Tiết dạy xuyên biên giới nhiều quốc gia của cô giáo Việt Nam
Qua màn hình trực tuyến, các học sinh của một trường huyện thuộc tỉnh Nam Định đã có những buổi học Tiếng Anh xuyên biên giới, kết nối với nhiều lớp học ở các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới như Ấn Độ, Đài Loan…
Ở Trường Tiểu học Giao Thiện (huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định), những cô cậu học trò giờ đây không quá xa lạ với những tiết dạy học xuyên biên giới kết nối với học sinh các trường học các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Hình thức tổ chức có thể là 1 lớp học kết nối với 1 lớp học, hoặc 1 lớp học kết nối với nhiều lớp học. Hoặc mời các chuyên gia các nước về một lĩnh vực nào đó tham dự tiết học.
Một tiết dạy học Tiếng Anh xuyên biên giới kết nối học sinh lớp 4B1 ở Trường Tiểu học Giao Thiện (Nam Định, Việt Nam) với học sinh lớp 4 một trường học ở Đài Loan và một trường khác tại Ấn Độ. Buổi học còn có mọt vị khách mời là một thầy giáo người Mỹ.
Ý tưởng cho hình thức học kiểu mới, giúp học sinh được giao lưu được với học sinh các nước trên thế giới, tạo điều kiện cho học sinh có cơ hội được trau dồi khả năng nghe – nói Tiếng Anh, giao lưu học hỏi, trao đổi văn hóa với bạn bè năm châu đến từ cô giáo Phạm Thị Hà, giáo viên Tiếng Anh của Trường Tiểu học Giao Thiện.
“Trường Tiểu học Giao Thiện là một trường học xa trung tâm, học sinh khó có điều kiện được tiếp xúc với giáo viên nước ngoài. Chính vì vậy, các học sinh ở đây thường rất rụt rè, nhút nhát.
Năm học 2021-2022, tôi được phân công nhiệm vụ bồi dưỡng đội tuyển Hùng biện Tiếng Anh của trường. Trăn trở vì điều này nên tôi đã lên mạng để tìm hiểu và trực tiếp kết nối với các thầy cô giáo nước ngoài, nhằm giúp các em có cơ hội được trò chuyện với họ.
Các thầy cô nước ngoài đã rất nhiệt tình giúp đỡ, chỉnh sửa lỗi sai cho các em và chia sẻ nhiều kiến thức quý giá. Qua những buổi học như vậy, các em học sinh dần trở nên tự tin, mạnh dạn hơn trong giao tiếp, khả năng nghe nói, phản xạ tăng cao. Và thật bất ngờ, trong cuộc thi Hùng biện Tiếng Anh năm ngoái, trường tôi có 2 em đạt giải Nhất cấp huyện, 1 em đạt giải Nhất cấp tỉnh, dẫn đầu tỉnh”, cô Hà chia sẻ.
Cũng từ đó, cô Hà nảy sinh ý tưởng kết nối cho học sinh ở các lớp để càng nhiều học sinh có cơ hội giao lưu, trò chuyện với bạn bè, thầy cô quốc tế chứ không chỉ dừng lại ở vài học sinh ở đội tuyển. Nghĩ vậy, ngay từ đầu năm học 2022-2023 này, cô Hà đã đề xuất với Ban giám hiệu nhà trường và lần lượt tổ chức các buổi học xuyên biên giới cho học sinh các lớp mà mình phụ trách.
Các tiết học “xuyên biên giới” thường về các chủ đề trang phục, ẩm thực, cảnh đẹp quê hương đất nước, lễ hội…, hoặc một số nội dung bài học trong sách giáo khoa.
Trong một tiết học mới đây kết nối giữa thầy trò các quốc gia và vùng lãnh thổ gồm Việt Nam – Ấn Độ – Đài Loan – Mỹ, chủ đề được cô Hà thiết kế là giới thiệu về cảnh đẹp của quê hương đất nước.
“Qua tiết học này, học sinh được rèn luyện nhiều nhất về khả năng nghe – nói Tiếng Anh, tự tin trong giao tiếp. Nhưng qua đó, các em cũng biết tự hào về đất nước thông qua những bài giới thiệu về cảnh đẹp quê hương, được vươn mình ra thế giới, tự tin giới thiệu với bạn bè năm châu về đất nước và con người Việt Nam. Ngoài ra, các em còn phát triển kĩ năng thuyết trình, hợp tác và giải quyết vấn đề”, cô Hà chia sẻ.
