Tiếng Thái thành môn tự chọn trong trường trung học phổ thông
Tiếng Thái trở thành môn chính khóa, cũng là một trong những hoạt động nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tạo nên nét đẹp văn hóa học đường.
Cô Hà Thị Khuyên trong giờ dạy tiếng Thái tại Trường THPT Quan Sơn (huyện Quan Sơn, Thanh Hóa).
Sau những miệt mài, cô và trò Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa) vô cùng phấn khởi khi tiếng Thái được đưa vào chương trình chính khóa, năm học 2022-2023.
Học sinh hào hứng
“Em lựa chọn tiếng Thái là môn tự chọn vì muốn biết về chữ viết và văn hóa của dân tộc mình. Với em, đây còn là niềm vinh dự, tự hào. Sau này, khi đã thành thạo chữ viết, em mong muốn được dạy lại cho những bạn nhỏ trên quê hương mình”. Đó là chia sẻ của em Hà Thị Thúy, lớp 10A5, Trường THPT Quan Sơn (huyện Quan Sơn, Thanh Hóa).
Thúy cho biết, hiện tại nữ sinh đang học một buổi mỗi tuần theo thời khóa biểu của nhà trường. Sau nhiều buổi theo học, Thúy đánh giá chữ Thái cũng không quá khó, chỉ cần chăm chú nghe giảng và dành nhiều thời gian ôn luyện sẽ đạt kết quả tốt.
Năm học 2022-2023 là năm đầu tiên Trường THPT Quan Sơn đưa tiếng Thái vào chương trình chính khóa. Theo thầy Nguyễn Minh Đạo – Hiệu trưởng nhà trường, môn học này đang được áp dụng đối với học sinh (HS) lớp 10 theo Chương trình mới. Tổng số HS lựa chọn học Tiếng Thái gồm 2 lớp, với hơn 80 em.
“Tuy là năm đầu tiên đưa vào chương trình chính khóa, nhưng trên thực tế nhà trường đã tổ chức dạy cho các thế hệ HS suốt 10 năm qua theo hình thức hoạt động ngoài giờ lên lớp.
Vì vậy, khi Bộ GD&ĐT có Thông tư hướng dẫn, nhà trường đã tổ chức dạy khá bài bản rồi, nên gần như không gặp khó khăn gì”, thầy Đạo cho hay.
Ngoài dạy chữ Thái, Trường THPT Quan Sơn còn duy trì các hoạt động văn nghệ giữ gìn bản sắc văn hóa Thái.
Theo thầy Đạo, hiện môn tự chọn này đang được nhà trường tổ chức dạy với thời lượng từ 1 tiết/tuần ở hai lớp 10A5 và 10A6.
“Với đồng bào dân tộc Thái trên khu vực Quan Sơn, việc bảo tồn chữ viết hiện nay còn rất hạn chế. Vì vậy, khi đưa tiếng Thái vào chương trình chính khóa sẽ rất có ý nghĩa trong việc bảo tồn nét văn hóa truyền thống, trao truyền chữ viết lại cho các thế hệ sau.
Đặc biệt, tiếng Thái trở thành môn tự chọn cũng giúp nhà trường có thêm nhiều thuận lợi trong việc tổ chức giảng dạy, HS cũng nỗ lực cố gắng hơn trong việc học hành”, thầy Đạo chia sẻ.
Hiệu trưởng Nguyễn Minh Đạo cho biết thêm, hiện tại giáo viên đảm trách việc dạy chữ Thái là cô giáo Hà Thị Khuyên. Dự kiến, thời gian tới Bộ GD&ĐT tổ chức lớp bồi dưỡng cấp chứng chỉ dạy chữ Thái, Trường THPT Quan Sơn sẽ có thêm một giáo viên đảm trách công việc này.
