Tình cảm ấm áp của “giám thị đại học” với giáo viên, học sinh miền núi
Thành công của 3 ngày diễn ra kỳ thi THPTQG 2019 tại Tuyên Quang có đóng góp công sức không nhỏ của các cán bộ, giảng viên đến từ các trường ĐH, CĐ.
Đại diện đoàn cán bộ, giảng viên Trường ĐH Sư phạm (ĐH Thái Nguyên) trao quà cho thí sinh vượt khó của Trường THPT Kim Xuyên (huyện Sơn Dương)
GD&TĐ đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Mai Xuân Trường – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên, Phó Ban Chỉ đạo kỳ thi THPTQG 2019 tỉnh Tuyên Quang – xung quanh những đánh giá trong công tác phối hợp, cảm nhận, sẻ chia của các giám thị trường ĐH khi về địa phương “làm thi”.
PGS.TS Mai Xuân Trường – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên, Phó Ban Chỉ đạo kỳ thi THPTQG 2019 tỉnh Tuyên Quang
* Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về sự phối hợp của ngành GD địa phương với lực lượng cán bộ, giảng viên trường ĐH trong kỳ thi THPTQG 2019 tại Tuyên Quang?
- Ngay sau khi Trường được Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ phối hợp với tỉnh Tuyên Quang tổ chức kỳ thi THPG năm 2019, Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo các đơn vị chức năng trong trường chủ động phối hợp với tỉnh Tuyên Quang xây dựng kế hoạch phối hợp kỳ thi (cử gần 300 cán bộ tham gia Ban chỉ đạo, Ban thư ký, Hội đồng thi; Hội đồng Chấm trắc nghiệm; Hội đồng Chấm Phúc khảo trắc nghiệm, Thanh tra coi thi…).
Theo tôi sự phối hợp của Ban chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 tỉnh Tuyên Quang nói chung, Sở GD&ĐT nói riêng, với Trường ĐH Sư phạm – ĐH Thái Nguyên, Trường ĐH Công đoàn Hà Nội và Trường CĐ Sư phạm Hà Giang là hết sức nhịp nhàng, đảm bảo đúng quy chế và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương cũng như các đơn vị phối hợp.
Các cán bộ, giảng viên Trường ĐHSP – ĐH Thái Nguyên đến điểm thi tại huyện Yên Sơn (tỉnh Tuyên Quang)
* Năm nay là năm đầu tiên áp dụng một số điểm mới về mặt kỹ thuật trong coi thi, thanh tra, giám sát… Với thực tiễn triển khai, theo ông, có cần phải điều chỉnh gì không để kỳ thi THPTQG thêm chặt chẽ, an toàn, minh bạch?
- Cho đến thời điểm này tôi thấy những điểm mới về mặt kỹ thuật cơ bản đáp ứng được yêu cầu của thực tế, hạn chế sai sót, tiêu cực trong công tác coi, chấm thi.
* Sau việc tổ chức thi là phần chấm thi với sự tham gia của lực lượng cán bộ, giảng viên từ trường ĐH. Ông đã lưu ý điều gì với các cán bộ tham gia chấm thi của Trường ĐHSP Thái Nguyên?
Video đang HOT
- Chúng tôi nhấn mạnh cán bộ tham gia chấm thi cần nắm chắc quy trình chấm thi trắc nghiệm, thực hiện đúng quy chế. Các trường hợp bất thường cần lập biên bản và báo cáo lãnh đạo để xử lý hoặc báo cáo cấp trên khi cần thiết.
Niềm vui sau mỗi buổi “làm thi” của các thầy giám thị trường ĐH và trường phổ thông
* Khác với những đoàn giám thị từ trường ĐH khác, các cán bộ, giảng viên Trường ĐHSP Thái Nguyên là những người trực tiếp đào tạo các thầy cô giáo tương lai. Chuyến đi địa phương, trực tiếp làm thi cùng các GV có cho họ bài học, góc nhìn gì có ích cho công việc?
