Tiết học ‘thay áo mới’ cho dân ca
Có thể nói “Đặt lời mới cho dân ca” là những tiết học lý thú và sinh động hơn cả đối với thầy và trò trong những giờ giảng dạy bộ môn Âm nhạc ở cấp TH và THCS khi âm nhạc dân tộc được “khoác thêm chiếc áo mới” về ngôn ngữ.
Tiết học âm nhạc đổi mới tại Trường TH Minh Đạo, Q5, TPHCM
Học từ góc nhìn khác
Trong tiết học về một số bài dân ca Nam bộ quen thuộc mà chủ yếu là những điệu lý như Lý cây bông, Lý ngựa ô, Lý kéo chài, Lý đất giồng, thầy Đặng Thái Sơn – GV bộ môn Âm nhạc của Trường THCS Bình Quới Tây, quận Bình Thạnh, TPHCM đã tự đệm đàn và hát một số tác phẩm âm nhạc được các nhạc sĩ đặt lời mới với chủ đề mái trường và thầy cô. Từng gắn bó với các bài dân ca từ khi còn nằm trong nôi mẹ, các em HS khối 8 như được nhìn thấy thêm “khuôn mặt mới” của các điệu lý qua lời mới được các nhạc sĩ “tô bồi” thêm. Yêu thích những làn điệu dân ca của các vùng miền, các em lại yêu thích hơn những bài dân ca được đặt lời mới vì được trải nghiệm một “hình hài âm nhạc” khác sau khi hiểu sâu hơn bài học. Tuy chưa thuộc lời nhưng hơn 40 HS của lớp 8/2 vẫn bắt nhịp đúng bài dân ca Lý dĩa bánh bò vì giai điệu và nhịp phách quá quen thuộc.
Không chỉ hát cho HS nghe, sau đó GV còn yêu cầu các nhóm và cá nhân trình bày các sản phẩm âm nhạc theo cách đặt lời mới cho bài dân ca quen thuộc này. Do được chuẩn bị từ trước nên hầu hết các nhóm đều thể hiện được “đứa con tinh thần” của nhóm mình tuy chưa thật hoàn hảo. Rõ ràng không chỉ “chạm vào da”, cách học này đã giúp các em thấm sâu hơn vào máu thịt những làn điệu dân ca mà ông cha ta đã sáng tạo, gìn giữ từ hàng nghìn năm qua.
Đó cũng là bài học mà thầy Nguyễn Văn Dương đang dạy cho các em HS khối 3 Trường TH Cổ Loa, quận Phú Nhuận, TPHCM về tiết tấu của những tác phẩm âm nhạc dân gian qua bài hát “Cùng nhau đi hồng binh”. Tuy không phải là tác phẩm âm nhạc được đặt lời mới trên nền dân ca, nhưng ca khúc nổi tiếng này mang đậm âm hưởng dân ca Nghệ Tĩnh qua điệu ví dặm vùng núi Hồng sông Lam. Bài hát “Thật đáng chê” được thầy Đỗ Quang Phúc giới thiệu cho HS Trường TH Minh Đạo, quận 5, TPHCM cũng làm cho lớp học trở nên sôi động khi mang dấu ấn của bài dân ca Bắt kim thang vui nhộn. Cũng là một bài dân ca nhưng các em được học và làm quen từ một góc nhìn khác mới mẻ và hiện đại hơn.
“Áo mới” không được cũ
Trong quy định của Bộ GD-ĐT, chương trình giảng dạy âm nhạc HS cấp THCS có 3 phân môn: Học hát, Tập đọc nhạc và Âm nhạc thường thức. Riêng phân môn Tập đọc nhạc có nội dung hướng dẫn HS đặt lời mới cho các bài dân ca. Đó là các điệu: Lý con sáo Gò Công, lý dĩa bánh bò, Lý kéo chài (Dân ca Nam bộ), Đi cấy(dân ca Thanh Hóa), Lý cây đa (Dân ca Quan họ Bắc Ninh) Hò ba lý(Dân ca Quảng Nam).
Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ là một bậc thầy về các sáng tác dựa trên các làn điệu dân ca, khẳng định: muốn sáng tác một tác phẩm âm nhạc dựa vào làn điệu dân ca trước hết tác giả phải có kiến thức về âm nhạc. Không có vải thì làm sao may áo mới được cho dân ca. Nhưng điều quan trọng hơn là phải có cảm xúc thật sự trong quá trình sáng tác khi theo một chủ đề nào đó để có những lời ca gắn kết một cách hài hòa nhuần nhuyễn với từng giai điệu dân gian do ông bà ta truyền lại. Theo nhạc sĩ Lê Phúc (Hội Âm nhạc TPHCM) đây là một thử thách cho đội ngũ GV vì trước nay chưa có một lớp hay khóa đào tạo nào tập huấn cho GV bộ môn đặt lời ca cho một giai điệu cho trước hay thay lời mới cho bài dân ca. Cho nên trên thực tế không phải tiết học nào cũng đáp ứng được yêu cầu này và nếu có đáp ứng được thì cũng mang tính ước lệ, thiếu một phương pháp cụ thể khiến sự lĩnh hội của HS còn hạn chế.
