Tiết lộ cách làm bài thi tốt nghiệp THPT để đạt điểm cao
VOV.VN – Thí sinh phải bình tĩnh, nên bắt đầu làm từ bài dễ đến khó. Trình bày bài thi sạch sẽ, gọn gàng, không nên tẩy xóa quá nhiều.
Chia sẻ kinh nghiệm làm bài tốt khi đi thi, sinh viên Vũ Trọng Nghĩa, 1 trong 7 thủ khoa của trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) năm 2014 cho rằng: Để có thể đạt kết quả cao trong các bài thi, thí sinh nên làm bài từ dễ tới khó.
“Cách làm tốt nhất để đạt điểm cao, đó là trước khi làm bài chúng ta có 15 phút để đọc đề sẽ định hướng được trước đề như thế nào. Sau đó ưu tiên làm các câu dễ trước. Việc làm các câu dễ trước rất lợi về tâm lý. Đó là giả sử một đề thi trắc nghiệm 90 phút mình làm được 1 phần 3 thời gian mà đã xong được một nửa đề rồi thì cảm giác về tâm lý rất thoải mái. Sau đó bắt đầu chuyển những câu khó hơn” – Vũ Trọng Nghĩa chia sẻ.
Video đang HOT
Còn Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển thì khuyên các bạn thí sinh: “Trong những ngày thi quan trọng nhất là giữ sức khỏe. Tôi mong muốn là các em học sinh thì cố gắng giữ gìn sức khỏe, ôn thi nhưng phải giữ gìn sức khỏe kể cả đi đến nơi mà mình trọ thì cố gắng giữ gìn sức khỏe một cách an toàn, yên tâm thi cử và tôi tin là kết quả kỳ thi sẽ tốt đẹp”.
Khi làm bài thi, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển mong rằng: “Các thí sinh thi thật nghiêm túc, tự tin thì kết quả sẽ đến với mình thôi vì đề thi chúng ta biết rồi, không phải khó hơn mọi năm, mà điều kiện nghiêm túc thì tăng cường theo bình thường, các em tự tin thì sẽ làm được bài”.
Còn những người đã kinh qua nhiều kỳ thi và có kinh nghiệm trong thi cử thì khuyên các bạn thí sinh đừng có tâm lý sợ khó, đặc biệt là với các môn tự nhiên Toán, Lý, Hóa. Mỗi bài có 1 mấu chốt, để tìm ra mấu chốt đó các em chỉ cần phát hiện để định hình lối tư duy phù hợp nhất, loại hoàn toàn những hướng không khả thi.
Nhận đề, các em nên đọc lướt qua 1 lượt hình dung ra những câu mình có thể làm được luôn. Đồng thời, sau khi giám thị phát giấy nháp, nếu bạn thấy công thức nào khó nhớ, mà lúc bấy giờ đầu óc minh mẫn lại nhớ ra thì hãy ghi luôn vào giấy nháp.
Bài khó làm sau, bài dễ làm trước” hãy nhớ lấy để khỏi bị sa lầy, mất quá nhiều thời gian vào bài khó.
Riêng với các môn tự nhiên, đầu tiên các em phải đọc thật kĩ đề bài sau đó hình dung ra những hướng suy nghĩ, lối tư duy khác nhau có thể vận dụng, sau đó tùy dấu hiệu của từng bài, kết hợp với sự liên tưởng đến các dạng, các phương pháp, các công cụ các bài toán phụ hay các bổ đề đã học để các em có được sự định hướng tốt nhất. Sau khi loại bỏ hết những hướng đi không công dụng việc còn lại là các em biến đổi theo hướng vừa chọn thì lời giải sẽ dần hé mở.
Hãy đọc thật kĩ đề bài và định hướng, đừng vội vã lao đầu vào làm mà thiếu sự định hướng liên tưởng thì rất dễ sa lầy và hệ quả tiếp theo là mất bình tĩnh, rối chí.
Một lưu ý nữa là cách trình bày bài thi phải thật cẩn thận rõ ràng, ngắn ngọn, đầy đủ; Hạn chế tối đa tẩy xóa, tuyệt đối không dùng bút xóa, nếu sai thì dùng thước gạch chéo, rồi làm tiếp xuống dưới, không viết chèn ép.
Xuống dòng liên tục sẽ làm cho bài thi thoáng, dễ nhìn hơn, viết chữ thưa cách.
Không nên đổi giấy thi, làm lại sẽ rất mất thời gian.
Khi nháp, các em cũng nên nháp tử tế rõ ràng khoa học, không chồng chéo lộn xộn, giấy nháp không thiếu cho các em. Như thế nếu có đang làm dở mà muốn quay lại làm tiếp thì rất thuận tiện, đỡ nháp lại mất thời gian. Nếu có muốn kiểu tra lại lỗi sai thì sẽ nhanh hơn. Đặc biệt nháp khoa học sẽ giúp các em tìm ra lời giải nhanh hơn.
Chúc các em đạt kết quả cao trong kỳ thi!/.
Theo VOV