Tìm hướng đi cho cải cách giáo dục
Sáng nay 27/9, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức tọa đàm “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo”. Nhiều chuyên gia giáo dục tâm huyết đã chia sẻ góp ý sâu sắc đối với phát triển giáo dục nước nhà.
Cần rũ bỏ hình thức áp đặt
Phát biểu tại buổi tọa đàm, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình khẳng định: “Muốn giáo dục đổi mới căn bản, toàn diện nhất thiết phải thay đổi cách nghĩ, cách làm giáo giáo dục”.
Phân tích về vấn đề này, bà Bình cho rằng: “Muốn chuyển biến căn bản và toàn diện thì nhất thiết phải cải cách giáo dục. Đổi mới hay cải cách, trong trường hợp này, không đơn thuần là khác biệt về câu chữ. Đổi mới chắp vá, thiếu một tầm nhìn tổng thể, một kế hoạch đồng bộ như những năm qua và ngay như hiện nay, khi chưa có một đề án tổng thể, chưa xác định rõ phương hướng của cả hệ thống giáo dục mà đã tính chuyện làm mới chương trình và sách giáo khoa, thì đổi mới cách ấy còn xa mới có tính căn bản và toàn diện. Vấn đề hết sức cấp bách hiện nay là tình trạng mất cân đối giữa ba bộ phận chính của hệ thống giáo dục là giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Do đó, cần phải rà soát, xác định rõ vị trí và mục tiêu cụ thể của từng bộ phận cũng như từng cấp học, từ đó cơ cấu lại hệ thống giáo dục nghĩa là điều chỉnh về tổ chức và hoạt động của mỗi bộ phần và cả hệ thống”.
Về nội dung và phương pháp giáo dục, theo nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình: “Muốn có chương trình mới thì cần phải đổi mới quan niệm về sứ mạng và mục tiêu giáo dục, về kiến thức và kỹ năng, về cách dạy và cách học, để chọn ra được những nội dung đích thực là phổ thông, đích thực là cơ bản. Nhưng muốn thế phải có tầm nhìn xa và dự báo được xu thế phát triển. Với cách cắt xén chương trình để “giảm tải” cập rập như chúng ta vừa thực hiện đầu năm học này, tôi lo rằng, việc làm chương trình sắp tới khó bảo đảm được chất lượng như mong muốn.
Cần phải rũ bỏ hình thức áp đặt, thay vào đó, hết sức coi trọng việc bồi dưỡng năng lực tư duy độc lập, sáng tạo cho học sinh. Chỉ có như vậy nhà trường mới đào tạo được những công dân tự tin, tự chủ, tự lập để có trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và xã hội” – bà Bình nhấn mạnh.
Video đang HOT
Các đại biểu tại buổi tọa đàm “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo” do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức sáng nay 27/9. (Ảnh: Hồng Hạnh)
Đồng quan điểm với bà Bình, PGS. TS Trần Quốc Toản cho rằng: “Nhận thức đúng, sâu sắc tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục nước ta cần phải làm rõ và trả lời 3 câu hỏi: Vì sao lại phải đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục? Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục là đổi mới thế nào? Làm thế nào để đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục?”.
Theo PGS Trần Quốc Toản, “đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục” trước hết cần nhận thức sâu sắc tính cách mạng và khoa học của quá trình đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục. Đây không phải là những sửa đổi, điều chỉnh nhỏ lẻ, cục bộ, mang tính bề mặt. PGS.TS Trần Quốc Toản đưa ra ví dụ về việc giảm tải chương trình giáo dục phổ thông. Giảm tải chương trình giáo dục phổ thông không chỉ đơn giản là giảm khối lượng và độ khó kiến thức như Bộ GD-ĐT đang chỉ đạo là loại bỏ những phần trùng lặp, những phần được cho là quá khó; mà bao trùm hơn là cần xác định rõ mục tiêu giáo dục phổ thông có cần đổi mới không? Tương quan giữa giáo dục nhân cách, cung cấp kiến thức và giáo dục kỹ năng có cần thay đổi không? Thay đổi như thế nào? Tỷ lệ và tương quan 3 mặt giáo dục đó ở các cấp Tiểu học, THCS,THPT có cần thay đổi không?… Rõ ràng vấn đề giảm tải giáo dục phổ thông không được nghiên cứu thấu đáo trong những tương quan trên thì việc thực hiện sẽ chỉ là sự “chữa cháy”, không cơ bản, không đạt được những mục tiêu quan trọng hơn đối với giáo dục phổ thông.
Còn theo GS Hoàng Tụy, giáo dục là một hệ thống phức tạp, theo nghĩa khoa học của từ này, cần phải được tiếp cận và đối xử như một hệ thống phức tạp. Có nghĩa là khi hệ thống đó lâm vào khủng hoảng triền miên, thì những điều chỉnh cục bộ, qua cơ chế phản hồi, kiểu như đổi mới vụn vặn mấy năm qua chẳng những không có tác dụng mà còn có thể làm tình hình tồi tệ, rối ren thêm. Lối ra duy nhất lúc này là cải tạo cấu trúc, xây dựng lại từ gốc, thay đổi cả thiết kế hệ thống.