Cô giáo trẻ cho hay để có thể tổ chức được những tiết học kết nối toàn cầu này, những ngày đầu, cô phải chật vật tìm cách trả lời cho thách thức “làm thế nào để tìm được những thầy cô giáo ở các quốc gia và vùng lãnh thổ để kết nối?”.
Vừa làm vừa học với quyết tâm cao, cô giáo tự mày mò tìm hiểu, học hỏi những thầy cô có kinh nghiệm về mô hình lớp học qua các trang mạng, Facebook…
Cô Hà tích cực tham gia vào các nhóm trên Facebook như Cộng đồng giáo viên sáng tạo Việt Nam, nhóm Mystery skype/Skype in the classroom, Mystery skype, Our global classroom, Global learning ethusiatics…
Sau khi trở thành thành viên các nhóm này, cô Hà đăng bài trên các nhóm để tìm người hợp tác với mình.
Sau đó, cô Hà liên hệ tới từng tài khoản của các giáo viên sẵn lòng hợp tác để thảo luận về chủ đề, các hoạt động diễn ra trong tiết học, phân công công việc mỗi bên, bố trí thời gian học phù hợp,…
Công việc nói thì tưởng chừng đơn giản, nhưng trong quá trình kết nối, chuẩn bị để có những giờ học cho học sinh, cô giáo gặp phải vô vàn những khó khăn.
Video đang HOT
Những thách thức đến với cô giáo như sự khác biệt về múi giờ giữa các nước/vùng lãnh thổ, đường truyền mạng, thiếu thốn các trang thiết bị học tập, chất giọng Tiếng Anh khác nhau đặc biệt là Anh – Ấn, trình độ và khả năng Tiếng Anh của học sinh tiểu học mặt bằng chung còn thấp…
Song, cô Hà cũng cố gắng nỗ lực để tìm hướng khắc phục. Cô trao đổi với giáo viên nước ngoài để tìm thời gian phù hợp, ưu tiên tìm những nước có sự tương đồng về múi giờ để thuận tiện bố trí buổi học. Sau nhiều thời gian, cô giáo đã kết nối được với các lớp học của Ấn Độ, Đài Loan, Srilanka, Mỹ.
Ngoài những sự cố hy hữu về đường truyền mạng hay mất điện, cô Hà tự nhủ để những tiết học có chất lượng và hiệu quả, không cách nào khác bằng sự chuẩn bị chu đáo của cả cô trò trước buổi học.
Vượt qua tất cả, đến nay, cô Hà đã tổ chức được nhiều tiết học xuyên biên giới ở các lớp mà mình phụ trách.
Điều cô giáo vui nhất là kết quả tích cực khi học sinh tự tin, mạnh dạn trong giao tiếp, có niềm yêu thích hơn với môn học Tiếng Anh, thậm chí hiểu biết hơn về nền văn hóa của các nước bạn.
“Tôi cảm nhận rõ nhất là học sinh nào cũng rất hào hứng, cả trước và sau những buổi học này”, cô Hà nói.
Cô Hà cho hay đến nay, để tổ chức một tiết học như vậy, giáo viên không quá vất vả và tốn nhiều công sức.
“Tôi hoàn toàn không mệt. Lúc đầu nghe thấy dạy học xuyên biên giới thì cảm thấy khó khăn nhưng đi sâu vào tìm hiểu thì càng đam mê. Nhìn những khuôn mặt đầy hào hứng của học sinh muốn có thêm những tiết học như vậy càng tiếp thêm động lực cho tôi”, cô Hà nói và cho hay sẽ tiếp tục tổ chức cho học sinh những tiết học thú vị này.
Chia sẻ với VietNamNet, ông Cao Xuân Hùng, Giám đốc Sở GD-ĐT Nam Định, cho hay những giờ dạy học xuyên biên giới mà cô Hà thực hiện đúng tinh thần, chủ trương của ngành giáo dục địa phương.