Video đang HOT
“Nhà trường đã có kế hoạch bồi dưỡng tiếng Thái cho giáo viên cách đây 3 năm. Tuy nhiên, phải đợi Bộ GD&ĐT tổ chức lớp bồi dưỡng cấp chứng chỉ dạy chữ Thái, thì mới đáp ứng yêu cầu giảng dạy”, thầy Đạo nói.
Giáo viên tâm huyết
Miệt mài với công việc dạy chữ Thái suốt 10 năm qua, song chưa bao giờ cô giáo Hà Thị Khuyên (Trường THPT Quan Sơn) lại vui đến thế. Bởi, năm học 2022-2023 là năm đầu tiên tiếng Thái được đưa vào chương trình chính khóa.
“Nhiều năm qua, tôi giảng dạy tiếng Thái theo hình thức là hoạt động ngoài giờ lên lớp, nên thời gian dành cho môn học này không nhiều. Hiện nay, tiếng Thái đã trở thành môn tự chọn, vì vậy giáo viên cũng có thêm thời gian để chia sẻ nhiều hơn với học trò”, cô Khuyên bộc bạch.
Theo cô Khuyên, so với chữ Latinh, chữ Thái có đặc thù riêng, thiên về tính hình tượng. Vì vậy, đòi hỏi người học phải thực sự nghiêm túc, dành nhiều thời gian để tìm hiểu, nghiên cứu.
“Khi mới bắt đầu với công việc này, tôi vừa làm vừa mò mẫm nghiên cứu, đúc rút kinh nghiệm. Để có kiến thức truyền dạy cho học trò, tôi luôn dặn lòng phải đầu tư học tập một cách nghiêm túc, cũng có thể nói là khổ luyện”, cô Khuyên chia sẻ.
Để giúp học trò dễ dàng ghi nhớ mặt chữ, nữ giáo viên người dân tộc Thái Hà Thị Khuyên thường vận dụng mẹo ghi nhớ theo ý nghĩa của các con chữ. Đồng thời, uốn nắn cho HS cách viết sao cho đúng, chuẩn chỉ.
Cô Hà Thị Khuyên hiện là giáo viên duy nhất của Trường THPT Quan Sơn đảm nhận dạy chữ Thái tại nhà trường.
“Với HS mới bắt đầu, chữ viết hoàn toàn mới mẻ. Vì vậy, tôi thường lồng ghép học âm vần và phần chủ đề. Trong đó, chủ yếu dạy cho các em cách đọc, viết và giao tiếp cơ bản.
Ngoài giờ học trên lớp, tôi cũng lập nhóm trên mạng xã hội để trao đổi thêm, đồng thời giao bài tập để các em củng cố kiến thức đã học”, nữ giáo viên cho hay.
Sinh ra và lớn lên ở xã Trung Hạ, huyện Quan Sơn nên ngay từ nhỏ cô Khuyên đã tích lũy nhiều ca dao, tục ngữ của đồng bào dân tộc Thái thông qua người mẹ của mình. Khi trở thành sinh viên Đại học Tây Bắc, tình yêu với ngôn ngữ dân tộc cứ thế lớn dần.
Thậm chí, ngay cả đề tài khóa luận tốt nghiệp, cô Khuyên cũng quyết định nghiên cứu về khặp Thái.
“Khi làm khóa luận tốt nghiệp, tôi phải ngược xuôi khắp nơi từ Sơn La về Hòa Bình liên tục để sưu tầm tài liệu. Đến bây giờ, tôi hoàn toàn đủ tự tin để trao truyền lại chữ viết cho các thế hệ học trò”, cô Khuyên tâm huyết nói.
Hiện tại, ngoài giảng dạy chữ Thái, cô Khuyên còn kết hợp với Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) bồi dưỡng chữ viết dân tộc Thái cho cán bộ công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Đồng thời, tham gia vào Ban chấp hành Hội Dân tộc học và Nhân học huyện Quan Sơn.
