Tìm hạnh phúc trong bóng tối!
Xã Trung Lý, huyện Mường Lát (Thanh Hóa) có gần 100% bà con người dân tộc. Nhưng 6/9 điểm hiện chưa có điện lưới, sóng điện thoại phập phù. Nhiều lớp học đã phải diễn ra trong ánh sáng yếu của những cây nến.
Trong lớp học ghép 2 trình độ tại điểm lẻ Trường Tiểu học Trung Lý 1. Ảnh: NTCC
Những người vượt lên thách thức
Thầy Lê Quang Tùng – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Lý 1 cho biết đây là xã đặc biệt khó khăn. Dù đã bước sang thời đại 4.0 nhưng nhiều thôn bản không điện lưới, mù chữ, tảo hôn, hôn nhân cận huyết chưa được xóa bỏ hoàn toàn. Đây không chỉ là thách thức với chính quyền địa phương mà các nhà trường, thầy cô giáo cũng hàng ngày phải đối diện.
Trong số 6 điểm trường lẻ của trường chưa có điện lưới thì có tới 3 điểm trường giáo viên (GV) phải ở lại điểm trường dù cơ sở vật chất thiếu thốn, sinh hoạt bằng điện năng lượng…
Theo thầy Phạm Văn Mạnh, trường cách trung tâm xã 14km. Đường vào điểm trường có 8km trải nhựa, 6km đường đất. Vào mùa mưa, những chiếc xe máy khỏe đến mấy cũng không thể vượt qua đoạn đường này. Gặp trời mưa GV thường để lại xe và lội bộ vào trường.
Do điều kiện, môi trường sống khắc nghiệt nên việc phân công GV vào dạy học ở điểm trường Suối Hộc buộc nhà trường phải chọn những thầy giáo trẻ tuổi và có sức khỏe tốt. Họ thường ở lại điểm trường 1 – 2 tuần, thậm chí cả tháng (nếu không có việc cần) mới về nhà.
Tuy nhiên, trăn trở hơn cả với thầy Phạm Văn Mạnh, Hà Văn Luân khi dạy học tại điểm trường Suối Hộc là vấn đề không điện lưới. Từ dạy học tới cuộc sống, sinh hoạt phải phụ thuộc vào điện năng lượng mặt trời nên rất bị động.
Điểm trường Suối Hộc đã nhận được hỗ trợ 1 máy điện năng lượng. Tuy nhiên như vậy cũng chỉ đủ thắp sáng 1 – 2 bóng đèn cho lớp học vào ban ngày. Ngoài ra, không thể triển khai nhữngthiết bị dạy học máy tính, máy chiếu, màn hình tivi (nếu có).
Mùa hè, nóng như đổ lửa nhưng GV và HS phải chịu đựng. Mùa đông, nếu khép cửa tránh gió lùa thì lớp lại thiếu ánh sang. Bởi điện năng lượng mặt trời không đủ đáp ứng điện cho lớp học thắp tăng lên 4 – 5 bóng điện.
Video đang HOT
Buổi tối, trong 2 căn phòng công vụ của GV ánh sáng cũng phụ thuộc vào thời tiết và thiết bị tích điện. “Điện năng lượng thường chỉ đủ thắp 1 – 2 bóng đèn. Vào mùa hè nắng gắt, lượng điện ngoài thắp 2 bóng đèn còn có thể sử dụng thêm chiếc quạt máy nhỏ. Tivi, đài, máy tính, máy chiếu… không bao giờ GV nghĩ tới. Bởi dẫu có cũng không thể sử dụng do điện quá yếu…” – thầy Mạnh nói.
Thầy Mạnh và thầy Luân mỗi tuần chỉ đi chợ một lần hoặc mang thực phẩm tươi từ dưới xuôi lên. 2 – 3 ngày đầu tuần 2 thầy ăn thịt cá, 4 ngày cuối tuần ăn đồ khô như: Lạc, trứng,cá khô, đồ hộp. Sở dĩ “đầu tuần ăn tươi cuối tuần ăn khô” bởi chẳng thức ăn nào để được dài ngày trong điều kiện thời tiết nắng nóng, ẩm nồm.
