Tiếp lửa tri thức đến Làng trẻ em SOS
Tham gia dạy tình nguyện ở Làng trẻ em SOS Thanh Hóa không chỉ là hoạt động để trau dồi kỹ năng mà còn xuất phát từ tình yêu thương, thấu hiểu hoàn cảnh của các em nhỏ từ phía sinh viên Trường ĐH Hồng Đức.
Một buổi dạy phụ đạo môn Toán cho các em Làng trẻ SOS năm học 2020 – 2021 của CLB.
Hành trình đong đầy yêu thương
Những ngày này, Lê Thị Hằng (19 tuổi) sinh viên K23, Sư phạm Ngữ văn, Trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa) đang mong ngóng được trở lại Làng trẻ em SOS Thanh Hóa để tiếp tục công việc còn dang dở. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nên mọi hoạt động của Câu lạc bộ (CLB) tại Làng trẻ em SOS đều phải tạm dừng.
Đây là năm thứ 2, Hằng tham gia CLB sinh viên ĐH Hồng Đức dạy học tình nguyện ở Làng trẻ em SOS Thanh Hóa. Hằng đang là Chủ nhiệm CLB với hơn 70 thành viên, gồm sinh viên đến từ các khoa: Khoa học Xã hội, Giáo dục Tiểu học, Tiếng Anh và Khoa học Tự nhiên của Trường ĐH Hồng Đức.
Hằng đến với CLB từ những ngày đầu là sinh viên của trường. Nhớ lại thời điểm mới tham gia, Hằng không khỏi bất ngờ trước tinh thần tự giác học tập của các bé tại Làng trẻ em SOS Thanh Hóa.
“Mặc dù lúc đầu có phần rụt rè, nhưng sau những buổi tiếp xúc, trò truyện, các em ngày càng hòa đồng và muốn chia sẻ nhiều hơn”, nữ sinh tâm sự.
Từ thành viên, Hằng trở thành chủ nhiệm CLB với sự tham gia của hơn 70 sinh viên.
Thành viên của CLB là sinh viên nên hình thức và thời gian dạy học cũng linh động để phù hợp. Cụ thể, các thành viên trong CLB sẽ trực tiếp đôn đốc, kèm cặp các em từ mầm non cho đến THCS, với hình thức chủ yếu là dạy học trên lớp và tại nhà.
Video đang HOT
Đối với hình thức dạy phụ đạo trên lớp, thường tổ chức vào tối thứ Hai và thứ Tư hàng tuần, mỗi lớp có khoảng 7 – 10 em. Trong khi đó, thời gian kèm cặp tại nhà, trung bình mỗi nhà từ 1 – 2 buổi/tuần, với 2 – 4 sinh viên tham gia, mỗi buổi kéo dài khoảng 2 giờ.
Cùng với kèm cặp lớp và tại nhà, CLB còn phân công thành viên thuộc khoa Tiếng Anh đảm nhận trọng trách chia sẻ, cung cấp kiến thức cho các em tại Làng trẻ em SOS vào ngày Chủ nhật hàng tuần.
Hằng cho biết: Trong quá trình kèm cặp các bạn nhỏ, thành viên trong CLB gặp phải không ít những khó khăn, nhất là việc đi lại, chưa kể thời tiết những ngày mưa gió. Bên cạnh đó, các em ở làng trẻ thường phát âm sai, nhiều em viết còn chưa thành thạo…
“Khi dạy trên lớp, các bạn Khoa Giáo dục Tiểu học, Khoa học Xã hội sẽ hỗ trợ các em khắc phục những lỗi về phát âm, chính tả, giao tiếp, kiểm tra kiến thức và gợi ý cách giải bài tập. Với những bài tập đòi hỏi độ khó cao thuộc khối Tự nhiên, các bạn bên khoa Khoa học Tự nhiên sẽ đảm nhận trọng trách này”, chủ nhiệm CLB chia sẻ.
Để buổi học thêm lôi cuốn, thành viên CLB sẽ khích lệ các em bằng hình thức trả lời đúng nhận phần thưởng, với những món quà nho nhỏ được chuẩn bị từ trước.
Là sinh viên Khoa Giáo dục Tiểu học (Trường ĐH Hồng Đức), Lê Thị Dung (18 tuổi, sinh viên năm nhất) cũng quyết định tham gia CLB sau khi được thầy cô và bạn bè giới thiệu.
Dung tham gia một phần vì muốn trau dồi kỹ năng, một phần vì muốn tiếp thêm động lực vươn tới ước mơ cho các em nhỏ tại Làng trẻ em SOS.
