Tiếng Đức, Hàn là ngoại ngữ 1: Tiệm cận nhu cầu nhân lực, tuyển sinh
Môn Tiếng Hàn, Tiếng Đức được thí điểm là ngoại ngữ 1 trong Chương trình GDPT, dạy từ lớp 3 – 12. Việc thêm hai ngoại ngữ mới giúp học sinh có thêm lựa chọn, được nhiều chuyên gia đánh giá phù hợp xu thế.
Sinh viên Khoa Hàn Quốc học của Trường ĐH Văn Hiến.
Xu hướng quốc tế hóa đòi hỏi sự đa dạng ngôn ngữ
Xu hướng hội nhập quốc tế sâu rộng đã mang đến những thay đổi lớn về nhu cầu, tính đa dạng của nguồn nhân lực. Đặc biệt, khi Việt Nam đẩy mạnh giao lưu văn hóa, thúc đẩy trao đổi nhân lực, xuất khẩu lao động, nhu cầu nhân lực thông thạo tiếng Đức, Hàn ngày một lớn.
Bằng chứng, hàng loạt trường ĐH – CĐ mở và tuyển sinh ngành Hàn Quốc học hay tiếng Đức từ rất sớm như ĐH Ngoại ngữ & Tin học TPHCM, ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Lạc Hồng, ĐH Văn Lang, ĐH Văn Hiến, Cao đẳng Công Thương Việt Nam… Chỉ tiêu tuyển sinh mỗi ngành dao động từ 60 – 150 SV/năm tùy trường.
Tại TPHCM, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM) là trường đầu tiên đào tạo những ngành này. Bộ môn Hàn Quốc học (Khoa Hàn Quốc học) được trường thành lập từ năm 1994 với chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm đều tăng, hiện là hơn 140 sinh viên. Trường cũng là đơn vị duy trì tuyển sinh và đào tạo ngành Ngôn ngữ Đức (80 chỉ tiêu). Điều đáng nói, số lượng sinh viên ngành Hàn Quốc học và Ngôn ngữ Đức sau khi ra trường đều được các doanh nghiệp Hàn Quốc và Đức tại TPHCM tuyển dụng hết. Phần lớn, chỉ tiêu tuyển sinh của trường đều được doanh nghiệp đặt hàng hoặc đào tạo theo địa chỉ.
Khát nhân lực ngành Hàn Quốc học còn thể hiện rõ khi số lượng hồ sơ xét tuyển vào ngành học tăng nhanh chóng 2 năm qua. Năm 2020, điểm trúng tuyển ngành Hàn Quốc học dao động từ 20 – 30 điểm tùy trường. Riêng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), điểm trúng tuyển vào ngành Hàn Quốc học lên tới 30 điểm. Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM) điểm chuẩn trúng tuyển vào ngành Hàn Quốc học cũng lên tới 25,2 điểm. Ngành Ngôn ngữ Đức điểm trúng tuyển là 22 điểm.
ThS Trần Nam – Trưởng phòng Truyền thông, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM cho biết: Nhu cầu nhân lực của 2 ngành tiếng Hàn và tiếng Đức rất lớn. Sinh viên của hai ngành này chưa tốt nghiệp đã có doanh nghiệp đến đặt hàng tuyển dụng, đặc biệt là với các cử nhân ngôn ngữ Đức. Nhóm nhân lực lĩnh vực biên, phiên dịch, giảng viên, hướng dẫn viên du lịch, viện nghiên cứu… hút nhân lực hai ngành này nhất.
Hangeul Festival – lễ hội tôn vinh vẻ đẹp chữ Hàn, vẻ đẹp Hàn Quốc do Khoa Hàn Quốc học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM tổ chức.
Video đang HOT
Cơ hội nghề nghiệp rộng mở
Theo TS Nguyễn Thị Phương Mai – Trưởng khoa Hàn Quốc học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TPHCM), từ năm 2017 trở lại đây, tính riêng TPHCM có thêm 6 trường ĐH – CĐ đào tạo chính quy ngành Hàn Quốc học hoặc Ngôn ngữ Hàn Quốc. Số doanh nghiệp Hàn Quốc tham gia đầu tư, sản xuất tại Việt Nam trong những năm qua cũng ngày một tăng. Việt Nam hiện có hơn 9.000 doanh nghiệp với tổng số vốn đầu tư tích lũy đến tháng 10/2020 đạt gần 70,4 tỉ USD, chiếm 18,5% tổng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam. Điều này cho thấy, nhu cầu nhân lực phục vụ cho các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng như của ngành Hàn Quốc học tại Việt Nam đang rất “khát”.
