Tiến sĩ Vinh nói thẳng các bất cập trong kiểm định chất lượng giáo dục đại học
Cần thay đổi cách kiểm định chất lượng các trường đại học, không chỉ chú trọng các yếu tố đầu vào mà quan trọng hơn là chương trình, chuẩn đầu ra của người học.
Khi năm học 2020-2021 kết thúc, Nghị định 86/2015/NĐ-CP quy định về “cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 – 2016 đến năm học 2020 – 2021″ sẽ hết hiệu lực.
Câu chuyện tăng học phí đào tạo đối với các trường đại học tự chủ lại trở thành vấn đề “ nóng” gây xôn xao dư luận.
Mới đây, đại diện Vụ Kế hoạch Tài chính – Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2015/NĐ-CP.
Theo đó, Nghị định dự thảo lần này có nhiều điểm mới, sẽ gắn mức thu học phí không chỉ theo mức độ tự chủ tài chính của các trường công lập mà còn gắn với kết quả kiểm định chất lượng giáo dục và đào tạo của các trường.
Nhiều trường đại học đều khẳng định, tăng học phí là cách tốt nhất để giải quyết bài toán chất lượng giáo dục đào tạo. Tuy nhiên, chất lượng đó sẽ được đo lường như thế nào, kiểm định ra sao và liệu có đủ căn cứ thuyết phục cho việc tăng học phí?
Trong cuộc trao đổi mới nhất với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã nêu ra những bất cập trong kiểm định chất lượng các trường đại học.
Khi người học chưa biết chất lượng giáo dục “tròn” hay “méo”
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh cho biết, cách tính học phí hiện nay đang rất phức tạp và không có công thức chung nào.
Theo hướng dẫn, đa số các trường đang tính theo chi phí đào tạo, bao gồm chi phí trả lương, chi phí vật tư, chi phí quản lý, chi phí khấu hao tài sản cố định,…
Tuy nhiên, vẫn có nhiều quan điểm về chính sách tài chính cho giáo dục, có thể có nhiều cơ chế khác nhau trong việc tính và áp dụng mức học phí đại học, có trường tính theo chi phí đào tạo, có trường lại tính theo khả năng chi trả của người học hay khả năng thu lại lợi ích từ việc đầu tư cho học tập của cá nhân người học.
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh cho rằng, người học sẵn sàng trả mức học phí cao nếu chất lượng chương trình tốt, chuẩn đầu ra được đảm bảo (Ảnh: XT)
Theo Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, việc tính học phí gắn với kiểm định chất lượng giáo dục được nêu trong Nghị định dự thảo góp phần làm rõ trách nhiệm giải trình của các trường đại học. Các trường cần công bố công khai về chất lượng, cần giải trình cho việc thu học phí.
Tuy nhiên, việc kiểm định các trường đại học (institutional accreditation) hiện nay dường như lại không đáp ứng được mong muốn đó của người học. Quá trình kiểm định mới chỉ tập trung ở các yếu tố đầu vào mà ít chú ý đến kết quả đầu ra của quá trình giáo dục, cụ thể là không tập trung vào chuẩn đầu ra của chương trình mà người học đạt được.
“Người học sẵn sàng trả mức học phí cao nếu chất lượng chương trình tốt, chuẩn đầu ra được đảm bảo, sinh viên có khả năng làm được những việc như chuẩn đầu ra khẳng định trong chương trình, nghĩa là họ tin vào những lợi ích mình nhận được sau khi học xong chương trình đó”, Tiến sĩ Vinh nhấn mạnh.
Thay vì kiểm định theo kết quả đầu ra của chương trình, chúng ta lại chú trọng quá nhiều đến các yếu tố đầu vào như: diện tích, đội ngũ giảng viên, tài chính, cơ sở vật chất, thư viện,…
Tất nhiên không thể phủ nhận vai trò, ý nghĩa của những yếu tố đầu vào, nhưng đó chỉ điều kiện cần về đảm bảo chất lượng chứ chưa phải điều kiện đủ để khẳng định về chất lượng giáo dục.