“Trước xu thế phát triển của thời đại, lãnh đạo tỉnh và những người làm giáo dục như chúng tôi đều trăn trở làm thế nào để giáo dục Nam Định hội nhập, học sinh của địa phương vươn ra thế giới với tư cách công dân toàn cầu khi các em thiếu Tiếng Anh, Tin học và kỹ năng giao tiếp quốc tế. Chính vì vậy, chủ trương nâng cao chất lượng dạy học, tạo môi trường thuận lợi để dạy học Tiếng Anh và môi trường giao tiếp quốc tế cho học sinh rất được địa phương chú trọng.
Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 đã trở thành động lực cho giáo dục chuyển đổi số, nền tảng dạy học trực tuyến được phát triển, hoàn thiện và phổ biến.
Việc dạy học trực tuyến cũng đã gợi cho chúng tôi những ý tưởng lớn hơn rằng tại sao không phát triển dạy kết nối từ trường này sang trường khác trong, rồi ngoài tỉnh; trường có chất lượng tốt hỗ trợ cho trường khó khăn… rồi dạy xuyên quốc gia; hay mời giáo viên nước ngoài dạy cho học sinh của tỉnh, hoặc giáo viên của tỉnh dạy cho học sinh nước ngoài; học sinh Nam Định được giao lưu với bạn bè quốc tế… Chính vì vậy, chủ trương dạy học kết nối, xóa khoảng cách địa lý cũng được phát động trên toàn tỉnh”, ông Hùng nói.
Ông Hùng cho hay, thông qua mô hình này, kể cả những học sinh ở những vùng quê xa xôi, kinh tế hạn hẹp cũng được mở rộng tầm nhìn ra quốc tế, có bạn bè khắp nơi trên thế giới và có cơ hội giao lưu, hội nhập.
Qua đó, các học sinh của tỉnh có thể tự đánh giá năng lực mình, có môi trường quốc tế, tự tin hơn, có động lực học tập và khát vọng vươn lên.
Sở GD-ĐT Nam Định cũng khuyến khích mô hình giờ dạy kết nối xuyên biên giới, tìm giải pháp mời giáo viên nước ngoài dạy cho học sinh, nhất là Tiếng Anh; khuyến khích giáo viên kết bạn với đồng nghiệp nước ngoài nhằm tăng cường kết nối…
Nam Định cũng là tỉnh đầu tiên chủ động hợp tác Hội đồng Anh để bồi dưỡng nghiệp vụ cho 100% giáo viên Tiếng Anh các cấp học.
Chuyện bi hài ở ngôi trường thiếu đủ thứ
Trường thiếu hàng rào, học sinh lên đồi chơi, vào vườn của dân rồi thi xem ai nhổ được nhiều sắn hơn.
Thầy cô giáo phải góp tiền đi...đền.
Cười trong nước mắt với lớp học "đẹp nhất trường"
Từ trung tâm Thị trấn Mường Nhé (Điện Biên) vào đến xã Huổi Lếch, quãng đường khoảng 40km nhưng chúng tôi phải vượt qua không ít đèo, suối, đường gồ ghề khó khăn.
Đường vào Huổi Lếch sẽ là nỗi ám ảnh với bất cứ ai nếu gặp phải trời mưa, các thầy cô, giáo ở đây dẫu đã quen đường đến trường, dù tay lái cứng đến đâu cũng ít nhất một lần bị "đo đường".
Cho đến trước năm 2014, Huổi Lếch vẫn chưa có điện, các thầy cô giáo cắm bản vẫn phải soạn giáo án dưới ánh sáng của ngọn đèn dầu leo lét, những trang giáo án vì thế mà ám mùi khói dầu; với các thầy cô, những lần vượt suối, trèo đèo, cõng gạo, muối, dầu đèn, đồ khô vào mùa nắng cũng như mùa mưa đã không thể đếm nổi...
Điểm trường trung tâm của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Huổi Lếch vẫn thiếu đủ thứ. Ảnh: LC
Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Huổi Lếch cách trung tâm xã Huổi Lếch 4km, nằm ở bản Pá Mỳ 1, ngay cả ở điểm trường trung tâm nhưng các thầy cô giáo vẫn gồng mình "gieo chữ" trong điều kiện... thiếu đủ thứ.