“Em tham gia kèm cặp các bạn nhỏ được một số buổi, phần lớn là kèm cặp các em học lớp 1, lớp 2. Em nhớ, buổi đầu tiên có vài bé khá rụt rè nhưng đến các buổi sau, em cảm nhận được sự cởi mở từ các bé. Tuy mới tham gia CLB, nhưng với những gì được trải nghiệm, em hy vọng có thể gắn bó lâu dài với CLB”, Dung chia sẻ.
Thành viên CLB tổ chức trò chơi cho các bé khi học môn Tiếng Anh tại Làng trẻ em SOS.
Ngôi nhà thứ hai
“Làng trẻ em SOS Thanh Hóa như ngôi nhà thứ hai của em. Đây là nơi em được gặp gỡ các bạn nhỏ, để rồi từ đó trở thành thân thiết như ruột thịt. Ở các bé toát lên sự hồn nhiên, đáng yêu và mộc mạc”, Hằng trải lòng.
Với Hằng “ngôi nhà thứ hai” này còn giúp cô và những thành viên CLB trau dồi thêm nhiều kỹ năng, trong đó phải kể tới kỹ năng đứng lớp, thuyết trình… đặc biệt là sự tự tin mỗi khi giao tiếp.
Bên cạnh truyền đạt kiến thức, kỹ năng cho các em nhỏ tại làng trẻ, hàng năm CLB cũng tổ chức các hoạt động trao quà vào các dịp Lễ, Tết với sự phối hợp của Đoàn Trường ĐH Hồng Đức và lãnh đạo Làng trẻ em SOS Thanh Hóa.
Hằng cho biết: Thời gian tới, khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt, CLB sẽ tổ chức hoạt động ngoại khóa để các bạn nhỏ có thêm nhiều trải nghiệm.
Theo ông Thiều Văn Hoàn – Tổ trưởng bộ phận Giáo dục của Làng trẻ em SOS Thanh Hóa, CLB dạy trẻ tình nguyện là hoạt động với sự phối hợp giữa Đoàn trường ĐH Hồng Đức và Làng trẻ em SOS Thanh Hóa. Năm học 2021 – 2022, sinh viên tham gia dạy phụ đạo, kèm cặp các em nhỏ từ mầm non đến tiểu học. Hiện Làng trẻ em SOS Thanh Hóa có 14 nhà gia đình, mỗi nhà trung bình khoảng 8 trẻ tương ứng có khoảng 2 – 5 sinh viên kèm cặp.
“Hoạt động của CLB dạy trẻ tình nguyện của Trường ĐH Hồng Đức mang lại nhiều thay đổi cho làng trẻ, đó là củng cố thêm kiến thức, kỹ năng cho các bé. Việc dạy phụ đạo cũng hoàn toàn miễn phí”, ông Hoàn nói.
Ông Lê Đức Đạt – Bí thư Đoàn Trường ĐH Hồng Đức chia sẻ: CLB dạy tình nguyện tại Làng trẻ em SOS Thanh Hóa là một trong những hoạt động thiện nguyện được trường quan tâm chú trọng nhiều năm nay.
“Thành viên tham gia là sinh viên nhà trường thuộc các Khoa Giáo dục Tiểu học, Tiếng Anh có học lực tốt, nhiệt huyết để hỗ trợ các em nhỏ tại Làng trẻ em SOS. Hoạt động dạy học tình nguyện tại Làng trẻ em SOS cũng từng được Trung ương Đoàn đánh giá thuộc tốp 30 dự án xã hội xuất sắc nhất”, ông Đạt nói.
Theo ông Đạt, sinh viên tham gia hoạt động dạy tình nguyện tại Làng trẻ em SOS Thanh Hóa đều được hỗ trợ một phần chi phí đi lại. Ngoài ra, sinh viên tham gia cũng được Đoàn trường cấp Giấy chứng nhận tham gia hoạt động dạy học tình nguyện tại làng trẻ. Sinh viên có chứng nhận sẽ được “điểm cộng” xem xét đánh giá xếp loại rèn luyện trong quá trình học tập.
“Sau thời gian được tiếp xúc, trò chuyện và chia sẻ kiến thức đến các bé ở làng trẻ SOS, em và thành viên trong CLB có cơ hội được thấu hiểu hơn về hoàn cảnh của các em nhỏ. Em chỉ mong sao được tiếp tục đồng hành, giúp đỡ các bạn nhỏ nhiều hơn nữa”, Hằng bộc bạch.
Bình thường hay không?
Cho dù lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) lý giải rằng, điểm chuẩn đại học (ĐH) năm 2021 tăng vọt là chuyện bình thường, nhưng theo ý kiến của nhiều phụ huynh, việc thí sinh đạt 30 điểm vẫn trượt ĐH là không bình thường, phi lý trong giáo dục.
Hoặc chí ít khi thấy dấu hiệu từ mùa tuyển sinh 2020, Bộ GDĐT phải sớm có giải pháp để thí sinh không thiệt thòi.
