Tiết học online nên kéo dài bao lâu?
Nhìn con trai 7 tuổi dán mắt vào máy tính học online suốt 90 phút, chị Hồng Khánh, 40 tuổi, ở Hà Nội xót ruột, chỉ mong cô giáo kết thúc bài giảng.
Chị Khánh có hai con học một trường tiểu học ở Hà Nội. Từ ngày 1/4, khi áp dụng cách ly xã hội, trường của con bắt đầu dạy online bài học mới qua ứng dụng Zoom, với ba môn Toán, Tiếng Việt và Tiếng Anh. Vốn không muốn con xem máy tính, nhất là cháu bé bị loạn thị, mắt yếu, chị Khánh đành chấp nhận.
Thời gian con học 60 phút vào buổi tối, nhưng thường kéo dài tới 90 phút. Bé trai lớp 2 đeo tai nghe, ngồi trước màn hình máy tính, thi thoảng lại dụi mắt. Lớp học đông, các bạn nói nhiều, cô giáo mất thời gian chấn chỉnh. Bé vài lần giơ tay mà không được phát biểu nên cứ muốn thoát khỏi lớp.
Những lúc như thế, chị Khánh ngồi bên cạnh động viên con học tiếp. “Nhưng thực lòng tôi muốn chấm dứt bài giảng sau 40 phút, đúng bằng thời gian Zoom cho phép học miễn phí. Với các cháu tiểu học, ngồi học online lâu rất hại cho mắt và cũng không hiệu quả”, bà mẹ nói.
Là giáo viên lớp 5 một trường liên cấp Tiểu học, THCS tại Hà Nam, cô Trần Thanh Mai, 49 tuổi, cho rằng một tiết học online chỉ nên kéo dài 45-60 phút, học sinh lớp nhỏ có thể ngắn hơn. Đây là thời gian thực học, không bao gồm lúc vào ứng dụng và đợi đủ học sinh.
Lý giải việc kéo dài tiết học dù không mong muốn, cô Mai nói học sinh còn nhỏ, không thạo sử dụng ứng dụng hoặc vào lớp muộn khiến lớp học hôm nào cũng trễ 15 phút. Trong lúc học, nhiều em bấm nhầm thoát ra khỏi lớp, phải truy cập lại khiến mất thêm thời gian. Có em mạng ở nhà yếu nên thao tác chậm hơn các bạn.
Việc triển khai bài tập trên phần mềm học trực tuyến cũng mất thời gian không kém. Có lần cô Mai cho học trò làm bài tập đọc thầm, phần văn bản và câu hỏi lại nằm ở hai trang khác nhau trong khi màn hình chỉ hiển thị được một trong hai trang. Cô giáo phải liên tục lật đi lật lại để học sinh theo dõi.
“Nếu học trên lớp, bài tập này chỉ mất 10 phút thì tôi mất gấp đôi thời gian để hướng dẫn các em học online”, cô giáo nói. Chưa kể học online, nhiều em tỏ ra mệt mỏi nên cô phải cho nghỉ giữa giờ 5-10 phút. Học lại sau khi giải lao, nhiều em hào hứng hơn, tiếp thu tốt hơn, có hôm các em còn xin học thêm.
Giáo viên Địa lý trường THPT Nguyễn Du trong buổi ghi hình bài giảng hồi tháng 3. Ảnh: Thanh Phú.
Ở TP HCM, thầy Võ Kim Bảo, giáo viên Văn trường THCS Nguyễn Du (quận 1) dạy trực tuyến bằng cách livestream trên Facebook. Học trò tương tác với thầy bằng cách bình luận dưới bài giảng, bài tập được làm trực tiếp qua ứng dụng Google form.
Thầy Bảo phân tích, khác với học trên lớp, học sinh ngồi ở nhà học trực tuyến bị phân tán bởi nhiều thứ xung quanh như các trò chơi giải trí, chương trình truyền hình, có em vừa học vừa ôm thú cưng. Do đó, tiết học online cần gọn ghẽ, nên kéo dài bằng một tiết bình thường trên lớp là 45 phút. Vượt quá thời gian này, học trò cũng không tập trung hoặc hứng thú.
