Tin buồn cho giới Fintech Trung Quốc
Chính phủ Trung Quốc có kế hoạch yêu cầu một số công ty fintech chia sẻ dữ liệu khách hàng.
Theo nguồn tin riêng của Reuters , chính phủ Trung Quốc có kế hoạch yêu cầu các công ty công nghệ như Ant Group, Tencent, JD.com chia sẻ dữ liệu khách hàng vay tiêu dùng, viện dẫn lý do ngăn chặn tình trạng cho vay tràn lan và gian lận.
Bên cạnh đó, kế hoạch có nhiệm vụ tăng cường sự giám sát áp dụng lên các công ty công nghệ mảng fintech và củng cố lĩnh vực tài chính của Trung Quốc. Sự thay đổi này phần nào đã dẫn đến thương vụ IPO bất thành trị giá 37 tỷ USD của Ant Group hồi tháng 11/2020.
Trước đó, chính phủ Trung Quốc đã mở một cuộc điều tra chống độc quyền nhắm vào Alibaba – công ty mẹ cũ của Ant Group – và yêu cầu công ty này hợp tác với các hoạt động kinh doanh cho vay, tài chính tiêu dùng khác.
Các công ty của tỷ phú Jack Ma dính vào hàng loạt vấn đề pháp lý thời gian gần đây.
Từ lâu, các nền tảng Internet lớn có xu hướng dè dặt khi được yêu cầu chia sẻ dữ liệu khách hàng, vốn là thứ tài sản quan trọng giúp công ty điều hành hoạt động, quản lý rủi ro và thu hút khách hàng mới.
Reuters cho biết cơ quan quản lý Trung Quốc, bao gồm cả ngân hàng trung ương nước này, đã có kế hoạch hướng dẫn các công ty công nghệ mảng fintech cung cấp dữ liệu khách hàng vay tiêu dùng sang một số cơ quan tín dụng khác.
Những cơ quan này được điều hành hoặc hỗ trợ bởi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) và sẽ có nhiệm vụ chia sẻ dữ liệu với các ngân hàng hoặc tổ chức cho vay khác. Từ đó giúp đánh giá đầy đủ rủi ro khoản vay và ngăn chặn việc cho vay quá mức.
Ant Group, Tencent, JD.com hay PBOC chưa có bất kỳ bình luận nào.
“Các ngân hàng nhỏ hơn thường yếu thế khi hợp tác với những gã khổng lồ fintech như Ant. Những ngân hàng này phải dựa rất nhiều vào dữ liệu của Ant để bảo lãnh các khoản vay và quản lý rủi ro”, một nhà quản lý cấp cao cho biết.
“Khi các vụ vỡ nợ xảy ra, các ngân hàng phải gánh phần lớn thiệt hại. Điều quan trọng là người cho vay phải có quyền truy cập tốt hơn vào dữ liệu tín dụng của người đi vay”, nguồn tin giấu tên khác chia sẻ.
Video đang HOT
Lĩnh vực cho vay tiêu dùng là sân chơi riêng của các công ty công nghệ Trung Quốc.
Theo Reuters , động thái này sẽ ảnh hưởng đến quy mô và lợi nhuận của các công ty công nghệ. Theo thông lệ, ngân hàng sẽ phải trả khoản phí dịch vụ tương đối cao để đổi lấy quyền truy cập thông tin của hàng triệu khách hàng.
Thông qua “siêu ứng dụng” Alipay, Ant Group đã thu thập dữ liệu của hơn 1 tỷ người. Nhiều người trong số họ không có thẻ tín dụng hoặc đủ điều kiện làm hồ sơ tín dụng với các ngân hàng cũng như tổ chức cho vay.
Hiện nay, Ant Group đang điều hành Sesame Credit, một trong những nền tảng tín dụng tư nhân lớn nhất Trung Quốc. Thông qua các dịch vụ liên kết với Ant, Sesame có những thuật toán độc quyền giúp chấm điểm cá nhân hoặc doanh nghiệp nhỏ đi vay.
Giới phân tích ước tính, Sesame Credit đã cung cấp dữ liệu khách hàng đi vay cho khoảng 100 ngân hàng và thu về “phí dịch vụ công nghệ”. Phí dịch vụ công nghệ được tính dựa trên lãi suất các khoản vay, thường dao động từ 30-40% giá trị lãi suất.
Theo báo cáo IPO và dữ liệu của PBOC, tính đến cuối tháng 6/2020, số dư cho vay tiêu dùng của Ant đạt mức 263 tỷ USD, chiếm 21% tổng khoản vay tiêu dùng ngắn hạn mà các tổ chức tài chính nhận tiền gửi của Trung Quốc phát hành.
