Tiến sĩ trẻ bỏ lương 2 tỷ/năm về VN: Chưa bao giờ tiếc nuối
Trần Vinh Dự là tác giả của bài diễn văn gây chấn động trong lễ tốt nghiệp trường CĐ nghề Việt Mỹ. Ông đã từ bỏ mức lương 2 tỷ đồng/năm tại nước ngoài để về Việt Nam làm việc.
TS Trần Vinh Dự (sinh năm 1977) hiện là Chủ tịch trường CĐ Nghề Việt Mỹ (VATC) và Chủ tịch trung tâm quốc tế của ĐG Broward College (Mỹ) tại Việt Nam. Bài diễn văn của ông nói về ba điều tâm đắc: Thất bại, hữu hạn của cuộc đời, sự thành đạt và hạnh phúc được lan tỏa rộng rãi trong đầu năm 2015, có sức ảnh hưởng lớn đối với thế hệ trẻ.
Cách quản lý cuộc sống quan trọng hơn tiền bạc
- Trong khi người ta nói nhiều về chảy máu chất xám, khi 12/13 nhà vô địch Olympia không về nước, tại sao ông lại lựa chọn Việt Nam? Đã khi nào ông hối hận với quyết định này chưa?
- Câu chuyện chảy máu chất xám đúng là câu chuyện lớn ở Việt Nam. Theo tôi, chuyện chảy máu này cũng không nên nhấn mạnh quá, nhất là trong môi trường mà lực lượng lao động và vốn tự do di chuyển trong thế giới toàn cầu như hiện nay.
Nhìn rộng ra thì một quốc gia cũng nên quan ngại khi các thành phần ưu tú của dân tộc không muốn tìm kiếm cơ hội phát triển tại chính đất nước mình. Đây là vấn đề môi trường kinh doanh, môi trường xã hội, và môi trường chính sách, mà nhà nước chắc chắn phải lưu ý.
TS Trần Vinh Dự – tác giả của bài diễn văn gây sốt.
Riêng tôi thì từ khi sang Mỹ học rồi đi làm, tôi luôn luôn muốn quay về. Câu chuyện quay về của tôi không phải là quyết định bộc phát, mà nó luôn là một phần trong con người tôi.
Tôi chưa bao giờ cảm thấy hối tiếc về quyết định này. Tôi là người Việt Nam, và dù hay hoặc dở thì tôi vẫn muốn được sống, làm việc, trải nghiệm, già đi, và rời khỏi thế giới này với tư cách là người Việt, sống tại đất nước mình, trong nền văn hóa của mình, giữa những người thân và bạn bè của mình.
- Ông đã từng tâm sự trong bài phát biểu: “Khi tôi tốt nghiệp đầu năm 2007, tôi là một trong 3 nghiên cứu sinh được đánh giá cao nhất trong số khoảng gần 20 tiến sĩ Kinh tế tốt nghiệp năm đó của trường. Ngay từ trước khi ra trường, tôi đã có việc làm tại Mỹ với mức lương khởi đầu 6 con số, tức là hơn 100 nghìn USD/năm”. Vậy khi về Việt Nam mức lương hiện tại của ông thế nào?
- Đã từ lâu tôi không còn đi làm thuê nữa, vì thế tôi không còn khái niệm về lương. Về thu nhập có những năm tốt, nhưng đi đầu tư kinh doanh thì cũng có nhiều rủi ro, và tôi cũng đã mất nhiều tiền. Cho đến bây giờ thì cái thu được nhiều nhất đối với tôi là những trải nghiệm rất thú vị và một cuộc sống đúng với ý mình muốn. Còn về tài chính thì tôi chưa bao giờ giàu.
- Đối với ông, tiền bạc chiếm bao nhiêu phần trăm hạnh phúc?
