Tiếp tục rà soát, cắt những chứng chỉ không cần thiết
Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Nội vụ tiếp tục rà soát, cắt giảm một số cuộc thi, chứng chỉ không cần thiết khi tuyển dụng.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 ngành nội vụ hôm 12-1, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặc biệt khen ngợi bộ này đã đề xuất cắt giảm hàng trăm chứng chỉ không cần thiết cũng như vượt mục tiêu tinh giản biên chế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2022 của ngành nội vụ. Ảnh: TTXVN
Tổ chức thi tuyển cán bộ, công chức còn hình thức
Báo cáo của Bộ Nội vụ cho hay năm 2021, bộ đã tham mưu bỏ quy định bắt buộc chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ tin học và cắt giảm quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch, chức danh nghề nghiệp viên chức trong công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức.
Cụ thể, bộ đã đề xuất bỏ chứng chỉ ngoại ngữ của 74 ngạch công chức và 155 chức danh nghề nghiệp viên chức; bỏ chứng chỉ tin học của 74 ngạch công chức và 142 chức danh nghề nghiệp viên chức; giảm 17 chứng chỉ theo tiêu chuẩn ngạch công chức và 87 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức.
“Một số nơi, một số việc tôi thấy hơi hình thức. Có những thứ bắt người ta thi, kiểm tra nhưng kiến thức thực tế không có mấy và sau này cũng không làm gì mấy” – Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu ý kiến sau đó.
Ông Lê Thành Long đề nghị Bộ Nội vụ tiếp tục rà soát, cân nhắc để cắt giảm hơn nữa một số cuộc thi và chứng chỉ không cần thiết đối với cơ chế tuyển dụng, sử dụng cán bộ, công chức.
Video đang HOT
“Tôi đọc hồ sơ, anh nào cũng biết tiếng Anh cả nhưng người ta hỏi “Anh khỏe không?” lại trả lời “Tôi ở chỗ này”… Nói tóm lại là hình thức. Các đồng chí rà soát, cắt giảm được cái này, nhiều người hoan nghênh” – Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận xét.
Ghi nhận phong trào học ngoại ngữ, tin học là rất tốt, tuy nhiên Thủ tướng cho rằng khi áp dụng trong thực tế lại máy móc khi đáng lẽ khu vực dân tộc phải học tiếng dân tộc để lăn lộn hiểu bà con thì vẫn yêu cầu… chứng chỉ tiếng Anh. “Cần thì rất cần nhưng phải sát với thực tế” – Thủ tướng nói tiếp.
Thủ tướng cũng đánh giá còn một bộ phận cán bộ, công chức chưa đủ tầm, việc tổ chức thi tuyển cán bộ, công chức còn hình thức. “Những người giỏi thực sự phải xem từ hồ sơ học phổ thông của họ, phải có học bạ để nghiên cứu… Tất nhiên, cũng có người có năng khiếu, người ta không học nhưng làm rất giỏi nên không được quá máy móc. Nhưng cơ bản muốn giỏi là phải có nền tảng, có tư duy, phương pháp luận, mà tư duy, phương pháp luận là những cái học ở trường” – Thủ tướng nói.
Tính đến hết năm 2021, số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố giảm gần 50% so với năm 2015.
Đề nghị không tinh giản 10% giáo viên, nhân viên y tế
Theo Bộ Nội vụ, năm 2021, lần đầu tiên cả nước hoàn thành vượt mục tiêu tinh giản biên chế (10%) mà Bộ Chính trị đề ra tại Nghị quyết 39-NQ/TW ngày 7-4-2015. Tính đến hết năm, biên chế công chức giảm 10,01%; biên chế sự nghiệp giảm 11,67%; cán bộ, công chức cấp xã giảm gần 9%…
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đề nghị việc tinh giản biên chế 10% đặt ngoài số lượng giáo viên (GV) và lực lượng ngành y tế.
“Trong tình trạng đang rất thiếu GV, nếu cắt giảm một cách cơ học 10% thì ảnh hưởng rất lớn đến việc bảo đảm lực lượng GV trong công tác đổi mới giáo dục phổ thông cũng như đảm bảo chất lượng” – Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.
Ông Sơn cho hay hai bộ Nội vụ và GD&ĐT đã trình Thủ tướng, trình Ban chỉ đạo Trung ương đề nghị xét duyệt 27.850 chỉ tiêu biên chế để tuyển GV cho năm 2022. Tuy nhiên, theo ông, đây chỉ là “một phần nhỏ” trong nhu cầu giải quyết tình trạng thiếu GV hiện nay. Vì vậy, bộ trưởng Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương áp dụng hình thức ký hợp đồng để giải quyết trước mắt tình trạng thiếu GV, đặc biệt là ký hợp đồng đối với lực lượng GV còn đang trong chuẩn cũ và có kế hoạch bồi dưỡng để số này có thể nhanh chóng đạt chuẩn.
“Nói ở đâu có học sinh, ở đó có GV; ở đâu có người bệnh, ở đó có bác sĩ thì đúng rồi nhưng phải hợp lý. Hợp lý ở chỗ anh sắp xếp thế nào cho hiệu quả. Có vài học sinh thôi nhưng anh bố trí chín thầy cô thì có hợp lý không? Nếu cứ tràn lan điểm trường thì không được nhưng thu lại hết cũng không được” – Thủ tướng nói và yêu cầu chính quyền địa phương, chính quyền cơ sở phải đánh giá và sắp xếp lại.
“Chưa sắp xếp lại thì làm sao cứ nói là thiếu” – Thủ tướng lưu ý.