Ngoài Ant, công ty cho vay tư nhân WeBank do Tencent điều hành đã triển khai dự án vay Weilidai từ năm 2015. Đến năm 2019, dự án này đã có 460 triệu khoản vay với tổng trị giá 572 tỷ USD. Hai nền tảng là Baitiao và Jintiao của JD.com cũng đã có tổng cộng 70 triệu người dùng hàng năm và thu về 680 tỷ USD phí dịch vụ công nghệ trong nửa đầu năm 2020.
Theo báo cáo của JD Digits, Jintiao đã tạo điều kiện cho các khoản vay tiêu dùng với tổng trị giá 40 tỷ USD trong cùng kỳ năm 2020.
Thử nghiệm tiền kỹ thuật số lần 2 ở Trung Quốc: lôi kéo người dùng bằng xổ số và tiền mua bột giặt đủ cho cả năm
Trong thử nghiệm mới nhất, các cư dân ở thành phố Tô Châu đã được tặng tới 20 triệu "nhân dân tệ kỹ thuật số" để chi tiêu cho các giao dịch mua hàng trực tuyến hoặc ngoại tuyến.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc hôm Chủ nhật 27/12 vừa qua đã kết thúc chương trình thử nghiệm tiền kỹ thuật số thứ hai. Đây là bước tiến lớn đánh dấu việc ngân hàng trung ương nước này đã tiến gần hơn đến việc triển khai chính thức để đưa Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn đầu tiên trên thế giới áp dụng một hệ thống tiền tệ như vậy.
Trong tháng này, chính quyền ở thành phố Tô Châu, miền đông Trung Quốc, đã trao 20 triệu nhân dân tệ kỹ thuật số, tương đương 3,1 triệu USD, cho người dân địa phương thông qua hình thức xổ số. Mỗi người trong số 100.000 người may mắn chiến thắng đã nhận được 200 nhân dân tệ (khoảng 30 USD) bằng tiền kỹ thuật số mới, có thể được chi cho các giao dịch mua trực tuyến hoặc ngoại tuyến.
Cuộc thử nghiệm ở Tô Châu bao gồm gấp đôi số cư dân và gấp ba lần số thương nhân so với cuộc thử nghiệm đầu vào tháng 10 ở thành phố Thâm Quyến, miền nam Trung Quốc. Thử nghiệm ở Tô Châu cũng mở rộng phạm vi bằng cách thử nghiệm đồng nhân dân tệ kỹ thuật số trên các cửa hàng trực tuyến và giới thiệu một phương thức thanh toán điện tử không cần kết nối internet.
Biển báo hỗ trợ đồng nhân dân tệ kỹ thuật số tại quầy thanh toán trong một siêu thị ở Thâm Quyến, Trung Quốc, vào tháng 11.
Wang Ju, một cư dân Tô Châu 39 tuổi được chọn tham gia thí điểm, đã rất ấn tượng khi tìm thấy một bản sao màu hồng phấn của tờ tiền nhân dân tệ trong ứng dụng ví điện tử của cô, sau khi làm theo hướng dẫn.
"Thật tuyệt vời", cô Wang nói, người đã dành toàn bộ số tiền của mình để mua bột giặt đủ cho gia đình mình dùng trong cả năm. Cô Wang đã chọn tiêu tiền tại nền tảng mua sắm trực tuyến của JD.com, đúng dịp giảm giá trong lễ hội mua sắm "Double Twelve" hàng năm, bắt đầu vào ngày 12/12.
Các nhà chức trách Trung Quốc cũng hợp tác với những gã khổng lồ công nghệ khác, bao gồm Meituan và Didi, để thử nghiệm việc sử dụng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số cho các dịch vụ như giao đồ ăn và gọi xe.
Để mua hết số bột giặt nói trên, cô Wang phải nạp 5 nhân dân tệ vào tài khoản của mình tại Ngân hàng Công thương Trung Quốc, vì số tiền cần trả vượt quá 200 nhân dân tệ mà cô nhận được từ phong bao lì xì.
"Mọi việc diễn ra suôn sẻ, giống như các khoản thanh toán trực tuyến khác mà chúng tôi đã làm", cô nói.
Trong 24 giờ đầu tiên của thử nghiệm Tô Châu, JD.com đã ghi nhận gần 20.000 đơn đặt hàng được thanh toán bằng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số.
Bên cạnh việc thử nghiệm thanh toán trên các cửa hàng trực tuyến, Tô Châu cũng thử nghiệm chức năng thanh toán ngoại tuyến của tiền kỹ thuật số, một tính năng được các quan chức giới thiệu nhằm phân biệt nền tảng mới với các dịch vụ thanh toán điện tử đã phổ biến ở Trung Quốc, một quốc gia nơi thanh toán ngày càng không cần dùng tới tiền mặt .
