Tiêu chí chọn sách giáo khoa trên thế giới
Tại nhiều nước, vấn đề kiến thức và hiệu quả giảng dạy được chú trọng hơn, trong khi tài liệu giảng dạy có thể linh động, đa dạng và không mang tính bắt buộc hay gói gọn chỉ trong một bộ sách giáo khoa duy nhất.
Học sinh tại Trường THPT Hangyeore ở TP.Anseong (tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc) – ẢNH: REUTERS
Tại Hàn Quốc, trường học các cấp chọn sách giáo khoa (SGK) theo danh mục được Bộ Giáo dục ban hành, bao gồm cả sách do Bộ Giáo dục biên soạn, sách được Bộ Giáo dục cấp phép sử dụng. Theo tờ The Korea Herald , Bộ Giáo dục Hàn Quốc có kế hoạch cho phép những nhà xuất bản tư nhân xuất bản SGK điện tử liên quan đến các môn xã hội và khoa học cho học sinh lớp 3 – 4 vào năm 2022 và các lớp cao hơn kể từ năm 2023, song những loại sách này cần được Bộ Giáo dục cấp phép trước khi đưa vào sử dụng trong nhà trường.
Tại Đức, Bộ Giáo dục hằng năm ban hành danh mục các cuốn SGK được sử dụng trong nhà trường. Sau đó, các trường phổ thông căn cứ vào danh sách từ Bộ Giáo dục để lựa chọn những bộ sách phù hợp. Mỗi năm, các trường ở Đức có danh mục những cuốn SGK cần phải mua và phụ huynh học sinh có trách nhiệm mua cho con em mình.
Theo kênh Deutsche Welle, chính quyền liên bang Đức quy định số tiền tối đa mà cha mẹ học sinh bỏ ra để mua SGK cho con. Điều này nhằm hạn chế việc nhà trường “bắt tay”cùng các nhà xuất bản kê ra loạt sách buộc phụ huynh phải mua hết.
Chẳng hạn tại thủ đô Berlin, số tiền phụ huynh chi để mua SGK cho con không được quá 100 euro (khoảng 2,8 triệu đồng) cho mỗi học sinh/năm học. Do vậy nhà trường phải cân nhắc chọn những SGK thiết yếu nhất cho học sinh chứ không phải mua mọi danh mục SGK có trên thị trường.
Tại Pháp, SGK phải được biên soạn theo chương trình giáo dục được sự chấp thuận của Bộ Giáo dục. Tuy nhiên, trong trường học các cấp, giáo viên sẽ đưa ra các tiêu chí rõ ràng để chọn lựa sách. Các SGK được hội đồng sư phạm (hội đồng của tất cả giáo viên môn học liên quan) phê duyệt sẽ được chọn dạy cho học sinh.
Tại trường công các cấp ở Mỹ, một hội đồng giáo dục địa phương sẽ bỏ phiếu chọn những SGK cần mua từ danh sách đã được Bộ Giáo dục duyệt. Giáo viên nhận sách và phát cho học sinh theo từng bộ môn. Tuy nhiên, các giáo viên thường không bị bắt buộc phải sử dụng SGK nên nhiều người sử dụng các tài liệu khác như video, các hoạt động nhóm… để giảng dạy.
Tại Nhật, việc sử dụng SGK là bắt buộc ở trường phổ thông, theo tờ The Japan Times . Các nhà xuất bản tư nhân biên soạn và nộp lên Bộ Giáo dục xem xét để chọn ra những sách được sử dụng trong nhà trường. Thông thường, các cơ quan phụ trách giáo dục địa phương của Nhật sẽ chọn SGK để đưa vào nhà trường.
Tại Singapore, các trường học có thể chọn SGK từ những danh mục chính thức sao cho phù hợp với học sinh của mình.
Tại Thái Lan, các bộ SGK do Bộ Giáo dục và các nhà xuất bản tư nhân tổ chức biên soạn và xuất bản. SGK sử dụng trong nhà trường các cấp đều phải được Ủy ban Giáo dục cơ bản Thái Lan (OBEC) thẩm định, theo researchgate.net . OBEC thuộc Bộ Giáo dục Thái Lan có nhiệm vụ tổ chức kiểm định, cấp giấy chứng nhận cho phép SGK lưu hành.
Vì sao có nhiều vấn đề trong sách giáo khoa lớp 1?
Một số quy định chưa rõ liên quan đến thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa; nhiều nội dung triển khai chậm so với tiến độ là những nguyên nhân khiến triển khai chương trình - sách giáo khoa lớp 1 thời gian qua còn lúng túng.