GS Hoàng Tụy đưa ra 4 vấn đề nhằm thay đổi được giáo dục một cách toàn diện và cơ bản. Đó là thay đổi cơ bản cách học và thi; Cải cách mạnh mẽ hệ thống giáo dục phổ thông và dạy nghề. Đây chính là vấn đề giáo dục phải phù hợp với nhu cầu và khả năng của xã hội; Cải cách mạnh mẽ, hiện đại hóa đại học. Cụ thể, cải thiện chất lượng đầu vào, thay đổi phương thức đào tạo, tháo gỡ các rào cản nghiên cứu khoa học; Vấn đề cuối cùng nhưng then chốt nhất là chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ giáo chức.
Tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên
Một trong những vấn đề quan trọng trong tọa đàm “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo” mà nhiều đại biểu nhắc tới là đội ngũ giáo viên. Về thực trạng các trường sư phạm hiện nay, theo PGS. TS Nghiêm Đình Vì – Ban Tuyên giáo Trung ương, chất lượng đào tạo của nhiều trường sư phạm chưa được cải thiện nhiều, chưa đáp ứng được đòi hỏi thực tiễn. Vấn đề bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo chưa có quy hoạch chiến lược, dài hạn cho toàn ngành. Đội ngũ giảng viên sư phạm vẫn còn thiếu về số lượng, hạn chế về trình độ, tính tỷ lệ tiến sĩ trong các trường cao đẳng sư phạm, ĐH sư phạm vẫn thấp hơn so với tỷ lệ chung của giáo dục đại học. Do đó, chưa tạo nên bước đột phá đáng kể về chất lượng đào tạo.
Ông Vì kiến nghị: “Cần sớm xây dựng Chiến lược phát triển ngành Sư phạm; tiếp tục nghiên cứu mô hình đào tạo giáo viên trong quá trình hội nhập quốc tế; tiến hành đào tạo giáo viên theo hướng tích hợp ở các trường ĐH sư phạm. Hiện nay, xu hướng tích hợp vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm và áp dụng vào đổi mới chương trình và sách giáo khoa THPT. Căn cứ vào tình hình hội nhập quốc tế và sự thay đổi đổi nghề, tôi đề nghị với việc đào tạo giáo viên, một mặt vẫn tiếp tục đào tạo như hiện nay, nhưng sẽ nghiên cứu đề đào tạo giáo viên dạy tích hợp hai môn. Đó là Sử – Địa hoặc Sử – Chính trị, Toán – Lý, Hóa – Sinh… đây cũng có thể là đi tắt đón đầu cho việc nghiên cứu đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam và phục vụ đổi mới chương trình, sách giáo khoa”.
Về vấn đề này, nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đề nghị: “Phải sớm cải cách công tác đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và phải thay đổi chính sách đãi ngộ để nhà giáo sống được bằng lương và các khoản phụ cấp nghề nghiệp chứ không để các thầy cô giáo sống bằng dạy thêm hoặc bằng một nghề nào khác”.
“Không có khâu quản lý nào thể hiện rõ hơn quyết tâm chấn hưng giáo dục bằng chính sách đối với người thầy giáo” – GS Hoàng Tụy nhấn mạnh.
Còn GS.TSKH Vũ Ngọc Hải, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho hay: “Cần chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục theo giải pháp then chốt để nâng cao chất lượng giáo dục. Cụ thể, tập trung đầu tư phát triển các trường ĐH sư phạm trọng điểm, các trường ĐH sư phạm kỹ thuật và các khoa sư phạm kỹ thuật tại các trường ĐH. Xây dựng, ban hành và thực hiện các chính sách ưu đãi, nhất là chính sách tiền lương và chế độ đãi ngộ tạo động lực, cho các nhà giáo, cán bộ nghiên cứu và quản lý giáo dục. Có chính sách đặc biệt nhằm thu hút các nhà giáo, nhà khoa học có uy tín và kinh nghiệm trong và ngoài nước, đặc biệt là người VN ở nước ngoài về nước tích cực tham gia quản lý, giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Có chính sách học bổng đặc biệt để thu hút học sinh giỏi vào học ngành sư phạm”.
Theo DT
Giảm tải kiểu mì ăn liền
Theo các chuyên gia giáo dục, khi muốn giảm tải chương trình sách giáo khoa, cần xác định rõ mục tiêu của giáo dục hiện nay là gì, học để phục vụ những yêu cầu gì cho xã hội, xu hướng phát triển của thế giới, để từ đó mới có những hướng dẫn giảm tải hiệu quả.
