Tìm thấy trái tim cố thị trưởng trong đài phun nước ở Bỉ
Trái tim của thị trưởng đầu tiên ở Verviers, Bỉ, đã được tìm thấy bên trong một đài phun nước tại thành phố này, theo BBC.
Trái tim của ông Pierre David nằm trong bình cồn đậy kín. Bình cồn này được đặt trong một cái rương nhỏ bằng kẽm.
Người ta đã tìm thấy cái rương trên trong quá trình cải tạo đài phun nước, BBC đưa tin hôm 1/9.
Trái tim của ông Pierre David hiện được trưng bày trong Bảo tàng Mỹ thuật tại thành phố. Thị trưởng Pierre David qua đời năm 1839. Đài phun nước mang tên ông được khánh thành vào năm 1883.
Dòng chữ khắc trên chiếc rương cho biết trái tim của ông David được đặt trong đài tưởng niệm cùng thời điểm đó.
“Trái tim của Pierre David được đặt trang trọng trong đài tưởng niệm vào ngày 25/6/1883″, theo dòng chữ.
Chiếc rương chứa trái tim của ông Pierre David được tìm thấy bên trong đài phun nước, gần tượng bán thân của ông. Ảnh: Ville de Verviers.
Maxime Degey, Ủy viên Hội đồng thành phố Verviers phụ trách công trình công cộng, cho biết “chiếc rương nằm ở phần trên của đài phun nước, ngay gần tượng bán thân của Pierre David, đằng sau một phiến đá mà chúng tôi đã loại bỏ trong quá trình cải tạo nơi đó”.
Đài truyền hình RTBF dẫn lời ông Degey cho biết chiếc rương được công nhân xây dựng tìm thấy vào ngày 20/8 “trong tình trạng thực sự hoàn hảo”.
Thị trưởng Pierre David qua đời ở tuổi 68 vào mùa thu năm 1839, khi ông đang làm việc trong tầng chứa cỏ khô của gia đình.
Giới chức thành phố đã phát động chiến dịch quyên góp để xây dựng đài tưởng niệm tôn vinh thị trưởng. Được sự đồng ý của gia đình, các bác sĩ phẫu thuật đã lấy trái tim của ông David ra để đặt nó vào trong đài tưởng niệm.
Trang web chính thức của Verviers cho biết thành phố này phải mất hàng thập kỷ mới thu đủ tiền để xây dựng đài tưởng niệm công phu.
Thị trưởng David đã sống qua thời kỳ đầy biến động, bao gồm cả sự kiện Bỉ trở thành quốc gia độc lập vào năm 1830.
Ông lần đầu tiên giữ chức thị trưởng Verviers trong khoảng thời gian 1800-1808, khi Bỉ bị Pháp cai trị.
Bỉ giành được độc lập sau cuộc cách mạng chống lại sự cai trị của Hà Lan vào năm 1830. Trong năm đó, ông Pierre David lại được bầu lên làm thị trưởng.
Thị trưởng David được ghi ơn vì đã thành lập cơ quan cứu hỏa ở Verviers vào năm 1802 – một hành động đổi mới hiếm có vào thời điểm đó.
Verviers bị thiệt hại nặng nề trong cuộc nổi dậy năm 1830 và Pierre David được giao nhiệm vụ lập lại trật tự trong thành phố. Ông được nhiều người kính trọng vì những gì đã làm cho Verviers.
Hé lộ số phận lạ lùng của phiến đá cổ huyền thoại Ai Cập
Phiến đá cổ Rosetta của Ai Cập được tạo ra vào năm 196 trước Công nguyên. Cổ vật này cao 114 cm và rộng 72 cm. Vào năm 1799, người ta tìm thấy Rosetta. Về sau, hiện vật hàng ngàn năm tuổi 'lưu lạc' đến Anh.
Là một trong những cổ vật quý giá nhất có từ thời Ai Cập cổ đại, phiến đá cổ Rosetta được giới chuyên gia, nhà khảo cổ xem là báu vật. Nguyên do là vì nó giúp giới khoa học giải mã được một số bí ẩn về cuộc sống của người Ai Cập hàng ngàn năm trước.
Phiến đá Rosetta là khối đá bazan cao 114 cm và rộng 72 cm. Nó được pharaoh Ptolemy V cho người làm ra vào năm 196 trước Công nguyên.
Mục đích của pharaoh Ptolemy V khi tạo ra Rosetta là vì ông muốn tuyên bố với tất cả thần dân rằng ông là nhà vua hợp pháp của Ai Cập.
Để người dân có thể hiểu được nội dung trên phiến đá cổ Rosetta, pharaoh Ptolemy V cho người viết bằng 2 ngôn ngữ là: Ai Cập và Hy Lạp cổ đại.
Phải tới năm 1799, phiến đá Rosetta được một học giả, sĩ quan quân đội Pháp có tên Pierre Bouchard phát hiện tại khu vực đồng bằng sông Nile của Ai Cập.
Cổ vật quý giá này được tìm thấy trong bối cảnh hoàng đế Napoleon của Pháp chỉ huy quân đội chinh phạt Ai Cập.
Sau khi phát hiện phiến đá Rosetta, nhiều chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu của Pháp đến Ai Cập để nghiên cứu, giải mã những bí ẩn về cổ vật này.
Vào năm 1801, lực lượng Anh đánh bại quân đội Pháp tại Ai Cập. Theo đó, người Anh mang phiến đá Rosetta về nước.
Trong suốt nhiều thập kỷ sau đó, quan chức Ai Cập đề nghị Anh trả lại phiến đá Rosetta nhưng không thành công.
Do vậy, kể từ khi đưa đến Anh đến nay, phiến đá Rosetta được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Anh ở thủ đô London.
Mời độc giả xem video: Ai Cập mở nắp quan tài chứa xác ướp người phụ nữ còn nguyên vẹn suốt 3000 năm. Nguồn: VTV24.
Soi cổ vật 5.000 tuổi có 'chữ ký đầu tiên' của nhân loại Cổ vật 5.000 tuổi được làm từ đất sét mô tả chi tiết công thức làm bia được khai quật tại thành phố cổ Uruk, ở miền nam Iraq ngày nay. Đáng chú ý là trên tấm bia có 'chữ ký đầu tiên' của nhân loại. Trong cuộc khai quật tại thành phố cổ Uruk, ở miền nam Iraq ngày nay, các nhà...