“Nhiều khi, mua được miếng thịt lợn ngon, con cá tươi về rán, luộc… ăn chưa hết và để dành thì đã bị hỏng. Thế nhưng, chém to kho mặn mãi cũng chẳng thể nuốt nổi…” – thầy Mạnh chia sẻ.
Cô giáo Thao Thị Mỵ dạy và ở lại điểm trường Ma Hác (Trường Tiểu học Trung Lý 1) cho biết: “Gia đình em ở xa nên ở lại cuối tuần mới về, cô Mai Thị Thắng nhà gần sáng đi chiều về. Ban ngày có HS và đồng nghiệp cảm thấy rất vui nhưng tối đến còn lại mình em trong nhà công vụ rộng hơn 10m. thắp sáng bằng 2 ngọn đèn leo lét đôi khi em thấy buồn, sợ và mong thời gian trôi đi thật nhanh.
Nếu có điện, được xem tivi, nghe đài hay vào máy tính lên mạng… có lẽ cuộc sống đỡ buồn tẻ hơn. Không điện lại ở 1 mình nên cứ sẩm tối em đóng cửa cài then vì ở một mình. Đèn năng lượng lờ mờ muốn soạn bài, xem vở HS, đọc sách… em phải tăng cường thêm cây nến. Do đó, GV cắm bản cũng thường ngủ sớm hơn bởi mọi sinh hoạt thường chìm trong bóng tối”.
“3 tuần nay máy tích điện năng lượng mặt trời tại điểm trường Ma Hác bị hỏng nên sinh hoạt chủ yếu dựa vào ánh nến. Sau giờ dạy học, em phải tranh thủ làm thật nhanh một số công việc như soạn bài, đọc tài liệu, xem lại vở HS, giặt quần áo, nấu nướng. 9 giờ tối là cả bản như chìm vào giấc ngủ…” – cô Mỵ nói.
Cũng theo chia sẻ của cô Mỵ, tại điểm trường Ma Hác sóng điện thoại cũng chập chờn. Cô và đồng nghiệp phải mang điện thoại để ở điểm cao nhất để “hứng” sóng và thi thoảng kiểm tra. Muốn nói chuyện, nhắn tin với gia đình, bạn bè GV phải đứng đúng điểm có sóng. Do đó, những cuộc điện thoại hỏi thăm, trao đổi, chia sẻ giữa cô Mỵ và gia đình, bạn bè cũng hạn chế.
Ước mong cho ngày mai
Thầy Lê Quang Tùng – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Lý 1 cho rằng, khó khăn trong việc nâng cao chất lượng giáo dục của trường bởi số điểm trường lẻ nhiều, đầu tư thiết bị chưa đồng bộ và đa số chưa có điện lưới. Trong khi đó, có hơn 300 HS từ lớp 1 – 5 đang học tại điểm trường. 6/9 điểm lẻ GV không thể ứng dụng CNTT vào dạy học vì không có điện.
Cô Thao Thị Mỵ trăn trở, năm học 2020 – 2021 đã triển khai CTGDPT mới đối với lớp 1 nhưng đến nay chưa một lần GV được triển khai ứng dụng CNTT vào dạy học. GV vẫn dùng hình ảnh, tranh vẽ để hỗ trợ HS mau hiểu bài. Năm học tới tiếp tục triển khai CTGDPT mới ở lớp 2, nếu tiếp tục dạy và học “chay” thì chắc chắn hiệu quả không như mong muốn.
“Cuộc sống của không có điện sinh hoạt dẫu vất vả thì GV vẫn cố gắng khắc phục vượt qua. Song nhìn cảnh học trò mướt mát mồ hôi, lớp học thiếu ánh sáng, không quạt vào mùa hè, không đèn sưởi vào mùa đông… thấy xót xa vô cùng” – cô Mỵ bày tỏ.
Thầy Phạm Văn Mạnh cho rằng, trong điều kiện điện lưới chưa thể có, thì GV tại điểm trường lẻ đều mong muốn được hỗ trợ thêm thiết bị điện năng lượng mặt trời. Như vậy, các lớp học sẽ đảm bảo ánh sáng, trời nóng có thể sử dụng quạt, GV có thể đổi mới, ứng dụng CNTT vào dạy học…
Đầy dẫy những khó khăn thách thức trong cuộc sống, nhưng những thầy cô giáo đã và đang dạy học tại các điểm trường không điện, không sóng điện thoại… vẫn lặng thầm, kiên trì bám trụ trường, lớp. Dẫu hoàn cảnh sống, điều kiện dạy học còn thiếu thốn nhưng với họ được cống hiến và tận cùng với nghề giáo chính là hạnh phúc.