“Vừa rồi chúng ta kiểm định các trường, về mặt khách quan là chưa thực sự hiệu quả, bởi lẽ, hầu như trường nào cũng đạt mức kiểm định.
Video đang HOT
Trường đại học top đầu đạt kiểm định, các trường ở top dưới cũng đạt kiểm định, như vậy là vô lý và không mang lại ý nghĩa gì cho người học.
Người học lựa chọn chương trình của một trường đại học nhưng không thể biết được chất lượng đào tạo là “tròn” hay “méo” ngay như mua một đồ vật hoặc dịch vụ khác trên thị trường.
Nếu chỉ kiểm định các yếu tố đầu vào, trường nào chưa đạt cũng chỉ đưa ra khuyến cáo. Chính vì vậy, nên có lựa chọn ưu tiên kiểm định chương trình đi trước hơn là kiểm định cơ sở giáo dục.
Khi ấy, giáo dục đại học Việt Nam có một đội ngũ chuyên gia các ngành đào tạo hàng đầu đất nước đi đánh giá, đưa ra ý kiến tư vấn thiết thực hơn là một đoàn kiểm định nhà trường nặng về các thủ tục hành chính và giấy tờ và với các “chuyên gia” không hiểu biết nhiều về ngành đào tạo”, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh khẳng định.
Nên kiểm định chương trình, chuẩn đầu ra của người học
Mỗi trường đại học có nhiều chương trình với mức chất lượng khác nhau và chi phí đào tạo từng chương trình cũng khác nhau. Nếu như chỉ kiểm định về cơ sở vật chất, diện tích, đội ngũ,… thì không thể đánh giá khách quan chất lượng của từng chương trình đào tạo.
Đó cũng là lý do khiến người học không thể xác định được chất lượng thực sự của ngành học, chương trình học nào đó.
Kiểm định chương trình là gắn với lợi ích của người học (Ảnh minh họa: Lã Tiến)
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh cho rằng, bên cạnh các yếu tố đầu vào thì nên kiểm định theo chương trình, bởi lẽ quan trọng nhất vẫn là chuẩn đầu ra của người học, người học sẽ đạt được gì từ chương trình mình đã chọn.
Có ít nhất 5 ưu điểm khi kiểm định chương trình đào tạo trong các trường đại học.
Thứ nhất, kiểm định chương trình gắn liền với lợi ích của người học. Nhà trường phải phối hợp với các đơn vị sử dụng nhân lực và dựa theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam để xây dựng chuẩn đầu ra cho các chương trình đào tạo của mình.
Chất lượng chương trình được đảm bảo, bài toán việc làm sau tốt nghiệp của sinh viên được cải thiện, đồng thời cơ hội hợp tác nhà trường và doanh nghiệp sẽ tốt hơn.
Thứ hai, kiểm định chương trình đồng nghĩa với việc giúp nhà trường cải thiện liên tục chính chương trình đó tốt hơn. Điều này gắn với trách nhiệm giải trình của khoa chuyên môn, của các giảng viên và giúp định hướng nâng cao chất lượng cho chương trình.
Cụ thể, ví dụ với chương trình tốt đã được kiểm định, người học sẵn sàng trả học phí cao, nhà trường lại có cơ hội để đầu tư nhiều hơn, mời đội ngũ giảng viên giỏi về dạy học tại trường.
Thứ ba, lợi ích của việc kiểm định chương trình còn là điều tiết quy mô người học theo chương trình đào tạo trong các trường đại học. Dựa theo nhu cầu lao động của xã hội, nhu cầu học tập mỗi trường sẽ có những điều chỉnh phù hợp, nên tăng hay giảm quy mô người học ở chương trình nào đó.
Thứ tư, kiểm định chương trình sẽ giúp ngăn chặn vấn nạn học giả và bằng thật hay còn gọi là chấm dứt hoạt động của những “cỗ máy in bằng tốt nghiệp”.
