Tiếp tục các giải pháp để ổn định thị trường xăng dầu cuối năm
Tình trạng xếp hàng mua xăng dầu tại các cửa hàng ở Hà Nội hiện đã bớt căng thẳng nhưng nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng: Để xử lý triệt để vấn đề này, cơ quan điều hành cần sửa đổi, bổ sung chính sách phù hợp hơn với thực tiễn.
Người dân không phải chờ đợi lâu khi mua xăng dầu tại Cửa hàng xăng dầu Nguyễn Công Trứ.
Khắc phục tình trạng “càng bán, càng lỗ”
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, PGS TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế tài chính cho biết: “Với sự chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, sự vào cuộc của Bộ Công thương, Bộ Tài chính trong việc rà soát lại hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu; nâng định mức chi phí có liên quan đến hoạt động thu mua cung ứng xăng dầu, những ngày gần đây, thị trường xăng dầu đã dần trở lại bình thường. Nguồn cung xăng dầu được cải thiện; đồng nghĩa với việc người dân không phải xếp hàng dài, chờ đợi quá lâu như trước”.
Nếu như cách đây 2 tuần, người dân phải chờ đợi từ 30 phút đến cả tiếng đồng hồ mới mua được xăng thì nay chỉ phải chờ vài phút là có thể đổ đầy bình xăng.
Theo ông Đinh Trọng Thịnh, để đảm bảo nguồn cung xăng dầu ổn định trong năm 2023, Bộ Công thương cần vào cuộc mạnh mẽ hơn; phân bổ nhu cầu, nhập khẩu cũng như mua bán xăng dầu cho từng đầu mối theo hàng tháng, quý tại từng địa bàn để đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho những tháng đầu năm và cho cả năm 2023.
Người dân đổ xăng tại Cửa hàng xăng dầu Bách Khoa, Hà Nội.
Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam cho biết: Thực tế mức chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam là chi phí doanh nghiệp đã bỏ ra, thực hiện từ tháng 7, 8 và 9/2022. “Điểm đáng ghi nhận là liên Bộ Tài chính – Công Thương đã nâng chi phí này sớm hơn, điều chỉnh ngay ngày 11/11, thay vì đợi đến ngày 1/1/2023 mới điều chỉnh”.
Cửa hàng xăng dầu Tân Tiến ở Thanh Trì, Hà Nội chỉ có lác đác khách hàng.
Video đang HOT
Người dân mong mỏi nguồn cung xăng dầu sẽ ổn định trong năm 2023.
Việc điều chỉnh sớm sẽ giúp giải quyết một phần khó khăn cho doanh nghiệp nhưng theo nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, quan trọng nhất vẫn là khoản chênh lệch tính vào giá, phụ phí premium khi doanh nghiệp mua trong những hợp đồng tháng 11, 12/2022 không phải là 5 – 6 USD mà là 11 USD nên doanh nghiệp vẫn đang lỗ tương ứng 5 – 6 USD/ thùng. “Đây là vấn đề cần phải xem xét để giải quyết thấu đáo trong thời gian tới”, ông Bùi Ngọc Bảo cho biết.
Tại trung tâm Hà Nội, cây xăng ở phố Trần Hưng Đạo luôn đông khách nhưng khách hàng không phải chờ đợi quá lâu bởi có nhiều nhân viên bán ở các cột xăng.
Theo một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối, mặc dù các khoản chi phí liên quan xăng dầu đã được điều chỉnh, bổ sung trong kỳ điều chỉnh giá xăng dầu ngày 11/11 nhưng mức chiết khấu cho 1 lít xăng dầu tại khu vực I vẫn rất thấp, chỉ vào khoảng 190 đồng, không đủ bù đắp cho chi phí vận chuyển xăng dầu về đến cửa hàng.
Trong khi đó, chi phí kinh doanh xăng dầu gồm nhiều khoản như: Tiền kho bãi, lương, bảo hiểm xã hội cho nhân viên, tỷ lệ hao hụt của xăng dầu,… Để bảo đảm hoạt động đối với một cửa hàng bán lẻ, mức chiết khấu tối thiểu phải là khoảng 500 đồng/lít.
Người dân mua xăng dầu tại phố Võ Thị Sáu, quận Hai Bà Trưng không phải chờ đợi quá lâu như trước.
Các doanh nghiệp mong muốn cơ quan điều hành cần phải tính đúng, tính đủ để điều chỉnh các chi phí phát sinh trong xây dựng mức giá cơ sở. Bởi những vướng mắc này đang cản trở các doanh nghiệp đầu mối hạn chế nhập khẩu xăng dầu vì “càng bán, càng lỗ” dẫn đến cạn nguồn cung.
