Tìm “thuốc” trị bệnh game online trong giới trẻ
Theo thống kê của Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia, mỗi ngày có tới hàng trăm bệnh nhân tới viện để khám và điều trị các bệnh lý liên quan tới sức khỏe tâm thần, từ mất ngủ, rối loạn trí nhớ, tâm thần phân liệt cho tới trầm cảm, rối loạn mà nguyên nhân là do nghiện game.
Quang cảnh tọa đàm “Nghiện game online – Hậu quả khôn lường”
Sáng 16-6, tại Trường THPT Thành Nhân (quận Gò Vấp) đã diễn ra tọa đàm “Nghiện game online – Hậu quả khôn lường”. Tọa đàm do Báo Tiền phong phối hợp với Trường Đại học Nguyễn Tất Thành tổ chức.
Tại buổi tọa đàm, thầy Nguyễn Đình Độ, Hiệu trưởng Trường THPT Thành Nhân cho biết, game online đã và đang trở thành vấn nạn không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nước trên thế giới.
Kết quả một cuộc khảo sát nhanh đối với học sinh 3 khối 10, 11 và 12, đại diện Trường THPT Thành Nhân cho biết, có đến hơn 80% học sinh từng chơi game online, trong đó tất cả các em đều khẳng định “chơi game vì rất vui”.
Theo ThS Bùi Quang Trung, Trưởng phòng truyền thông và marketing, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, học sinh đang ở trong độ tuổi “vàng” hình thành nhân cách. Hiện nay, hầu hết các em đều được gia đình trang bị điện thoại thông minh để hỗ trợ việc học. Song, đây cũng là cơ hội cho học sinh cài đặt các phần mềm game trực tuyến.
Video đang HOT
Trong xu thế bùng nổ mạng internet toàn cầu, các trò chơi trên mạng (còn gọi là game online) phát triển với tốc độ chóng mặt và tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với người chơi. Nhiều bạn trẻ không ăn, không ngủ để chơi game khiến cho cuộc sống trong game và đời thường lẫn lộn, dẫn đến các hành vi lệch lạc, phát triển không bình thường về mặt xã hội, thậm chí hình thành ý tưởng và hành vi bạo lực như tự sát, cuồng bạo giết người, cướp của…
Theo thống kê của Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia, mỗi ngày có tới hàng trăm bệnh nhân tới viện để khám và điều trị các bệnh lý liên quan tới sức khỏe tâm thần, từ mất ngủ, rối loạn trí nhớ, tâm thần phân liệt cho tới trầm cảm, rối loạn mà nguyên nhân là do nghiện game.
Mới đây, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chính thức bổ sung chứng nghiện game online vào danh sách bệnh lý về tâm thần và thuộc nhóm những rối loạn do hành vi có tính nghiện ngập cần được giám sát.
Học sinh Trường THPT Thành Nhân tham dự tọa đàm
Theo các chuyên gia giáo dục, nguyên nhân của vấn nạn này không hoàn toàn thuộc về lỗi của người chơi hay các trò chơi mà có trách nhiệm của người lớn, ở đây là cha mẹ và gia đình do nuông chiều, thiếu quan tâm và không sát sao tới con cái. Ngoài ra, trường học với đội ngũ các thầy cô giáo chủ nhiệm, giáo viên bộ môn cũng có vai trò giáo dục, đồng hành cùng học sinh.
ThS Nguyễn Thị Huỳnh An, giảng viên Bộ môn Tâm lý học, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành phân tích, học sinh nghiện game dẫn đến không phân biệt thế giới ảo và thật, từ đó ảnh hưởng tâm lý và hành vi trong cuộc đời thật, gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến gia đình và xã hội.
Với kinh nghiệm nhiều năm đồng hành cùng trẻ nghiện game online, ông Đặng Lê Anh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Vovinam và Thể thao (IVS) cho biết, nghiện game online có cả những học sinh có thành tích học tập khá giỏi, thậm chí sinh viên có học bổng du học nước ngoài. Xuất phát điểm ban đầu các em chỉ chơi game từ 1-2 tiếng mỗi ngày, tuy nhiên lâu dần do không kiểm soát được bản thân nên thời gian đã tăng lên cả ngày, thậm chí “ăn cùng game, ngủ cùng game”.
Chuyên gia này cũng cảnh báo, game online là cuộc chơi không có điểm dừng. Học sinh chỉ nên chơi game 30 phút / ngày, nếu vượt quá 30 phút sẽ ảnh hưởng đến việc học hành, rèn luyện bản thân. “Game online như một viên kẹo bọc đường, khi chơi rất vui. Nhưng những phần thưởng trong game chính là thuốc độc sẽ ảnh hưởng đến tương lai của chính các em”, ông Đặng Lê Anh đúc kết.
Hệ lụy khôn lường
Theo thống kê của Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia, mỗi ngày có tới hàng trăm bệnh nhân tới viện khám và điều trị các bệnh lý liên quan tới sức khỏe tâm thần, từ mất ngủ, rối loạn trí nhớ, tâm thần phân liệt cho tới trầm cảm, rối loạn do nghiện game.
