Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới ngày 16/1
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h00 ngày 16/1 (theo giờ Việt Nam), trên thế giới ghi nhận tổng cộng 327.097.749 ca mắc COVID-19 và 5.555.172 ca tử vong.
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Berlin, Đức, ngày 12/1/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Số ca hồi phục là 266.614.787 ca. Số ca bệnh đang phải điều trị là 54.927.790, trong đó tỷ lệ ca bệnh nặng chiếm 0,2%.
Mỹ là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới với 66.664.283 ca mắc, trong đó có 873.149 ca tử vong. Tiếp theo là Ấn Độ với 37.122.164 ca mắc và 486.094 ca tử vong. Brazil đứng thứ ba thế giới khi ghi nhận 22.975.723 ca mắc và 621.007 ca tử vong.
Diễn biến dịch COVID-19 trở nên khó lường hơn tại một số quốc gia châu Á. Ấn Độ ghi nhận 271.202 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua – mức tăng theo ngày cao kỷ lục trong 8 tháng qua. Cũng trong 24 giờ qua, Ấn Độ có thêm 314 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi.
Trong khi đó, số ca mắc mới COVID-19 tại Nhật Bản đã chạm mốc 20.000 ca/ngày trong ngày thứ 3 liên tiếp trong bối cảnh nước này đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm do biến thể Omciron. Thống kê trên được công bố chỉ một ngày sau khi số ca mắc mới tại Nhật Bản gần chạm mức cao kỷ lục 25.992 ca của ngày 20/8/2021. Số ca mắc mới đã tăng khoảng 50 lần trong 2 tuần qua với một số tỉnh tại Nhật Bản liên tục ghi nhận các kỷ lục về số ca nhiễm mới.
Tại Hàn Quốc, giới chức y tế nước này cảnh báo dịch bệnh có nguy cơ bùng phát mạnh trong dịp Tết Nguyên đán khi số ca mắc mới ghi nhận hằng ngày vẫn trên 4.000 ca trong ngày thứ 5 liên tiếp. Ngày 16/1, Hàn Quốc ghi nhận 4.194 ca nhiễm mới, trong đó có 3.818 ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Video đang HOT
Để ngăn chặn số ca lây nhiễm mới gia tăng, Chính phủ Hàn Quốc có kế hoạch duy trì lệnh giới nghiêm vào 21h hằng ngày đối với các nhà hàng, quán cà phê, trong khi hạn chế số lượng người tụ tập còn 4 người. Các quy định phòng dịch điều chỉnh sẽ có hiệu lực từ ngày 17/1 đến hết ngày 6/2 sau khi hết hạn vào ngày 16/1. Đây là những biện pháp mà Chính phủ Hàn Quốc thực hiện nhằm ngăn nguy cơ dịch bệnh lây lan vào giữa tháng 12/2021, thời điểm Hàn Quốc có gần 8.000 ca nhiễm mới mỗi ngày.
Tại Bắc Mỹ, mô hình dịch bệnh mới vừa do Cơ quan Y tế Công cộng Canada (PHAC) công bố cho thấy biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 sẽ khiến cho số người nhập viện tăng lên “mức cực cao” trong những tuần tới, trong khi số ca mắc COVID-19 sẽ ở mức cao “chưa từng có” tại nước này.
Trên quy mô toàn quốc, tỷ lệ xét nghiệm có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 lên đến 28%. PHAC đánh giá Omicron có thể ít nghiêm trọng hơn so với các biến thể trước đây, chẳng hạn như nguy cơ nhập viện thấp hơn so với biến thể Delta, tuy nhiên số ca mắc bệnh “khổng lồ” (mô hình cho thấy Canada có thể có tới 150.000 ca mắc mới mỗi ngày trong tháng 1) đang dẫn tới sự gia tăng xu hướng bệnh nặng trên toàn quốc. Số ca nhập viện mới có thể tăng lên khoảng 2.000-4.000 ca mỗi ngày, thiết lập các mức cao kỷ lục mới. Hiện tổng số ca mắc COVID-19 tại Canada đã lên tới 2.688.751 ca, trong đó 31.190 người đã tử vong.