Thầy Vũ Quang Huy, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Huổi Lếch chia sẻ: "Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Huổi Lếch có 8 điểm trường, gồm điểm trường trung tâm và 7 điểm trường lẻ - ở các thôn, bản. Năm học này nhà trường có 474 học sinh, trong đó có 313 em học tại điểm chính.
Khi mới thành lập, cơ sở vật chất của trường rất thiếu thốn, nhiều phòng học, phòng nội trú, phòng công vụ cho giáo viên, công trình vệ sinh... đều 100% làm bằng tranh, tre, nứa, lá.
Đến nay, dù đã được quan tâm đầu tư từ các chương trình của Nhà nước, sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm nhưng cơ sở vật chất vẫn còn nhiều khó khăn.
Năm học mới, trường vừa tiếp nhận thêm điểm trường bản Pa Tết từ huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu chuyển giao sang.
Điểm trường này hết sức khó khăn, vẫn còn là điểm tạm, chưa được đầu tư xây dựng kiên cố. Tuy đã kêu gọi được nhà tài trợ nhưng đường giao thông quá xa và khó khăn nên việc vận chuyển vật liệu lên xây chưa thực hiện được.
Ngay cả tại điểm trường trung tâm, nhà trường vẫn còn lớp học tạm, được dựng lên khi số lượng học sinh gia tăng mà cơ sở vật chất chưa kịp đáp ứng".
Lớp học hoàn toàn bằng tranh, tre, nứa, lá ngay tại điểm trường trung tâm của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Huổi Lếch. Ảnh: LC
Một giờ học của cô giáo Vũ Thị Kim Hưng, giáo viên dạy tại điểm trường trung tâm của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Huổi Lếch. Ảnh: LC
Lớp học này được cô Vũ Thị Kim Hưng gọi là lớp học "đẹp" nhất trường. Ảnh: LC
Thầy Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: "Các phòng học của trường được xây dựng từ lâu, theo kiểu cũ nên nhỏ, chật chội, nhất là với lớp học khoảng 35 học sinh/lớp.
Nếu tính riêng phòng học để phục vụ cho đủ học sinh, trường còn thiếu đến 3 phòng".
Chỉ tay vào phòng hội đồng, thầy Huy bảo sắp tới nhà trường sẽ tận dụng làm phòng tin học, công nghệ cho học sinh lớp 3. Còn các thầy, cô khi họp hội đồng sẽ tính nhiều phương án, trong đó có thể tận dụng lớp học hoặc...đi mượn nhà văn hóa thôn/bản để họp.
Còn về căn phòng tạm, thầy Huy cho biết: "Đầu năm học, nhà trường đã huy động thầy cô và nhân dân trong bản lấy tre, nứa tận dụng xây một phòng học tạm để có chỗ cho các em học, khi số lượng học sinh năm nay tăng".
"Chào mừng anh đến với lớp học "đẹp" nhất trường em", cô giáo Vũ Thị Kim Hưng hài hước khi chúng tôi đến thăm lớp.
Lớp học "đẹp" nhất trường của cô Hưng có "điều hòa" bằng gió trời và không máy chiếu, không thiết bị. Giờ học "chay" chỉ có chiếc bảng đặt trên 2 gốc tre và những tấm tranh, nứa không màu.
"Mưa thì kéo bàn ghế sát vào để tránh hắt, học trò co chân lên ghế tránh nước. Còn trời khô, lúc ai đó đốt nương thì khói lùa cả vào lớp học, cả cô và trò cùng mắt cay xè. Mùa nóng thì mướt mồ hôi. Cứ tình hình này, vào mùa đông, không biết sẽ như thế nào nữa", cô Hưng chia sẻ.
Nói về lớp học của cô Hưng, thầy Hiệu trưởng Vũ Quang Huy cho biết, năm học 2022 - 2023 số học sinh nhà trường gia tăng, trong khi đó điều kiện vật chất lại chưa đáp ứng.
Lớp 2A1 do cô Hưng chủ nhiệm vì có ít học sinh nên trường bố trí phòng học tạm. Đây là phòng học vừa được dựng lên đầu năm học, hoàn toàn bằng tre, nứa và bạt dứa. Phòng rộng hơn 40m2, đủ về diện tích, song chưa đảm bảo điều kiện phục vụ học tập.