Ngoài truyền dạy chữ Thái, Trường THPT Quan Sơn còn duy trì tổ chức các hoạt động văn hóa – văn nghệ giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Thái. Các hoạt động như khua luống, các điệu cồng, chiêng… được nhà trường tổ chức mỗi tháng từ 1 – 2 buổi và đã duy trì suốt 10 năm qua.
Bên cạnh đó, ngôi trường vùng cao huyện Quan Sơn còn duy trì phong trào diện trang phục đồng bào dân tộc Thái trong đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh toàn trường. Đây cũng là một trong những hoạt động nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và tạo nên nét đẹp trong văn hóa học đường.
“Căn cứ theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT về Chương trình Giáo dục phổ thông mới, một trong hai môn tự chọn đối với trường THPT đó là Tiếng dân tộc thiểu số và Ngoại ngữ 2. Ngay từ đầu năm học, Sở GD&ĐT đã có văn bản hướng dẫn các nhà trường. Việc HS lựa chọn Tiếng dân tộc thiểu số cũng rất khuyến khích, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương”, bà Bùi Thị Thanh – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa.
Những người gieo 'mùa vàng'
Với những người thầy 'chèo đò' thầm lặng, thành công trong công việc là có thể thắp lửa ước mơ cho học trò và giúp các em biết sống bao dung.
Thầy giáo trẻ Hà Văn Nghiệp trong giờ dạy Ngữ văn tại Trường THCS & THPT Quan Sơn. Ảnh: TG
Động viên trò đúng lúc
"Trở về Quan Sơn, tôi chỉ biết cố gắng vì điều duy nhất đó là những cô, cậu học trò của mình. Trở về rồi, tôi không muốn đi đâu nữa, nguyện gắn bó với mảnh đất này dẫu chặng đường phía trước còn nhiều gian nan". - Thầy Hà Văn Nghiệp
Chúng tôi gặp nhà giáo Nguyễn Thị Nhạn, giảng dạy môn Địa (Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Thanh Hóa) vào những ngày cuối thu. Năm học này, ngoài giảng dạy, cô Nhạn tiếp tục đảm nhận thêm công tác chủ nhiệm lớp 10 - một sự nối dài "nhiệm kỳ" chủ nhiệm thành công.
Năm học vừa qua, lớp 12C do cô Nhạn chủ nhiệm có gần 100% học sinh trúng tuyển đại học. Chỉ một trường hợp đăng ký đại học dự bị vào khối trường quân đội. Đặc biệt, lớp có tới 19/24 em trúng tuyển vào trường sư phạm, trong đó có nhiều trường tốp đầu với số điểm rất cao.
"Tôi khá bất ngờ vì lựa chọn này của các em. Bởi, ở những năm trước, học trò của tôi thường lựa chọn theo khối ngành Báo chí, Luật hoặc Đông phương học... Tuy nhiên, năm nay phần lớn các em lại chọn ngành Sư phạm. Tôi nghĩ rằng, đây là tín hiệu vui vì có thể bổ sung nguồn nhân lực quan trọng để tiếp tục sự nghiệp trồng người", cô Nhạn chia sẻ.
Hơn 20 năm gắn bó với nghề, trong đó gần 10 năm giảng dạy ở trường THPT dân tộc nội trú tỉnh, điều cô Nhạn không khỏi trăn trở là đa số học trò đều ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế cũng như nhận thức của các em còn chưa đồng đều. Do đó, áp lực đối với giáo viên giảng dạy cũng nhân lên vô số lần.
"Đúc rút từ kinh nghiệm của mình, tôi nhận thấy dạy học nếu không yêu nghề thì rất khó để làm tròn chữ tâm. Đặc biệt là giảng dạy ở môi trường nội trú với nhiều học trò có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Vì vậy, khi làm công tác chủ nhiệm, điều đầu tiên tôi nghĩ tới là sự nhẫn nại. Song song với đó là việc khơi dậy lửa đam mê, động viên học trò đúng lúc để các em vượt qua chính mình", cô Nhạn bộc bạch.