- Có cách nào đo đếm được câu chuyện này không? Nói hạnh phúc mà không cần đến tiền thì có lẽ không đúng. Chúng ta đều cần đến tiền để tồn tại, để chăm lo cho gia đình và nuôi dạy con cái. Thế nhưng nếu vì tiền mà phải sống theo cách mình không muốn, làm việc mà mình không thực sự đam mê, thì cũng khó có thể hạnh phúc được.
Video đang HOT
Tiền bạc, theo tôi, chỉ quan trọng ở mức nó đảm bảo lối sống mà bạn chọn, mà lối sống thì có thể rất tốn kém, hoặc cũng có thể rất tiết kiệm thôi.
Giờ nhìn lại thì tôi đã có những lúc rất nghèo, phải đi dạy gia sư, đi làm thêm, nhưng những lúc đó tôi cũng rất hạnh phúc.
Thế nên tôi cho rằng điều quan trọng là cách quản lý cuộc sống của mình, chứ không phải chuyện tiền nhiều hay ít.
Đáng sợ nhất là sự tuyệt vọng
- Ông là một người dám chấp nhận thất bại. Từng nhắc đến câu chuyện làm giảng viên 400 nghìn đồng/tháng, 6 tháng rải hồ sơ xin việc. Vậy nguyên nhân ở đây do đãi ngộ không tốt hay do ông chưa đủ năng lực?
- Làm giảng viên đại học công lập ở Việt Nam thì bậc lương là do nhà nước quy định và một người mới ra trường khi đó thì chỉ có vậy. Dĩ nhiên là khi đó tôi cũng đi làm thêm nhiều và không phụ thuộc vào lương cứng của trường trả.
Còn chuyện xin việc hoài không được thì đương nhiên là khi đó tôi chưa đủ kinh nghiệm và năng lực làm việc thực tế.
- Những năm học tiến sĩ ông từng túng quẫn nghĩ đến việc tự sát… Ông có thể kể thêm về thời gian khủng hoảng này? Đây có phải là thời gian tồi tệ nhất?
- Có những giai đoạn tồi tệ hơn thế nhiều. Nhưng tại thời điểm đó tôi còn trẻ, và tôi nghĩ rằng nếu không nghiên cứu thành công luận án thì mọi thứ sẽ sụp đổ. Còn sau này thì tôi hiểu là dù mọi chuyện có tệ đến thế nào thì cũng không phải ngày tận tế, vì vậy tôi không còn tuyệt vọng.
Câu chuyện của tôi khi đang làm nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Mỹ cũng là chuyện phổ biến của nhiều du học sinh nước ngoài, khi tương lai của họ dựa vào học bổng. Học bổng thì không kéo dài mãi mà có hạn định và dựa vào thành tích nghiên cứu – học tập. Vì vậy áp lực về thời gian, học tập, nghiên cứu là rất lớn.
Ông Trần Vinh Dự nhận bằng tiến sĩ năm 2007 tại ĐH Texas tại Austin.
- Là một người đã đi qua cả sự thất bại, nếm trải cảm giác thành công, điều gì khiến ông sợ nhất?
- Tôi sợ nhất là mất động lực khi rơi vào trạng thái tuyệt vọng. Nó giống như mình không còn lý do để tiếp tục cố gắng nữa, vì mọi cố gắng đều dường như vô ích. Cảm giác đó thực sự đáng sợ.
- Điều gì làm nên một Trần Vinh Dự riêng, không lẫn với bất kỳ một cá nhân khác?
- Tôi nghĩ chúng ta sinh ra không có ai là giống nhau cả. Mỗi chúng ta đều được tạo hóa cho những nét riêng. Chỉ có điều là trong cuộc sống hàng ngày khi chúng ta lớn lên và trưởng thành, xã hội dạy chúng ta phải theo những lề thói chung của cuộc đời. Nhiều khi chúng ta “học giỏi” quá và đánh mất mình trong cái chung đó.
Vì thế, tôi vẫn tin rằng xã hội nên khuyến khích sự khác biệt, để mọi người có cơ hội phát huy cái riêng của mình, chứ không phải ai cũng vo tròn như những viên bi với hình giáng, màu sắc, và kích thước giống hệt nhau.