ThS Nguyễn Thị Xuân Dung – Phó Trưởng phòng Truyền thông & Tuyển sinh, Trường ĐH Công nghệ TPHCM (HUTECH) nhìn nhận: Với ngôn ngữ chưa thông dụng như tiếng Hàn và tiếng Đức nếu được tiếp cận và học từ sớm, việc bước tiếp lên ĐH – CĐ sẽ mang đến cho người học nhiều cơ hội việc làm.
“Khảo sát từ doanh nghiệp của chúng tôi cho thấy, nhu cầu nhân lực ngành tiếng Hàn và tiếng Đức rất lớn. Ngoài việc cung chưa đủ cầu, các chính sách khuyến khích học tập, nghiên cứu, lao động bằng hình thức sang công tác tại nước bản địa mang đến cơ hội phát triển lớn cho nhân lực nhóm ngành này. Sinh viên theo học hai ngành này có những lợi thế nhất định, khi nhu cầu cạnh tranh không cao nhưng phạm vi và địa hạt để tham gia vào thị trường lao động lại rộng” – ThS Dung nói.
Không chỉ có cơ hội việc làm với mức lương cao khi tham gia thị trường lao động trong nước, nhân lực giỏi tiếng Hàn và tiếng Đức còn có cơ hội lớn xuất ngoại, làm việc ở chính các quốc gia trên bằng chương trình hợp tác, trao đổi nhân lực.
Đơn cử, tại Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II (TPHCM) có chương trình đào tạo hoàn toàn miễn phí do phía CHLB Đức tài trợ gồm: Môi trường (xử lý nước thải công nghiệp và kỹ thuật thoát nước); Xử lý nước thải (công nghệ nước). Sinh viên theo học 2 ngành này ngoài việc học chương trình theo chuẩn của Đức, được miễn phí hoàn toàn, sau khi tốt nghiệp có thể lựa chọn làm việc cho các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam hay ở CHLB Đức với mức lương cao.
Với tiếng Đức, hiện ngoài Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, Trường ĐH Việt Đức được xem là nơi đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp của Đức lớn nhất tại TPHCM và các tỉnh phía Nam. Sinh viên có thể sang Đức học tập, nghiên cứu chuyên sâu sau năm 2. Ngoài ra, nhiều học bổng, đào tạo của doanh nghiệp Đức tại Việt Nam và Đức cũng mang đến cơ hội học tập và việc làm rất lớn cho sinh viên của trường.
TS Hà Thúc Viên – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Việt Đức (VGU) cho biết: Khoảng 90% sinh viên của trường sau khi tốt nghiệp có việc làm. 40% sinh viên đại học và 60% học viên cao học có cơ hội nhận học bổng. Mặt khác, với sự hợp tác từ các trường đại học đối tác tại CHLB Đức, tất cả sinh viên Trường Việt Đức sau khi hoàn thành chương trình học sẽ được cấp văn bằng của Việt Nam và Đức. Những văn bằng này đều theo tiêu chuẩn Đức và có giá trị ở hầu hết nước châu Âu.
Phần lớn sinh viên theo học ngành Hàn Quốc học đều tìm được việc làm đúng chuyên ngành ngay sau khi tốt nghiệp. Thậm chí, sinh viên năm thứ 3, 4 đã được doanh nghiệp đến tận trường “săn đón” hoặc đào tạo theo đơn đặt hàng. – TS Nguyễn Thị Phương Mai
TS. Giáp Văn Dương: 'Nhiều ngoại ngữ song hành chỉ có lợi chứ không có hại'
TS. Giáp Văn Dương (Chủ tịch Hội đồng giáo dục của Trường Tiểu học Times School) nhận định, nhiều ngoại ngữ song hành chỉ có lợi chứ không có hại. Vấn đề làm sao để đảm bảo việc dạy các ngoại ngữ đó đáp ứng nhu cầu thực, nếu không sẽ rơi vào hình thức và lãng phí...
TS. Giáp Văn Dương cho rằng, nhiều ngoại ngữ chỉ có lợi chứ không có hại, quan trọng là đảm bảo việc dạy các ngoại ngữ đó đáp ứng nhu cầu thực, tránh rơi vào lãng phí.