Video đang HOT
Muốn hiệu quả, học sinh phải chuẩn bị bài và học liệu. Trước mỗi tiết học, thầy Bảo đều gửi sẵn bài tập, bài đọc yêu cầu trò xem trước. Thời gian học sẽ dành để làm bài, trao đổi và giải đáp thắc mắc, tránh những khoảng thời gian “chết”.
Một yếu tố khác khiến buổi học trực tuyến không nên dài hơn, theo thầy Bảo, là tâm thế của giáo viên. “Nếu buổi học trên lớp, thầy cô được nhìn trực tiếp học trò, tìm được nguồn cảm hứng mới mẻ ở mỗi tiết dạy thì tiết học online rất hạn chế sự giao tiếp này. Thay vì kéo dài, giáo viên cần chỉn chu cho bài giảng, tạo sự hứng thú và truyền đạt nhiều kiến thức nhất đến học sinh”, thầy Bảo giải thích.
Học sinh lớp 1 trường Tiểu học Hồng Hà (quận Bình Thạnh, TP HCM) làm bài tập do cô giáo giao. Ảnh: Thảo Nguyên.
Đồng quan điểm, thầy Nguyễn Tấn Thuận, giáo viên Toán trường THCS-THPT Diên Hồng (quận 10, TP HCM) cho rằng với các môn học thiên về lý thuyết, chỉ nên kéo dài 45 phút. Riêng Toán, có thể bố trí thêm thời gian giải bài tập sau mỗi bài học nên buổi học có thể 90 phút, có giải lao giữa giờ.
Thầy Thuận phân tích, sự tập trung của học sinh cho một tiết học online phụ thuộc vào cách chuẩn bị, bố trí của giáo viên. Khi dạy Toán trên Zoom, giáo viên phải chuẩn bị file trình chiếu kỹ lưỡng vì giải toán phải hiện thị các công thức, cách giải, học sinh mới tiếp thu. Trong lúc giảng bài, giáo viên cũng cần tương tác, cho các em phát biểu nhiều để không gây nhàm chán, giữ chân học sinh.
“Học trực tuyến đòi hỏi sự tự giác và nỗ lực lớn từ học sinh vì nếu các em chỉ muốn học đối phó thì giáo viên khó kiểm soát. Khi cả thầy và trò cùng hợp tác thì đôi khi thời gian dài hay ngắn không còn quan trọng”, thầy Thuận nói.
Khoảng 40 phút với một tiết học trực tuyến cũng là đúc kết của TS Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Công nghệ thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo ông Ngọc, việc lạm dụng công nghệ quá thời lượng này sẽ khiến học sinh chán nản và khó tiếp thu.
Hơn nữa, hiện các em phải học nhiều môn, thầy cô nào cũng dạy cố thì khoảng thời gian bị trễ sẽ rất nhiều, ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần học sinh, giáo viên dạy sau bị thiếu giờ. Việc giới hạn thời gian giảng cũng giúp thầy cô chuẩn bị bài vở, giáo án một cách chu đáo và cẩn thận hơn, tránh dông dài.
“Tôi nghĩ bài giảng trực tuyến mà dài hơn 40 phút một tiết thì không nên học, mất thời gian mà chất lượng đem lại không cao”, thầy Ngọc nói.
Năm học 2019-2020, học sinh cả nước mới học hết tuần 20 thì nghỉ Tết và nghỉ phòng tránh Covid-19. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lần thứ hai điều chỉnh khung thời gian năm học 2029-2020. Thời điểm kết thúc năm học được lùi đến trước ngày 15/7, thi THPT quốc gia ngày 8-11/8, chậm một tháng rưỡi so với mọi năm và chậm nửa tháng so với lần điều chỉnh đầu tiên.