Thứ năm, nhờ kiểm định chương trình mà tác động giúp cho việc liên thông và cơ chế chuyển đổi đáng tin cậy hơn giữa các trường cao đẳng và đại học hoặc giữa các trường đại học với nhau.
Thậm chí, trường học có thể dừng triển khai với những chương trình đã được kiểm định mà không đảm bảo chất lượng, không đảm bảo chuẩn đầu ra.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cũng đánh giá cao vai trò của việc kiểm định chương trình bên cạnh kiểm định các yếu tố về cơ sở vật chất, số lượng – trình độ của đội ngũ giảng viên,…
Theo Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ, kiểm định chương trình đào tạo cần phải đánh giá cả quá trình, cần tính đến số lượng sinh viên ra trường có việc làm, tỷ lệ đạt bao nhiêu.
Bên cạnh đó, cũng cần thực hiện khảo sát chất lượng lao động, mức thu nhập của sinh viên như thế nào sau khi tốt nghiệp chương trình đào tạo và gia nhập vào thị trường lao động.
Tất cả những yếu tố đó nói lên chất lượng đào tạo của trường, căn cứ vào chất lượng đã được kiểm định để đưa ra mức học phí phù hợp.
Nếu đào tạo có chất lượng thì mới có cơ sở để thu học phí cao nhưng đào tạo không chất lượng, không đảm bảo chuẩn đầu ra thì trường học không có cơ sở để tăng học phí.
Học phí đại học: Tăng sao cho hợp lý?
Những trường đại học đã được phê duyệt đề án tự chủ sẽ thực hiện việc tăng học phí từ năm học 2021-2022 tới.
Học phí đại học (ĐH) ngày càng tăng cao đang là vấn đề "nóng" trong dư luận hiện nay, nhất là với các phụ huynh có con em bước vào mùa tuyển sinh ĐH, cao đẳng năm 2021 này.
Học phí bắt buộc phải tăng
Bốn trường ĐH thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM vừa lần lượt công bố lộ trình tăng học phí cho năm học tới theo đề án đổi mới cơ chế hoạt động theo hướng tự chủ. Đây là đề án mà Hội đồng ĐH Quốc gia TP.HCM đã thông qua từ giữa năm 2020. Bốn trường này gồm: Trường ĐH Công nghệ thông tin, Trường ĐH Kinh tế - Luật, Trường ĐH Bách khoa và Trường ĐH Quốc tế.
Theo đề án, từ năm 2021, các trường sẽ thực hiện tự chủ đảm bảo chi thường xuyên. Thay đổi đáng chú ý nhất khi thực hiện là học phí sẽ được điều chỉnh tăng để đảm bảo định mức kinh tế - kỹ thuật và chi phí dịch vụ giáo dục đào tạo.
Việc tăng mạnh chủ yếu áp dụng cho năm đầu tiên khi triển khai tự chủ với mức tăng có trường lên đến gấp đôi mức cũ, 12-25 triệu đồng/năm nhưng có trường chỉ tăng nhẹ 2-5 triệu đồng. Những năm tiếp theo đến năm 2025, mỗi năm học phí tăng thêm khoảng 10%.
Phụ huynh, sinh viên trong một đợt làm thủ tục nhập học năm học 2020-2021 tại Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM. Ảnh: THÁI SƠN
Trước nhiều băn khoăn, lo lắng từ dư luận, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại diện lãnh đạo ĐH Quốc gia TP.HCM cho biết bốn trường thành viên của Quốc gia TP.HCM đã được phê duyệt đề án tự chủ nên ngân sách chi thường xuyên của Nhà nước cho các trường đã bị cắt hoàn toàn. Do đó, các trường buộc phải xây dựng và áp dụng mức học phí mới từ năm học tới.