Người đứng đầu Chính phủ cho biết nhiều tỉnh cơ cấu lại, vẫn đội ngũ GV như thế nhưng sắp xếp lại điểm trường, tổng số lớp học và bố trí lại GV… “Các đồng chí chỉ cần suy nghĩ nhiều hơn, cân nhắc kỹ hơn, sắp xếp tốt hơn thì không thiếu. Còn cứ cứng nhắc thì thiếu. Đánh giá thật khách quan, nếu thiếu thật thì chúng ta bù đắp được” – Thủ tướng nói.
Sắp có chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030
Đó là thông tin được nêu lên tại hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Bộ GD-ĐT do Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chủ trì.
Năm 2021, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng nặng nề đến nhiều mặt của đời sống xã hội, trong đó có ngành giáo dục.
Theo Bộ GD-ĐT, kế hoạch năm học bị đứt đoạn, chương trình và nội dung giáo dục phải thay đổi theo hướng chỉ còn phần cốt lõi; gần 20 triệu trẻ em, học sinh, sinh viên phải tạm dừng đến trường, chuyển sang học trực tuyến, học qua truyền hình trong nhiều tháng liên tiếp.
Hơn 70.000 sinh viên không thể ra trường đúng hạn, ảnh hưởng tới việc cung cấp nguồn nhân lực.
Ảnh: Thanh Tùng
Trong điều kiện khó khăn, ngành Giáo dục đã chủ động chuyển trạng thái hoạt động để ứng phó với dịch Covid-19 nhằm hạn chế tối đa tác động tiêu cực của dịch bệnh đến các hoạt động của ngành. Bộ GD-ĐT cũng đã ban hành nhiều văn bản và triển khai nhiều nhiệm vụ để chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương, cơ sở giáo dục ứng phó với dịch Covid-19.
Căn cứ các chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ GDĐT, các địa phương chủ động, linh hoạt xây dựng và triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch năm học để ứng phó với diễn biến khó lường của dịch Covid-19, đảm bảo yêu cầu đầu ra của chương trình giáo dục phổ thông.
Các cơ sở đại học chủ động tổ chức cho sinh viên học trực tuyến để hoàn thiện khối lượng chương trình và bảo đảm chất lượng đào tạo cũng như kế hoạch học tập năm học 2021-2022; tích cực tham gia xây dựng, phát triển hệ thống trực tuyến đại chúng mở và các khóa học trực tuyến dùng chung nhằm tạo một nền tảng để kết nối chia sẻ học liệu và thúc đẩy tổ chức dạy học trực tuyến trong các cơ sở đào tạo.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhắc lại những khó khăn mà ngành Giáo dục phải đối mặt trong năm 2021 do dịch bệnh Covid-19, đồng thời chỉ ra những việc đã làm được và những điều còn "đáng tiếc" của năm qua.
Bộ trưởng cũng cho hay, năm nay, trong khó khăn, hơn 1,5 triệu nhà giáo đã thể hiện tinh thần năng động, sáng tạo, trách nhiệm, đã hành động vì nghề và vì học sinh.
Từ những việc đã làm được và những việc chưa làm được của năm qua, ông Sơn cho rằng, bài học kinh nghiệm rút ra là phải đặc biệt lưu ý bám sát thực tiễn. Thời gian qua, nhiều việc đã được chỉ đạo và thực hiện sát với thực tiễn nhưng cần tăng cường hơn nữa. Ngoài ra, cần tăng tính hành động trong công việc.
Nhấn mạnh tới các nhiệm vụ lớn của năm 2022, ông Sơn cho hay trước hết, toàn ngành sẽ tiếp tục triển khai nhiệm vụ có tính thời sự là chống dịch Covid-19, hạn chế tối đa tác động tiêu cực của dịch tới giáo dục và đào tạo.
Trước thực tế có khoảng 70.000 sinh viên đại học chưa thể tốt nghiệp ra trường do dịch bệnh, ông Sơn đề nghị các trường đại học, cao đẳng tích cực hơn nữa đưa sinh viên trở lại trường học tập. Cùng đó, tăng cường bù đắp chất lượng giáo dục đại học, sau đại học cho sinh viên, học viên. "Trọng tâm vẫn là bù đắp, củng cố chất lượng giáo dục từ phổ thông tới đại học" - ông Sơn nêu rõ.
Trong năm 2022, ngành Giáo dục cũng sẽ tập trung hoàn thành, ban hành Chiến lược phát triển giáo dục 2021-2030, tầm nhìn 2045 và triển khai nhanh các công việc liên quan đến chiến lược này.
Đối với giáo dục phổ thông, theo ông Sơn, năm 2022 và 2023 được xác định là 2 năm trọng yếu trong triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Vì vậy, cần phải nhìn thấy hết thách thức đặt ra về nguồn lực, điều kiện thực hiện để có phương án khắc phục và triển khai. Ngoài ra, kỳ thi THPT và triển khai tự chủ đại học cũng được Bộ trưởng nhìn nhận còn nhiều thách thức, cần phải có các giải pháp, hành động ráo riết hơn.
Một số nhiệm vụ trọng tâm khác như tăng cường chuyển đổi số; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; tăng cường các thiết chế văn hóa trong hệ thống giáo dục và đào tạo... cũng được ông Sơn lưu ý thực hiện trong năm 2022.
Bộ trưởng GD&ĐT: 'Hạn chế tối thiểu tác động của dịch lên giáo dục' Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, một trong những nhiệm vụ lớn của năm 2022 là chống dịch Covid-19, hạn chế đến mức tối thiểu tác động của dịch bệnh lên giáo dục, đào tạo. Thông tin này được Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đưa ra tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022...