Đề cập về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết: Đối với các khoản chi phí định mức trong giá cơ sở xăng dầu: việc rà soát, đánh giá, điều chỉnh được căn cứ trên cơ sở số liệu thực tế, tính đúng tính đủ theo các báo cáo của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Trên cơ sở đó công bố điều chỉnh theo kỳ công bố đúng với quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
Riêng đối với khoản chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam đã 3 lần công bố điều chỉnh, gần đây nhất là ngày 8/11. Trong thời gian tới, căn cứ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công điện số 1085/CT-TTg ngày 11/11/2022, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương và các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối định kỳ trước ngày 20 hàng tháng có rà soát, tổng hợp, thống kê các chi phí liên quan đến xăng dầu và chủ động xem xét việc điều chỉnh theo quy định, bảo đảm sát với thực tiễn của thị trường và hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
Không để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung trong mọi tình huống
Theo Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), ông Nguyễn Minh Tiến, Bộ sẽ tiếp tục chủ động, thực hiện nghiêm và đồng bộ các giải pháp mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tại Công điện số 1085/CĐ-TTg ngày 11/11/2022 để bảo đảm tuyệt đối không để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung trong mọi tình huống, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế và tiêu dùng của xã hội. Trên cơ sở đó chú trọng một số vấn đề như cần thiết phải đánh giá kiện toàn hệ thống phân phối xăng dầu để tinh giản chi phí trung gian.
“Các doanh nghiệp đầu mối cần chủ động trong tìm kiếm nguồn hàng, đàm phán để có được mức premium tốt nhất. Như vậy, việc giao kế hoạch cho các doanh nghiệp đầu mối là rất quan trọng, tránh bị động”, ông Nguyễn Minh Tiến cho biết.
Theo Bộ Tài chính, trên cơ sở rà soát đánh giá chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam cho thấy những lô hàng phát sinh từ ngày 01/6/2022 đến 20/10/2022 các đơn vị đa số mua theo hình thức giao ngay, premium mua theo hình thức giao ngay cao hơn so với trường hợp mua theo hợp đồng kỳ hạn.
“Trao đổi với doanh nghiệp, căn cứ kế hoạch của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao, các doanh nghiệp đã tính toán để cân đối giữa nguồn trong nước và nguồn nhập khẩu; khi có kế hoạch giao tổng nguồn bổ sung cho một số doanh nghiệp để đáp ứng nhu cầu trong nước các doanh nghiệp phải mua theo hình thức giao ngay để đáp ứng ngay, trường hợp này premium sẽ thường cao hơn các lô có kế hoạch và đã có đàm phán từ trước”, Cục trưởng Cục Quản lý giá cho biết. Ngoài ra, Bộ Tài chính tiếp tục sử dụng công cụ Quỹ bình ổn giá linh hoạt, phù hợp với từng thời điểm và theo diễn biến giá thế giới.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam đề xuất: Cần rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá từ 10 ngày xuống 5 ngày để phù hợp với phương thức hiện nay mà các doanh nghiệp đầu mối đang mua xăng dầu trên thị trường thế giới.
Đề cập việc cơ quan chức năng đang chuẩn bị các quy trình để trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, ông Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng: Việc sửa đổi nghị định có nhiều nội dung song cần quan tâm đến một số vấn đề. Đầu tiên là tổ chức hệ thống phân phối hiện nay vẫn quy định các doanh nghiệp từ đầu mối đến bán lẻ, đến đại lý… nhưng lại gọi là “đồng sở hữu” các cơ sở kinh doanh xăng dầu, rồi đồng sở hữu kho…là không ổn!
Do đó, theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, để cải tiến hệ thống phân phối cần bổ sung quy định: Nếu đơn vị nào có đủ điều kiện về cầu cảng về cơ sở hạ tầng về kho bãi, phương tiện vận chuyển, khi đủ điều kiện sẽ kinh doanh và cần hạn chế đến mức thấp nhất chuyện “đồng sở hữu” để hệ thống không có sở hữu chéo, chồng chéo lẫn nhau, gây bất cập cho việc điều hành.
“Về chu kỳ tính giá cũng cần xem xét và tính toán lại. Nếu như giai đoạn này chúng ta chưa có đủ điều kiện làm được như các nước trên thế giới, tức là bám sát theo giá thị trường thế giới và điều hành giá hàng ngày thì nên rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá từ 10 ngày xuống 5 ngày để phù hợp với phương thức hiện nay mà các doanh nghiệp đầu mối đang mua xăng dầu ở trên thị trường thế giới. Như vậy cũng sẽ phản ánh sát hơn, giảm thiểu sự lệch pha giữa giá thị trường trong nước và thế giới”, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam nhấn mạnh.\
6 doanh nghiệp tại Hải Phòng xin tạm dừng hoạt động kinh doanh xăng dầu
Sở Công Thương Hải Phòng cho biết, từ ngày 1 - 12/11, Sở Công Thương Hải Phòng tiếp nhận văn bản của 6 doanh nghiệp xin tạm dừng hoạt động kinh doanh xăng dầu tại 8 cửa hàng xăng dầu.
