Tiêu chí nào thay điểm sàn? : Trường tự xác đinh ngưỡng tuyển sinh
Để các trường tự chủ xác định các tiêu chí miễn sao đảm bảo chất lượng đầu vào, có sự giám sát của cơ quan quản lý và đánh giá của xã hội, là một đề xuất táo bạo nhằm thay thế điểm sàn.
Thí sinh xem điểm thi vào Trường ĐH Bách khoa TP.HCM – Ảnh: Đào Ngọc Thạch
“Cú hích” phân tầng các trường
Bà Lê Thị Thu Thủy, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngoại thương, cho rằng đã đến lúc Bộ GD-ĐT cần giao cho các trường tự xác định ngưỡng tuyển sinh của trường mình. Các trường cần công bố nhận từ mức điểm bao nhiêu rồi mới tiến hành xét tuyển. Để đảm bảo thương hiệu, các trường cũng không thể hạ thấp quá vì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.
Ông Lê Trọng Thắng, Trường ĐH Mỏ – Địa chất, cũng nhận định đã đến lúc giao cho các trường tuyển sinh nhưng phải đảm bảo sự công khai, minh bạch. Các trường phải công bố cho xã hội biết tiêu chí xét tuyển. “Các trường đào tạo chất lượng thấp cũng đồng nghĩa với việc tự đào thải mình”, ông Thắng khẳng định.
Thạc sĩ Đỗ Quốc Hợp, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Hiến, cũng đề nghị mỗi trường sẽ quy định mức điểm sàn riêng của trường dựa vào kết quả kỳ thi này. Nhận định thêm, thạc sĩ Hợp cho rằng: “Việc bỏ điểm sàn có khi sẽ là cú hích cho việc phân tầng trường ĐH và CĐ trong thời gian tới. Bộ không cần đặt ra điểm sàn để quản lý chất lượng đầu vào của các trường, nhưng qua việc để các trường tự chủ trong xác định điểm sàn riêng sẽ khiến các trường tự chịu trách nhiệm trước xã hội”.
Cùng quan niệm để các trường tự quyết định ngưỡng đầu vào, tiến sĩ Nguyễn Kim Quang, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), phân tích: “Trường nghiên cứu đòi hỏi thí sinh có năng lực lý thuyết cao, trường thực hành thì tập trung vào năng lực thực hành. Mỗi trường tự cân nhắc thu hút đủ sinh viên có năng lực để đào tạo. Các trường đẳng cấp, thứ hạng cao, nghiên cứu đòi hỏi tiêu chí cao”. Theo ông Quang, tiêu chí này phải minh bạch với xã hội.
Quy định các điều kiện tối thiểu
Ông Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục ĐH Bộ GD-ĐT, người đã nhiều năm đề nghị Bộ GD-ĐT bỏ điểm sàn trong kỳ thi “3 chung”, bày tỏ quan điểm: “Bộ cần bỏ điểm sàn chung nhưng không có nghĩa là không có điểm sàn mà phải yêu cầu các trường có điểm sàn riêng của trường. Bộ chỉ cần quy định các điều kiện tối thiểu để được vào ĐH và vẫn cần tổ chức một kỳ thi chung, còn lại việc xét tuyển như thế nào là do các trường tự quyết định”. Ông Khuyến cho rằng để kiểm soát chất lượng thì việc tuyển sinh của từng trường phải công khai, minh bạch. Các trường phải tự chịu trách nhiệm và chịu sự giám sát của cơ quan quản lý và xã hội. Bộ GD-ĐT cần đưa ra các chế tài xử lý nghiêm những trường vi phạm quyền tự chủ.
Cũng tán thành việc bỏ điểm sàn, tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Quản trị chiến lược Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, lập luận: “Chủ trương này là quyết định đúng của Bộ trong bối cảnh tuyển sinh và đào tạo đã khác trước nhiều. Nếu vừa thi chung vừa thi riêng mà vẫn áp dụng một điểm sàn sẽ làm hạn chế quyền tự chủ các trường”. Tuy nhiên, tiến sĩ Dũng cho rằng bỏ điểm sàn thì Bộ cần có tiêu chí khác phù hợp hơn và tiêu chí này cần mang tính hướng dẫn thay vì áp đặt. Đặc biệt, tiến sĩ Dũng nhấn mạnh: “Cho phép các trường tự chủ nhưng không thể cho phép các trường tuyển sinh bằng mọi giá. Muốn vậy, việc đảm bảo chất lượng đào tạo không chỉ quản lý chặt đầu vào, mà cả quá trình đào tạo cho tới đầu ra”.
