Thượng tá công an và hồi ức về các cuộc chiến chống gián điệp
Sống và chiến đấu trong những năm tháng đầy chông gai, sóng gió của chiến tranh, Thượng tá Công an, nguyên Trưởng Phòng bảo vệ chính trị Công an Nghệ An (1993-2003) Lê Văn Hồng (SN 1948 ) là người gắn bó với hàng chục chuyên án chống gián điệp nổi tiếng.
Nay khi ở độ tuổi gần 70 và đã lùi về hậu phương, sống bình dị trong căn nhà nhỏ nhưng những câu chuyện về đánh án của ông thì vẫn còn lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đặc biệt là với những chiến sĩ, cán bộ công an bởi sự hấp dẫn, li kỳ cũng như những nỗi niềm của ông Hồng, một trong những con người góp phần tạo nên trang lịch sử trong những năm tháng ấy.
Chúng tôi tới thăm gia đình ông vào một buổi sáng đẹp trời cuối tháng 8 trong ngõ 108 nằm trên đường Mai Hắc Đế, TP Vinh. Nghe thấy tiếng chuông cửa, ông Hồng ra đón tiếp chúng tôi với vẻ mặt niềm nở.
Thượng tá Lê Văn Hồng lần giở những kỷ niệm về những năm tháng chiến đấu chống gián điệp.
Chàng thanh niên năm ấy tuy giờ trên đầu tóc đã điểm bạc nhưng vẫn không đánh mất đi dáng vẻ nhanh nhẹn với đôi mắt tinh anh ngày nào. Vừa mời chúng tôi uống nước, ông vừa chia sẻ: “Năm 1966, tôi được cử đi học tại trường Đào tạo Công an. Một năm sau khi ra trường, tôi về nhận công tác tại Phòng Bảo vệ Chính trị Công an tỉnh Nghệ An.
Kể từ đó, ông đã gắn bó với nghiệp an ninh, với công tác chống gián điệp gần 20 năm, tham gia rất nhiều chuyên án. Nhưng với ông, chuyên án để lại cho ông nhiều kỷ niệm nhất là Chuyên án chống phản động L107. Đây cũng là chuyên án đầu tiên mà ông tham gia công tác sau khi ra trường”.
Nhớ lại những năm tháng ấy cùng kề vai sát cánh với đồng đội, với nhân dân đôi mắt ông Hồng ánh lên niềm vui, niềm tự hào, bao kỉ niệm lại ùa về trong miền kí ức xưa: “Chuyên án đầu tiên mà tôi được cấp trên giao nhiệm vụ tham gia là Chuyên án chống phải động L107 ở Nghi Tân, thị xã Cửa Lò. Lúc đó, lực lượng trinh sát phát hiện một số đối tượng chuẩn bị trốn vào Nam theo Mỹ ngụy, chống lại Đảng và Nhà nước ta. Khi nhận được thông tin, lãnh đạo Phòng bảo vệ chính trị đã họp bàn và cử các trinh sát xuống địa bàn trực tiếp đấu tranh”.
Được biết, lúc đó ngoài ông Hồng và đồng chí Nguyễn Văn Viên phụ trách địa bàn có các đối tượng nghi vấn còn có các đồng đội cùng tham gia vào chuyên án là đồng chí Hoàng Xuân Luyện (thuộc tổ đấu tranh chống gián điệp Mỹ và tay sai); Nguyễn Minh Xích (cán bộ tổ xác minh của Phòng).
Theo đó, đối tượng được xác minh tên là Trần Đình Hiền, ngư dân đi đánh cá trên biển và bị tàu biệt kích ngụy quyền Sài Gòn bắt vào miền Nam cùng một số ngư dân khác vào năm 1965. Tuy nhiên, sau một thời gian thấy Hiền được thả về địa phương và có nhiều hành vi đáng ngờ nên nghi vấn là y đang hoạt động gián điệp Mỹ ngụy.
Qua biện pháp trinh sát xác minh, ông Hồng cùng với những đồng đội tham gia chiến đấu đã phát hiện đối tượng đang thực hiện kế hoạch bỏ trốn vào Nam theo địch cùng với rất nhiều đối tượng khác nên đã kịp thời ngăn chặn và phá tan âm mưu phản động của chúng.
Thượng tá Lê Văn Hồng bên đồng đội.