Nhưng đây là giải pháp tình thế trước mắt, phòng học được dựng lên sau 1 tuần vất vả cố gắng, góp công sức của thầy cô và nhân dân trong vùng".
Lớp học tạm tại nhà ăn của trường. Ảnh: LC
Ngoài phòng học "lộng gió" của cô Hưng, nhà trường còn tận dụng nhà ăn của trường làm lớp học và mượn địa điểm nhà văn hóa thôn Nậm Mỳ để làm chỗ học cho gần 80 học sinh.
Học sinh vui vẻ "thi" nhổ sắn, thầy cô bỏ tiền đi đền dân
"Thiếu phòng học là một nhẽ, các thầy cô trong trường cũng mong sao xin được kinh phí xây dựng hàng rào để quản học sinh. Không có hàng rào, việc quản lý các em trong giờ giải lao khó khăn vô cùng.
Cả trường hiện nay đang có 27 nhân sự, trong đó có 21 giáo viên chia ra 8 điểm trường. Nếu tính đủ theo định mức 1,5 giáo viên/lớp cho trường tổ chức bán trú thì nhà trường còn thiếu 12 giáo viên nữa ".
Học trò vùng cao có những cách nghỉ giải lao rất khác, khiến thầy cô giáo bao phen vất vả. Ảnh: LC
Học sinh tiểu học thì hiếu động, nên có lần trong giờ giải lao, cả một nhóm học sinh rủ nhau đi chơi, lên nương của nhà dân nhổ sắn, thậm chí còn thi xem ai nhổ được nhiều hơn. Sắn chưa đến ngày thu hoạch, thầy cô phải bỏ tiền túi ra đền dân.
Với lớp học đi mượn tại nhà văn hóa, thầy cô giáo phải mất rất nhiều thời gian để tạo nền nếp sinh hoạt cho các em. Ban đầu đến giờ ăn, các em chạy ùa về nhà ăn của trường ở điểm chính, trong khi thầy cô đã cử người mang cơm đến tận điểm học cho các em. Trò chạy về như "ong vỡ tổ" giờ ăn trưa, thầy cô phải tất tả đi gom lại.
Quản lý học sinh tiểu học người dân tộc thiểu số không phải là nhiệm vụ đơn giản. Vì các em đi học xa nhà, quen ra khu vực đồi, núi chơi. Không có hàng rào quanh trường, thoáng cái, các em đã chạy lên núi, ra suối. Thầy cô đôi khi cũng không thể quản hết được. Có lúc điểm danh thấy thiếu học trò, trường lại cắt cử người đi gọi trò... vang cả núi.
Lớp học khang trang nhất của trường là lớp...đi học nhờ tại nhà văn hóa. Ảnh: LC
Tại điểm trường Cây Sặt, 3 phòng học được dựng bằng tôn sắt nhưng không thể sử dụng được vì quá xuống cấp, cô giáo Vi Thị Hoa Lâm một mình phải phụ trách 29 học sinh của lớp ghép 1-2. Cô Lâm hiện vừa dạy vừa đợi giáo viên mới đến tăng cường.
Học sinh đông, giờ nghỉ trưa cô phải tranh thủ xuống bếp nấu cơm, cơm nước xong xuôi là cô Lâm lại tất tả đi gọi các em về ăn trưa. "Trẻ con mải chơi đi lung tung, lớp học của tôi gần điểm trường mầm non, có em giờ nghỉ trưa chạy luôn xuống trường mầm non để chơi cùng các em mẫu giáo".
Điểm trường Cây Sặt có lớp nhưng đã xuống cấp không thể học được. Ảnh: LC
Cô giáo dạy Giáo dục Công dân chia sẻ bí kíp để học sinh thích môn 'phụ' Với phương pháp dạy học sinh động, những tiết GDCD của cô Bùi Thị Minh Hương (THPT Can Lộc, Hà Tĩnh) luôn được học sinh thích thú, hưởng ứng. Suốt 20 năm giảng dạy, cô giáo Bùi Thị Minh Hương luôn tìm tòi đổi mới phương pháp dạy học. Bí kíp dạy môn "phụ" Giáo dục công dân (GDCD) là môn học giáo...