Tiết lộ tin mật cho Nga, ông Trump có bị luận tội?
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump chia sẻ thông tin tình báo tối mật với quan chức cấp cao Nga tại Nhà Trắng dấy lên nghi vấn liệu ông Trump có vi phạm pháp luật.
Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Theo Washington Post, ông Trump được cho là đã chia sẻ thông tin tình báo tối mật về việc Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) có kế hoạch cài thuốc nổ vào máy tính xách tay để đánh bom các chuyến bay thương mại.
Tổng thống Mỹ thậm chí còn nêu tên thành phố ở Syria, nơi cung cấp nguồn thông tin tình báo này.
Ông Trump sau đó lên tiếng khẳng định, ông có quyền chia sẻ thông tin được lựa chọn với Nga. Ông Trump nói chia sẻ thông tin vì “những lý do nhân đạo và muốn Nga đẩy mạnh cuộc chiến chống IS và chủ nghĩa khủng bố”.
Tuy nhiên, làn sóng chỉ trích và yêu cầu phế truất Tổng thống Trump ngày càng tăng cao hơn bao giờ hết.
Ông Trump có phạm pháp hay không?
Các chuyên gia nhận định, Tổng thống Mỹ có quyền giải mật các tài liệu tình báo. Do đó, ông Trump không hề vi phạm các quy định của luật pháp Mỹ.
“Tôi không nghĩ ông Trump đã làm gì sai. Tổng thống có quyền giải mật thông tin”, Cristina Rodriguez, chuyên gia luật tại Đại học Columbia. “Tuy nhiên, ông Trump có thể đã bất cẩn, không phải cứ có quyền làm như vậy thì những điều Tổng thống làm đều hợp lý”.
Ông Trump đã phá vỡ nguyên tắc nào?
Video đang HOT
Ông Trump gặp quan chức cấp cao Nga tại Nhà Trắng.
Một số chuyên gia cho rằng, thông tin mật mà Trump đã chia sẻ thuộc dạng tối mật. Cộng đồng tình báo Mỹ cũng không thể tiết lộ thông tin này với các đồng minh, huống chi Tổng thống Mỹ lại kể cho Nga.
Do đó, hành động của ông Trump có thể đã vi phạm lời tuyên thệ khi nhậm chức. Tổng thống Mỹ thề “giữ vững và bảo vệ hiến pháp Mỹ”. Việc ông Trump chia sẻ thông tin mật cho Nga, nước bị cáo buộc can thiệp bầu cử Mỹ năm ngoái có thể là hành động vi phạm lời thề.
“Hành động bất cẩn của ông Trump thậm chí có thể dẫn đến việc ông bị luận tội. Ông Trump không cần phải gây ra tội nghiêm trọng để bị phế truất, mà chỉ cần có hành động lạm quyền hoặc lạm dụng niềm tin của người công chúng”, chuyên gia luật Rodriguez nói.
Ai có thể điều tra Tổng thống Mỹ Donald Trump?
Mọi cuộc điều tra về quá trình luận tội Tổng thống sẽ chỉ có thể diễn ra nếu Quốc hội đạt được sự đồng thuận.
Tuy nhiên, những nghị sĩ đảng Dân chủ đang muốn bổ nhiệm một công tố viên độc lập để điều tra cáo buộc về mối liên hệ giữa chiến dịch tranh cử của Trump với Nga. Vị công tố độc lập này cũng có thể cũng sẽ xem xét việc tiết lộ thông tin của Tổng thống.
David Golove, giáo sư luật tại trường Đại học New York nhận định, ông Trump có thể xua tan ngờ vực của dư luận nếu nói tiết lộ thông tin để “xây dựng lòng tin” trong quan hệ với Nga.
Bên cạnh đó, phần lớn các nghị sĩ đảng Cộng hòa cho đến nay vẫn ủng hộ ông Trump, cho nên rất khó có khả năng Quốc hội Mỹ nhất trí luận tội Tổng thống.
Công chúng Mỹ có thể giận dữ và gây sức ép với ông Mitch McConnell, lãnh đạo phe Cộng hoà ở Thượng viện. Nhưng ông McConnell sẽ cố gắng cầm cự và cân nhắc dựa trên lợi ích chính trị của đảng.
Việc ông Trump tiết lộ tin mật cho Nga có thể khiến đồng minh quay lưng.
“Miễn là Trump còn được đảng Cộng hoà bảo vệ thì ông ấy sẽ không bị ảnh hưởng”, giáo sư Golove nhấn mạnh.
Điều này tác động ra sao đến đồng minh?