Về bản chất nhạc, các làn điệu dân ca có cấu trúc ngắn gọn và thường được xây dựng trên nền những câu ca dao thể lục bát nên tác giả khi đặt lời mới phải nắm được đặc điểm này. Một số bài giữ nguyên thể thơ nhưng có những điệu dân ca có thêm tiếng láy, tiếng đệm hay từ phụ, câu phụ hoặc đảo ngữ với mục đích làm cho giai điệu thêm phong phú. Vì thế nếu không hiểu nguyên tắc này thì khi đặt lời mới cả thầy và trò đều không biết bắt đầu từ đâu. Có những làn điệu dân ca có một mảng cố định nhưng có làn điệu lại có mảng cố định và mảng thay đổi. Theo GV Mai Xuân Đào – Trường THCS Hoài Hương, Hoài Nhơn, Bình Định, mảng cố định là dùng cho tập thể hò theo (gọi là xô), mảng thay đổi dùng cho một người hát (gọi là xướng). Theo cô Xuân Đào, khi hướng dẫn các em đặt lời mới GV nên dùng bảng phụ chép “khung” của bài dân ca. Cũng có thể chép cả nhạc hoặc chỉ chép lời ca phần đệm nguyên gốc nhằm chừa khoảng trống để điền lời ca mới.
Theo thầy Đỗ Quang Phúc, không chỉ có kiến thức về nhạc lý mà GV bộ môn phải có kiến thức về văn chương và đặc biệt là cảm hứng sáng tác mới viết được những tác phẩm âm nhạc dựa trên lời dân ca. Có như vậy mới truyền cảm hứng được cho các em HS lòng yêu thích vốn cổ quý báu từ kho tàng âm nhạc dân tộc. “Áo mới của tiết âm nhạc dù may bằng vải cũ nhưng người thợ phải biết sáng tạo để không còn là chiếc áo cũ” – thầy Phúc .
Video đang HOT
Theo Giaoducthoidai.vn
ĐH Quốc gia TP.HCM thêm kỳ thi đánh giá năng lực
Sau 2 năm chuẩn bị, ĐH Quốc gia TP.HCM đã sẵn sàng cho việc tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực vào năm nay để xét tuyển thí sinh vào các trường thành viên và với các trường bên ngoài.
Thí sinh dự thi kỳ thi kiểm tra năng lực của Trường ĐH Quốc tế TP.HCM năm 2017. Năm nay, ĐHQG TP.HCM sẽ triển khai hình thức này ở các trường thành viên
PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia (ĐHQG) TP.HCM, cho biết việc tuyển sinh của các đơn vị thành viên trong năm 2018 không dựa hoàn toàn vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực mà chỉ sử dụng một phần chỉ tiêu để xét tuyển dựa vào kết quả này.
Phần lớn chỉ tiêu còn lại sẽ vẫn xét tuyển dựa vào các phương thức tuyển sinh truyền thống như: thi THPT quốc gia, xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ GD-ĐT, ưu tiên xét tuyển theo quy định riêng của ĐHQG TP.HCM... Ngoài ra, các trường khác bên ngoài cũng có thể sử dụng kỳ thi này để xét tuyển.
Bài thi trắc nghiệm gồm 3 phần
"Việc đánh giá người học dựa vào năng lực và kỹ năng sẽ hỗ trợ tốt cho công tác đào tạo"
Ông Ngô Hồng Điệp, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Thủ Dầu Một
Thông tin về bài thi đánh giá năng lực, tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng ĐHQG TP.HCM, cho biết đây là một bài thi tổng hợp ở dạng đề trắc nghiệm gồm 100 câu hỏi với thời gian làm bài 150 phút. Thí sinh (TS) sẽ làm toàn bộ bài thi trên giấy và có thể lựa chọn định dạng đề thi bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh.
Theo đó, cấu trúc bài thi sẽ gồm 3 phần với 5 nội dung đánh giá khác nhau. Phần 1 gồm 40 câu hỏi đánh giá năng lực sử dụng ngôn ngữ, trong đó có 20 câu trắc nghiệm ngôn ngữ tiếng Việt và 20 câu ngôn ngữ tiếng Anh. Mục tiêu phần thi này là đánh giá khả năng dùng từ, đọc hiểu và phân tích bài viết.