"Mức học phí đang áp dụng lâu nay quá thấp nên việc tăng học phí này tưởng là cao nhưng thật ra chưa đúng so với đơn giá tính thực tế. Nếu không áp dụng học phí mới, các trường công khó mà phát triển, không giữ chân được đội ngũ. Thực tế đã có nhiều cán bộ, giảng viên vì thu nhập quá thấp đã bỏ việc để qua trường tư rồi" - vị này nói.
Tương tự, theo công bố mới nhất của Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, từ năm học 2021-2022, trường cũng dự kiến áp dụng mức học phí mới theo hai mức 32 triệu đồng và 28 triệu đồng/năm. So với năm 2020, mức thu này tăng hơn gấp đôi.
Về vấn đề này, trước đó, PGS-TS-BS Ngô Minh Xuân, Chủ tịch Hội đồng trường, cho rằng thực ra trường được phê duyệt đề án tự chủ từ năm 2018 nhưng không được điều chỉnh tăng học phí. Điều này khiến nhà trường rất khó khăn trong việc chi trả thu nhập cho đội ngũ, cũng như chi phí đào tạo sinh viên (SV).
Tuy nhiên, phía nhà trường cũng cho rằng đây mới là học phí dự kiến, trường vẫn đang chờ UBND TP.HCM xét duyệt mới được áp dụng.
Trường ĐH Y Hà Nội cho biết hiện trường chưa công bố đề án tuyển sinh nên chưa có mức học phí cụ thể. Tuy nhiên, năm học tới nhà trường chưa thực hiện tự chủ nên học phí không có nhiều thay đổi so với trước. Cụ thể, SV học hệ chính quy vẫn đóng học phí theo quy định tại Nghị định 86, tức khoảng 14,3 triệu đồng/năm. Khi thực hiện tự chủ, ĐH Y Hà Nội sẽ có lộ trình tăng học phí trong những năm tới trên cơ sở đảm bảo khả năng chi trả của phụ huynh, học sinh nhưng phải tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo.
Còn Trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia Hà Nội cũng có lộ trình tăng học phí từ năm 2020 đến 2025 với mức tăng trung bình khoảng 8%/năm học và không vượt quá mức 10%/năm học đối với từng chương trình đang triển khai đào tạo.
Đừng tăng vô tội vạ
GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, nhận định cách tính học phí ở các trường hiện nay đang rất khác nhau. Khi có quy định về trường ĐH tự chủ, nếu không giám sát, một số trường sẽ lạm dụng quy định, tăng vô tội vạ.
"Tôi đề xuất các nhà lãnh đạo ngoài việc giao quyền tự quyết cho các trường cần quy định mức khung cụ thể cho từng ngành/chương trình đào tạo để học sinh nào cũng bình đẳng như nhau, không vì vấn đề học phí mà làm con đường học tập của các em bị gián đoạn" - GS Dong nói.
Theo GS Dong, nhà trường cần dựa vào chi phí đào tạo ra một SV. Đây là cách thế giới đang làm nhưng ở Việt Nam chưa có cơ quan nào hướng dẫn các cơ sở giáo dục ĐH về cách tính.
Một chuyên gia giáo dục khác cũng nhận định tác động tiêu cực của tự chủ ĐH là dễ dẫn đến tình trạng các cơ sở giáo dục ĐH chỉ chú trọng vấn đề tự chủ tài chính. Áp lực tự chủ khiến một số trường bằng mọi giá thu "phí dịch vụ" cao. Từ đó, học phí chi trả cho trang thiết bị và giảng dạy bị kéo theo, khiến học sinh trở thành nạn nhân của "kinh doanh giáo dục".
GS-TS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, cho rằng vấn đề học phí ĐH hiện nay cần nhìn nhận từ nhiều phía, xã hội cũng phải chung lưng và có trách nhiệm cùng giáo dục. Xã hội muốn nhân lực có chất lượng thì cũng cần có chi phí đào tạo tối thiểu, nếu quá thấp thì khó có thể đảm bảo chất lượng vì lương giảng viên, giáo trình, điều kiện thực tập thực hành...