Với sự thành công của chuyên án đầu tiên, cấp trên đã tin tưởng để ông Hồng tiếp tục bám dân, chọn lọc nguồn tin phục vụ công tác. Sau tết Mậu Thân năm 1968, quân ta đã đấu tranh với rất nhiều chuyên án, trong đó có chuyên án gián điệp Mỹ đánh từ Thái Lan về, qua quá trình lợi dụng Việt kiều hồi hương những năm 1960-1962 là Nguyễn Văn Quân, ở xóm Tân Long, xã Nghi Phú, huyện Nghi Lộc (nay xã này thuộc TP Vinh).
“Lúc đó, tôi cùng với đồng chí Lê Thi (tổ trưởng – PV), Lê Văn Thịnh (trinh sát – PV) trực tiếp được đồng chí lãnh đạo giao nhiệm vụ tổ chức, lên kế hoạch đấu tranh. Sau 1 tuần khi vừa bao vây vừa dùng cơ sở để tác động, đối tượng Nguyễn Văn Quân đã ra đầu thú và khai nhận hắn đang làm nhiệm vụ của tình báo cho Mỹ, theo dõi tình hình của quân đội ta’.
Ông Hồng cũng cho biết thêm: “Để gửi thông tin liên lạc với tình báo Mỹ mà không bị bại lộ và để quân ta không phát hiện, y đã sử dụng thủ đoạn tinh vi là dùng mực hóa học, một loại mực viết xong sẽ mờ đi để viết thư báo cho địch”.
Video đang HOT
Phá án thành công chuyên án này đã giúp ông có thêm ý chí, động lực để chiến đấu chống gián điệp. Chuyên án tiếp theo, cùng với sự phối hợp với đồng đội trong Phòng bảo vệ chính trị, đồng chí Lê Văn Hồng và Công an TP Vinh, ông Hồng nhận nhiệm vụ bí mật rà soát và theo dõi một phụ nữ làm tình báo dưới vỏ bọc là một bác sĩ hoạt động trên địa bàn.
Sau 3 ngày thu thập thông tin theo những gì được cung cấp về đối tượng, lúc đó đồng chí Nguyễn Hồng Bàng, Đồn trưởng Đồn Công an 2 (nay là Công an phường Cửa Nam, TP Vinh) cùng trinh sát đã phát hiện ra đối tượng khả nghi là Nguyễn Thị Phương Khanh. Lúc đó, thị đang lẩn trốn trong các lán trại, nơi giáp ranh giới giữa TP Vinh và huyện Hưng Nguyên, giao nhau giữa tuyến đường sắt và đường bộ.
Tư liệu về chuyên án đầu tiên của thượng tá Lê Văn Hồng.
Được biết, sau khi báo cáo tình hình, lãnh đạo Phòng bảo vệ chính trị đã cử thêm 2 trinh sát tiếp tục bí mật theo dõi đối tượng. Theo đó, đối tượng đã lén lút ra sân bay Vinh và ga Vinh theo dõi các chuyến hàng chi viện của ta để cung cấp thông tin cho địch.
Trước âm mưu đã rõ của Khanh, Trưởng Công an Nghệ An lúc bấy giờ đã xin lệnh của Bộ Công an tiến hành bắt đối tượng. Ngay trong ngày, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã trả lời: Công an Nghệ An phải bí mật theo dõi đối tượng trên đường đi vào Quảng Trị và giao cho Công an Quảng Trị xử lý…
Tâm sự về quãng thời gian chiến đấu gian lao, vất vả ấy, thượng tá Hồng chia sẻ: “Chiến đấu chống gián điệp vốn dĩ rất khó khăn, đòi hỏi sự hi sinh, đặc biệt là khi phải ngụy trang thành cán bộ mặt trận mẫn cán, sống và sinh hoạt trong nhà dân. Lúc đó, tôi vừa phải lên kế hoạch tác chiến, vừa phải sinh hoạt như người dân bình thường để đảm bảo tính bí mật, không lộ sơ hỏ khiến địch phát giác và đề phòng. Hơn thế quân Mỹ ngụy về học vấn lúc đó cao hơn, lắm mưu nhiều kế, trong khi tôi chỉ được đào tạo cơ bản, sơ cấp nên việc phán đoán âm mưu của địch không hề đơn giản”.