Ý kiến
Điều chỉnh cho phù hợp chứ không bỏ
Video đang HOT
Kỳ thi 3 chung hướng đến tiêu chí thống nhất về chất lượng đầu vào của các trường ĐH, CĐ. Trong đó điểm sàn là mức điểm tối thiểu để yêu cầu người học cần đạt được nếu muốn vào học các bậc đào tạo này. Nếu bỏ điểm sàn và thay thế bằng các tiêu chí khác, e rằng sẽ khó đảm bảo được yêu cầu trên. Do vậy, có thể điều chỉnh điểm sàn để phù hợp với tình hình tuyển sinh năm nay nhưng vẫn cần mức sàn chung cho những trường thi chung”.
Thạc sĩ HOÀNG ĐỨC BÌNH (Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Hoa Sen)
Bỏ sàn thì không còn “3 chung”
Nếu bỏ sàn thì không cần tổ chức “3 chung” nữa. Như vậy có thể sẽ giống với phương án tuyển sinh riêng của các trường là dùng học bạ để xét tuyển. Lúc đó, các trường tốp dưới, đặc biệt là các trường CĐ, TCCN sẽ không thể tuyển được thí sinh vì khi không cần điểm sàn thì em nào cũng sẽ muốn vào học ĐH. Nếu còn kỳ thi ĐH-CĐ “3 chung” thì tôi nghĩ vẫn phải duy trì điểm sàn. Tuy nhiên cách tính điểm sàn như thế nào mới là điều cần bàn.
Tiến sĩ TRẦN MẠNH THÀNH (Phó hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt)
Phải có tiêu chí cụ thể
Việc bỏ điểm sàn sẽ không ảnh hưởng đến những trường tốp trên mà chỉ ảnh hưởng đến các trường phải xét tuyển nhiều nguyện vọng bổ sung. Như vậy, phải có các tiêu chí cụ thể dành cho thí sinh không đậu nguyện vọng 1. Chẳng hạn, các trường khi tuyển nguyện vọng bổ sung cần phải yêu cầu tiêu chí về học lực phổ thông hoặc phải có một ngưỡng điểm nào đó cho từng khối thi.
Ông VŨ VĂN HÒA (Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Kinh tế đối ngoại TP.HCM)
Khó tìm ra phương án thay thế
Nếu không có điểm sàn sẽ xảy ra một số vấn đề. Đầu tiên là có quá nhiều giấy chứng nhận điểm. Trước đây, chỉ có thí sinh trên điểm sàn mới có giấy chứng nhận điểm. Đến lúc này, tất cả thí sinh đều có giấy chứng nhận điểm vì không có điểm sàn để phân chia nữa. Quan trọng hơn nữa là không có điểm sàn thì các trường thi “3 chung” sẽ xét tuyển dựa trên mức điểm nào? Khó có một phương án nào có thể thay thế điểm sàn hiện nay.
Thạc sĩ CỔ TẤN ANH VŨ (Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM)
Theo TNO
Học sinh tiểu học Việt Nam rất giỏi Toán và tiếng Việt
Kết quả khảo sát quốc tế có tên gọi Pasec 10 với học sinh tiểu học ở Việt Nam cho thấy kết quả rất đáng "nể" về môn Toán và tiếng Việt.
Học sinh tiểu học Việt Nam rất giỏi Toán và tiếng Việt - Ảnh: Tuệ Nguyễn
Ngày 26.2 tại Hà Nội, Bộ Giáo dục - Đào tạo đã công bố kết quả khảo sát Pasec 10. Đây là chương trình phân tích các hệ thống giáo dục của Confemen (Hội nghị các Bộ trưởng giáo dục các nước sử dụng tiếng Pháp).
Bộ Giáo dục - Đào tạo cho hay: Mục tiêu của Việt Nam khi tham gia chương trình Pasec là đánh giá kết quả học tập của học sinh lớp 2 và lớp 5 trong lĩnh vực Toán và tiếng Việt vào đầu và cuối năm học, đồng thời thu thập những thông tin về những nhân tố tác động đến kết quả học tập của học sinh.
Quá trình tham gia khảo sát gồm đầu vào và đầu ra trong khoảng thời gian từ tháng 12.2011 đến tháng 5.2012 với những đối tượng là học sinh lớp 2, lớp 5; các giáo viên dạy lớp 2, lớp 5; các hiệu trưởng các trường tiểu học của 180 trường tiểu học trên toàn quốc (gồm cả thành thị và nông thôn).
Kết quả được công bố theo 4 tiêu chí: tiến bộ của học sinh trong một năm học; kiến thức và kỹ năng của học sinh; các yếu tố của chất lượng giáo dục tiểu học; các kết quả khác.
Học sinh lớp 2 thấy quá... dễ
Kết quả về sự tiến bộ của học sinh Việt Nam trong một năm học cho thấy: ở lớp 2, các bài kiểm tra là quá dễ đối với học sinh ở cả đầu năm và cuối năm.
