy giáo ở Trường Tiểu học Tiên Sơn (Việt Yên, Bắc Giang) bị phụ huynh phản ánh có hành động không đúng chuẩn mực nhà giáo đối với một số học sinh. Khi vụ việc này chưa lắng xuống thì ngay sau đó, dư luận lại bàng hoàng với việc một thầy giáo ở Trường THPT chuyên Thái Bình nhiều lần nhắn tin “gạ tình” với một nữ sinh…
Về vấn đề bạo lực học đường đối với trẻ em, nhiều chuyên gia cũng chỉ ra, một số cơ quan quản lý giáo dục, nhà trường và chính quyền địa phương các cấp còn buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát, thiếu kiên quyết xử lý và xử lý chưa nghiêm, chưa kịp thời các vụ việc.
Đối tượng xâm hại thể chất trẻ em trong các cơ sở giáo dục, chủ yếu là giáo viên, nhân viên trường học và chính các em học sinh bạo hành, xâm hại lẫn nhau. Theo số liệu của Bộ GD&ĐT, chỉ trong một năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ học sinh đánh nhau trong và ngoài trường học.
Ông Nguyễn Xuân Thủy cho biết, xu hướng bạo lực từ một số thầy cô giáo đã ảnh hưởng đến tinh thần học sinh, làm các em không còn tin vào nhân cách người thầy, làm lệch lạc chuẩn mực đạo đức xã hội mà các em đã được lĩnh hội nhờ quá trình giáo dục.
Video đang HOT
Giảng viên Nguyễn Xuân Thủy
Việc thầy cô giáo có hành vi bạo lực với học sinh cũng có nguyên nhân từ áp lực công việc, do thiếu kiềm chế, không làm chủ được mình, thiếu kỹ năng ứng xử. Nhiều thầy cô giáo trút tức giận, bực bội lên đầu trẻ do chưa có kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng phân tích tâm lý dẫn đến bạo lực với học trò. Bạo lực nhà trường ảnh hưởng xấu đến học sinh, làm lệch lạc các chuẩn mực đạo đức ở các em.
Tạo môi trường giáo dục không hình phạt
Bàn về giải pháp phòng, chống xâm hại trẻ em nhìn từ góc độ khoa học giáo dục, thầy Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, dù xuất phát từ bất kỳ lý do nào đi chăng nữa, hiện tượng giáo viên sử dụng bạo lực với học sinh có thể xem như một sự sa sút nhân cách nhà giáo, sự bất lực về khả năng sư phạm.
Luật Giáo dục đã có quy định nhà giáo không được “xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể của người học”. Tuy nhiên trong nhà trường hiện nay xu hướng sử dụng hình phạt trong giáo dục còn chiếm một tỷ lệ đáng kể.
Nhà giáo Nguyễn Tùng Lâm
Thời gian qua, tình trạng vi phạm pháp luật, bạo lực học đường vẫn diễn biến phức tạp ở một số địa phương, cơ sở giáo dục; cá biệt có một số vụ việc bạo lực học đường nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần học sinh, làm ảnh hướng xấu đến môi trường giáo dục và gây lo lắng, bức xúc trong dư luận xã hội.
Để bảo vệ trẻ em tốt hơn trong trường học, ông Nguyễn Hải Hữu – Chủ tịch Hội đào tạo công tác xã hội nêu ý kiến: Cần tăng cường sự tham gia của nhà trường; nâng cao nhận thức của trẻ em về quyền trẻ em, đưa kỹ năng sống vào chương trình giảng dạy. Môi trường nhà trường cần mang tính hỗ trợ và an toàn đối với trẻ. Giáo viên cần phải được đào tạo và hỗ trợ trong việc sử dụng các phương pháp kỷ luật tích cực.
Bên cạnh đó, thay đổi quan điểm rằng trừng phạt thể chất và tinh thần là cần thiết để nuôi dạy trẻ. Người chăm sóc nên có hiểu biết về những hình thức kỷ luật thay thế cho trừng phạt thể chất và tinh thần. Thay thế phương pháp quản lý hành vi của trẻ mà không dựa vào việc sử dụng trừng phạt. Bố mẹ nên là tấm gương tốt để con noi theo. Nên dạy trẻ cách cư xử đúng mực với thầy, cô giáo, hỗ trợ giáo viên trong việc sử dụng hình thức kỷ luật tích cực.
Thầy Nguyễn Văn Hòa – Chủ tịch HĐQT Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) cho rằng, các bậc phụ huynh cũng cần phải nuôi dưỡng, giáo dục và chăm sóc, tạo điều kiện cho con em được học tập, rèn luyện, tham gia các hoạt động lành mạnh của trường, cộng đồng và xã hội tổ chức; không để con em bỏ học; không phó mặc, ỷ lại việc giáo dục con em mình cho nhà trường.
Vân Anh
Theo giaoducthoidai
Xây dựng môi trường học đường lành mạnh, an toàn
Trong bối cảnh vẫn tiếp diễn những vụ bạo lực học đường (như giáo viên bạo hành học sinh, học sinh đánh hội đồng bạn học...), các bạn đọc tâm huyết với việc xây dựng môi trường học đường lành mạnh, an toàn đã nêu ý kiến phân tích, góp ý về vấn đề này.
Đội trật tự học đường của Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TPHCM) tham gia điều phối giao thông trước cổng trường giờ tan học. Ảnh: THU HƯỜNG
Nắm bắt thông tin, điều chỉnh hành vi không đúng
Đọc các tin về những vụ bạo hành, xâm hại học sinh, dư luận lo ngại khi có những bất an ở học đường. Nếu như hệ thống chính trị ở nhà trường và đội ngũ giáo viên quan tâm nắm bắt thông tin, điều chỉnh hành vi không đúng của đồng nghiệp, thì đã không xảy ra những chuyện đáng tiếc. Một giáo viên chủ nhiệm không thể không biết những gì đang diễn ra trong lớp học của mình. Giáo viên có thể cập nhật từ nhiều nguồn thông tin để biết học sinh nào vắng học, trốn tiết, có tâm trạng bất ổn, hay học sinh nào có dấu hiệu hiếp đáp bạn bè...