Mong muốn tạo nên đột phá mới trong giáo dục
- Từ những bài học về việc làm của chính bản thân mình, ông tạo nên sự khác biệt nào của sinh viên trường CĐ Nghề Việt Mỹ với những sinh viên trường khác về cơ hội có việc làm sau khi ra trường?
- Tôi phải chia sẻ rất thật là cho đến khi đầu tư vào giáo dục tôi mới hiểu sự khó khăn của việc làm giáo dục ở Việt Nam như thế nào. Thực sự đây là “cuộc chiến” khó nhất mà tôi đã từng có cơ hội tham gia.
Nếu các em không tận dụng từng ngày từng giờ khi còn trẻ, còn ngồi trên ghế nhà trường, sau này các em sẽ phải trả giá cao hơn rất nhiều. Tôi cố gắng truyền đạt kinh nghiệm này cho các em, nhưng thực sự không dễ dàng. Nhiều thứ chỉ có cách duy nhất để học là qua trải nghiệm, chứ không phải qua các bài giảng lý thuyết hay các bài phát biểu cảm động.
TS trẻ trong buổi lễ tốt nghiệp sinh viên của trường.
Vì thế, tại trường, tôi quyết tâm chuyển hướng toàn bộ sang việc dạy bằng trải nghiệm. Chúng tôi cố gắng tạo nhiều thách thức thực tế cho các em, đưa ra các tình huống giả lập giống như môi trường thật để các em học, đưa các em tiếp cận và làm việc trong các môi trường làm việc thực tế ở các doanh nghiệp lớn để các em va vấp.
- Tham vọng của ông trong giáo dục? Ông đang thực hiện tham vọng này như thế nào?
- Chúng ta đã nói đến cải cách giáo dục từ rất lâu, nhưng rõ ràng là nguồn lực con người mà chúng ta đào tạo ra còn yếu so với nhu cầu thực tế của thị trường. Đây đang là nút cổ chai lớn nhất cho sự phát triển bền vững của Việt Nam sau này.
- Chúng ta luôn thắc mắc tại sao kinh tế phát triển chậm, không bằng mấy nước láng giềng của mình. Có nhiều lý do, nhưng quan trọng nhất là con người của chúng ta. Nói thẳng ra, chúng ta hay khoe có tố chất tốt, nhưng thực tế chúng ta lười biếng và thiếu sáng tạo.
Mong muốn của chúng tôi là tạo ra một sự đột phá mới trong giáo dục. Muốn như vậy thì phải làm được cả hai yếu tố cùng một lúc – chất lượng thực sự tốt và chi phí thực sự rẻ. Chỉ tốt mà không rẻ thì sẽ chỉ giúp tầng lớp tinh hoa, những người vốn đã có nhiều lợi thế để tận hưởng các môi trường giáo dục tốt nhất ở Việt Nam và nước ngoài, và bỏ qua tầng lớp đại chúng.
Giấc mơ du học từ trước đến giờ vẫn là giấc mơ của những người ưu tú nhất, hoặc giàu nhất, còn chúng tôi muốn biến giấc mơ này thành giấc mơ của bất kỳ học sinh nào có quyết tâm. Và chúng tôi đang làm được như vậy.
TS Trần Vinh Dự hiện là TGĐ của công ty tài chính TNK Capital và cổ đông sáng lập của tập đoàn giáo dục ISmart Education tại TP HCM.
Ông tốt nghiệp cử nhân kinh tế (1999) và làm giảng viên ĐH Kinh tế, thuộc ĐH Quốc Gia Hà Nội (1999-2001).
Ông từng tốt nghiệp thạc sĩ kinh tế (2003) và tiến sĩ kinh tế (2007) tại ĐH Texas tại Austin (University of Texas at Austin).
Quá trình học và nghiên cứu của ông tại đây được tài trợ toàn bộ bởi quỹ học bổng Harvard Yenching, thuộc ĐH Harvard.