Tại Đức, tỷ lệ mắc mới COVID-19 ở Đức lần đầu tiên đã vượt ngưỡng 500 ca/100.000 dân/7 ngày. Đây là mức cao nhất ghi nhận được tại nước này từ khi đại dịch bùng phát. Viện Robert Kock (RKI) ngày 16/1 cho biết tỷ lệ các ca mắc mới trên mỗi 100.000 dân trong vòng 7 ngày qua tại nước này đã đạt mức 515,7 ca, cao hơn mức đỉnh 485 ca hồi tháng 11 năm ngoái trong làn sóng lây nhiễm thứ 4 và cao hơn mức 497,1 ca của một tuần trước đó. Viện RKI cũng cho biết tại một số địa phương, con số này cao hơn nhiều lần. Tuy nhiên, tín hiệu đáng mừng là cho đến nay, số nạn nhân không qua khỏi không có xu hướng tăng.
Theo thống kê của Viện RKI, trong vòng 24 giờ qua (tính đến sáng 16/1), Đức ghi nhận 52.504 ca mới, nhiều hơn 15.952 ca so với một tuần trước đó. Tuy nhiên, số lượng ca nhiễm thực tế có thể cao hơn do có ít xét nghiệm hơn vào những ngày cuối tuần.
Do vẫn còn nhiều người chưa được tiêm vaccine, Bộ trưởng Y tế Đức Karl Lauterbach đã quan ngại rằng số ca tử vong sẽ tiếp tục tăng cao cũng như các bệnh viện quá tải do làn sóng Omicron. Ông cảnh báo một làn sóng Omicron có thể sẽ khiến hàng trăm nghìn người bị bệnh nặng và hàng nghìn người không qua khỏi. Theo ông, người dân không nên đánh giá thấp mối nguy hiểm từ biến thể Omicron. Hiện số ca nhập viện thấp do số người nhiễm virus SARS-CoV-2 chủ yếu là những người trẻ tuổi, khỏe mạnh. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn có thể thay đổi một cách nhanh chóng nếu những người lớn tuổi hơn bị lây nhiễm.
Còn tại Nga, nước này đã ghi nhận 29.230 ca mắc mới trong vòng 24 giờ qua, mức cao nhất kể từ ngày 13/12/2021, nâng tổng số ca mắc lên 10.803.534 ca. Nga cũng có thêm 686 ca tử vong do COVID-19, đánh dấu lần đầu tiên số ca tử vong theo ngày giảm xuống dưới mốc 700 ca/ngày kể từ đầu tháng 5/2021. Tổng số ca bệnh không qua khỏi tại Nga là 321.320 ca.
Moskva là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nhất với 6.480 ca mắc mới trong vòng 24 giờ quam nâng tổng số ca mắc tại đây là 2.088.704 ca.
Liên quan đến vaccine, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh học Quốc gia mang tên Gamaleya, ông Denis Logunov, cho biết trung tâm này dự kiến điều chế loại vaccine có thể ngừa cùng lúc một số chủng virus SARS-CoV-2. Theo ông Logunov, khả năng này đang được thảo luận. Loại vaccine mới sẽ có thể ngừa cả chủng virus SARS-CoV-2 đầu tiên ở Trung Quốc, cùng như các chủng Delta và Omicron. Ông Logunov thông báo: “Chúng tôi đang xem xét và thảo luận cách điều chế Sputnik đa trị, kể cả Delta và Omicron”.
Đáng chú ý, COVAX – chương trình chia sẻ vaccine ngừa COVID-19 toàn cầu do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Liên minh vaccine Gavi đồng hành, tính đến ngày 15/1 đã đạt dấu mốc phân phối 1 tỷ liều. Có tổng cộng 144 nước và vùng lãnh thổ đã tiếp nhận số vaccine viện trợ này.