Nhiều người vẫn thắc mắc vì sao tiếng Hàn, tiếng Đức trở thành ngoại ngữ 1 bên cạnh tiếng Anh và một số tiếng khác và vì sao Bộ GD&ĐT lại chọn 2 ngôn ngữ này. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Theo tôi, việc tiếng Hàn và tiếng Đức trở thành môn ngoại ngữ 1 trước hết là do thỏa thuận khung giữa Việt Nam với Hàn Quốc và Đức trước đó về việc triển khai dạy các thứ tiếng này ở trường phổ thông. Đã thỏa thuận thì cần thực hiện, đó là lẽ thường tình. Điều này, xét về đại thể, chỉ có lợi chứ không có hại gì.
Cũng như món ăn, có nhiều lựa chọn bao giờ cũng tốt hơn chỉ có một. Danh sách cách môn ngoại ngữ 1 cho đến giờ gồm 5 môn: Tiếng Anh, Tiếng Pháp, Tiếng Nga, Tiếng Trung, Tiếng Nhật, nay có thêm hai môn mới là Tiếng Hàn và Tiếng Đức thực tế không có thay đổi đáng kể.
Vì lẽ đó, dư luận phản đối không nằm ở việc đưa thêm hai môn học này vào danh sách các môn ngoại ngữ 1. Vấn đề nằm ở khâu truyền thông chưa được rõ, làm cho phụ huynh hiểu nhầm từ nay học sinh bắt buộc phải học hai môn học này lớp 3.
Trên thực tế, học sinh không bắt buộc phải học hai thứ tiếng mới bổ sung này, mà phải học một trong số 7 ngoại ngữ đã nêu trên như môn học ngoại ngữ 1, có tính chất bắt buộc. Tùy theo nhu cầu của học sinh và điều kiện của nhà trường về giáo viên và cơ sở vật chất để môn học nào sẽ được lựa chọn.
Hiện hầu hết học sinh và các trường chọn học tiếng Anh làm ngoại ngữ 1. Nhưng nếu ở các vùng miền có nhu cầu thực sự về tiếng Hàn, tiếng Đức, cụ thể ở những nơi có đầu tư nước ngoài lớn của hai nước này, hẳn việc học sinh chọn tiếng Hàn hay tiếng Đức làm ngoại ngữ 1 là hợp lý.
Vấn đề là để học sinh được quyền chọn học thứ tiếng nào làm ngoại ngữ 1, chứ không phải là bắt học, đồng thời đảm bảo việc học này được liên thông cho tất cả các bậc học.
Vậy theo ông, học sinh sẽ học ngoại ngữ 1 ra sao? Khi chọn tiếng Hàn, tiếng Đức là ngoại ngữ 1 từ cấp học nhỏ thì các em sẽ tiếp tục học lên cao như thế nào, có rào cản gì không?
Học sinh sẽ học ngoại ngữ 1 theo chương trình được Bộ GD&ĐT ban hành, hoặc chương trình bên ngoài nếu được thẩm định và cấp phép. Việc học các môn này, về thời lượng và chương trình sẽ tương tự như việc học môn tiếng Anh, vì cả hai đều là ngoại ngữ 1.
Tuy nhiên, khác với tiếng Anh là một môn học phổ biến, nên khi học sinh chuyển cấp, chuyển trường, gần như mặc định trường học mới sẽ dạy tiếng Anh như môn ngoại ngữ 1. Vì thế, việc học được liên thông. Còn với các thứ tiếng khác như tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Trung, tiếng Hàn, tiếng Đức, việc này khó khơn rất nhiều. Lý do rất ít trường dạy các môn này như môn ngoại ngữ 1, chủ yếu do thiếu giáo viên và nhu cầu sử dụng thực tế hiện còn rất nhỏ.
Theo Bộ GD&ĐT, việc quyết định thí điểm dạy tiếng Hàn, tiếng Đức là ngoại ngữ 1 xuất phát từ nhu cầu thực tế, để học sinh lựa chọn theo yêu cầu. Theo ông, điều này có đồng nghĩa với việc giúp giảm áp lực cho học sinh như kỳ vọng?
