Tiến sĩ ĐH Oxford: “Học từ nhà mùa dịch là trải nghiệm quý báu còn mãi”
Anh Vũ Quốc Huy, Tiến sĩ Đại học Oxford (Anh Quốc) hiện đang sinh sống và làm việc tại London chia sẻ cách nhà trường và phụ huynh Anh phối hợp giúp trẻ học tại nhà hiệu quả trong đại dịch Covid-19.
PV Dân trí có cuộc trao đổi với TS Vũ Quốc Huy, tốt nghiệp Tiến sĩ Đại học Oxford năm 2012, hiện đang sinh sống, làm việc ở London (phụ trách dạy học Khoa học qua mạng) về việc học của học sinh tại Anh và cách anh, trong vai trò một phụ huynh hỗ trợ nâng cao chất lượng việc tự học, học từ nhà cho con mình trong giai đoạn cách ly xã hội.
PV: - Chào TS Quốc Huy, anh có thể chia sẻ một chút về cuộc sống của anh và gia đình ở London hiện tại? Tình hình kiểm soát dịch bệnh ở khu vực anh đang sống?
TS Vũ Quốc Huy: Ngày 18/3, Thủ tướng Anh Boris Johnson thông báo quyết định đóng cửa tất cả các trường học trên toàn quốc kể từ ngày 20/03, đồng thời yêu cầu chính phủ chuẩn bị một kế hoạch phong tỏa thủ đô London, trong đó có việc đóng cửa các trạm metro, hạn chế các phương tiện chuyên chở công cộng, đóng cửa một số doanh nghiệp, hạn chế đi lại và tụ tập.
Cuộc sống gia đình tôi và bạn bè ở Anh (trừ một số người làm ngành Y hoặc kinh doanh thực phẩm) hiện tại hầu như bó gọn trong bốn bức tường. Người lớn thì làm việc từ nhà và trẻ em thì học qua mạng.
Trung tâm London những ngày cách ly vắng vẻ trong khi ngày thường luôn đông nghịt khách du lich và kẹt xe.
Nước Anh là một trong những tâm dịch ở châu Âu, với lệnh phong toả thủ đô London và đóng cửa tất cả trường học, việc học online cho học sinh Anh được Chính phủ và ngành giáo dục nước sở tại thực hiện ra sao, thưa tiến sĩ?
Hôm nay vừa tròn hai tuần nước Anh đóng cửa các trường học do đại dịch Covid-19, cũng là hai tuần các bạn học online với sự giáo dục của nhà trường.
Điều ngạc nhiên nhất là nhà trường ở Anh chỉ nhận được thông báo đóng cửa trước vài ngày mà đã chuẩn bị đầy đủ mọi mặt từ ngày học online đầu tiên. Nhờ có sự chu đáo của nhà trường mà các phụ huynh vẫn có thể vừa trông con vừa làm việc từ nhà.
Con gái TS Vũ Quốc Huy đang học tại từ nhà, tương tác với giáo viên qua phần mềm trực tuyến được cài trong điện thoại.
Là một bậc phụ huynh sinh sống tại Anh, Tiến sĩ có thể chia sẻ về việc học từ xa của con mình và cách quốc gia này chuẩn bị cho việc thay đổi môi trường học tập của học sinh?
Thứ nhất là mặt sử dụng công nghệ. Mỗi em học sinh sẽ có một account (tài khoản) cho Microsoft Office bao gồm tất cả các ứng dụng văn phòng và hữu ích nhất là phần mềm Teams.
Qua ứng dụng Teams các học sinh nhận bài/nộp bài hàng ngày cũng như giao tiếp với bạn học và thầy cô. Các thầy cô làm các clip hướng dẫn dễ hiểu tới mức em nhỏ 6 tuổi cũng có thể tự vào tải tài liệu, làm bài và nộp cho thầy.
Chứng kiến các con đang học tiểu học mà sử dụng ứng dụng giống hệt bố mẹ đang dùng ở công ty, chợt thấy khoảng cách thế hệ thực ra không tồn tại khi nói về công nghệ.