Từ giữa tháng 3, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các địa phương hướng dẫn nhà trường tăng cường dạy học qua Internet và truyền hình, phân công giáo viên phối hợp với gia đình quản lý, nhận xét. Hiện các trường học đã triển khai dạy trực tuyến bài mới, chứ không còn ôn tập như trong tháng 2 và 3.
Mạnh Tùng – Thanh Hằng
Lúng túng học trực tuyến mùa dịch Covid-19
Sau hai tuần cho con học online của trung tâm ngoại ngữ, chị Trân rút lui. Suốt 45 phút của tiết học, chị thấy cảnh học sinh nói chuyện, sinh hoạt nhốn nháo, giáo viên lo điều chỉnh nhiều hơn là học.
Vừa học vừa ăn, vừa mắng con
Sau thời gian nghỉ dài tránh dịch bệnh Covid-19, mới đây, trung tâm ngoại ngữ nơi con trai 6 tuổi của chị Bùi Ngọc Trân, ở Bình Thạnh, TPHCM theo học lâu nay thông báo sẽ tổ chức học trực tuyến tuần hai tiết, mỗi tiết 45 phút có phụ huynh kèm. Dù chưa thấy trung tâm nói về học phí, chị Trân vẫn muốn cho con thử.
Lớp khoảng 8 học sinh, học qua ứng dụng Zoom. Buổi đầu, các bạn nhỏ lâu ngày gặp bạn, mừng rỡ gọi toáng tên nhau, át hết tiếng giáo viên. Suốt buổi học, tiếng giảng bài, học bài không nghe được bao nhiêu mà chủ yếu nghe tiếng phụ huynh, tiếng các hoạt động sinh hoạt xung quanh học sinh...
Phụ huynh ngồi kèm con, liên tục nhắc con ngồi xuống, trả lời đi, nói rõ vào.. Khi trẻ nằm dài ra ghế, uể oải, phụ huynh lại thốc con dậy, quát mắng. Chưa kể, khi đang học, có em kêu con đau bụng quá, con đói, con khát nước... Có phụ huynh đưa đồ ăn ra đút cho con, trẻ vừa học, vừa ăn.
Tâm lý ai cũng nghĩ bên kia không nghe mình nói rõ, nên mỗi khi trả lời hay phát biểu đều cố dùng hết âm lượng làm tiết học trở nên ầm ĩ, lộn xộn. Có ông bố, nhắc con tập trung học, trả lời thầy nhưng con không để ý, liền quát: "Không học hành gì nữa!" rồi đóng máy cái rụp.
"Học với giáo viên nước ngoài, nhưng một lúc, trợ giảng tiếng Việt lại lại phải lên hình, đề nghị học sinh, thật ra là đề nghị cả phụ huynh, im lặng, giữ trật tự. Rồi có lúc, làm bài tập nhưng màn hình mờ, các con không nhìn rõ hình, rõ chữ nên giáo viên tự hỏi và tự trả lời", chị Trân cho hay.
Sau vài tiết, thấy việc học không hiệu quả, chị Trân thông báo ngưng học, lớp chỉ còn lại vài em. Theo chị, những người tham gia đều chưa được hướng dẫn, chưa có khả năng tổ chức học online. Trẻ hầu hết bị cha mẹ ép học, ép ngồi vào bàn chứ không hề hiểu về nguyên tắc học.
Con gái đầu của chị, học lớp 7, ban đầu giáo viên một số bộ môn cũng tổ chức học online. Nhưng sau đó, cũng tạm ngưng.
Giáo viên tìm tòi, học trò chưa quen
Mới đây, cô Trần Thúy An, hiệu trưởng Trường THCS Minh Đức, Q.1, TPHCM đã gửi đến học sinh những chia sẻ khi tham gia học trực tuyến.
Nhiều thầy cô lớn tuổi đã "vượt lên chính mình", mày mò học hỏi kỹ thuật sử dụng các phần mềm dạy học trực tuyến từ những đồng nghiệp trẻ, soạn giáo án mới, mong có được tiết dạy tốt nhất dành cho học sinh, để có thể tổ chức các lớp học trực tuyến. Sau một thời gian sàng lọc, các thầy cô ở trường đã lựa chọn 2 ứng dụng là MS Teams và Zoom.