Dồn điểm lẻ, sáp nhập trường là yêu cầu tất yếu
Đáp ứng quyền học tập của học sinh (HS), điểm lẻ được trường học nhiều địa phương mở đến từng thôn, bản. Điểm lẻ đã hoàn thành nhiệm vụ khi địa phương vùng khó đều hoàn thành phổ cập GD tiểu học, MN 5 tuổi...
Học sinh được chăm sóc bữa ăn tại điểm trường thuộc Trường PTDTBT TH Lùng Tám (Quản Bạ - Hà Giang). Ảnh: TG
Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng và đáp ứng yêu cầu triển khai CTGDPT 2018, dồn điểm trường lẻ, sáp nhập trường học là cần thiết để tập trung đầu tư nguồn lực lẫn nhân lực.
Khó bó khôn
Theo thống kê của Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT), toàn quốc có khoảng 13.995 trường tiểu học với 17.609 điểm trường. Tỉ lệ trung bình điểm trường/trường tiểu học là 1,26. Phần lớn trường tiểu học có từ 3 - 5 điểm trường, thậm chí trên 10 điểm lẻ. Các điểm trường lẻ và chính đang có sự chênh lệch đáng kể từ nguồn lực, tới nhân lực.
Thầy Lê Quang Tùng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Lý 1 (Mường Lát - Thanh Hóa) cho biết: Với 99% HS dân tộc (Tày, Nùng, Mông, Dao...), địa bàn xã Trung Lý là đồi núi trải rộng nên trường có 1 điểm chính, 8 điểm lẻ mới đáp ứng đủ nhu cầu học tập của HS.
Các điểm trường lẻ có hơn 300 HS, từ lớp 1 - 5. HS vẫn phải học lớp ghép nhiều trình độ khác nhau: lớp 1 - 2; lớp 1 - 3, lớp 3 - 4. Đặc biệt, 6/8 điểm trường lẻ vẫn không có điện lưới, không màn hình, máy chiếu. Ánh sáng phòng học phụ thuộc vào điện năng lượng mặt trời... Điều đó đồng nghĩa, GV không thể ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào dạy học.
Sự cồng kềnh của các điểm trường khiến việc bố trí GV thêm khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh trường vẫn thiếu GV Tiếng Anh, Tin học theo biên chế. Hiện việc dạy học môn Tiếng Anh tại các điểm trường lẻ gần như "trắng" hoặc triển khai theo từng năm bởi 1 GV không thể giảng dạy ở tất cả điểm trường. Với môn Tin học, điểm trường lẻ cũng chưa thể triển khai do không có điện, thiếu cơ sở vật chất.
Trường PTDTBT Tiểu học xã Ngọc Long (Yên Minh - Hà Giang) là trường vùng cao có số điểm trường "kỷ lục" với tổng cộng 20 điểm. Điểm trường lẻ xa nhất cách điểm trường trung tâm 27km. Hiện trường vẫn duy trì 12 lớp ghép/15 điểm trường (ghép trình độ lớp 1 - 2, 2 - 3, 3 - 4).
Thầy Dương Văn Đông, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học xã Ngọc Long cho biết: Để dự giờ thăm lớp đủ 19 điểm trường lẻ, ban giám hiệu cùng 5 tổ khối chuyên môn phải chia thành nhiều đoàn, triển khai nhiều lần. Thậm chí để sinh hoạt chuyên môn, trường phải bố trí vào ngày nghỉ, chiều thứ 6 để GV các điểm trường có thể tham dự đủ. Nhà trường phải thông báo trước để thầy cô về kịp và không ảnh hưởng tới dạy học.
Tuy nhiên, theo thầy Đông, dù thầy cô đã nỗ lực hết sức song chất lượng giáo dục giữa điểm trường lẻ và chính có chênh lệch đáng kể. Việc dạy học ứng dụng CNTT vô cùng hạn chế. Các môn Tiếng Anh, Tin học vẫn phải triển khai dạy học luân phiên và không học liền mạch. Có điểm trường không dạy học Tiếng Anh. Thậm chí, HS lớp 3, 4, 5 được dồn ghép về điểm trường chính mới bắt đầu học Tiếng Anh.
Những bất cập tại điểm lẻ cho thấy việc dồn điểm lẻ hay sáp nhập trường đồng cấp, liên cấp là điều cần thiết để nâng cao chất lượng giáo dục. Đặc biệt trước yêu cầu cụ thể về nhân lực, vật lực khi triển khai CTGDPT 2018.
Tuy nhiên, TS Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) khẳng định: Thực hiện dồn điểm trường cần dựa trên nguyên tắc "tạo thuận lợi cho người dân, bảo đảm quyền lợi học tập cho HS, phù hợp với quy hoạch, đáp ứng được yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục theo quy định của Bộ GD&ĐT và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục...
Các điểm trường chính với đầy đủ trang thiết bị, đồ dùng học tập, vui chơi giúp HS phát triển toàn diện. Ảnh: TG
Giải pháp nào cho điểm trường?
Thầy Dương Văn Đông chia sẻ: 20 điểm trường hiện nay là con số được nhà trường tích cực triển khai dồn ghép trong nhiều năm qua (trước đây có khoảng gần 30 điểm trường). Tuy nhiên, ngân sách địa phương cấp cho các trường có hạn nên việc dồn ghép trường lớp đòi hỏi đầu tư về cơ sở vật chất mới đáp ứng được việc dạy và học..
Để không bị động và bảo đảm cho việc dồn ghép trường lớp, những năm qua nhà trường tích cực trong việc kêu gọi xã hội hóa giáo dục từ các tổ chức, cá nhân. Khi có đủ nguồn lực, nhà trường nhờ phụ huynh ủng hộ về ngày công lao động trong việc xây mới, tu sửa các điểm trường. Từ đó, số lớp ghép đã giảm, chất lượng giáo dục dần tăng cao.
Cô Sền Thị Thơm - Hiệu trưởng Trường Mầm non Nậm Chảy (Mường Khương - Lào Cai) cũng cho biết: Chất lượng giáo dục tại điểm trường chính tốt hơn điểm lẻ bởi trẻ được học tập trong không gian, góc học tập đủ đồ chơi đồ dùng học tập. Do đó khả năng nói và nhớ tiếng Việt của trẻ điểm trường chính tốt hơn ở các điểm trường lẻ. Khi vào học lớp 1, trẻ thông thạo tiếng Việt sẽ tiếp thu và học nhanh hơn.
"Nhà trường đã tính đến dồn ghép 7 điểm lẻ sao cho hợp lý để HS được học tập trung trong môi trường giáo dục toàn diện hơn. Tuy nhiên, khó khăn vẫn là phải bảo đảm đúng khoảng cách, cha mẹ thuận tiện đưa đón trẻ trong ngày. Dồn ghép điểm trường nếu không hợp lý không chỉ sai quy định mà còn không duy trì tỉ lệ chuyên cần, ảnh hưởng về chất lượng..." - cô Thơm bày tỏ.
HS điểm trường chính được bán trú tại trường, học ngày 2 buổi, có sự kèm cặp thường xuyên của thầy cô nên kiến thức, kĩ năng tốt hơn rất nhiều. Tại các điểm trường lẻ dù không còn học lớp ghép nhưng cơ sở vật chất thiếu, HS thiếu trải nghiệm, cọ xát, tiếp cận với đầy đủ đồ dùng học tập hiện đại nên tiếp thu chậm hơn, kĩ năng giao tiếp thiếu tự tin... - Cô Đinh Loan Vân - Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học xã Nghĩa Thuận (Quản Bạ, Hà Giang)
Ước mơ của cô giáo Hrê dạy lớp ghép ở xóm Đèo Chim heo hút Cô giáo Đinh Thị Kem - đại sứ của chương trình "Điều ước cho em" tại Quảng Ngãi chỉ mong sao điểm trường lẻ dưới chân đèo Chim Hút có nước sạch, có nhà vệ sinh, trường có tường rào, cổng ngõ... Cô giáo Đinh Thị Kem - đại sứ chương trình Điều ước cho em tại Quảng Ngãi Lớp học chia đôi...