Phần 2 gồm 20 câu trắc nghiệm liên quan đến suy luận logic và xác định quy luật.
Phần 3 gồm 40 câu hỏi sẽ tập trung đánh giá kỹ năng giải quyết vấn đề. Trong đó, 10 câu trắc nghiệm kỹ năng phân tích số liệu với nội dung gồm: phân tích ý nghĩa, xác định xu hướng, tìm quy luật dựa vào các số liệu cho trước được trình bày dưới dạng bảng số hoặc đồ thị. 30 câu còn lại kiểm tra kỹ năng giải quyết vấn đề thông qua các vấn đề được trình bày dưới dạng bài viết quanh các chủ đề về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, kinh tế, kỹ thuật... TS sử dụng dữ kiện cung cấp trong bài viết để trả lời các câu hỏi liên quan.
Không đánh giá khả năng nhớ, thuộc bài
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính cho biết bài thi này được xây dựng theo hướng tiếp cận các bài thi chuẩn hóa nhằm xét tuyển đầu vào ĐH của Mỹ (SAT-Scholastic Assessment Test) và Anh (TSA-Thingking Skills Assessment).
Về cấu trúc, bài thi đánh giá năng lực của ĐHQG tích hợp được kỹ năng đọc hiểu, phân tích của bài SAT và kỹ năng tư duy phản biện, giải quyết vấn đề của bài thi TSA. Do vậy, khác với cách tiếp cận của kỳ thi THPT quốc gia, kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP.HCM chú trọng các năng lực cơ bản để học ĐH của TS như: sử dụng ngôn ngữ, tư duy logic, phân tích, tổng hợp giải quyết vấn đề.
Về phạm vi kiến thức đề thi, tiến sĩ Chính cho biết dựa trên nền tảng kiến thức chương trình phổ thông. Tuy nhiên sẽ có những câu mở rộng đòi hỏi khả năng suy luận, logic nhưng vẫn gần với học sinh, gắn với kiến thức tự nhiên, xã hội mà học sinh đã được học. "Quan trọng hơn hết là nội dung bài thi được tích hợp đầy đủ về kiến thức và tư duy dưới hình thức cung cấp số liệu, dữ kiện và các công thức cơ bản. Trên cơ sở đó sẽ đánh giá khả năng suy luận và giải quyết vấn đề chứ không đánh giá khả năng nhớ hay thuộc bài của TS", ông Chính cho hay.
Tiến sĩ Chính nhấn mạnh: "Nội dung đề thi sẽ khác với kỳ thi THPT quốc gia mà Bộ tổ chức, trong đó câu hỏi sẽ không đánh đố và người dự thi cũng không cần ôn luyện mới làm được".
Một đợt thi ở 3 địa điểm thi
Theo dự kiến, trong năm 2018 kỳ thi sẽ được tổ chức một đợt vào khoảng một tuần sau kỳ thi THPT quốc gia. Kỳ thi sẽ tổ chức tại 3 điểm (TP.HCM, Bình Định và An Giang) để thuận tiện cho TS.
TS sẽ đăng ký dự thi theo hình thức trực tuyến hoặc trực tiếp tại các điểm đăng ký dự thi do ĐH này quy định. Sau 10 ngày diễn ra kỳ thi, TS sẽ được biết kết quả. "Kỳ thi này sẽ không hạn chế đối tượng tham gia dự thi, tuy nhiên việc sử dụng kết quả thi này để xét tuyển sẽ có những điều kiện ràng buộc do từng trường quy định. Do vậy kể cả học sinh lớp 11 nếu muốn tập dợt vẫn có thể đăng ký thi", ông Chính thông tin.
Bài thi này đã được tổ chức thi thử với học sinh lớp 12 của nhiều trường THPT như: Trường Phổ thông năng khiếu, Nguyễn Hữu Huân, Gia Định và sắp tới tại An Giang, Bình Định. ĐH này sẽ công bố đề thi mẫu cùng với đề án tuyển sinh chính thức dự kiến trong tháng 1.
Sử dụng kết quả thi thế nào ?
Theo ông Nguyễn Hội Nghĩa, cách thức xét tuyển dựa vào kỳ thi đánh giá năng lực sẽ do các trường chủ động. Bài thi này được phân thành 5 khối kiến thức và kỹ năng với thang điểm riêng, tùy vào đặc thù đào tạo các ngành trường có thể xét tuyển dựa trên tổng điểm hoặc nhân hệ số từng phần.