Ngoài ra các em học sinh còn có rất nhiều account đến các trang web, phần mềm học tập khác. Thầy cô đều có account giáo viên để quản lý thêm việc học của các em và biết cụ thể học sinh nào yếu phần nào để hỗ trợ.
Thứ hai là sự chuẩn bị tài liệu và bài học của các trường. Nước Anh không hề có quy định về sách giáo khoa mà chỉ có hướng dẫn về nội dung cần giảng dạy và các trường tự chuẩn bị tài liệu. Tuy mỗi trường đều chuẩn bị tài liệu riêng cho học sinh của trường đó, nhưng nội dung đều rất chi tiết tới từng 15 phút cho mỗi ngày học.
Video đang HOT
Hơn nữa ngay từ khi biết có nguy cơ sẽ phải đóng cửa trường học do đại dịch, các trường đã chuẩn bị sẵn mọi thứ cho 3 ngày học online đầu tiên.
Do vậy khi Thủ tướng Anh thông báo các trường sẽ đóng cửa vào thứ 4 ngày 18/3, thì thứ 6 các trường đã cho học sinh account và hướng dẫn các em cách học online từ thứ 2 ngày 23/3.
Trong 3 ngày đầu tiên học online với tài liệu đã chuẩn bị từ trước, các thầy cô tiếp tục chuẩn bị tài liệu và nội dung từng ngày tiếp theo cho đến hết tuần sau.
Công viên Hyde park và Richmond nơi trước đây luôn đông đúc nhưng bây giờ vắng tanh vì dịch bệnh…
Điều gì khiến anh ấn tượng nhất khi chứng kiến trải nghiệm việc học từ nhà của con mình?
Mỗi ngày học có nội dung khác nhau để các em đủ kiến thức và không bị nhàm chán, nhưng đều có chung một yêu cầu là 60 phút thể dục qua mạng.
Ngoài giờ thể dục ra các em cứ theo các nội dung từng bài của ngày học và nộp bài từng môn cho thầy cô. Nếu có câu hỏi gì các em chụp ảnh và gửi lên Teams thảo luận cùng bạn bè và thầy cô.
Nhìn các bé cấp tiểu học tự học bài, rồi trao đổi bài học với nhau, khen động viên nhau online mà bậc phụ huynh như tôi cũng thấy xúc động. Có một clip thầy giáo bảo đây là kinh nghiệm đầu tiên với tất cả thầy trò chúng ta, nhưng khi tất cả đã qua, những trải nghiệm quý báu này sẽ còn mãi.
Trong một giây không nghĩ đến sự tàn phá của đại dịch, tôi tin rằng những trải nghiệm của trẻ em lớn lên trong giai đoạn này thật đặc biệt, như được ở bên bố mẹ 24h mỗi ngày, được rèn luyện kỹ năng tự học và sử dụng kỹ thuật số.
Để con làm quen và thích nghi nhanh với việc học tại nhà, gia đình có hỗ trợ, hướng dẫn các con không? Vợ chồng anh làm sao để phát triển khả năng tự học tại nhà của con?
Để con làm quen nhanh với việc học online tại nhà thì vợ chồng tôi có giúp hai bé một hai lần đầu tiên trong việc tải tài liệu, in ra và chụp hình để nộp bài cho thầy cô. Sau đó, các bé đều tự biết làm và bố mẹ chủ yếu quản lý về giờ giấc học theo thời gian biểu của nhà trường.
Do vợ chồng tôi đều làm việc liên quan đến giáo dục và dạy học qua mạng từ Anh cho học sinh ở Việt Nam và các nước, nên các con đã quen với khái niệm học online. Đến những môn khó dạy online như Piano mà bạn 6 tuổi (trong ảnh) cũng có thể học online.
Để trẻ em giúp trẻ thích nghi với việc học cùng giáo viên qua mạng, tốt nhất nên cho các em làm quen từ sớm, nên bây giờ là một dịp để các trường công ở Việt Nam triển khai (tôi được biết một số trường tư đã triển khai).
Báo ở Anh đăng hai con gái của TS Huy (Emily và Emia) lập trình cho bảng điện tử.
Cảm nhận, chia sẻ trực tiếp của các con gái anh về việc nghỉ học ở trường và được học từ nhà?
Tuy không thích bằng học ở trường, nhưng các con rất thích học và được gặp gỡ bạn bè, thầy cô qua mạng và các hoạt đọng ngoại khóa. Để không bị cách ly về mặt tinh thần, tất cả các mối giao tiếp của bố mẹ và con cái cũng đều chuyển qua online.
Con cái mỗi ngày được video call với bạn bè khoảng 30-60 phút, nơi các em bàn về học hành cùng chơi với nhau những trò tương tự như Đuổi hình bắt chữ, Biểu diễn và đoán đồ vật hoặc con vật,…
Hai con gái của anh Huy xe tập thể dục trên Hammersmith ở London không bóng người.
Không ít trẻ tỏ ra không vui vẻ, thoái mái vì đã quen với việc đến lớp, đi học, gặp gỡ vui đùa cùng bạn bè… Trường hợp nhà mình, anh làm sao để khiến trẻ thích nghi với việc thay đổi môi trường học tập một cách đột ngột vì dịch bệnh?
Để thích nghi với cuộc sống cách ly tại nhà, gia đình tôi cố gắng giữ tâm lý lạc quan và thực hiện thật nhiều hoạt động thể dục thể thao, giải trí cùng gia đình.
Nếu trời nắng thì lý tưởng để chơi đá bóng, cầu lông cùng con ở ngoài sân (ảnh đính kèm). Nếu trời mưa thì tự an ủi rằng đằng nào cũng đang tự cách ly rồi lấy các board game và các loại cờ ra để cả nhà chơi cùng nhau.
Một số board game tôi hay chơi cùng con là: Monopoly (rất lâu nên ít khi kết thúc toàn bộ được), Snakes and Ladders (phù hợp với các bạn bé), Bananagrams, Scrabble (rất hữu ích cho trẻ tăng vốn từ), Charades For Kids (rất hay cho mọi lứa tuổi), Guess Who, Cờ vua, cờ cá ngựa, Rummikub, Dobble, 21 (giúp trẻ cộng nhanh và tư duy), Scythe,…
Không ít phụ huynh trên thế giới trong mùa đại dịch cũng cảm thấy lo lắng vì một bộ phận không nhỏ học sinh sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực vì nghỉ dài ngày do Covid-19 (thay đổi thời gian biểu, lười học, ăn vặt, ngủ nướng nhiều, lạm dụng đồ chơi/ thiết bị điện tử…). Anh suy nghĩ thế nào và có giải pháp gì giúp con duy trì nếp sống lành mạnh như trước đây?
Tranh thủ dịp cách ly có nhiều thời gian cùng con cái, chúng tôi dạy cho con một môn học gì mới, ví dụ như một ngoại ngữ, một nhạc cụ, hội họa, lập trình.
TS Vũ Quốc Huy cùng con gái ngày con được giấy khen ở trường.
Vì tôi chuyên ngành lập trình nên tôi đã dạy cho hai bé nhà tôi và một số bé khác hiện sống ở Việt Nam lập trình phần mềm và phần cứng.
Xin cảm ơn Tiến sĩ đã chia sẻ thông tin!
Lệ Thu (Thực hiện)
Trường nghề gặp khó trong đào tạo trực tuyến
Do dịch Covid-19 khiến các trường nghề gặp khó trong đào tạo nhất là với đặc thù 80% là thực hành.
Việc nghỉ học dài ngày do dịch Covid-19 khiến tất cả các trường học phải tính chuyện dạy học trực tuyến. Đối với các trường nghề, với đặc thù 80% là thực hành thì việc ứng dụng phần mềm học trực tuyến đáp ứng yêu cầu là không dễ dàng. Hiện nay, hầu hết các trường nghề phải sử dụng phần mềm miễn phí sẵn có, chỉ có thể áp dụng học lý thuyết. Làm thế nào để các trường nghề giảng dạy online, đáp ứng được yêu cầu dạy và học.
Cô giáo Võ Thị Hường đang dạy học trực tuyến trên E-Learning.
9h sáng nay, cô Võ Thị Hường, giáo viên bộ môn công nghệ thông tin, Trường Cao đẳng cơ điện Hà Nội chuẩn bị sẵn giáo án cho buổi học online đầu tiên với học sinh. Việc đầu tiên là điểm danh sinh viên vào lớp học, kiểm tra vở ghi bài, giảng bài và tương tác với sinh viên như tại lớp học trực tiếp. Cô Võ Thị Hường cho biết, công nghệ đào tạo trực tuyến E-Learning, giúp giảng viên có thể thiết kế bài giảng tăng tính tương tác dành cho sinh viên.
"Với trường nghề thì chúng ta vẫn có thể thực hiện thực hành. Ví dụ như với khoa học công nghệ thông tin thì chúng tôi vẫn có thể thực hành trên máy và giáo viên sinh viên vẫn có thể thực hiện nguyên tắc và làm bài trên máy và tôi vẫn có thể kiểm tra bài của sinh viên với các nghề liên quan đến thực hiện trực tiếp. Chúng ta vẫn có các thiết kế có thể trực tiếp thực hiện cho giáo viên xem và có thể thực hành. Sinh viên có thể được giao các bài tập khi sinh viên đang ở nhà có thể vẫn có thể thực hiện được", cô Hường cho biết thêm.
Sinh viên có thể tham gia học trực tuyến tại nhà hoặc nơi có mạng internet ổn định.
Mới đây, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) có công văn hướng dẫn các trường nghề triển khai chương trình đào tạo trực tuyến. Theo đó, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp khuyến khích các trường đầu tư, xây dựng hệ thống đào tạo trực tuyến chuyên nghiệp bao gồm việc học tập trực tuyến, hệ thống quản lý học tập trực tuyến, hệ thống quản lý nội dung học tập bằng các giải pháp công nghệ phục vụ cho cả mục tiêu đào tạo trước mắt và lâu dài.
Tuy nhiên, không phải trường nghề nào cũng có thể xây dựng phần mềm trực tuyến đáp ứng được nhu cầu dạy và học của giáo viên và sinh viên của trường, nhiều trường nghề phải sử dụng phần mềm miễn phí để áp dụng giảng dạy online và gặp nhiều khó khăn bởi không phải sinh viên nào cũng có điều kiện học online và chưa ý thức tự giác khi tham gia học trực tuyến. Nhiều sinh viên ở vùng sâu vùng xa, mạng internet không ổn định, thiết bị học tập như máy tính, điện thoại chưa đáp ứng được yêu cầu.
Ông Phạm Xuân Khánh - Hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề công nghệ cao Hà Nội chia sẻ: "Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 như vậy thì nhà trường buộc phải áp dụng hình thức học trực tuyến, mặc dù tương đối khó khăn trong việc kiểm soát chất lượng và kiểm soát công tác tổ chức đào tạo. Hiện tại chúng tôi chưa có công cụ chuyên nghiệp để xây dựng các bài giảng online, chưa có các phòng studio và hệ thống mạng chưa đủ hiện đại. Chúng tôi cũng cần phải xây dựng quy chế, chế độ cho giáo viên về vấn đề công nhận kết quả học tập trực tuyến, trách nhiệm của giáo viên và học sinh, sinh viên, làm thế nào để đảm bảo tiến độ và chất lượng đào tạo".
Sinh viên có thể thực hành trên máy thật khi quay trở lại trường học sau khi hết dịch covid-19.
Có thể thấy, những trường nghề có khả năng đáp ứng yêu cầu đào tạo nghề trực tuyến không nhiều. Ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Cao đẳng cơ điện Hà Nội cho biết, nhà trường đã có 3 năm nghiên cứu xây dựng hệ thống học trực tuyến E-learning vào giảng dạy và quản trị số trong dạy và học.