Sau 2 tháng triển khai chương trình SGK lớp 1, có nhiều ý kiến của phụ huynh, cử tri, dư luận về SGK tiếng Việt lớp 1 - ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội mới có báo cáo giám sát về đổi mới chương trình - sách giáo khoa (CT - SGK) phổ thông giai đoạn 2015 - 2020 gửi đến các đại biểu Quốc hội.
Bộ trưởng Bộ GD&DT Phùng Xuân Nhạ nói về những vấn đề của sách giáo khoa trước quốc hội
Dư luận phản ánh chương trình còn "nặng và khó"
Với chương trình giáo dục phổ thông mới, báo cáo khẳng định: "Quy chế, quy trình biên soạn chương trình tổng thể, chương trình các môn học và hoạt động giáo dục được ban hành theo luật định, tương đối đầy đủ, khoa học, bảo đảm tính liên thông, thống nhất giữa các cấp học, môn học theo định hướng, mục tiêu đổi mới của Nghị quyết 88. Việc xã hội hóa biên soạn SGK bước đầu thành công đối với lớp 1".
Giá SGK mới cao hơn 2 - 3 lần
Báo cáo giám sát chỉ ra rằng giá SGK lớp 1 mới cao hơn SGK lớp 1 cũ khoảng 2 - 3 lần, một số cơ sở giáo dục chưa thực hiện nghiêm quy định về quản lý, sử dụng sách tham khảo, tạo dư luận không tốt, ảnh hưởng trực tiếp tới kinh tế của một bộ phận dân cư trong khi nhà nước vẫn chưa có chính sách hỗ trợ về SGK cho các nhóm đối tượng khó khăn.
Tuy nhiên, cũng theo báo cáo: "Qua theo dõi việc triển khai thực hiện CT - SGK lớp 1 đầu năm học (tháng 9 - 10.2020), do thay đổi về phương thức giảng dạy, nhiều ý kiến của phụ huynh, cử tri, dư luận phản ánh chương trình còn nặng, đặc biệt môn tiếng Việt "nặng và khó hơn" so với chương trình cũ; yêu cầu phải học thuộc chữ và vần trong thời gian ngắn, gây áp lực cho giáo viên và học sinh (HS)".
Cụ thể, theo phản ánh của phụ huynh HS: lớp 1 trong 1 tuần học 12 tiết tiếng Việt thay cho 8 tiết như chương trình cũ; bài học tuần 4 của môn tiếng Việt năm nay bằng bài học tuần thứ 25 của chương trình cũ. Đổi mới phương pháp giảng dạy tiếng Việt: tiếp cận phát âm trước khi tập viết. HS không được làm quen với các nét, chữ cái cơ bản mà học ngay vào ghép vần, thậm chí tập đọc luôn ngay từ bài đầu tiên; môn tập viết. Những năm trước, HS có 1 tuần để tập viết các nét trước khi viết chữ thì năm nay chỉ có 1 buổi nên nếu HS không học chữ trước sẽ không thể nhớ hết các nét để viết chữ...
Riêng về việc thẩm định và phê duyệt SGK, cơ quan giám sát đã chỉ ra 3 nội dung còn tồn tại.
Thứ nhất, quy định của Bộ GD-ĐT chưa cụ thể trong yêu cầu về chất lượng và quy trình hoàn chỉnh bản mẫu SGK trước khi nhà xuất bản trình Hội đồng quốc gia thẩm định. Sự "chưa cụ thể" thể hiện ở việc "yêu cầu tác giả SGK phải là công dân VN" chưa rõ ràng, đã làm nảy sinh một số bất cập trong quá trình thẩm định SGK tiếng Anh, dẫn đến việc thay đổi tên tác giả nhiều bộ SGK (từ tác giả nước ngoài phải điều chỉnh thành tác giả VN).
Thứ hai, quy định về tổ chức thực nghiệm SGK chưa rõ thời lượng và quy mô thực nghiệm, chưa được lấy ý kiến phản hồi rộng rãi. Do vậy, SGK lớp 1 có những nội dung chưa phù hợp, gây khó khăn cho giáo viên, HS trong quá trình thực hiện, gây băn khoăn, phản ứng trong dư luận xã hội.
Cơ quan giám sát chỉ ra thực tế, sau 2 tháng triển khai CT - SGK lớp 1, có nhiều ý kiến của phụ huynh, cử tri, dư luận về SGK tiếng Việt lớp 1, chủ yếu tập trung vào bộ Cánh Diều...
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói về vấn đề sách giáo khoa tại quốc hội ngày 4.11.2020
Nhiều cái chậm so với tiến độ
Báo cáo chỉ ra nhiều cái chậm so với tiến độ đề ra trong việc thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội. Ví dụ, việc chậm ban hành chương trình tổng thể dẫn tới chậm có chương trình các môn học, kéo theo việc biên soạn, in ấn, lựa chọn... SGK cũng bị chậm theo...