Hiện nay các trường thành viên ĐHQG TP.HCM đều dự kiến xét tuyển một phần chỉ tiêu dựa trên kết quả kỳ thi này.
Tiến sĩ Lê Chí Thông, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết: "Trường sẽ dành khoảng 10% chỉ tiêu mỗi ngành để xét tuyển thí sinh từ kỳ kiểm tra năng lực". Trường ĐH Kinh tế - Luật cũng dự kiến dành tối đa 10% chỉ tiêu xét tuyển theo phương thức này. Trường ĐH Khoa học tự nhiên dự kiến dành 20% chỉ tiêu, tập trung vào một số ngành nhiều TS quan tâm như: công nghệ thông tin, công nghệ hóa học, công nghệ sinh học...
PGS-TS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế, cho biết: "Đây là một xu hướng tốt, đã từng được nghiên cứu và triển khai nhiều nơi trên thế giới. Ngoài kiểm tra kiến thức, cách thức thi này còn giúp đánh giá các năng lực khác của người học".
Ông Ngô Hồng Điệp, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Thủ Dầu Một, cho hay năm nay trường dự kiến xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia và kỳ thi đánh giá năng lực do ĐHQG TP.HCM tổ chức. Lý giải sự lựa chọn này, ông Điệp cho rằng kết quả kỳ thi THPT quốc gia là ngưỡng đánh giá tốt nhất trong điều kiện hiện tại. Tuy nhiên theo ông Điệp: "Khi tham khảo đề án kỳ thi đánh giá năng lực ĐHQG TP.HCM, chúng tôi thấy rằng việc đánh giá người học dựa vào năng lực và kỹ năng sẽ hỗ trợ tốt cho công tác đào tạo".
ĐH Quốc gia Hà Nội từng thực hiện
Trong 2 năm 2015, 2016, ĐH Quốc gia Hà Nội từng tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực và lấy kết quả kỳ thi này làm căn cứ xét tuyển ĐH.
Đây là một bài thi tổng hợp dùng các câu hỏi chuẩn hóa, được thực hiện trên máy tính, mỗi TS một đề riêng, TS thi xong biết kết quả ngay. Ngoài ra, có một bài thi đánh giá năng lực môn ngoại ngữ dành riêng cho những TS có nhu cầu xét tuyển vào Trường ĐH Ngoại ngữ của ĐH này.
Bài thi tổng hợp có thời gian làm bài 195 phút gồm 140 câu. Độ khó của các câu hỏi thuộc mỗi phần được phân định theo tỷ lệ: 20% ở cấp độ dễ, 60% trung bình và 20% khó. Cơ cấu kiến thức trong phần bắt buộc được phân bổ cụ thể: 10% trong chương trình lớp 10; 20% lớp 11; 70% lớp 12.
Đề thi bao gồm 2 phần trắc nghiệm: bắt buộc và tự chọn. Phần bắt buộc gồm 2 phần tư duy định lượng và tư duy định tính. Phần tư duy định lượng (kiến thức toán) gồm 50 câu hỏi với thời gian hạn định là 80 phút. Phần tư duy định tính (kiến thức ngữ văn) gồm 50 câu hỏi với thời gian hạn định là 60 phút. Với phần tự chọn, TS chọn một trong 2 nội dung: Khoa học tự nhiên gồm lý, hóa, sinh; Khoa học xã hội gồm sử, địa, giáo dục công dân. Mỗi nội dung có 40 câu hỏi trắc nghiệm lựa chọn, thời gian hạn định là 55 phút.
Tuy nhiên, tháng 12.2016, ông Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, thông báo năm 2017 ĐH này không tổ chức một kỳ thi riêng đánh giá năng lực nữa mà sẽ dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia. Lý do ông Sơn đưa ra vào thời điểm ấy là những đổi mới trong phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 của Bộ GD-ĐT đã cơ bản gần với định hướng, mục tiêu, triết lý của đổi mới tuyển sinh ở bài thi đánh giá năng lực chung mà ĐH Quốc gia Hà Nội đã triển khai trong 2 năm trước đó.
Theo TNO
Nghiên cứu nhu cầu giáo viên để giảm chỉ tiêu sư phạm Bộ GD-ĐT giao Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và Trường ĐH Sư phạm TP.HCM nghiên cứu dự báo nhu cầu giáo viên giai đoạn 2017-2025 nhằm giảm chỉ tiêu sư phạm, gắn đào tạo với nhu cầu thực tiễn. ảnh minh họa Theo Bộ GD-ĐT, đây là giải pháp quan trọng phục vụ việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ...