Tiến sĩ mắt trước mắt sau là “chạy tháo thân” khỏi các trường cao đẳng sư phạm
Nếu không có chính sách tốt với các trường cao đẳng sư phạm thì tình trạng chảy máu chất xám và nguy cơ giải thể là rất cao.
Theo tinh thần Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, sau năm 2020 giáo viên tiểu học, trung học cơ sở cũng phải đạt trình độ chuẩn là đại học chứ không phải chỉ đạt trình độ trung cấp, cao đẳng như hiện nay.
Và trong dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục hiện hành do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo – Phùng Xuân Nhạ vừa ký cũng đã có đề xuất nâng chuẩn giáo viên tiểu học từ trung cấp lên cao đẳng.
Cụ thể, Dự thảo sửa đổi bổ sung điểm a khoản 1 Điều 77 như sau: “Có bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm đối với giáo viên mầm non, bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm đối với giáo viên tiểu học”.
Lúc này, lãnh đạo nhiều trường cao đẳng sư phạm đang lo lắng không biết các trường sẽ đào tạo ra sao, hay buộc lòng phải giải thể, sáp nhập, hoặc chạy đua nâng cấp vào lúc này?
Tiến sĩ mắt trước mắt sau là “chạy tháo thân” khỏi các trường cao đẳng sư phạm (Ảnh minh họa: Báo Gia Lai)
Mặc dù hiện nay nhiều trường cao đẳng sư phạm đã có đề án nâng cấp thành trường đại học địa phương để đón đầu sự thay đổi bước ngoặt phía trước tuy nhiên, thực tế, việc nâng cấp trường cao đẳng lên đại học cũng không hề đơn giản.
Bởi lẽ, khi từ năm 2014 Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo hạn chế tối đa việc thành lập, cho phép thành lập thêm các trường đại học, cao đẳng; trừ những trường đào tạo các ngành công nghệ phục vụ sản xuất và những ngành cần được ưu tiên.
Trước đó, năm 2013, tại quyết định về việc điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2006-2020, Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh “ hạn chế việc nâng cấp các cơ sở hiện có“.
Theo nhiều đại biểu đến từ các Sở Giáo dục và Đào tạo 11 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc tại hội thảo góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục diễn ra tại Thái Nguyên vừa qua đều cho rằng:
Hiện nay, trình độ giáo viên tiểu học đã vượt xa nhiều so với quy định của Luật Giáo dục trước đây nên việc nâng chuẩn là hợp lý, tiến tới phù hợp với thông lệ quốc tế, vì nhiều nước còn đòi hỏi giáo viên phải có trình độ thạc sĩ.
Nếu theo thông tin mà Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – nguyên Vụ phó vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cung cấp tại hội thảo do Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức thì quy mô đào tạo sư phạm hàng năm ở Việt Nam là từ 22.500 – 23.000 sinh viên đại học sư phạm chính quy và từ 24.500 – 26.000 sinh viên cao đẳng sư phạm chính quy.
Video đang HOT
Trong khi đó, các trường cao đẳng sư phạm cho biết đang chật vật để tồn tại vì đối mặt với quá nhiều khó khăn đặc biệt là nguồn tuyển.
Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, lãnh đạo trường Cao đẳng sư phạm Đắc Lắk cho hay, mấy năm gần đây, một số ngành học không có hoặc có rất ít sinh viên đăng ký vào học.
Riêng mùa tuyển sinh năm 2017, chỉ tiêu của Nhà trường là 1000 nhưng chỉ tuyển được 450 chỉ tiêu chủ yếu cho 2 ngành: giáo dục mầm non và giáo dục tiểu học còn những ngành đào tạo hiện nay không tuyển sinh được (Sư phạm Văn, Sử, Địa, Vật lý, Hóa, Tin học, Nhạc, Họa…)
Được biết, ngoài đào tạo giáo viên thì các trường cao đẳng sư phạm còn có nhiệm vụ bồi dưỡng giáo viên do Sở Giáo dục và Đào tạo giao.
Tuy nhiên mãi đến năm 2017, Cao đẳng sư phạm Đắc Lắk mới được đưa về Sở Giáo dục và Đào tạo (trước đó trường trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Đắc Lắk) nên trường còn gặp nhiều khó khăn.
Vị này thông tin thêm, hiện Sở Giáo dục và Đào tạo có giao cho trường nhiệm vụ bồi dưỡng giáo viên và bồi dưỡng đội ngũ quản lý tuy nhiên còn nhiều bất cập.
