Tỉ phú Peter Thiel cho tiền để sinh viên …bỏ học
Nhà tỷ phú tin rằng trường đại học là nơi làm xói mòn ý chí sáng tạo và dám chấp nhận thử thách của sinh viên
Đây là chương trình độc đáo được Peter Thiel khởi động từ năm 2011. Hàng năm, sẽ có 20 sinh viên tài năng nhưng không thỏa mãn với những gì được dạy tại trường đại học nhận được suất học bổng 100.000 USD, cho phép các em tham gia chương trình hướng đạo khởi nghiệp. Peter mong rằng với sự hỗ trợ của mình, thế giới sẽ có thêm nhiều Mark Zuckerberg hay Bill Gates, bởi anh cho rằng trường đại học là nơi làm xói mòn ý chí sáng tạo và dám chấp nhận thử thách của sinh viên – không kể đến việc đặt lên vai các em một khoản nợ khổng lồ sau khi tốt nghiệp.
Tỷ phú Peter Thiel, người sáng lập tổ chức Thiel chuyên hướng đạo và hỗ trợ sinh viên tài năng khởi nghiệp.
Xem ra, hỗ trợ của Thiel thực sự mang lại ý nghĩa cho các bạn sinh viên và tạo ra giá trị cho xã hội. Theo thống kê, 80 sinh viên từng tham gia chương trình này trong các năm trước đã huy động được tổng giá trị đầu tư lên đến 142 triệu USD và tạo ra doanh thu ít nhất 41 triệu USD.
Năm nay, Tổ chức Thiel đem đến cơ hội cho 20 em sinh viên đến từ nhiều ngành học khác nhau (không riêng gì Công nghệ thông tin), bao gồm cả Dinh dưỡng thực phẩm, Di truyền học và Chống gian lận. Nhiều em đã có những phát kiến mới, mở ra khả năng phát triển các loại hình sản phẩm, dịch vụ mới. Ví dụ cô gái Olenka Polak 21 tuổi là đồng sáng lập MyLINGO, một ứng dụng di động miễn phí cho phép người dùng xem các bộ phim Hollywoods chiếu ngoài rạp với nhiều lựa chọn ngôn ngữ khác nhau, sử dụng phần mềm nhận diện âm thanh để tiến hành đồng bộ hóa hệ âm một cách hoàn hảo.
Bên cạnh đó, có thể kể đến chàng trai trẻ 22 tuổi Harry Gandhi đến từ bang Ontario, CEO của một startup non trẻ chuyên thiết kế các sản phẩm kính áp tròng thông minh giúp ghi nhận các thông số về sức khỏe. Kế hoạch bước đầu của Gandhi là phát triển tròng mắt cho bệnh nhân tiểu đường, giúp theo dõi tình hình tiến triển của bệnh. Tuy thế, giấc mơ của cậu sinh viên là xây dựng một hệ thống chăm sóc sức khỏe hoàn toàn chủ động, có khả năng nhận diện và thực hiện điều trị cho bệnh nhân trước khi các triệu chứng bệnh phát tiết.
Harry Gandhi với dự án kính áp tròng thông minh.
Theo Giám đốc điều hành chương trình là Jack Abraham, nhu cầu cho những chương trình như thế này “thực sự bùng nổ”. Ông cũng cho biết tỉ lệ “chọi” cho học bổng Thiel cực cao, thậm chí cao hơn nhiều so với mức cạnh tranh vào nhiều trường ĐH hàng đầu của nước Mỹ (để chọn ra 20 sinh viên cho chương trình năm nay, ban tổ chức đã phải vất vả sàng lọc trong 2800 hồ sơ gửi đến).
“Các bạn trẻ đừng đợi đến khi tốt nghiệp mới bắt tay thực hiện giấc mơ của mình.” Abraham đưa ra lời khuyên và khẳng định “các bạn sinh viên trúng chương trình của chúng tôi còn học được nhiều hơn những gì các bạn được dạy ở trường.”
Eden Full, người từng rời bỏ ĐH Princeton để tham gia chương trình này, được xem là “ngôi sao” của Peter Thiel. Cô gái trẻ đã thành lập công ty riêng SunSaluter, chuyên sản xuất các thiết bị cung cấp giải pháp năng lượng mặt trời và xử lý nước sạch giá rẻ cho người dân thuộc 15 quốc gia đang phát triển trên thế giới. Thế nhưng, cũng đã có những người bỏ cuộc giữa chừng vì không chịu được áp lực của việc “bơi ngược dòng”.
Theo Yeah1