Tôi nghĩ không giảm áp lực bởi thời lượng của các môn ngoại ngữ 1 như nhau. Chưa kể, do có trải nghiệm trực tiếp học các thứ tiếng này, tôi thấy trong số 7 thứ tiếng được chọn làm ngoại ngữ 1, tiếng Anh dễ học hơn cả. Vì thế, không thể cho rằng, khi học sinh chọn học các thứ tiếng này sẽ được giảm áp lực.
Với học sinh, chọn học ngoại ngữ nào trước hết do nhu cầu sử dụng thực tế. Nếu ở địa phương của em có đầu tư lớn từ Hàn Quốc và có nhu cầu sử dụng tiếng Hàn, bởi Hàn Quốc hiện là quốc gia đầu tư FDI lớn nhất vào Việt Nam có thể chọn học tiếng Hàn. Còn các em có thể chọn học tiếng Đức nếu có ý định sau này sẽ đi du học Đức.
Vấn đề còn lại chỉ là tổ chức giảng dạy sao cho hiệu quả, tránh tình trạng người/khu vực có nhu cầu lại không được học, còn người/khu vực không có nhu cầu thì ép phải học, đồng thời đảm bảo sự liên thông về chương trình cho các học sinh đã chọn học các ngoại ngữ này.
Nói đúng hơn, hãy để học sinh chọn học theo nhu cầu thực, không nên bắt học do cơ cấu, bởi đây là các thứ tiếng ít phổ biến. Nếu bắt ép các em học thay vì nhu cầu thực sẽ bất lợi và thiệt thòi cho các em.
Đức là nước có tầm ảnh hưởng lớn ở khối EU; Hàn Quốc cũng là một quốc gia đang có nền kinh tế phát triển mạnh ở châu Á. Việc đưa tiếng Hàn, tiếng Đức vào dạy trong trường phổ thông có phải tăng thêm cơ hội, là một lợi thế cho nhiều bạn trẻ sau này?
Trong một xã hội gần như phần lớn mọi người đều học tiếng Anh thì việc biết thêm một ngôn ngữ nữa, đặc biệt là một ngôn ngữ của các nước châu Á, đó sẽ là một lợi thế rất đáng kể.
Nói chung, biết hai thứ tiếng thì vẫn tốt hơn là một thứ tiếng. Đặc biệt, biết tiếng Anh và một thứ tiếng khác ở châu Á sẽ rất tốt, bởi sự "trỗi dậy" của châu Á và sự gần gũi về văn hóa của các nước trong khu vực.
Ngoài ra, với điều kiện hiện nay của xã hội, nếu người nào đã thạo một thứ tiếng ngoài tiếng Anh, trước sau gì cũng sẽ thạo cả tiếng Anh nữa. Những người như thế sẽ có lợi thế lớn hơn nhiều trong công việc so với việc chỉ biết một thứ tiếng, dù phổ biến như tiếng Anh.
Ngoài ra, Việt Nam đang có các hoạt động giao lưu văn hóa và hợp tác kinh tế mạnh mẽ với các nước ngoài khối nói tiếng Anh, Hàn Quốc và Đức là hai ví dụ điển hình. Hàn Quốc hiện là nước có mức đầu tư FDI lớn nhất vào Việt Nam. Còn Đức là nước có nền khoa học, giáo dục và triết học rất phát triển, cũng lại là đầu tàu kinh tế của châu Âu.
Nếu chúng ta có một nhóm nhỏ những người thạo hai thứ tiếng này để làm cầu nối sẽ rất có lợi, cả về văn hóa, kinh tế, trong quá trình hội nhập và cạnh tranh quốc tế.
Nói cách khác, khi nhiều ngoại ngữ song hành chỉ có lợi chứ không có hại. Vấn đề làm sao đảm bảo để việc dạy các ngoại ngữ đó phải đáp ứng nhu cầu thực, nếu không sẽ rơi vào hình thức và lãng phí.
Xin cảm ơn TS!
"Bắt buộc" nhưng không ép buộc Bộ GD&ĐT vừa có quyết định đưa môn tiếng Hàn và tiếng Đức thành ngoại ngữ 1, hệ 10 năm thí điểm. Thông tin này lập tức nhận được sự quan tâm của dư luận. Ảnh minh họa/INT Ngoại ngữ 1 là môn học bắt buộc, gồm các môn: Tiếng Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga, sau đó bổ sung môn tiếng Nhật. Ngoại...