Được khởi xướng vào năm 2020, COVAX đặt mục tiêu đến cuối năm 2021 phân phối 2 tỷ liều vaccine cho các nước có thu nhập trung bình và thấp. Như vậy, COVAX mới chỉ hoàn thành được 50% mục tiêu đề ra mà nguyên nhân được xác định là do hành động tích trữ vaccine của các nước giàu hơn, lệnh hạn chế xuất khẩu của các nước sản xuất vaccine và thay đổi trong kế hoạch hành động của COVAX.
Số lượng vaccine được phân phối theo COVAX gia tăng mạnh trong thời gian gần đây, song tình trạng bất bình đẳng về vaccine vẫn là điều đáng lo ngại. Theo báo cáo của WHO có 67% dân số tại các nước giàu hơn đã hoàn thành tiêm chủng cơ bản, trong khi tỷ lệ này ở những nước nghèo hơn chỉ là 5%. Hơn 40% dân số trên thế giới còn chưa được tiêm mũi đầu tiên.
Hiện Gavi đang tìm kiếm thêm nhiều nguồn vốn nhằm hiện thực hóa mục tiêu của WHO tiêm chủng cho 70% dân số tại những nước nghèo hơn vào tháng 7 năm nay.
Đức điều chỉnh quy định cách ly để thích ứng với biến thể Omicron
Tối 13/1 (giờ Đức), Quốc hội Liên bang Đức (Hạ viện) tiến hành bỏ phiếu về các quy định cách ly mới, vốn được điều chỉnh để thích ứng với biến thể Omicron đang chiếm phần lớn số ca mắc hiện nay tại nước này.
Theo dự thảo quy định mới, thời gian cách ly sẽ được rút ngắn với cả người mắc COVID-19, những người tiếp xúc và những người nhập cảnh.
Hành khách đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại ga tàu hỏa ở Berlin, Đức. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, quy định mới sẽ được Hội đồng Liên bang (Thượng viện) thông qua trong ngày 14/1 và được ký thành luật vào ngày 15/1. Tuy nhiên, quy định cách ly mới sẽ chỉ có hiệu lực sau khi 16 bang của Đức thông qua thành luật riêng tại nghị viện các bang.
Trước đó, ngày 7/1, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã triệu tập một cuộc họp với thủ hiến 16 bang cùng hội đồng chuyên môn đánh giá về dịch bệnh của chính phủ để quyết định những biện pháp mới nhằm chống biến thể Omicron đang gây ra làn sóng dịch bệnh với tốc độ lây nhiễm chóng mặt. Tại cuộc họp, cả Bộ trưởng Y tế Karl Lauterbach cùng nhiều quan chức cấp liên bang và bang đều đề xuất rút ngắn thời gian cách ly từ mức 14 ngày hiện nay xuống 7 hoặc 5 ngày.
Mục đích của việc điều chỉnh quy định cách ly là nhằm ngăn chặn sự gián đoạn lớn có thể xảy ra đối với các dịch vụ y tế quan trọng như bệnh viện, trung tâm cấp cứu cũng như trường học trong trường hợp có thể xảy ra làn sóng dịch mới do biến thể Omicron.
Ngoài ra, trước việc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự đoán rằng một nửa dân số châu Âu có thể nhiễm biến thể Omicron trong những tháng tới, các bộ trưởng lo ngại rằng cơ sở y tế rơi vào tình trạng khó khăn nếu một lượng lớn nhân viên phải thực hiện cách ly kéo dài.
Trong khi đó, theo số liệu thống kê mới nhất, Đức đã ghi nhận 93.154 ca mắc mới trong vòng 24 giờ qua, mức cao nhất tính theo ngày kể từ đầu dịch đến nay.
Đức triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại các hiệu thuốc Người dân ở Đức có thể được tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại các hiệu thuốc trong vòng hai tuần tới. Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Berlin, Đức ngày 30/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN Đây là lần đầu tiên Đức áp dụng hình thức tiêm chủng này sau khi quy định của chính phủ sửa đổi cho phép các...