- Đây là những trải nghiệm thực tế thực sự có ý nghĩa với cán bộ, giảng viên của nhà trường. Ngoài sự chia sẻ, đồng cảm với những khó khăn của địa phương, chúng tôi cũng học hỏi được nhiều trong công tác lãnh, chỉ đạo công tác coi thi, công tác giảng dạy, học tập của giáo viên và học sinh ở trường phổ thông để có những điều chỉnh về chương trình đào tạo, phương pháp cho sát với thực tiễn hơn.
Đoàn cán bộ coi thi điểm thi Trường THPT Minh Quang tặng Trường THPT Minh Quang 4 triệu đồng, góp kinh phí sửa chữa nhà nội trú của HS bị gió lốc tốc mái cuối tháng 4/2019
* Ông có thể chia sẻ một kỷ niệm ông nhớ nhất sau thời gian “làm thi” tại Tuyên Quang?
- Đó là sự đồng cảm của các thầy cô giáo của nhà trường với giáo viên và học sinh ở những điểm thi còn khó khăn. Kết thúc kỳ thi, các cán bộ, giáo viên của nhà trường tham gia làm nhiệm vụ ở một số điểm thi đã có những động viên, chia sẻ với giáo viên, học sinh trường phổ thông như tặng quà cho học sinh khó khăn, ủng hộ quỹ khuyến học của nhà trường, ủng hộ sửa chữa nhà nội trú của học sinh bị tốc mái…
Đây là những tình cảm ấm áp của cán bộ, giảng viên nhà trường với giáo dục miền núi nói chung và Tuyên Quang nói riêng.
* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Gia Hân (thực hiện)
Theo GDTĐ
Trường sư phạm cùng giáo viên phổ thông bàn cách thức bồi dưỡng GV đáp ứng CTGDPT mới
Sáng nay (21/4), Trường ĐH Sư phạm - ĐH Thái Nguyên phối hợp với Sở GD&ĐT Thái Nguyên tổ chức hội thảo khoa học Chương trình GDPT mới và định hướng chương trình bồi dưỡng giáo viên.
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh Việt Hà
Dự hội thảo có bà Trịnh Hoài Thu - Phó Vụ trưởng Vụ GD Tiểu học (Bộ GD&ĐT); PGS.TS Nguyễn Thị Tính - Hiệu trưởng; PGS.TS Mai Xuân Trường - Bí thư Đảng ủy; ông Nguyễn Mạnh Sơn - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Nguyên.
Đông đảo cán bộ, giảng viên trường sư phạm - những người trực tiếp tổ chức bồi dưỡng, giáo viên các trường phổ thông trong tỉnh Thái Nguyên, chủ thể trực tiếp được bồi dưỡng CT, hoạt động giáo dục và PPGD CTGDPT mới trong những năm tới - tham dự và có nhiều ý kiến tham luận tại hội thảo.
Cách tiếp cận - yếu tố thực hiện thành công chương trình mới
Các giảng viên trình bày báo cáo khoa học tại hội thảo. Ảnh Việt Hà
Phát biểu khai mạc, PGS.TS Nguyễn Thị Tính cho biết: Phát huy vai trò dẫn đường của trường sư phạm và vai trò nòng cốt của giáo viên cốt cán phổ thông trong đổi mới CT giáo dục, giảng viên các khoa chuyên ngành của Trường ĐH Sư phạm đã cùng giáo viên cốt cán của các môn học của các trường phổ thông tiến hành seminar so sánh CTGDPT mới với CTGDPT hiện hành nhằm xác định điểm khác biệt giữa CTGDPT mới với CTGDPT hiện hành;
Trên cơ sở đó xác định những điểm mới của CT, năng lực cần bổ sung cho giáo viên để đáp ứng CT phổ thông mới và nội dung các chuyên đề cần bồi dưỡng.
Kết quả hầu hết các seminar đã khẳng định nội dung của CTGDPT mới về cơ bản không thay đổi nhiều về nội dung kiến thức cơ bản mà chỉ cập nhật một số nội dung mới, điểm khác biệt cơ bản của CT mới với CT hiện hành là cách tiếp cận CT, tiếp cận dạy học và đánh giá kết quả học tập được triển khai theo định hướng phát triển năng lực học sinh, theo đó giáo viên phải thay đổi về quan điểm phát triển CT nhà trường và CT môn học; đổi mới về phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và cách thức đánh giá kết quả dạy học.