Tuy nhiên với lợi thế của mình là vốn sinh ra trong gia đình cơ bản, có kiến thức quý giá về nghề nông, điều đó đã trở thành công cụ đắc lực để ông có thể dễ dàng tiếp cận, hòa nhập được với môi trường sống với bà con tại địa bàn.
Ông cũng vận động và giúp đỡ người dân đào hầm theo hình chữ A, chữ Z để có chỗ trú ẩn phòng khi quân địch thả bom, ném đạn. Đồng thời, ông cũng hướng dẫn người dân kĩ thuật trồng bèo hoa dâu… nên dần dần chiếm được tình cảm, sự yêu quý của người dân. Từ đó, ông được họ ủng hộ và giúp đỡ và nhiệt tình trong công tác chống gián điệp.
“Nếu không có sự giúp đỡ của người dân, chúng tôi cũng khó mà hoàn thành nhiệm vụ một cách thuận lợi như vậy”, ông Hồng nói thêm.
Trải qua chừng ấy năm tham gia chiến đấu, giấu vết thời gian như đã in hằn trên gương mặt của người chiến sĩ năm xưa, thế nhưng ngồi nghe thượng tá Lê Văn Hồng kể chuyện một cách say mê, đôi tay lần giở những trang sách, trang ảnh còn lưu lại những kỉ niệm cũ một cách trân trọng, nâng niu chúng tôi cảm nhận được dù đã về hưu nhưng sự nhiệt huyết, đam mê, tận tụy và có trách nhiệm với công việc vẫn luôn chảy trong huyết mạch ông.
“Mặc dù tham gia rất nhiều chuyên án nhưng có những chuyên án đến tận bây giờ vì để đảm bảo tính bí mật cho an ninh Quốc gia cũng như sự bình yên của người dân, tôi tuyệt đối không chia sẻ điều gì, ngay cả với vợ con mình…”, ông Hồng nở nụ cười hiền bộc bạch.
Thượng tá cũng cho biết thỉnh thoảng ông cũng viết bài cho báo và vui vẻ nói với chúng tôi nếu cần thêm bất kì tư liệu gì thì liên lạc trước để chuẩn bị. Vì với ông làm bất kì việc gì cũng cần có trách nhiệm, đặc biệt là cần cẩn trọng trong phát ngôn để không gây ảnh hưởng, thiệt hại cho người khác.
Có lẽ chính bởi tấm gương về tinh thần trách nhiệm cao cả của ông Hồng nên trong 5 người con thì có 2 người con trai nối nghiệp bố, hiện đanh công tác tại Công an TP Vinh và Công an huyện Nghi Lộc.
Chia tay Thượng tá ra về thì trời cũng đã xế trưa, dù thời gian gặp mặt ngắn ngủi nhưng qua cuộc trò chuyên, sự chân chất, mộc mạc của người con quê lúa Yên Thành đã để lại ấn tượng sâu đẹp trong lòng chúng tôi. Và cũng rất biết ơn người chiến sĩ ấy đã giúp chúng tôi, thế hệ sau này phần nào cảm nhận được năm tháng lịch sử hào hùng qua những câu chuyện chống gián điệp sống động như thế.
CẨM ANH
Theo_Đời Sống Pháp Luật
Cảnh sát kể về cuộc đấu súng với Toọng-"Người không mang họ"
Toán cướp gồm 30 đối tượng, do kẻ thủ lĩnh Trương Hiền (tức Toọng) cầm đầu, tung hoành ở miền Trung cách đây gần 40 năm. PV đã tìm đến một trong những nhân chứng sống trực tiếp tham gia phá vụ án này.
Bí mật về một băng cướp khét tiếng
Tôi đã tìm đến gặp ông, cán bộ công an năm xưa từng có trận chiến giáp mặt Toọng và bắt giữ hắn. Trong ngôi nhà ở TP.Vinh (Nghệ An), Thượng tá công an về hưu Nguyễn Văn Bình, nguyên Đội phó đội Cảnh sát hình sự Công an TP.Vinh bồi hồi kể lại cho tôi nghe giây phút đặc biệt ấy. Câu chuyện của hơn 30 năm trước "sống" lại...
Những năm giữa thập niên 70 của thế kỷ XX, băng cướp gồm 30 tên do Trương Hiền, còn có biệt danh khác là Toọng, tung hoành dọc dải đất miền Trung, từ Nghệ An đến Thừa Thiên - Huế, gây ra hàng loạt vụ trộm, cướp kinh hoàng.