Cũng không quá khó để người quản lý tìm hiểu giáo viên mình dạy dỗ như thế nào, từ soạn - giảng - chấm - chữa. Phạm vi một lớp học, khối học, hay trường học không quá nhỏ, song cũng không quá lớn để bao quát, nếu như người dạy, người quản lý có thái độ quan tâm và trách nhiệm.
Bưng bít những việc xấu, chẳng khác gì tiếp tay cho tội ác. Nhà giáo phải đấu tranh cho lẽ phải, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho học trò thân yêu. Sự thờ ơ, cả nể, thiếu tinh thần trách nhiệm trong các cuộc hội họp ở trường học đang là nguyên nhân để những biểu hiện không tốt có cơ hội sinh sôi. Căn bệnh thành tích cũng là nỗi ám ảnh vô hình khiến những người đứng đầu trường học, cấp học e ngại tiết lộ những mặt trái, góc khuất của trường hay của giáo viên, học sinh trường mình.
Lớp học sẽ bình yên nếu như trong tiết dạy không chỉ có những con chữ, phép tính, mà còn có những bài học giáo dục lối sống và đạo đức làm người. Người đứng lớp không được tự cho mình buông thả bản thân, không được tự cho mình quyền uy tối thượng; và cấp quản lý không được lơ là, thờ ơ, thiếu trách nhiệm.
QUỲNH LÂM (Thành phố Huế)
Vai trò rất quan trọng của gia đình
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những vụ việc bạo lực học đường, chủ yếu vẫn là do 3 môi trường giáo dục tác động là nhà trường, gia đình và xã hội. Với sai phạm của giáo viên, hẳn là do non yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, kém về phẩm chất đạo đức. Với sai phạm của học sinh thì gia đình và dư luận thường đổ lỗi cho nhà trường chưa chú trọng giáo dục đạo đức cho các em, xem nhẹ việc hình thành nhân cách, chỉ lo dạy chữ chứ chưa chú trọng dạy trở thành người lương thiện, đạo đức gương mẫu.
Nhưng nói gì đi nữa vai trò của gia đình rất quan trọng trong việc giáo dục trẻ; nền nếp và truyền thống của gia đình ảnh hưởng trực tiếp đến việc hình thành nhân cách trẻ một cách tích cực. Do vậy, cha mẹ phải thường xuyên quan tâm đến con cái, dành thời gian gần gũi con mình để phát hiện diễn biến tâm lý khác thường của con, kịp thời uốn nắn.
TRẦN VĂN TÁM ( Huyện Củ Chi, TPHCM)
Không thể dạy trẻ nên người bằng bạo lực
Trong việc nuôi dạy trẻ, có phụ huynh, giáo viên không kiềm chế được bực tức nên nóng nảy mắng chửi "khủng bố" tinh thần trẻ, dùng bạo lực đòn roi. Đây chính là cách giáo dục rất sai lầm. Thậm chí có người khi say xỉn, nóng giận thì đánh con cái chỉ vì quen thói bạo hành. Tác hại của việc dùng bạo lực để dạy trẻ có nhiều mức độ. Nguy hiểm nhất là những trận đòn quá tay, những hình phạt khiến trẻ đau đớn, có thể đẩy trẻ đến thái độ lầm lì, sợ hãi, hoặc phản kháng. Hậu quả là trẻ có thể không vâng lời, quậy phá, có hành động bạo lực với bạn bè và mang theo tâm lý hằn thù khi lớn lên.
Trong trường hợp bị dạy dỗ bằng bạo lực, trẻ cần được can thiệp tâm lý, vì những ký ức xấu đó dễ sinh ra các phản ứng tâm lý tiêu cực khiến trẻ bị lệch lạc khi lớn lên. Đặc biệt, khi so chỉ số IQ của những trẻ thường xuyên bị cha mẹ đánh với những đứa trẻ khác, các nhà khoa học phát hiện ra rằng chúng có chỉ số IQ thấp hơn nhiều. Từ đó có thể thấy phương pháp giáo dục của cha mẹ không chỉ giúp hình thành nhân cách của trẻ, mà còn ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển và khả năng tư duy của não bộ. Trẻ bị bạo hành còn có nguy cơ bị stress, khủng hoảng tâm lý, luôn trong trạng thái căng thẳng, lo sợ.
Vì thế, hãy luôn lắng nghe, giải thích cho trẻ hiểu rõ những việc nào là đúng, việc nào là sai, để trẻ tự ý thức, chủ động nhận lỗi và sửa chữa lỗi lầm, tùy thuộc vào độ tuổi và mức độ hiểu biết của trẻ. Hãy dùng tình thương, sự bao dung để khuyên răn, dạy bảo con trẻ; sự nghiêm khắc nhưng không bạo lực sẽ giúp trẻ nên người.
NGUYỄN THỊ LOAN ( Học viện Thanh thiếu niên)
Theo SGGP
Học sinh trường Ngô Quyền xây dựng tình bạn đẹp, nói không với bạo lực học đường Các con hãy xây dựng cho mình những tình bạn đẹp và tình bạn này là động lực để giúp đỡ, theo các con suốt cuộc đời, kể cả những lúc các con gặp gian khó nhất. Đó là những lời nhắn nhủ chân thành, ý nghĩa của cô giáo Nguyễn Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Ngô Quyền...