Dù có nhiều ý kiến đồng thuận với chủ trương giảm tải nhưng cách thực hiện chưa được dư luận đồng tình. Một giáo viên trường THPT Phú Nhuận (TP HCM), cho rằng: "Việc lấy ý kiến, tập hợp, phân tích và chọn nội dung học để đưa vào tài liệu giảm tải không thể thực hiện qua loa trong vài tuần. Tôi thấy ngày 17/8 mới công bố dự thảo để lấy ý kiến cán bộ, giáo viên cả nước gửi về Vụ Tiểu học và Vụ Giáo dục Trung học, sau đó 2 tuần Bộ GD-ĐT đã ban hành hướng dẫn giảm tải. Liệu 2 vụ này có đủ thời gian và năng lực để xử lý kịp ý kiến đóng góp của các nơi gửi về?". Cũng theo giáo viên này, việc giảm tải hiện nay có lẽ chỉ là giải pháp tình thế mà Bộ đưa ra để trấn an dư luận chứ ai lại giảm tải theo kiểu cắt xén chuyển dịch cơ học như thế.
Nhiều ý kiến cho rằng Bộ GD - ĐT lấy ý kiến giảm trong 1 - 2 tuần rồi quyết định ngay là quá gấp gáp.
PGS Văn Như Cương cũng đồng quan điểm và cho rằng, Bộ GD - ĐT lấy ý kiến trong 1 - 2 tuần thì gấp quá, mà phải lam trong 2 tháng. Nên lấy ý kiến theo kiểu "thành tâm" gồm những công đoạn: đưa cho mọi người đọc trong vài ngày, rồi viết thư góp ý; ban tổng hợp và phân loại các ý kiến; ban dự thảo họp lại để chỉnh sửa các ý kiến; phê duyêt rôi mơi phô biên triên khai.
Nhân đinh vê kê hoach giam tai cua Bô GD - ĐT, giáo sư Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, cho rằng Bộ làm như vậy là chữa cháy. Cách làm bài bản là phai thành lập hội đồng, mời những chuyên gia trong ngành của từng môn học, thậm chí có chuyên gia nước ngoài đến xem xét lại chương trình, xem xét trình độ kỹ thuật của Việt Nam đi theo hướng nào, thế giới theo hướng nào để định hướng giảm tải. Từ đó, soạn lại chương trình hoc.
Cần có lộ trình
Theo ông Đào Việt Hùng, Phó trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD-ĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bộ GD-ĐT nên tổ chức rà soát để giảm trùng lặp giữa một số môn. Ví dụ: môn Vật lý và Kỹ thuật công nghệ, môn Sinh học và Kỹ thuật nông nghiệp;... Đồng thời, Bộ nên tổ chức mời các chuyên gia giáo dục để thành lập một ủy ban nghiên cứu và viết lại sách giáo khoa cho hợp lý hơn. Đồng quan điểm, ông Huỳnh Công Minh, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, cho răng giảm tải không đơn thuần là cắt một cách định lượng mà là sự cân đối thời lượng dạy và học để thực hiện tốt yêu cầu dạy làm người, dạy cách học cho học sinh. Quá trình chọn lọc nội dung chương trình sách giáo khoa phải làm rõ yêu cầu dạy làm người phù hợp với từng lứa tuổi HS, từ tiểu học với những hành vi nhân cách cụ thể, đến THCS với phương pháp tư duy khoa học, phương pháp tự học. Khi học sinh bước vào bậc THPT thì chương trình giảng dạy chú trọng phát triển năng lực tiếp nhận.
Để việc giảm tải thật sự hiệu quả, thầy Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội, đề nghị: "Thời gian tới, Bộ GD-ĐT nên tập trung nghe ý kiến của giáo viên để năm sau tiếp tục điều chỉnh bài dạy cho tốt hơn. Đồng thời phát động các chuyên gia, nhà giáo giỏi soạn những câu hỏi tình huống để rèn tư duy và tính năng cho học sinh. Bên cạnh đó, Bộ đưa những đề kiểm tra lớp 10, 11 và những đề thi lớp 12 theo kiểu tư duy thay vì phải học thuộc lòng.
Còn giáo sư Văn Như Cương thi cho rằng, chương trình học nặng chứ không phải sách giáo khoa nặng. Bởi vậy phải bỏ đi từng bài, thậm chí từng chương. Muốn làm như vậy, phải nghiên cứu rất kỹ. Có thể bỏ những chương không ảnh hưởng đến các môn học khác, không ảnh hưởng về sau. Việc giảm tải phải làm cẩn thận và mạnh dạn bỏ đi khoảng hơn 20% chương trình trong sách giáo khoa.
Theo ĐVO
Đầu tư giáo dục, trước mắt phải chịu lỗ Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình trò chuyện về việc bà tham gia Hội đồng quản trị ĐH Phan Châu Trinh, với lời khẳng định, trường đã trở về đúng với định hướng ban đầu: phi lợi nhuận, tạo không khí dân chủ, trung thực, phát huy hết mức khả năng của thầy và trò để đạt hiệu quả đào tạo cao...