Giới quan sát nhận định, việc ông Trump bị tố tiết lộ thông tin mật cho Nga nhiều khả năng sẽ khiến các đồng minh của Mỹ tức giận.
Họ có thể ngừng cung cấp thông tin nhạy cảm cho Mỹ vì lo ngại những thông tin này có thể bị bàn giao không đúng người.
New York Times tiết lộ, những thông tin mà ông Trump nói với Nga đến từ Israel. Cơ quan tình báo Nga lại có mối quan hệ chặt chẽ với Iran, quốc gia đối thủ của Israel.
Giới chức tình báo Mỹ cũng lo ngại khả năng Nga tận dụng các thông tin trên để truy ra nguồn cấp tin, từ đó ngăn chặn khả năng các thông tin này ảnh hưởng đến hoạt động của Nga ở Syria.
“Chưa nói đến tính pháp lý, nguyên tắc từ xưa đến nay là không ai được phép làm lộ nguồn cấp thông tin, dù bằng cách này hay cách khác”, Mark J. Rozell, hiệu trưởng trường Chính sách và Chính phủ tại Đại học George Mason nói.
Theo Danviet
Thăm dò: 48% người Mỹ muốn luận tội Tổng thống Trump
Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đối mặt với khủng hoảng niềm tin sâu sắc từ người dân, sau khi cuộc khảo sát mới nhất cho thấy đa số người được hỏi muốn luận tội ông Trump.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đối mặt với khủng hoảng niềm tin từ người dân.
Theo Independent, Public Policy Polling từng được tờ Wall Street Journal đánh giá cung cấp cuộc trưng cầu dân ý chính xác và uy tín nhất vào năm 2008.
Trong cuộc khảo sát của Public Policy Polling, 48% số người Mỹ trả lời nói rằng họ ủng hộ việc buộc tội ông Trump, trong khi chỉ có 41% phản đối việc này. Đây là lần đầu tiên số người ủng hộ buộc tội ông Trump lớn hơn những người phản đối.
Ngoài ra, 45% nhận định nhiệm kỳ Tổng thống của ông Trump sẽ không kéo dài, trong khi 43% cho rằng ông Trump sẽ đảm đương đủ nhiệm kỳ 4 năm.
Khảo sát diễn ra trong khoảng từ ngày 12-14.5, sau khi ông Trump bất ngờ sa thải Giám đốc FBI James Comey. Nhưng trước khi tờ Washington Post tiết lộ rằng, Tổng thống Mỹ có thể đã chia sẻ thông tin mật với Nga.
Việc ông Comey bị sa thải khiến cả nghị sĩ đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ lo ngại, về cuộc điều tra của FBI đối với chiến dịch tranh cử của ông Trump.
Ông Trump được cho là đã tiết lộ thông tin mật với Nga.
Theo thống kê của Gallup, tỷ lệ ủng hộ ông Trump đã rơi xuống mức thấp nhất trong 2 tháng qua. Có tới 57% số người được hỏi cảm thấy không hài lòng với các quyết định của ông Trump. Chỉ 37% người Mỹ nói ủng hộ việc sa thải ông Comey, so với 48% số người phản đối.
Ít nhất 12 nghị sĩ đảng Dân chủ trong Quốc hội Mỹ kêu gọi luận tội ông Trump kể từ khi Tổng thống Mỹ tuyên thệ nhậm chức. Giáo sư luật tại trường Đại học Havard, Laurence Tribe nói việc sa thải ông Comey cho thấy "nỗ lực rõ ràng can thiệp vào cuộc điều tra về các vấn đề an ninh quốc gia".
Robert Reich, cựu Bộ trưởng Lao động Mỹ dưới thời Bill Clinton nói: "Vấn đề không phải là liệu có nên luận tội ông Trump hay không. Câu hỏi đặt ra là liệu đến lúc nào các nghị sĩ đảng Cộng hòa nghĩ đến lợi ích của quốc gia hơn là lợi ích đảng phái".
Mặc dù Public Policy Polling được đánh giá khá uy tín nhưng giống như các cuộc thăm dò quốc gia khác, công ty này từng sai lầm khi không đánh giá cao chiến dịch tranh cử Tổng thống của ông Trump.
Theo Danviet
Tên lửa hạt nhân tối mật bảo vệ Mỹ thời Chiến tranh Lạnh Tên lửa hạt nhân từng là quân bài chủ chốt thời Chiến tranh lạnh, đóng vai trò bảo vệ nước Mỹ trước mối đe dọa từ các máy bay ném bom chiến lược Liên Xô. Trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh, Mỹ luôn lo ngại phi đội máy bay ném bom chiến lược Liên Xô. Theo trang mạng War is Boring, Thế chiến...