"Tuy nhiên, nâng học phí trong điều kiện khó khăn hiện nay thì cần có lộ trình phù hợp, có thể chấp nhận lộ trình chậm hơn, năm nay tăng ít, năm sau tăng nhiều để tiến tới làm sao đạt chi phí đào tạo tối thiểu. Từng bước nâng học phí lên cũng là từng bước nâng cao chất lượng, tạo sự dễ dàng hơn cho người học chứ không phải tăng cao lập tức sẽ có chất lượng tốt ngay, đó là sự hy sinh của giáo dục và của xã hội" - GS-TS Quân nói.
Lộ trình tăng thế nào, theo GS-TS Quân, phụ thuộc từng ngành, từng trường và cần sự hướng dẫn của cơ quan quản lý. Và quan trọng nhất là trách nhiệm giải trình xã hội và sự minh bạch trong việc tăng học phí này, vì xét cho cùng, giáo dục là đào tạo con người chứ không phải chạy theo lợi nhuận tối đa để tạo sự dễ dàng cho cơ sở đào tạo mà gây khó cho xã hội.
Các trường phải giải trình rõ cho cơ quan quản lý, cho xã hội thấy được tại sao phải tăng mức đó, kể cả minh bạch về lộ trình.
Hiện nay quy mô đào tạo ĐH cả nước đã rất lớn, Nhà nước không thể bao cấp nhiều mà chỉ hỗ trợ cho một vài nhóm ngành/nghề thôi. Nhưng Nhà nước có thể dùng tín dụng giáo dục để có chính sách cho người học vay với lộ trình, lãi suất phù hợp.
Đồng thời, Nhà nước cũng có thể hỗ trợ nhà trường theo cách đặt hàng các trường đào tạo, đầu tư cho một vài ngành trọng điểm mà Nhà nước muốn trường đó vươn lên trong khu vực và thế giới.
GS-TS TRẦN HỒNG QUÂN
Bộ GD&ĐT kiến nghị giữ nguyên mức học phí năm học 2021-2022
Về vấn đề này, đại diện Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ GD&ĐT) cho biết hiện nay các cơ sở giáo dục công lập thực hiện thu học phí theo quy định tại Nghị định 86. Nghị định này hết hiệu lực vào cuối năm 2020-2021.
Để thay thế nghị định sắp hết hiệu lực, Bộ GD&ĐT đang phối hợp cùng các địa phương soạn thảo quy định mới. Dự thảo quy định mới đang trình Chính phủ thay thế Nghị định 86 cũng yêu cầu cơ sở giáo dục trước khi tuyển sinh hoặc xét tuyển phải công bố, công khai mức thu học phí, chi phí đào tạo cho từng năm học, cấp học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, lộ trình tăng học phí (nếu có) cho từng năm học và dự kiến cho cả khóa học đối với giáo dục ĐH.
Tuy nhiên, tại dự thảo nghị định mới, Bộ GD&ĐT cũng đã báo cáo Chính phủ xem xét cho phép giữ nguyên mức học phí năm học 2021-2022 như năm học 2020-2021 nhằm chia sẻ khó khăn, góp phần giảm gánh nặng về tài chính cũng như nỗi lo tăng học phí cho phụ huynh và học sinh.
Đồng thời, dự thảo nghị định thay thế đã mở rộng các đối tượng được hưởng chế độ chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, bổ sung nhiều chính sách mới để đảm bảo cơ hội tiếp cận giáo dục của tất cả đối tượng yếu thế trong xã hội, tập trung hỗ trợ học sinh vùng sâu, vùng xa, học sinh có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận giáo dục.
Tự chủ học phí: Chất lượng giáo dục phải tương xứng với mức thu Chỉ các trường tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, đạt kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn trong nước mức cao nhất theo quy định hiện hành hoặc đạt kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn nước ngoài thì mới được tự xác định mức thu học phí trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật... Không...