Tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT sẽ cao
(PL)- Dự báo điểm chuẩn vào các trường ĐH cũng sẽ cao hơn năm ngoái.
Chiều 9-7, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, PGS-TS Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH-CĐ Việt Nam, nhận định với kết quả chấm thi vòng 1 của các trường mấy ngày qua thì năm nay tỉ lệ thí sinh đỗ tốt nghiệp THPT chắc chắn sẽ cao hơn hoặc chí ít cũng tương đương năm ngoái. Tỉ lệ đỗ tốt nghiệp ở cụm thi do địa phương chủ trì cũng sẽ cao hơn cụm thi do ĐH chủ trì. “Đây là nhận định ban đầu của tôi, còn kết quả cụ thể thế nào chúng ta nên chờ đợi” – ông Nhĩ nói.
Theo ông Nhĩ, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT cao quá sẽ không phản ánh tính trung thực của kỳ thi. Cụ thể, đỗ đến 98%-99% thì kỳ thi không thể thực chất được. “Chúng ta tưởng tượng như cái sàng gạo, nếu chỉ giữ lại có vài hạt thóc thì nhặt ra cho đỡ mất công, việc gì phải làm cái sàng gạo. Việc gì phải tổ chức gần trăm hội đồng thi để loại ra vài trăm thí sinh” – ông Nhĩ phân tích.
Theo thông tin từ các trường ĐH chủ trì cụm thi, các trường đang chấm vòng 1 những môn tự luận. Ghi nhận ban đầu điểm năm nay rất đẹp, dải điểm chủ yếu 5-7. Số thí sinh được điểm tuyệt đối cũng đã xuất hiện, tuy nhiên không nhiều. Cũng có những bài thi giám thị cho điểm 0 hoặc 1 vì để giấy trắng hoặc viết, vẽ linh tinh.
Video đang HOT
Dự báo năm nay số thí sinh có điểm thi cao gia tăng, gây không ít khó khăn cho các trường ĐH trong khâu xét tuyển, nhất là các trường tốp giữa và tốp dưới. Ảnh: HUY HÀ
Xem xét điểm thi năm nay, PGS-TS Lê Minh Thái, Phó Giám đốc Học viện Kỹ thuật quân sự, nhận định các trường tốp đầu điểm chuẩn năm nay sẽ cao hơn năm ngoái, còn các trường tốp giữa và tốp dưới thì điểm chuẩn sẽ tương đương mọi năm.
Lo ngại của nhiều trường hiện nay là với tình hình nhiều thí sinh có điểm thi cao cùng nộp hồ sơ nhưng chỉ tiêu thì có hạn nên các trường sẽ gặp khó khăn trong xét tuyển. Ông Thái cho biết trường đã lường trước vấn đề này. Lúc đó trường đã đưa ra các yếu tố xét tuyển phụ, phù hợp với mục tiêu đào tạo của nhà trường. “Ví dụ với Học viện Kỹ thuật quân sự thì chúng tôi sẽ lấy môn toán làm môn chính, thí sinh điểm toán cao hơn sẽ trúng tuyển, ngoài ra cũng tính đến các phương án 2, phương án 3 với việc thêm vào các yếu tố phụ nếu có thí sinh cùng mức điểm” – ông Thái nói.
GS-TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cũng nhận định năm nay điểm chuẩn các trường tốp trên sẽ cao hơn năm ngoái.
Các trường đang “nín thở” chờ điểm sàn của Bộ GD&ĐT. Cái khó khăn trước mắt mà các trường đang nhìn thấy là phải đối phó với thí sinh ảo. Bộ GD&ĐT nói sẽ hạn chế được thí sinh ảo trong kỳ thi này nhưng thực chất ảo sẽ rất nhiều.
“Khâu khó khăn và phức tạp nhất là tuyển sinh vào ĐH” – PGS-TS Nguyễn Văn Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lâm nghiệp Hà Nội, nhận định. Do năm nay thí sinh có tới 16 nguyện vọng nên lượng thí sinh ảo có thể nhiều hơn các năm trước, gây khó khăn cho các trường trong công tác xét tuyển.
“Xét tuyển sẽ khó khăn nhất cho các trường tốp giữa và tốp dưới. Chúng tôi cũng mường tượng trước là hồ sơ ảo nhiều. Bên cạnh đó, thí sinh được rút hồ sơ trong quá trình xét nguyện vọng nên sẽ vất vả cho các trường” – ông Tuấn nói.
GS-TS Lê Viết Khuyến, Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục ĐH (Hiệp hội Các trường ĐH-CĐ Việt Nam), cho rằng Bộ cho xét tuyển nhiều đợt kéo dài đến tháng 11 sẽ làm cho các trường phải quay cuồng, cực kỳ khốn khổ trong cuộc đua giành thí sinh, nhất là đối với các trường tốp giữa, tốp dưới. “Thí sinh nộp hồ sơ rồi, thấy trường khác lấy điểm thấp lại rút hồ sơ, trường đủ chỉ tiêu rồi lại phải gọi thêm…, cứ thế dai dẳng đến tháng 11 rất mệt mỏi” – ông Khuyến nói.
Ngày 20-7, các hội đồng thi hoàn tất chấm thi và báo cáo gửi Bộ GD&ĐT. Chậm nhất ngày 25-7 báo cáo kết quả tốt nghiệp THPT. Ngày 7-8 sẽ có kết quả tổng hợp kết quả xét tốt nghiệp THPT.
Theo PL