Ảnh minh họa
Theo phân tích từ lãnh đạo Bộ GDĐT: Các trường "top" trên điểm chuẩn tăng không nhiều lắm, chỉ tiêu không tăng, số thí sinh còn lại vào các trường "top" giữa tăng vọt. Khi tỷ lệ số thí sinh đăng ký trên số chỉ tiêu tăng hẳn như thế thì chuyện tăng điểm chuẩn là bình thường...
Lãnh đạo Bộ GDĐT cũng cho rằng, việc xét tuyển ĐH là câu chuyện cạnh tranh. Bộ GDĐT đã đưa ra mô hình xét tuyển nhiều trường, nhiều ngành và cơ hội trong tay thí sinh.
Nói như vậy, nghĩa là với cách xét tuyển hiện nay thì thí sinh phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về sự lựa chọn của mình, mà ở sự lựa chọn nào cũng phải chấp nhận sự may rủi.
Đúng là trên thực tế, mùa tuyển sinh 2021 thí sinh có hẳn 3 lần được điều chỉnh nguyện vọng. Những thí sinh có kết quả điểm thi cao tự tin chọn nguyện vọng 1 vào trường yêu thích và dự kiến có điểm chuẩn cao chứ không chọn giải pháp an toàn như năm trước. Nhưng không phải thí sinh nào cũng sáng suốt như vậy. Việc được quyền thay đổi nguyện vọng tới 3 lần đã khiến nhiều thí sinh rối. Thành thử, cứ điều chỉnh đi lại đâm ra hóa trượt.
Vậy thí sinh điểm cao vẫn trượt ĐH có còn cơ hội nào nữa không? Sau khi công bố điểm chuẩn xét tuyển ĐH đợt 1 - 2021, nhiều trường cho biết đã tuyển gần đủ chỉ tiêu. Song cũng còn một số ít trường "top" giữa và "top" cuối cho biết sẽ tuyển chỉ tiêu bổ sung, và tiếp tục tuyển thí sinh diện đặc cách tốt nghiệp.
Như vậy có thể hiểu, ở mùa tuyển sinh 2021 với đa số các trường "top" trên, trong đợt 1 xét tuyển theo điểm thi THPT cơ hội của các em đã gần như khép lại. Nhiều thí sinh đạt từ 25, 26 điểm ở các khối C, D đã vỡ mộng vì không được học ngành hoặc trường mình yêu thích. Nhìn những cô cậu học trò nức nở, bỏ ăn, sầu não... hỏi phụ huynh nào không đau lòng?
Nếu nhìn vào điểm xét tuyển ĐH 2 năm qua, hẳn có người sẽ thốt lên: học trò bây giờ giỏi thật! Với ngành học mà điểm thi đạt 30/30 thì đúng là nể phục quá. Và mức điểm chuẩn lên tới 30,5 (khoa Sư phạm Ngữ văn - ĐH Hồng Đức), nếu không có điểm ưu tiên - thì nói theo ngôn ngữ của bọn trẻ là vẫn "tạch" như thường.
Điểm thi cao mà vẫn trượt - cho dù có được lý giải thế nào đi chăng nữa, nhiều người cũng thấy chưa hài lòng, rõ ràng đó là một điều không bình thường. Nếu những dấu hiệu này đã âm ỉ từ mùa tuyển sinh 2020, lẽ ra nhà quản lý cần phải lưu tâm để sớm có giải pháp cân bằng chỉ tiêu ở các phương thức tuyển sinh.
Kỳ thi "2 trong 1" được tổ chức từ năm 2015, tới nay đã qua 6 năm thực tế và cái kết như chúng ta đang thấy. Một kỳ thi phục vụ đồng thời 2 mục đích vừa căn bản vừa phân hóa sẽ rất khó. Theo đó, Bộ GDĐT cần có đánh giá tổng thể về phương thức tuyển sinh "2 trong 1"; cần nghiêm túc xem xét lại kỳ thi, sớm có sự điều chỉnh trong lộ trình đổi mới thi cử, tạo điều kiện cho những thí sinh thực sự có năng lực, có ước mơ và có điều kiện học ĐH được toại nguyện.
Ước mơ trở thành cô giáo của nữ sinh mồ côi cả cha lẫn mẹ Mồ côi cả cha lẫn mẹ, hoàn cảnh rất khó khăn, song Nguyễn Hà Ly, sinh viên K24A, Khoa Giáo dục Tiểu Học - Trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa) vẫn quyết tâm nuôi ước mơ trở thành cô giáo. Nguyễn Hà Ly, sinh viên K24A, ĐH Giáo dục Tiểu học, Khoa Giáo dục Tiểu Học - Trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa)....