Ngày đó, thị xã Vinh là điểm trung chuyển hành khách từ Bắc vào Nam và ngược lại. Tàu chở khách từ Hà Nội vào, dừng tại ga Vinh. Nếu muốn đi tiếp, khách phải chuyển sang đi xe đò. Việc đi lại rất phức tạp.
Chính trong thời gian này, ở Vinh xuất hiện một băng cướp có trang bị vũ khí nóng. Từ khi nhóm này hình thành ở đây, những vụ cướp giật diễn ra với mật độ dày hơn. Nghe đâu, dẫn đầu băng cướp là một gã đàn ông tên Trương Hiền, giỏi võ nghệ và có tài bắn súng nhanh như chớp. Đêm đến, phố xá vắng hoe. Không mấy ai dám ra đường một mình. Băng cướp mà Trương Hiền cầm đầu, gây nhiều vụ chấn động.
Chân dung Trương Hiền.
Cho đến nay, vẫn chưa ai giải thích được vì sao hồi đó, đàn em của Trương Hiền lại gọi gã với cái tên nghe lạ tai: Toọng. Chỉ biết sau này, dân trong giới giang hồ lưu truyền câu: "Lỳ như Toọng".
Chẳng hiểu sao, lại có thông tin hư hư thực thực, Toọng xuất thân trong làng biệt kích của chế độ VNCH xưa?! Hắn được đào tạo bài bản tại trung tâm huấn luyện kín ở tiểu bang San Diego, Mỹ. Sau đó, Toọng trở mặt, thành một tay anh chị khét tiếng ở vùng Đông Hà (Quảng Trị).
Tuy nhiên, theo hồ sơ của công an, Toọng tên thật là Trương Hiền (SN 1957), quê xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị), thường trú thị xã Đông Hà. Xuất thân trong một gia đình trung nông, hắn có bố mẹ làm nghề bán nước chè dạo.
Ngày Toọng bắt đầu bước vào giang hồ, gây ra bao phi vụ ngổ ngáo, cụ thân sinh buồn phiền, bệnh tật, rồi mất sớm. Hắn bỏ học giữa chừng, ai thuê gì làm nấy. Sau lần ăn cắp chiếc máy ảnh của tên lính chế độ cũ bán được mấy chục đồng bạc, thấy "kiếm tiền không khó", Toọng chính thức sa chân vào con đường tội lỗi.
Thủ đoạn của băng nhóm Toọng cầm đầu là trà trộn vào hành khách trên các chuyến tàu, xe đò từ Huế ra Nghệ An và ngược lại để cướp bóc. Sau một thời gian ngắn, băng nhóm đã tự trang bị cho mình mỗi tên một khẩu K54 hoặc K59, để sẵn sàng chống trả khi bị phát hiện.
Hành trình bắt giữ kẻ đầu sỏ
Trong ký ức gần như nguyên vẹn của Thượng tá Bình, lúc bấy giờ, trước hoạt động "tác oai, tác quái" của băng nhóm Trương Hiền, cả khu vực TP.Vinh dường như bị xáo trộn.
Đặc biệt là từ sau vụ trấn cướp táo tợn xảy ra đối với một giảng viên đại học Vinh, khi ông này vừa từ Huế trở về.
Vị giảng viên này vừa bước xuống tàu, ông không thể ngờ mình đã lọt vào những con mắt rình mồi của đàn em Trương Hiền, khi chúng tia thấy được chiếc cặp lớn của ông. Bọn cướp này ngang nhiên, trắng trợn tới mức, lao đến khống chế, bịt mặt ông này ngay bến tàu, đưa đến nơi vắng, cướp sạch tài sản rồi bỏ đi. Còn các nhà xe chuyên liên tỉnh, chất đầy hàng hóa, chúng lại đóng vai hành khách.
Khi đến vị trí định sẵn, chúng trút bỏ "lốt", ép tài xế và các hành khách phải "cống nạp" hết tài sản. Những cuộc rượt đuổi trong đêm, những tiếng súng "đinh tai nhức óc" xuất hiện nhiều hơn. Chúng sử dụng đủ chiêu trò hoạt động, tạo nên liên tiếp các vụ việc, gây hoang mang cho bà con bấy giờ.