Hội thảo được tổ chức nhằm tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và triển khai thực hiện giữa giảng viên sư phạm và giáo viên phổ thông về tổ chức thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, cách tiếp cận CT, cách tiếp cận dạy học trong CT và cách thức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh. Từ đó xác định các chuyên đề bồi dưỡng, hình thức tổ chức bồi dưỡng phù hợp, góp phần thực hiện thành công, hiệu quả CTGDPT mới.
Phải đổi mới nếu không muốn bị động
PGS.TS Nguyễn Phúc Chỉnh trình bày báo cáo khoa học tại hội thảo. Ảnh Việt Hà
Trình bày báo cáo khoa học: "Nghiên cứu, đánh giá CTGDPT mới", PGS.TS Nguyễn Phúc Chỉnh - Trưởng Phòng Đào tạo đã phân tích những thay đổi của CTGDPT mới, những môn học mới và hoạt động giáo dục trải nghiệm sáng tạo; Đồng thời cho rằng: những môn mới, hoạt động trải nghiệm sáng tạo và những định hướng năng lực mới của chương trình sẽ là những định hướng cần thiết để cả trường sư phạm và các nhà trường phổ thông phải thay đổi để đáp ứng ngay từ bây giờ nếu không muốn bị động.
Về phía trường sư phạm, đổi mới chương trình đào tạo, mở mới ngành đào tạo và xây dựng chương trình bồi dưỡng giáo viênđáp ứng CTGDPT mới là yêu cầu cấp thiết.
Bên cạnh đó, việc nghiên cứu thực tế nhu cầu giáo viên, xu hướng người học trong thời gian tới để định hướng công tác đào tạo mang tính chiến lược quan trọng, tránh được sự thiếu hụt giáo viên cả về số lượng, cơ cấu giáo viên của các địa phương.
Ông Nguyễn Hà Sơn phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Việt Hà
Nêu lên bức tranh chung về đội ngũ giáo viên, thực tế giảng dạy ở bậc tiểu học của tỉnh Thái Nguyên, ông Nguyễn Hà Sơn - Trưởng phòng Tiểu học, chia sẻ: Trong quá trình thực hiện CTGDPT mới, cần tìm hiểu kỹ CT mới, kiến thức kỹ năng, mạch CT mới; Cần làm rõ đâu là điểm kế thừa, khác biệt, đâu là những yếu tố đổi mới; Các PPDH, hình thức, kỹ thuật dạy học theo hình thức đổi mới phương thức tổ chức dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh; Quan tâm đến PPDH phù hợp với từng đối tượng học sinh, từng bậc học.
Giáo viên các bậc học phổ thông tại hội thảo. Ảnh Việt Hà
Tiếp tục bồi dưỡng giáo viên phương pháp kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Trong quá trình bồi dưỡng, chú trọng những tiết dạy mẫu, hình ảnh minh họa, có SGK, tiếp đó là đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong dạy học phù hợp với giáo viên dạy ở từng bậc học.
Hội thảo đã quy tụ được nhiều nghiên cứu đánh giá, nhiều đề xuất chuyên đề bồi dưỡng có chất lượng nghiên cứu sâu sát với thực tế giáo dục phổ thông hiện hành và CTGDPT mới.
Hội thảo cũng đã đề xuất chương trình bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông; đề xuất nội dung bồi dưỡng giáo viên, tập huấn giáo viên đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới; một số đề xuất trong biên soạn tài liệu nội dung giáo dục địa phương cấp trung học tỉnh Thái Nguyên theo chương trình giáo dục phổ thông mới...
Bá Hải
Theo GDTĐ
Thi THPT quốc gia 2019: Coi thi xong, tình người nhớ mãi! Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 đã khép lại, các thầy cô coi thi của các trường ĐH hầu như đã về đến nhà, mang theo rất nhiều kỷ niệm vui. Giảng viên Nguyễn Thị Thuỳ Linh, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM chụp ảnh với trẻ em Côn Đảo - NVCC Canh cho thí sinh... đi vệ sinh! Một cán bộ của...