Nhờ gầy dựng được phong trào học tập sôi nổi, lớp 12C do cô Nhạn dìu dắt đã bứt phá mạnh mẽ ở năm học cuối cấp. Cả lớp có 9 học sinh tham gia kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh đều đạt giải. Ngoài ra, lớp có 23/24 học sinh đạt điểm giỏi các môn thuộc ban Khoa học xã hội; 3 học sinh vinh dự được Sở GD&ĐT Thanh Hóa trao tặng Giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022...
Yêu nghề và yêu trò
Với cô Đỗ Thị Thúy - giảng dạy môn Ngữ văn, Trường THPT Hậu Lộc 1 (Hậu Lộc, Thanh Hóa), năm học 2021 - 2022 cũng khép lại với những cung bậc cảm xúc khó quên.
Lớp 12A7 do cô Thúy chủ nhiệm có tới 48/49 học sinh đạt điểm giỏi môn Văn, trong đó 33 em đạt từ điểm 9 trở lên. Đặc biệt, lớp có 2 học sinh đạt 9,5 điểm, mức điểm cao nhất của tỉnh Thanh Hóa, tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022.
Ngoài ra, trong năm học vừa qua lớp có 14 học sinh tham gia kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh đều đạt giải. Trong đó, môn Văn đóng góp 1 giải Nhì và 4 giải Ba (xếp thứ 3 toàn tỉnh). Đáng chú ý, dù không phải là lớp chuyên Sử, song 12A7 cũng đóng góp tới 4 giải Nhì, 1 Khuyến khích, xếp thứ 4 toàn tỉnh.
"Kết quả này đã phản ánh nỗ lực của học trò, nhiệt tâm của các thầy cô và đặc biệt đó còn là tình cảm: Cô vì trò, trò vì cô để cùng nhau làm nên quả ngọt", cô Thúy chia sẻ.
24 năm gắn bó với nghề "chèo đò", niềm hạnh phúc đối với nhà giáo Đỗ Thị Thúy là được chứng kiến giây phút tỏa sáng của các thế hệ học trò khi tiếp nối nghề "cầm phấn" với lòng nhiệt thành, tâm huyết.
"Niềm hạnh phúc nhất với tôi là sau mỗi khóa mình "đưa đò" lại có những em cập bến thành công. Và, càng hạnh phúc hơn khi các thế hệ học trò cùng dìu dắt, nối tiếp nhau để rồi cùng tỏa sáng", cô Thúy bày tỏ.
Năm học 2022 - 2023, nhà giáo Đỗ Thị Thúy tiếp tục đảm nhận công tác chủ nhiệm ở lứa học trò khóa mới. Với nữ giáo viên này, đây là trọng trách nhưng cũng là niềm vinh dự khi tiếp tục chặng đường ươm trồng những "hạt giống đỏ" cho quê hương, đất nước bằng tình yêu nghề, yêu trò.
Trao truyền "ngọn lửa" nghề
Thầy giáo trẻ Hà Văn Nghiệp (22 tuổi), giảng dạy môn Ngữ văn tại Trường THCS & THPT Quan Sơn, huyện biên giới Quan Sơn (Thanh Hóa).
Thầy Nghiệp là cựu học sinh khóa học (2015 - 2018) của Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Thanh Hóa và là học trò của cô Nhạn. Lựa chọn nghề dạy học là ước mơ của thầy giáo trẻ, song ước mơ ấy càng bùng cháy mạnh mẽ nhờ sự động viên, khích lệ kịp thời của cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Nhạn.
"Hồi còn là học sinh cấp THPT, tôi nhận thấy mình khá bảo thủ, thường nhìn nhận sự việc một cách phiến diện. Nhưng sau quá trình tiếp xúc với thầy cô, đặc biệt là cô Nhạn đã giúp tôi thay đổi rất nhiều. Từ một người bảo thủ, tôi biết sống bao dung, tha thứ và biết nói lời xin lỗi. Cô Nhạn cũng khích lệ kịp thời khiến ngọn lửa nghề trong tôi bùng cháy hơn nữa", thầy Nghiệp nói.