Trên thực tế đã có hơn nửa số item của bài kiểm tra đầu năm học (đầu vào) đã được ít nhất 90% học sinh trả lời đúng; tất cả các học sinh Việt Nam, kể cả các học sinh yếu nhất, đều làm chủ được năng lực ở cấp độ thấp và cao được đo lường qua các bài kiểm tra môn tiếng Việt và môn Toán.
Đối với lớp 5: 90,7% học sinh ở lớp 5 đã có được các năng lực được đo lường trong bài kiểm tra môn tiếng Việt.
50,1% học sinh đã đạt được tất cả những năng lực được đo trong bài kiểm tra môn Toán.
75% học sinh đã có sự tiến bộ bình quân là 42 điểm trong năm học, điều này cho phép các em thực hiện những nhiệm vụ bổ sung.
Bé gái học giỏi hơn bé trai
Về các yếu tố của chất lượng giáo dục tiểu học, (gồm: giới tính, điều kiện kinh tế của gia đình học sinh, vai trò giáo viên, trang bị phòng học, vai trò hiệu trưởng, địa điểm trường) kết quả Pasec 10 cho hay: Những học sinh nữ có năng lực cao hơn học sinh nam ở cả lớp 2 và lớp 5 trong cả 2 môn.
Những em học sinh có xuất thân từ gia đình khá giả nhất có thành tích học tập cao hơn các em học sinh xuất thân từ gia đình nghèo nhất ở cả 2 lớp 2 và lớp 5.
Những học sinh lớp 2 làm các công việc ngoài học tập ở nhà có thành tích cao hơn trong môn tiếng Việt.
Việc đào tạo về phương pháp tiếp cận năng lực của giáo viên có liên quan tích cực đến việc tiếp thu của học sinh ở lớp 2 và lớp 5 trong cả hai môn tiếng Việt và Toán.
Cụ thể, ở lớp 2, người ta nhận thấy rằng những học sinh mà giáo viên có bằng cử nhân có thành tích cao hơn những học sinh mà giáo viên không có bằng cử nhân.
Ở lớp 5, trong cả hai môn học, học sinh của giáo viên có thâm niên thấp có kết quả học tập cao hơn học sinh của giáo viên có thâm niên cao.
Những học sinh có hiệu trưởng là nữ có thành tích tốt hơn các bạn khác trong môn tiếng Việt ở lớp 2 và trong cả hai môn ở lớp 5.
Thâm niên công tác của hiệu trưởng chỉ tác động tích cực đối với học sinh lớp 2 trong môn tiếng Việt.
Học sinh được học trong các trường được trang bị tốt nhất có thành tích học tập tốt hơn các bạn khác trong hai môn học cả ở lớp 2 và lớp 5...
Kết quả khảo sát cũng cho thấy: có 6% học sinh học tại các trường không có phòng vệ sinh hoặc nhà tiêu, có hơn 17% học sinh có hiệu trưởng không có phòng làm việc riêng, hơn 85% hiệu trưởng dành hơn nửa thời gian làm việc cho các công việc hành chính...
Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển nhận định: Cùng với Pisa, Pasec lần này đánh dấu lần thứ 2 Việt Nam tham gia các cuộc đánh giá khảo sát của quốc tế về giáo dục theo quy mô lớn và uy tín.
Tuy nhiên, ông Hiển cũng thừa nhận: Học sinh Việt Nam đã được cả Pisa và Pasec đánh giá là có trình độ khá cao nhưng vẫn đang gặp khó khăn trong việc giải quyết vấn đề gắn với thực tiễn, cho nên thời gian tới chương trình giáo dục của chúng ta sẽ tập trung chú trọng vào vấn đề này để tiến tới việc giáo dục toàn diện cho học sinh.
Chương trình Pasec:
Được thành lập từ năm 1991, chương trình phân tích các hệ thống giáo dục của Confemen (Pasec) nhằm tới cung cấp thông tin về sự phát triển của các hệ thống giáo dục và các chính sách giáo dục kèm theo đó. Trong 2 thập kỷ qua, đã có 35 cuộc đánh giá quốc gia được tiến hành ở gần 20 nước tại châu Phi, châu Á và Trung Đông. Được biết, kết quả này sẽ được Pasec Confemen công bố trên toàn thế giới ngay sau khi hoàn tất các thủ tục cần thiết.
Theo TNO
Giáo viên tiếng Anh phải hiểu văn hóa các nước nói tiếng Anh Bộ Giáo dục - Đào tạo vừa công bố các yêu cầu cơ bản về năng lực giáo viên tiếng Anh phổ thông, trong đó có yêu cầu giáo viên phải hiểu biết cơ bản văn hóa của các nước nói tiếng Anh. Cụ thể, giáo viên tiếng Anh phải đạt bậc 4/6 (đối với giáo viên tiểu học và THCS), bậc 5/6...