Trẻ em nghiện game online có thể sẽ sa sút trong học tập, tâm tính thay đổi. Ảnh: ĐỨC THÀNH
Thậm chí, tại Khoa Tâm thần trẻ em của viện từng tiếp nhận điều trị nhiều bệnh nhân mới chỉ học lớp 8-9, nhưng đã bị rối loạn tâm thần, rối loạn cảm xúc, chỉ vì lên mạng tới 5-6 giờ mỗi ngày, trong đó có cả lạm dụng game.
Theo TS-BS Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia, mới đây, đơn vị này tiếp nhận một cậu bé chỉ 15 tuổi nhưng ngày nào cũng cày game tới 4-5 giờ, chủ yếu là các game bắn giết nhau tới mức loạn thần, khiến gia đình phải đưa tới bệnh viện điều trị.
"Bệnh nhân nghiện game tới mức thần kinh bị ảo giác, ảo thanh và có biểu hiện quá khích, kích động mạnh khiến gia đình rất lo lắng. Do đó, bên cạnh điều trị cho bệnh nhân hết các cơn vật game, ảo giác, ảo thanh, các bác sĩ còn phải tư vấn cho gia đình cách phân bổ thời gian để cậu bé tham gia nhiều vào các hoạt động thể dục, thể thao, hạn chế tối đa sử dụng điện thoại và máy tính để cai game", bác sĩ Nguyễn Doãn Phương cho hay.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM cũng thường xuyên tiếp nhận nhiều thanh thiếu nhi đến khám vì lý do nghiện game. Các em đa phần được đưa đến khám vì lý do khó chịu, cau có, hành xử hỗn hào với người lớn. Tìm hiểu sâu xa, do các em chơi game và quen với kiểu hành xử thiếu kiểm soát trong game, dẫn đến trục trặc trong mối quan hệ.
Điển hình là trường hợp một bé trai (12 tuổi) được cha mẹ đưa đến khám vì lý do thiếu kiềm chế khi tiếp xúc với người thân, bạn bè, thường xuyên dùng tiếng lóng, chửi thề. Sự việc lên đến đỉnh điểm, khi em bị một số bạn học chặn đường đánh. Tìm hiểu nguyên nhân, được biết em tham gia một trò chơi game online. Do đồng đội chơi cùng trong game, làm cả hai thua cuộc, nên em đã dùng lời lẽ thóa mạ nặng nề bạn này.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có tới 70%-80% trẻ em từ 10 đến 15 tuổi thích game online, trong đó, tỷ lệ trẻ bị nghiện chiếm khoảng 10%-15%.
Theo bác sĩ Lê Thị Thu Hà, Trưởng khoa Điều trị nghiện chất, Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia, trẻ nghiện game nghĩa là dành quá nhiều thời gian với các trò chơi trong thế giới ảo, có nhiều trò mang màu sắc bạo lực, làm ảnh hưởng, thậm chí là ám ảnh, tác động đến suy nghĩ, hoạt động của cuộc sống ngoài đời thực. Vì thế, với những người chơi quá nhiều game bắn giết, đánh đấm nhau, có thể khiến tâm lý bị thay đổi tiêu cực.
Cùng với đó, hệ lụy của nghiện game, mạng xã hội có thể thấy rõ ràng là người dùng sẽ mất ngủ, nghèo nàn các kỹ năng xã hội, giảm sút các mối quan hệ thật, giảm hiệu suất công việc, học tập, cho tới những tổn hại về sức khỏe và thần kinh, dẫn tới trầm cảm, tâm thần phân liệt.
Còn theo BS Hoàng Dương (Bệnh viện Nhi đồng 1), cai nghiện game vô cùng vất vả và cần nhiều thời gian điều chỉnh hành vi thói quen, đòi hỏi sự kiên nhẫn từ gia đình, nhà chuyên môn, kể cả giáo viên ở trường và những người xung quanh. Có những trường hợp nghiện game đi kèm ảnh hưởng sức khỏe tâm thần phải kết hợp với bác sĩ chuyên khoa tâm thần để điều trị bằng thuốc.
Bác sĩ chỉ có thể chỉ định dùng thuốc khi bệnh nhân có các bệnh đồng diễn hoặc hậu quả của nghiện game gây nên, như: mất ngủ, trầm cảm, hoang tưởng, âu lo, kích động. Do vậy, khi bản thân, cũng như các bậc phụ huynh thấy con em mình thường xuyên có những dấu hiệu trên, cần phải đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa về tâm - thần kinh để điều trị.
Thói quen nhai đá lạnh và những hệ luỵ xấu cho sức khoẻ Nhai đá viên có thể giảm bớt cảm giác khô miệng, tuy nhiên, nếu bạn có sở thích nhai đá lạnh thường xuyên thì hãy cẩn thận vì đây có thể là dấu hiệu của một vài bệnh lý cần phải thăm khám kịp thời. Pagophagia hay còn gọi là chứng thèm đá lạnh, thích nhai đá lạnh và nhai dai dẳng trong...