Do dịch Covid 19, tiến độ xây dựng được đẩy nhanh hơn và áp dụng ngay khi Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp yêu cầu các trường nghề xây dựng phần mềm dạy và học trực tuyến. Đây là phần mềm dành riêng cho sinh viên trường nghề, không chỉ quản lý, kết nối với cán bộ, giảng viên, học sinh, sinh viên, E-Learning còn kết nối được với giảng viên giỏi trên toàn thế giới, tiếp cận và đào tạo sinh viên ở bất kỳ nơi nào, bất kỳ không gian, thời gian nào.
Phần mềm này là giải pháp công nghệ có tính mở và đang sử dụng thông dụng trên thế giới, được thiết lập như một nhà trường có hệ thống quản trị từ Ban giám hiệu đến các phòng khoa, các thầy, cô giáo đến lớp học và các sinh viên. Tất cả các khâu các chuỗi này được số hóa và quản trị.
Ông Đồng Văn Ngọc nói: "Có thể nói đến giờ phút này, nhà trường đào tạo không biên giới. Đối với đào tạo trực tuyến, trường chúng tôi đào tạo ở 3 nội dung, đó là tất cả các môn học chung như chính trị, pháp luật, những môn học cơ bản của các nghề, tiếng Anh, tin học, chúng tôi áp dụng lý thuyết hoàn toàn học E-learning. Những phần học lý thuyết của những nghề mà 80% là thực hành, 20% là lý thuyết thì lý thuyết đó chúng tôi đào tạo bằng E-learning. Kết thục mùa dịch này, khi sinh viên quay trở lại, chúng tôi sẽ tổ chức kiểm tra, đánh giá, nếu em nào học sót buổi nào, chúng tôi sẽ đào tạo miễn phí".
Quá trình hợp tác xây dựng phần mềm, điều khó nhất đối với trường nghề là xây dựng phần mềm trực tuyến phù hợp với từng bài giảng, số hóa công nghệ những môn thực hành qua thực tế ảo 3D như một hệ thống máy học tập bình thường hình thái mô phỏng, sinh viên có thể thao tác rất chuyên nghiệp về mặt quy trình chọn từng cái cờ lê mỏ lết đúng với kích thước, tiết giảm được thời gian về nguy cơ rủi ro cho sinh viên.
"Cách thực hành thì tùy từng môn, những môn như công nghệ thông tin thì chúng ta có thể đưa lên được bài giảng online được nhưng những môn như công nghệ ô tô thì chúng ta chỉ sử dụng công nghệ hỗ trợ về soạn thảo các bài giảng dạy tương tác 3D, giúp sinh viên mô phỏng toàn bộ quá trình làm việc từ việc họ đấu sai điện bị chập cháy thì cũng có thể thực hiện được nên khi sinh viên chọn không đúng một cờ lê mỏ lết thì không làm được, giúp sinh viên thành thạo về mặt thao tác khi xuống phòng thực hành thì giảm thiểu được rủi ro hỏng máy của phòng thực hành của thầy cô", ông Ngọc cho hay.
Thực tế cho thấy, mỗi trường nghề đều cần có phần mềm học trực tuyến phù hợp với đặc thù riêng của từng trường và không phải trường nào cũng có khả năng xây dựng hệ thống đào tạo trực tuyến chuyên nghiệp. Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cũng đề nghị các trường khẩn trương xây dựng, tổ chức đào tạo trực tuyến với những nội dung, môn học chung; nội dung, môn học lý thuyết bằng việc khai thác, ứng dụng triệt để các chương trình, ứng dụng hiện có trên Internet./.
Kim Thanh
Đắk Lắk: Gần 30 vạn học sinh sử dụng phần mềm học trực tuyến Đến thời điểm này đã có gần 30 vạn học sinh các cấp ở Đắk Lắk tiếp cận phần mềm học trực tuyến để ôn tập, nắm bài vở trong kỳ nghỉ dịch COVID-19. Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh này, con số trên chắn chắn sẽ còn tăng lên trong thời gian đến... Ngày 29.3, ông Phạm Đăng Khoa -...