Theo cô An, bên cạnh mặt tích cực, hạn chế có thể thấy là nhu cầu của học sinh tham gia lớp quá đông, nhiều em chưa quen với cách học trực tuyến, còn lúng túng trong các thao tác kỹ thuật. Có học sinh ý thức chưa tốt, còn chơi game trong giờ học và nói chuyện riêng...
Trường đã tách lớp lớp, để nhiều học sinh được tham gia lớp học hơn, kiến thức phù hợp với trình độ hơn. Cô hiệu trưởng mong muốn học sinh thực hiện tốt nội quy lớp học, tắt mic khi không sử dụng, thầy cô gọi phát biểu thì lên tiếng phát biểu, chỗ nào chưa hiểu cần mạnh dạn hỏi lại thầy cô.
Hiện nay, nhiều trường ở TPHCM chưa triển khai đồng loạt dạy học trực tuyến do việc học này đòi hỏi nhiều điều kiện về công nghệ lẫn kỹ năng, trong khi thầy trò chưa được làm quen, hướng dẫn. Chủ yếu nhiều trường dừng lại ở mức khuyến khích giáo viên nào có điều kiện thì thực hiện. Một số giáo viên thực hiện được một thời gian lại ngưng do gặp không ít trục trặc trong quá trình thực hiện.
Như Trường THPT Bùi Thị Xuân, chỉ một số giáo viên thực hiện, còn lại học sinh nhận bài tập qua phần mềm ôn tập, kết hợp thêm các nguồn tài liệu do giáo viên hướng dẫn để tự ôn tập tại nhà.
Đảm bảo cho học sinh không có điều kiện học trực tuyến
Trong hướng dẫn thực hiện hoạt động dạy học trong giai đoạn ảnh hưởng của dịch Covid-19, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP HCM, yêu cầu các trường cần xây dựng chủ đề dạy học trực tuyến qua mạng để hỗ trợ học sinh học tập tại nhà. Các chủ đề cần được xây dựng và quản lý chặt chẽ theo đúng quy định và lợi ích chung của người học. Nhà trường xây dựng các phương án hợp lý cho tất cả học sinh, đảm bảo mọi học sinh đều được tham gia học tập, đảm bảo tính công bằng, nhân văn trong giáo dục. Trong quá trình triển khai thực hiện, cần tham khảo, sử dụng các nguồn học liệu tin cậy, chuẩn xác để tổ chức dạy học và hướng dẫn học sinh học tập.
Đặc biệt, ông Hiếu nhấn mạnh, khi học sinh đi học trở lại, nhà trường xây dựng kế hoạch, giải pháp tổ chức rà soát, đánh giá kết quả học tập qua internet, trên truyền hình. Từ đó, hướng dẫn giáo viên rà soát, tinh giản nội dung dạy học và điều chỉnh kế hoạch dạy học theo hướng kế thừa những nội dung kiến thức đã học qua internet, trên truyền hình nhằm tối ưu thời gian và nội dung kiến thức cần tiếp tục dạy học trong chương trình theo quy định.
Nhà trường có trách nhiệm thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo cho các đối tượng học sinh không có điều kiện tham gia học tập trực tuyến được bổ sung các nội dung kiến thức mà nhà trường đã thực hiện trong thời gian nhà trường thực hiện dạy học trực tuyến.
Lê Đăng Đạt
Nam sinh người Mông dựng lán giữa núi bắt internet học online: Bị ép lấy vợ nhưng quyết vào đại học vì không có tiền thì lấy gì nuôi vợ con Địa hình hiểm trở, mạng internet chập chờn khiến Lầu Mí Xá phải dựng một chiếc lán xa nhà để tiện cho việc học online ở trường. Những ngày này, cả nước đang đồng lòng ra sức đẩy lùi đại dịch Covid-19 bằng nhiều biện pháp khác nhau. Những hoạt động kinh tế, xã hội tạm dừng lại nhường chỗ cho các công...