Tiểu học: Rèn cảm xúc, đừng rèn điểm số
Học sinh tiểu học cần được bồi dưỡng cảm xúc, rèn luyện đạo đức, nhân cách hơn là học để luôn có điểm đẹp.
Trong đợt giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua tại TP.HCM về chất lượng chương trình, sách giáo khoa, Ban giám hiệu Trường Tiểu học Lương Định Của (quận 3) đã nêu nhiều nội dung không phù hợp do chính các thầy cô trong trường tổng hợp lại. Đồng thời, nhà trường cũng kiến nghị bỏ chấm điểm với học sinh (HS) tiểu học, thay vào đó là nhận xét trên từng mặt tiến bộ của HS.
Còn thi, còn lấy điểm là còn áp lực
Xuất phát từ những lý do nào, bà lại có đề xuất bỏ chấm điểm đối với bậc tiểu học?
ThS Vũ Thị Mỹ Hạnh, Hiệu trưởng Trường Lương Định Của: Trẻ mới vào tiểu học còn nhiều bỡ ngỡ, tâm sinh lý chưa vững vàng nhưng bị đánh giá bằng các con số cụ thể là quá khắt khe.
Các em vừa xa rời vòng tay cha mẹ, cần định hướng rèn luyện đạo đức, bồi dưỡng cảm xúc, tình cảm với gia đình, thiên nhiên, loài vật là chính. Ngay cả cha mẹ, thầy cô hay xã hội cũng dựa vào điểm số để đánh giá đứa trẻ là không đúng. Con đi học về là hỏi “hôm nay được mấy điểm” chứ không để ý rằng con mình hôm nay có gì tiến bộ hơn hôm qua. Từ đó, trẻ phải luôn gồng mình để được điểm 9, 10 và được mọi người khen, nếu điểm thấp, trẻ sẽ hụt hẫng, lo sợ, dần dần hình thành tâm lý so sánh, bị tổn thương suốt năm năm học. Ở một số nước trên thế giới, người ta cũng không đặt nặng điểm số mà chỉ đánh giá bằng nhận xét để trẻ phát triển một cách tự nhiên.
Học sinh tiểu học rất cần những buổi học từ thực tế để cảm thụ cuộc sống hơn là đọc trong sách vở. Trong ảnh: HS Trường Tiểu học Lương Định Của, quận 3 đang học về an toàn giao thông tại công viên. (Ảnh do nhà trường cung cấp)
Như vậy, phải chăng vấn đề điểm số đang bị coi trọng quá đáng ở bậc tiểu học? Hệ lụy xã hội từ vấn đề này là gì, thưa bà?
Video đang HOT
Thực ra áp lực điểm số ở tiểu học đã giảm nhiều so với trước đây. Hiện mỗi năm HS trải qua bốn kỳ kiểm tra chính thức nhưng chỉ lấy điểm kỳ cuối cùng, một số môn cũng không còn lấy điểm. Tuy nhiên, còn thi, còn lấy điểm là còn áp lực.
Điểm số cũng thể hiện quyền lực của giáo viên, điểm số càng nhiều, giáo viên càng quyền lực và trò chỉ biết học theo thầy cô mà không được học theo năng lực của mình. Kéo theo đó là tình trạng dạy thêm, học thêm, học chữ trước lớp 1, bệnh thành tích. Giáo viên, nhà trường cũng bị đánh giá thi đua dựa trên điểm số của trò, sợ trò bị điểm thấp nên thầy cô phải dạy theo đề mẫu, đoán đề, có khi trò xứng đáng bị điểm thấp hoặc ở lại lớp nhưng thầy cô cũng phải nhắm mắt cho qua.
Nặng kiến thức hàn lâm
Bà cũng cho rằng chương trình tiểu học hiện nay nặng lý thuyết, vô bổ, không phù hợp thực tế. Bà có thể phân tích cụ thể thêm về vấn đề này?
Ví dụ, trong môn Kỹ thuật lớp 5 có bài kỹ thuật nuôi gà, làm sao các em hình dung ra bằng lý thuyết. Ở môn Khoa học lớp 5 có nội dung “Cần làm gì để mẹ và bé đều khỏe; phụ nữ có thai cần làm gì và không làm gì; một đứa bé sinh ra, dựa vào cơ quan nào để biết đó là bé trai hay gái…” trong khi lý thuyết không rõ ràng làm sao các em hiểu được. Môn Địa lý dạy về sông nước của châu Phi. Môn Lịch sử lại quá chi tiết, nặng chính trị, dày đặc các cuộc chiến từ thời Cổ đại đến kháng chiến chống Pháp… vượt quá tầm suy nghĩ và ghi nhận của đứa trẻ. Hay như trong phần Tập làm văn ở lớp 4 có yêu cầu kể về các lễ hội như đua ghe, đánh đu… HS không hình dung được vì không thấy. Phần Tập đọc có nhiều bài văn nước ngoài với các tên tuổi nhân vật khó đọc và khó cảm thụ….
Những năm gần đây, ngành giáo dục đã giảm tải mạnh đối với chương trình tiểu học, phương pháp giảng dạy liên tục đổi mới nhưng theo đánh giá của bà là chưa hiệu quả…
Đúng là có đổi mới, có giảm tải, thậm chí còn tích hợp nhưng chỉ là hình thức. Giảm nhưng một tuần HS phải ngồi ù lì trong lớp học 22 tiết, không có thời gian chạy nhảy, rèn luyện thể chất và kỹ năng sống. Thời gian dạy bị khống chế, mỗi tiết cũng chỉ được 35-40 phút, một mình cô giáo nói cũng không hết thì làm sao lồng ghép nội dung kỹ năng khác, làm sao học nhóm để gần 50 đứa trẻ cùng có ý kiến được? Không lẽ chỉ khi nào dạy biểu diễn, làm thao giảng, thầy cô mới đổi mới thì làm sao hiệu quả. Như học về giao thông, về môi trường… HS phải có thời gian đi ra đường, thực hành, quan sát mới hiểu được chứ không thể ngồi trong lớp đọc một vài câu là biết được.
Tăng thời gian học thực tế
Ngành giáo dục đang có kế hoạch sẽ đổi mới toàn bộ chương trình, sách giáo khoa. Theo bà, ở bậc tiểu học cần thay đổi như thế nào để có hiệu quả?
Tôi nghĩ những người soạn thảo phải mạnh dạn cắt những phần không cần thiết và tăng thời gian học thực tế để bồi dưỡng cảm xúc cho HS nhiều hơn. Nội dung phải là những hình ảnh, câu chuyện gần gũi, dễ hiểu và không nên giới hạn thời gian dạy. Trẻ không học được theo cách của người lớn thì người lớn phải dạy theo cách học của trẻ thôi.
Về đánh giá, cần bỏ hẳn việc cho điểm số, thay bằng cách nhận xét sự tiến bộ từng mặt của HS. Bằng cách này, đòi hỏi giáo viên phải theo dõi, quan tâm HS nhiều hơn mới đánh giá được, khi học cao dần, các em sẽ được đánh giá khắt khe hơn bằng thang điểm. Có như thế mọi đứa trẻ mới được học một cách công bằng, được phát triển năng lực theo từng khả năng riêng.
Xin cảm ơn bà.
Theo Phạm Anh ( Pháp luật TP.HCM)
Để học sinh không sợ môn toán
Học sinh không sợ học toán nếu thay nhồi nhét kiến thức hàn lâm như hiện nay bằng việc chú trọng tới những bài toán có tính ứng dụng vào đời sống.
Học để biết vận dụng
Tại Hội thảo về đổi mới giáo dục phổ thông sau 2015 được tổ chức mới đây, tiến sĩ Phan Thị Luyến, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, nhận định: "Nhìn chung, giáo viên và học sinh (HS) vẫn chưa khắc phục được nhận thức, thói quen dạy học truyền thống, nặng về lý thuyết, coi nhẹ thực hành ứng dụng. Cách dạy nhồi nhét kiến thức vẫn còn phổ biến... do đó bài học thường nặng nề, HS học một cách thụ động, sau khi học nhiều em chưa thể tự giải được bài tập".
Cùng với môn văn, sẽ có sự đổi mới trong việc dạy và học toán ở bậc phổ thông sau năm 2015 - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Bà Luyến dẫn chứng: "Các đề thi môn toán hiện nay rất ít bài có nội dung thực tiễn. Điều này dẫn đến hậu quả là giáo viên không chú trọng dạy cho HS cách giải quyết các bài toán thực tiễn".
Tiến sĩ Chu Cẩm Thơ, Khoa Toán - Tin Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, chia sẻ: "Với kinh nghiệm lâu năm, tôi hiểu rằng trẻ em không hề ghét toán nhưng chính cách tiếp cận toán học mà chúng ta đang thực hiện mang đến nỗi sợ hãi lớn hơn về toán cho trẻ". Với mong muốn giúp trẻ thoải mái khi học toán, biến toán trở thành công cụ hỗ trợ thành công của các em chứ không phải biến các em thành nô lệ toán học, tiến sĩ Cẩm Thơ đề xuất: "Mục tiêu dạy toán phổ thông nên hướng tới là "học để biết vận dụng và khẳng định giá trị bản thân". Cụ thể dạy học toán phổ thông phải đạt những năng lực như: lập luận logic trong giải toán; giao tiếp, sử dụng ngôn ngữ toán; vận dụng kiến thức toán để giải quyết các tình huống có vấn đề.
Học theo sở thích và năng lực
Theo dự thảo đề án đổi mới chương trình giáo dục phổ thông sau 2015, môn toán vẫn là một trong 4 môn học bắt buộc đối với tất cả HS từ lớp 1 đến lớp 12. Phó giáo sư Trần Kiều và nhóm nghiên cứu đề án đổi mới giáo dục phổ thông, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, cho rằng: "Trong dự kiến đổi mới chương trình giáo dục phổ thông sau 2015 sẽ quán triệt tinh thần "toán học cho mỗi người", nghĩa là ai cũng cần học toán nhưng mỗi người có thể học toán theo những cách khác nhau, tùy theo sở thích và năng lực cá nhân".
Đây cũng là điều bức xúc hiện nay khi mà việc dạy phân hóa vẫn chỉ nằm trên lý thuyết, còn thực tế, giáo viên vẫn dạy học đồng loạt, không coi trọng đến khả năng tiếp thu của từng đối tượng HS.
Nhóm nghiên cứu đề xuất mục tiêu cụ thể của môn toán sẽ có hai giai đoạn: giai đoạn cơ bản (bao gồm cấp tiểu học và THCS) và sau cơ bản (cấp THPT).
Mục tiêu của việc dạy môn toán là phải gần gũi với cuộc sống nhiều hơn, trong đó có nhấn mạnh khả năng ứng dụng rộng rãi của toán học trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. HS biết cách làm việc có kế hoạch, cẩn thận, chính xác, có thói quen tò mò, thích tìm hiểu, khám phá; biết cách học độc lập với phương pháp thích hợp cùng những kỹ năng cần thiết, trong sự hợp tác có hiệu quả với người khác.
Riêng đối với giai đoạn sau cơ bản, nhóm nghiên cứu đề xuất việc tổ chức phân hóa sẽ đạt mức độ cao. Mỗi người học theo định hướng nghề nghiệp sẽ chọn lựa nội dung học tập thích hợp. Chính vì vậy việc dạy học môn toán phải có các chương trình cùng tài liệu giáo khoa khác nhau với những mục tiêu riêng theo hướng phục vụ trực tiếp cho việc học tập tiếp theo của HS. Giáo sư Đỗ Đức Thái, Trưởng khoa Toán - Tin Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng: "Trong dạy học bộ môn toán, ngoài cách tiếp cận hàn lâm, coi trọng tính logic của toán học như một khoa học suy diễn, cần chú ý đến cách tiếp cận dựa trên vốn kinh nghiệm, trải nghiệm của HS".
Tuệ Nguyễn
Theo thanh niên
Doanh nghiệp chê đại học Việt Nam mắc 'bệnh hàm lâm' Với tâm lý sính bằng cấp, người học cũng như người dạy quá chú trọng đến kiến thức hàn lâm thay vì ứng dụng. Trong khi đó, mục tiêu của giáo dục đại học là đến năm 2020 ít nhất 70% sinh viên được đào tạo theo định hướng thực hành. Doanh nghiệp chê đào tạo "Nhiều sinh viên tốt nghiệp nộp hồ...