Không giống như các khoản thanh toán được thực hiện thông qua Alipay của Ant Group và WeChat Pay của Tencent Holdings, tính năng thanh toán ngoại tuyến của ngân hàng trung ương không yêu cầu kết nối internet. Nhờ đó, nó có thể tạo điều kiện thanh toán ở những khu vực có dịch vụ di động kém. Một lần chạm thiết bị ngắn giữa người tiêu dùng và nhà cung cấp là đã có thể xử lý giao dịch.
Và có lẽ điều hấp dẫn hơn nữa đối với nhiều thương gia là loại tiền kỹ thuật số mới do ngân hàng trung ương cung cấp không liên quan đến phí giao dịch, khác biệt hoàn toàn với Alipay, WeChat Pay hay ứng dụng của các ngân hàng thương mại Trung Quốc.
Một thương gia Tô Châu tham gia chương trình thử nghiệm đã hoan nghênh cả hai chức năng trên. Nằm ở tầng trệt của một trung tâm mua sắm, cửa hàng của ông thường gặp vấn đề với tín hiệu điện thoại di động kém khi người tiêu dùng sử dụng WeChat Pay hoặc Alipay.
"Chúng tôi chỉ cần một vài lần chạm vào hai điện thoại di động để thực hiện thanh toán. Điều đó xảy ra trong chớp mắt" , ông Ma, quản lý cửa hàng, chia sẻ.
Ông nói việc không đòi phí xử lý giao dịch đã giúp ông tiết kiệm được 3 hoặc 4 nhân dân tệ cho mỗi 1.000 nhân dân tệ được thực hiện. "Thành thật mà nói, tôi thích tiền kỹ thuật số được chính phủ hậu thuẫn và không tính phí thanh toán", ông nói. "Nó giúp tiết kiệm rất nhiều tiền."
Ngân hàng trung ương Trung Quốc cho biết họ đã bắt đầu nghiên cứu tiền kỹ thuật số của mình - được gọi là "tiền tệ kỹ thuật số/thanh toán điện tử" hoặc DC / EP - vào năm 2014. Đây được xem là một phần mở rộng kỹ thuật số của tiền vật lý, được chính phủ nước này xác nhận và mô tả mục đích của nó là thay thế một số cơ sở tiền tệ của Trung Quốc - tức tiền mặt đang lưu thông.
Tương tự như các nền tảng thanh toán kỹ thuật số thương mại hiện có của Trung Quốc, trước tiên người tiêu dùng phải tải ví kỹ thuật số xuống điện thoại thông minh của họ, nơi họ có thể lưu trữ tiền và tạo mã QR, thứ sau đó được quét để thanh toán trong mỗi giao dịch.
Đối với ngân hàng trung ương, một phần sức hấp dẫn của đồng tiền kỹ thuật số mới là tạo ra một giải pháp thay thế công khai cho các khoản thanh toán độc quyền của Alibaba và Tencent, đồng thời có thêm quyền truy cập vào dữ liệu giao dịch.
Martin Chorzempa, một nhà nghiên cứu tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson có trụ sở tại Washington, cho biết: "Tôi không quan tâm đến việc xem ai mua tã giấy hoặc thuốc lá ngày hôm nay. Vấn đề quan trọng là việc có thêm hiểu biết trong thời gian thực về cách dòng tiền đang di chuyển trong nền kinh tế, để có thêm các quy trình nhắm vào mục tiêu vĩ mô".
Theo đó, một khi được sử dụng rộng rãi, đồng nhân dân tệ kỹ thuật số cũng có thể cung cấp cho các nhà quản lý Trung Quốc thêm thông tin về dòng tiền, giúp các nhà chức trách theo dõi hoạt động rửa tiền và tài trợ khủng bố.
Các nhà phân tích đã dự đoán loại tiền tệ mới có thể cho phép ngân hàng trung ương áp dụng lãi suất âm đối với tiền mặt trong hoàn cảnh kinh tế khắc nghiệt, để khuyến khích người tiêu dùng chi tiêu.
Mặc dù đã tiến hành một số vòng thử nghiệm, cả công khai và giới hạn, các quan chức chính phủ Trung Quốc vẫn chưa đưa ra thời gian biểu cụ thể để triển khai đầy đủ loại tiền tệ mới này. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Yi Gang chỉ nói rằng cần có thêm các quy tắc và quy định quản lý.
Ngày xưa là thần tượng của cả đất nước, vì sao giờ đây Jack Ma bị người Trung Quốc quay lưng? Người sáng lập Alibaba đã phải trả giá vì đã quay lưng lại với Bắc Kinh và áp lực đối với Jack Ma báo hiệu một sự thay đổi trong cách chính phủ Trung Quốc quản lý Internet. Ở Trung Quốc, Jack Ma từng đồng nghĩa với thành công. Một giáo viên tiếng Anh đã trở thành doanh nhân Internet và là người...