Theo Zing
Một mô hình đại học cần hoàn thiện và nhân rộng
Làm việc với Trường ĐH Tôn Đức Thắng, điều mà Thủ tướng ghi nhận và đánh giá cao là trong 17 năm qua, từ một trường đại học thiếu cơ sở vật chất, thiếu tiền, thiếu nhân lực, thiếu tài liệu giảng dạy, trở thành một trường lớn, có cơ sở vật chất hiện đại, có uy tín khoa học và chất lượng đào tạo.
Đặc biệt là thực hiện thành công mô hình tự chủ tài chính. Thủ tướng cho rằng, đây là mô hình cần được hoàn thiện và nhân rộng cho đại học cả nước.
Quan tâm, tạo điều kiện cho nhà trường thực hiện thành công mô hình tự chủ đại học, Thủ tướng kết luận sẽ làm việc với UBND TPHCM để tìm cách cấp thêm đất cho nhà trường nhằm thực hiện kế hoạch thành lập khoa y, khoa dược, xây bệnh viện 1.000 giường, xây thêm ký túc xá cho sinh viên. Thủ tướng cũng ủng hộ việc nhà trường thí điểm thành lập hệ thống trường phổ thông từ lớp 1 đến lớp 12 bên trong trường đại học để đủ thời gian 16 năm đào tạo nhân lực toàn diện, bài bản, có hệ thống.
Thủ tướng đã tin cậy giao cho nhà trường nhiệm vụ hoàn thiện mô hình tự chủ đại học và đó cũng là thách thức rất lớn. Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã đi đúng hướng, đạt được những thành công vượt trội, nhưng để vươn ra được tầm quốc tế, đòi hỏi phải có những đột phá xuất sắc về nghiên cứu khoa học, yếu tố cốt lõi chính là con người, kế đến là cơ sở vật chất.
Hiện nay, trường đã công bố 570 công trình khoa học, 88 công trình đạt chuẩn quốc tế. Đặc biệt là hai công trình nghiên cứu khoa học công nghệ thuộc lĩnh vực thiết bị hỗ trợ y khoa được Cục Sáng chế và Nhãn hiệu thương mại Hoa Kỳ cấp. Nhưng tham vọng khoa học và cạnh tranh quốc tế của nhà trường được đặt ra với mục tiêu cao hơn nhiều. Chứng nhận đại học chuẩn 3 sao quốc tế mà trường vừa được Tổ chức QS Stars trao không phải là chứng nhận cuối cùng. Trường cũng đang đầu tư cho 160 người đi đào tạo tiến sĩ ở các nước tiên tiến để chuẩn bị một lực lượng khoa học hùng hậu cho ngày mai.
Thủ tướng còn quan tâm đến đời sống của người thầy: "Thầy giáo không thể sống bằng không khí, nước lã. Muốn đóng góp cho giáo dục, thầy giáo phải có tiền để sống không chỉ cho mình, mà còn cho con cái học hành. Lương không đủ sống, không thể có thầy giỏi". Theo GS-TS Lê Vinh Danh - Hiệu trưởng ĐH Tôn Đức Thắng - trong vòng 5 năm tới, mức lương của giáo sư chắc chắn đạt 4.000USD/tháng và tiến sĩ 2.000USD/tháng.
Trường ĐH Tôn Đức Thắng sẽ làm gì để hoàn thành nhiệm vụ, xứng đáng với sự tin cậy và ủng hộ của Thủ tướng. Câu hỏi đó đang đặt ra với từng người thầy, từng sinh viên.
Theo Laodong.com.vn
GS Nguyễn Minh Thuyết: Đừng để người không dạy học "chạy" chức danh GS, PGS "GS, PGS là chức danh của nhà giáo ở các cơ sở đào tạo đại học. Vì thế, không nên để những quan chức cả đời không dạy học, không hề gắn bó với cơ sở giáo dục đại học nào "chạy" chức danh GS, PGS". GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng: Điều quan trọng không phải số lượng mà là chất lượng...