Bởi danh sách giáo viên được bồi dưỡng thì do các Phòng Giáo dục và Đào tạo lập, nếu được Ủy ban nhân dân cấp huyện đồng ý tổ chức lớp học thì trường mới có dịp bồi dưỡng.
Muốn làm được như vậy thì đội ngũ giáo viên thậm chí ban giám hiệu nhà trường phải về “tiếp thị” trực tiếp tới các huyện. Do đó, nếu huyện không cấp kinh phí thì thực sự, để giáo viên tự đi học là rất khó.
Ngoài ra, ngay sau khi Thông tư 21, 22, 23 về nâng hạng giáo viên có hiệu lực thì đội ngũ giáo viên là đối tượng cần bồi dưỡng là khá lớn tuy nhiên Bộ chỉ giao 15 cơ sở được phép bồi dưỡng và cấp chứng chỉ bồi dưỡng nâng hạng.
Với đội ngũ giáo viên có trình độ thạc sĩ trở lên khá nhiều nên lãnh đạo trường Cao đẳng sư phạm Đắc Lắk kiến nghị, Bộ nên cho phép các trường cao đẳng sư phạm được tham gia bồi dưỡng đội ngũ này.
Cũng theo lãnh đạo trường Cao đẳng sư phạm Đắc Lắk thông tin, sinh viên học trường cao đẳng sư phạm ở tỉnh rất khó tìm kiếm việc làm do hàng năm Sở Nội vụ tuyển dụng thì các thí sinh tốt nghiệp đại học bao giờ cũng được ưu tiên hơn.
Do đó, vị này đề xuất, cần có cơ chế đối với các trường cao đẳng địa phương để tỉnh có ưu tiên đối với sinh viên khi tốt nghiệp.
Ngoài ra nỗi khó của các trường cao đẳng sư phạm còn là tình trạng chảy máu chất xám. Nhiều giảng viên được đào tạo có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ nhưng không có việc làm (do ít sinh viên), không an tâm với công việc nên chuyển đi trường khác, tỉnh khác…
Thông tin với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Đặng Lộc Thọ – Hiệu trưởng trường Cao đẳng sư phạm Trung ương (Hà Nội) cho hay, các tiến sĩ mắt trước mắt sau là “chạy” ra khỏi trường hết rồi.
“Không phải vì các thầy cô không có tình cảm với trường, không muốn gắn bó với trường nhưng vì họ thấy định hướng của các trường cao đẳng sư phạm còn quá chông chênh, không an tâm nên nhiều thầy cô chọn giải pháp an toàn đó là về công tác tại các trường đại học”, ông Lộc chia sẻ.
Và theo ông Lộc thông tin, ngay tại trường Cao đẳng sư phạm Trung ương (Hà Nội) phấn đấu mãi mới được 20 tiến sĩ nhưng chỉ trong vòng hơn 1 năm qua đã có 5 tiến sĩ xin chuyển công tác.
Vậy là, trường cao đẳng vừa mất công xây dựng đội ngũ, đầu tư lớn nhưng vì không có định hướng sử dụng đội ngũ đó nên có muốn giữ họ cũng không giữ được.
Theo GDVN
Làm sao để giáo viên ở Thành phố Hồ Chí Minh có thể sống bằng lương?
Nhiều thầy cô giáo tham dự buổi gặp gỡ đã có cùng chung câu hỏi rằng, làm sao để giáo viên Thành phố Hồ Chí Minh có thể sống bằng lương?
Ngày 17/11, kỷ niệm 35 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Thành ủy và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức buổi gặp gỡ với 300 nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu qua các thời kỳ trên địa bàn thành phố.
90% học sinh tiểu học của thành phố học tiếng Anh ngay từ lớp 1
Tại buổi gặp gỡ,Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố - ông Lê Hồng Sơn cho biết, trong thời gian vừa qua, ngành giáo dục của thành phố đã tăng cường công tác giáo dục toàn diện học sinh, sinh viên, đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp dạy học, kiểm tra và đánh giá ở tất cả các cấp học.
Trong năm học vừa qua, thành phố đã có hơn 4.200 học sinh giỏi cấp thành phố, 435 học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp quốc gia, 1 học sinh đạt huy chương Bạc kỳ thi Olympic Tin học Châu Á - Thái Bình Dương.
Tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông của thành phố trong năm vừa qua đạt hơn 98%, cao hơn khoảng 6% so với năm học trước nữa.
Buổi gặp gỡ của lãnh đạo thành phố với 300 nhà giáo tiêu biểu vào ngày 17/11 (ảnh: P.L)
Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã triển khai hiệu quả Đề án phổ cập, nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông, chuyên nghiệp của thành phố. Cho đến nay, khoảng 90% học sinh tiểu học của thành phố đã được học tiếng Anh ngay từ lớp 1.
Hiện thành phố có 3 trường trung học phổ thông hoạt động theo mô hình trường tiên tiến, hiện đại, hội nhập với khu vực. Có 14 dự án đã hoàn thành, đưa vào sử dụng các trường mầm non phục vụ con các công nhân đang làm việc tại các khu chế xuất, khu công nghiệp.
Làm sao để nhà giáo sống được bằng đồng lương?
Phát biểu ý kiến tại buổi gặp gỡ, rất nhiều ý kiến của các đại biểu là các nhà giáo lão thành, nhà quản lý giáo dục cũng như các giáo viên đặt ra vấn đề: Làm sao để các nhà giáo sống được bằng đồng lương?
Tiến sĩ Huỳnh Công Minh - nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố cho rằng, muốn cho giáo dục phát triển được bền vững, cần có chế độ, chính sách lương hợp lý cho đội ngũ giáo viên.
Theo thầy Huỳnh Công Minh, giáo viên không thể nào toàn tâm, toàn ý đóng góp được cho nghềm khi mà đứng trên bục giảng bài, nhưng đầu óc thì phải lo nghĩ đến nhiều chuyện khác, luôn tất bật với cuộc sống hàng ngày, do thu nhập còn nhiều hạn chế.
Thạc sĩ Phan Văn Quang - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tân Bình nêu ý kiến (Ảnh: P.L)
Giống với quan điểm này, Tiến sĩ Hồ Thiệu Hùng - nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố nói, tương lai của một quốc gia phụ thuộc vào sự quan tâm của Nhà nước dành cho ngành giáo dục, còn tương lai của nền giáo dục thể hiện qua sự đối xử với các nhà giáo.
Một vấn đề bất cập, mà Thạc sĩ Phan Văn Quang - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tân Bình nêu lên tại buổi gặp gỡ, đó là việc trả lương theo bậc học, không tương xứng với năng lực và trình độ đào tạo của giáo viên.
"Đó là chưa tính tới chuyện nếu giáo viên giỏi, được chuyển về làm quản lý tại Phòng, Sở thì bị cắt hết phụ cấp, gây thiệt thòi cho người thầy cô giáo" - Thạc sĩ Phan Văn Quang chia sẻ.
Việc trung ương đang bàn cơ chế tự chủ cho Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Giáo sư Võ Văn Sen - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn nêu, đây chính là cơ hội giúp thành phố có thể thực hiện chế độ cải cách tiền lương, giúp giáo viên thực hiện được ước mơ là sống bằng nghề.
Kết luận buổi gặp gỡ, Phó Bí thư thường trực Thành ủy thành phố - ông Tất Thành Cang thừa nhận: Giáo dục của thành phố đang đứng trước rất nhiều thử thách, do dân số cơ học không ngừng tăng cao, kinh phí dành cho ngành còn nhiều hạn chế, cơ chế đầu tư chưa thực sự tối ưu, chế độ tiền lương không thu hút...
Lãnh đạo thành phố sẽ tiếp thu hết tất cả các ý kiến đóng góp tại buổi gặp gỡ này, nhằm sớm nghiên cứu những chính sách tháo gỡ, động viên cả về tinh thần lẫn vật chất đối với đội ngũ nhà giáo, giúp các thầy cô yên tâm công tác, cống hiến cho sự nghiệp "trồng người".
Theo GDVN
Nỗi thống khổ của các trường cao đẳng sư phạm Nếu tỉnh giao cho các trường cao đẳng sư phạm bồi dưỡng giáo viên từ mầm non đến trung học cơ sở thì ai là người đưa họ đến bồi dưỡng? Kinh phí lấy ở đâu?... Tại Hội nghị Tổng kết năm học 2016-2017 và phương hướng, nhiệm vụ năm học 2017-2018 các cơ sở giáo dục đại học, các trường Sư phạm...