Bộ sẽ có hướng dẫn và giám sát chặt về thực nghiệm và tập huấn SGK
Ngày 8.11, trao đổi với PV Thanh Niên, đại diện Bộ GD-ĐT cho biết tới đây sẽ có hướng dẫn và giám sát chặt hơn về thực nghiệm và tập huấn sử dụng SGK mới từ lớp 2, lớp 6. Theo đó, hướng dẫn sẽ quy định cụ thể về thời lượng và quy mô thực nghiệm SGK; việc tập huấn thực hiện SGK vẫn giao cho các nhà xuất bản nhưng Bộ sẽ giám sát, kiểm tra chặt chẽ.
Cụ thể, năm học 2020 - 2021, việc cung ứng SGK cho đa số cơ sở giáo dục chậm (theo giám sát của ủy ban đến cuối tháng 8.2020 sách mới về đến các cơ sở), gây khó khăn trong việc triển khai các khâu: lựa chọn SGK, tập huấn giáo viên, trao đổi chuyên môn giữa các giáo viên, các đơn vị trường, cụm trường.
Việc có SGK muộn cộng với tác động của dịch bệnh Covid-19 khiến công tác bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý ở trường phổ thông triển khai chương trình mới còn chậm về tiến độ so với lộ trình đặt ra, chủ yếu mới chỉ dừng lại ở đội ngũ cốt cán, việc tập huấn đại trà cho giáo viên còn gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng tới việc tiếp cận, tập huấn của giáo viên trong đổi mới phương pháp giảng dạy.
Liên quan đến điều kiện cơ sở vật chất để thực hiện đổi mới, báo cáo nêu: "Việc chuẩn bị và đầu tư các điều kiện về cơ sở vật chất, cung ứng thiết bị dạy học nhiều nơi còn chậm về tiến độ và thiếu đồng bộ, chưa hợp lý; việc bố trí phòng học bộ môn ở các trường học của nhiều địa phương nhìn chung còn bất cập và lạc hậu theo cách thức cũ, chưa bảo đảm chất lượng và yêu cầu kỹ thuật, ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai chương trình mới nói chung và chương trình lớp 1 năm học 2020 - 2021 nói riêng".
Thiếu sự phối hợp tổng thể về chính sách với nhà giáo
Báo cáo giám sát dành nhiều thời lượng để phản ánh về thực trạng đội ngũ giáo viên, bày tỏ lo ngại khi đội ngũ giáo viên còn thừa - thiếu cục bộ và chất lượng không đồng đều giữa các địa phương, vùng miền. Đội ngũ giáo viên đang phải chịu thách thức giữa số lượng và yêu cầu về trình độ đáp ứng Nghị quyết 88 và chuẩn hóa.
Báo cáo cho rằng liên quan đến việc thừa - thiếu giáo viên có nguyên nhân là do thiếu sự chỉ đạo, phối hợp tổng thể cấp vĩ mô. Còn hạn chế trong sự phối hợp giữa Bộ GD-ĐT, Bộ Nội vụ, các bộ, ngành liên quan và địa phương trong xây dựng chính sách triển khai Nghị quyết 88, trong chính sách với đội ngũ nhà giáo.
Do vậy, báo cáo đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo và báo cáo việc thực hiện hiệu quả Đề án đổi mới CT - SGK và các đề án khác có liên quan tới yêu cầu bảo đảm đồng bộ các điều kiện về đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, cơ sở vật chất để triển khai thực hiện đổi mới CT - SGK; bố trí các nguồn vốn T.Ư hỗ trợ các địa phương khó khăn; rà soát, điều chỉnh, quản lý, sử dụng hiệu quả khoản vốn vay của Ngân hàng Thế giới đối với các dự án liên quan đến giáo dục phổ thông.
Báo cáo cũng đề nghị Bộ GD-ĐT tiếp tục có giải pháp tốt hơn trong chỉ đạo triển khai biên soạn, thẩm định, phê duyệt SGK từ lớp 2 - 12; nghiên cứu, đổi mới hình thức tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và nâng chuẩn trình độ đào tạo đối với giáo viên phổ thông.
Đến giờ chưa triển khai chương trình mới lớp 2 và 6, giáo viên sao kịp tiếp thu? Năm học 2021 - 2022, chương trình mới sẽ được triển khai đối với lớp 2, lớp 6. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, giáo viên vẫn mơ hồ .... Thời gian qua, dù mới là năm đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, bắt đầu từ lớp 1. Tuy nhiên, đã có nhiều vấn đề này sinh...