Với thầy giáo trẻ vùng cao này, dạy học giống như nghề nuôi dạy "hổ". Nếu người thầy không có phương pháp phù hợp thì chẳng bao giờ đào tạo ra một thế hệ học trò tốt. Đặc biệt, kiến thức truyền đạt cũng phải phù hợp với địa phương và học trò. Vì vậy, thầy Nghiệp luôn cố gắng truyền đạt đến học trò của mình những điều giản dị, gần gũi và dễ hiểu nhất.
Sinh ra trên mảnh đất Quan Sơn với tuổi thơ khó nhọc, song bằng khát khao mãnh liệt muốn thay đổi suy nghĩ của học trò nơi đây về việc học, thầy Hà Văn Nghiệp đã nuôi ước mơ trở thành người dạy chữ - truyền động lực cho học trò nghèo.
"Khi ra đi, tôi mang tâm thế của một cậu học trò còn phải trau dồi con chữ nhưng lúc trở về, tôi mang trên vai trách nhiệm của một người gieo "hạt giống đỏ" cho quê hương... Đến giờ, tôi nghĩ mình đã chạm một phần nào đó vào ước mơ và hoài bão của mình, đó là mang đến cho học trò những điều mới mẻ, giúp các em hứng thú hơn với việc học hành", thầy Nghiệp chia sẻ.
Ngoài truyền dạy kiến thức, mỗi tuần, thầy Nghiệp còn lặn lội vào bản từ một đến 2 buổi để nắm bắt hoàn cảnh, điểm mạnh, yếu của từng học trò. Từ đó, thầy giúp các em phát huy thế mạnh của mình.
Lê Ngọc Phương Linh, cựu học sinh Trường THPT Hậu Lộc 1 cũng là một học trò được người thầy của mình thắp lửa đam mê với ngành Sư phạm - cô giáo Đỗ Thị Thúy. Mới đây, Phương Linh đã trúng tuyển thẳng vào Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Cô sinh viên năm thứ nhất này đã lựa chọn sư phạm không chỉ vì đam mê, mà còn là niềm tự hào về truyền thống của gia đình. "Với em, dạy học là nghề cao quý, em nhìn thấy điều đó ở những người thầy, người cô của mình. Đặc biệt, cô giáo chủ nhiệm của em - cô Đỗ Thị Thúy đã truyền đam mê để em quyết tâm đến với nghề. Khi đã lựa chọn, em cũng sẽ không ngại khó, ngại khổ, sẵn sàng gieo chữ cho những em nhỏ vùng sâu, nơi biên cương của Tổ quốc", Phương Linh chia sẻ.
"Chủ nhiệm lớp trọn vẹn 5 khóa trong hơn 20 năm giảng dạy, ở mỗi khóa đều để lại trong tôi những cảm xúc đặc biệt. Có những khóa thành công không đến từ thành tích học tập, mà chỉ đơn giản là sự nâng đỡ học trò, từ học sinh cá biệt trở nên hòa đồng, suy nghĩ tích cực hơn. Với khóa này, tôi cảm nhận được nỗ lực kiên cường, vươn lên trước cái khó, cái nghèo của các em". Cô Nguyễn Thị Nhạn
HS lớp 10 xin chuyển tổ hợp môn: Các trường cần Bộ GD sớm có hướng cụ thể Khi học sinh có nguyện vọng chuyển tổ hợp, các nhà trường gặp khó trong việc sắp xếp giáo viên và nếu dạy ngoài chính khóa thì thời gian và chi phí như thế nào? Sau khi hoàn thành bài kiểm tra định kỳ đầu tiên của năm học 2022 - 2023, tại một số trường Trung học phổ thông trên địa bàn...