Sở Công Thương Hải Phòng tiếp nhận văn bản của 6 doanh nghiệp xin tạm dừng hoạt động kinh doanh xăng dầu. Ảnh Trân Viêt /TTXVN
Cụ thể, 6 doanh nghiệp gồm: Công ty TNHH XNK Phú Lâm tạm ngừng bán mặt hàng xăng A95 tại 3 cửa hàng gồm cửa hàng xăng dầu Cầu Niệm (số 58 Trường Chinh, phường Lãm Hà, quận Kiến An) từ 17 giờ ngày 7/11/2022; cửa hàng xăng dầu Tân Tiến (thôn Do Nha, xã TânTiến, huyện An Dương) từ 7 giờ ngày 8/11/2022; cửa hàng xăng dầu Đông Hải (số 1356 Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Đông Hải 2, quận Hải An) từ 10 giờ ngày 4/11/2022 cho đến khi nhập được hàng.
Công ty TNHH dịch vụ thương mại Hoa Phượng xin tạm dừng bán hàng tại cửa hàng xăng dầu Cầu Nguyệt từ ngày 7/11 đến ngày 30/12 để sửa chữa. Chi nhánh Công ty cổ phần nông sản AGREXIM Hải Phòng xin tạm dừng bán hàng tại cửa hàng xăng dầu Agrexim Hải Phòng (địa chỉ số 310 Lê Duẩn) từ 11 giờ ngày 10/11 đến khi nhập được hàng.
Hợp tác xã Công ty Thương mại Việt Phương xin tạm dừng hoạt động kinh doanh tại cửa hàng xăng dầu Hồng Quang (đường Vòng Cầu Niệm) do không nhập được hàng. Doanh nghiệp tư nhân Thành Long xin tạm dừng bán hàng tại cửa hàng xăng dầu số 1808 Tổ dân phố Nguyễn Huệ, phường Minh Đức, quận Đồ Sơn do không nhập được hàng từ ngày 10/11. Công ty cổ phần thương mại tổng hợp Vân Trường xin tạm dừng hoạt động cửa hàng bán lẻ xăng dầu Minh Đức tại thôn Hòa Nhất, xã Đặng Cương, huyện An Dương từ ngày 15/11 để cải tạo, sửa chữa, nâng cấp.
Một số thương nhân phân phối như Công ty cổ phần Petrotimes, Công ty TNHH xăng dầu Nam Ninh, Công ty TNHH XNK Phú Lâm báo cáo khó khăn về nguồn cung xăng dầu cho hệ thống do không mua được hàng từ thương nhân cung cấp xăng dầu dù doanh nghiệp chấp nhận mua với mức giá cao hơn giá bán lẻ để duy trì hoạt động kinh doanh. Ngoài ra còn có 7 doanh nghiệp xin điều chỉnh thời gian bán hàng xuống còn khoảng 10 giờ/ngày.
Để góp phần quản lý thị trường xăng dầu, hạn chế tình trạng đầu cơ găm hàng chờ tăng giá, ngày 10/11, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng vừa có chỉ đạo tăng cường quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu trên địa bàn.
Hải Phòng là thành phố cảng lớn của khu vực miền Bắc và cả nước với hệ thống hàng nghìn các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, dịch vụ logistics; trên 20.000 xe container phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa, dịch vụ, trung bình mỗi ngày tiêu thụ trên 1.500 m3 xăng dầu.
Trên địa bàn thành phố Hải Phòng hiện có 9 tổng kho xăng dầu với tổng dung tích là 450.000 m3; 1 thương nhân xuất nhập khẩu xăng dầu; 13 thương nhân phân phối; 1 tổng đại lý; 6 đại lý bán lẻ xăng dầu; trên 250 cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu (gồm cả cửa hàng xăng dầu mặt đất và mặt nước), trong đó có khoảng 110 cửa hàng xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của các doanh nghiệp nhà nước như Petrolimex, PVOIL, Xăng dầu quân đội...
Tính từ tháng 9/2022 đến nay, Sở Công Thương chủ trì kiểm tra và phối hợp kiểm tra thực tế trên 50 cửa hàng xăng dầu trong thành phố... Qua kiểm tra, các cửa hàng cơ bản tuân thủ các quy định trong kinh doanh xăng dầu; khi nghỉ bán hoặc giảm giờ bán hàng đều báo cáo Sở Công Thương. Tuy nhiên Sở cũng nhận được đơn đề nghị của hơn 20 doanh nghiệp báo cáo khó khăn, vướng mắc trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Đảm bảo nguồn cung xăng dầu: Chính sách cần sát thực tế Việc tăng sản lượng sản xuất hay nhập khẩu xăng dầu trong bối cảnh nguồn cung thế giới bị đứt gãy như hiện nay đang đặt ra những thách thức rất lớn với các doanh nghiệp, đòi hỏi phải có sự hỗ trợ chính sách kịp thời và sát thực tế từ phía cơ quan quản lý nhà nước. Người dân xếp hàng...