Thượng tá Nguyễn Văn Bình kể lại phút giây đối mặt với "Người không mang họ".
Trước tình hình này, bộ Công an đã chỉ đạo Công an Nghệ Tĩnh nhanh chóng triệt xóa băng nhóm này. Đội phó đội Cảnh sát hình sự Nguyễn Văn Bình được giao nhiệm vụ chỉ huy anh em theo dõi, xóa sổ băng nhóm khét tiếng này.
Đội phó Bình và Nguyễn Văn Học, cán bộ trong đội, cải trang thành những kẻ bụi đời, lang thang khắp các bến xe, ga tàu để lần tìm tung tích của Toọng. Quá trình bám địa bàn cho thấy, Toọng rất ít khi ra mặt mà thường chỉ đạo đàn em, gồm những tên vào tù ra tội như Đậu Sơn, Kháng "bệu", Hương "ba tai", Việt "con"... hoạt động theo hình thức "đại lý", "chi nhánh".
Trước khi nhận bản án kết liễu cuộc đời, Toọng đã hai lần bị bắt trong 2 năm liên tiếp: 1976 và 1977. Tuy nhiên, khi tướng cướp này được dẫn giải về nhà tạm giữ để lấy lời khai, nửa đêm, bọn đàn em dàn cảnh đến "giải cứu" thành công.
Sau những lần này, Toọng càng liều lĩnh và có số má hơn trong giới giang hồ. Đến đoạn giáp mặt với tên cướp sừng sỏ này vào năm 1979, người Thượng tá về hưu ấy chợt kể với giọng hào sảng hơn, chứa đầy khí thế.
Đó là vào một buổi trưa nắng nóng tháng Bảy, đang âm thầm mai phục ở khu vực chợ Vinh, ông và đồng nghiệp Học phát hiện Toọng chuẩn bị "ăn hàng" của một thương gia. Lập tức, hai trinh sát ập đến, hòng tóm gọn tướng cướp này, nhưng Toọng nhanh hơn.
Khi phát hiện nguy hiểm, gã rút súng nhằm hai chiến sỹ, bắn liên tiếp 3 phát, đạn sượt qua mang tai. Đến phát thứ tư, sau tiếng lẩy cò khô khốc, chỉ có tiếng "khậc" từ họng súng bị kẹt đạn. Nhận thấy thời cơ đã đến, hai chiến sỹ đồng loạt ập vào, tước súng và quật ngã đối tượng.
Trước sự chống trả "không còn gì để mất" của Toọng, cả ba cùng rớt xuống ao bùn. Lúc bấy giờ, nhân dân lao ra, giúp hai trinh sát khống chế thành công đối tượng đưa về Cơ quan điều tra. Băng cướp gây điên đảo một thời tan rã từ đó, TP. Vinh trở lại yên bình.
Năm 2011, sau nhiều năm công tác, gắn bó với Công an TP.Vinh, Thượng tá Nguyễn Văn Bình nghỉ hưu. Trở về đời thường, nhiều lúc kể lại chuyện đối mặt với tên cướp Toọng khét tiếng một thời, ông vẫn không khỏi trăn trở, suy nghĩ về tội phạm và cái ác.
Năm 1983, tiểu thuyết "Người không mang họ" của nhà văn Xuân Đức ra đời. Nhân vật chính Trương Sỏi - còn có tên là Hoàng Lạng, Nguyễn Viết Lãm, Đệ nhị mãi võ - trong tiểu thuyết hình sự này có nguyên mẫu chính từ cuộc đời Toọng (Trương Hiền), và trên hết, cuốn sách ca ngợi chiến công của các chiến sỹ công an, cùng với lòng dũng cảm và mưu trí, họ đã tóm gọn, bắt chúng về quy tội, đem lại bình yên cho xóm làng...
Còn nữa....
Loan Nguyễn
Theo_Đời Sống Pháp Luật
Hai vụ nhập lậu ngà voi ở Cảng Đà Nẵng: Chủ hàng trốn tránh? Cơ quan Hải quan đã liên hệ với chủ lô hàng buôn lậu ngà voi, sừng tê giác nhưng không có ai đến làm việc. Chỉ trong vòng hơn 1 tuần qua, cơ quan chức năng đã tiến hành bắt giữ 2 vụ nhập lậu hơn 3 tấn ngà voi, sừng tê giác về cảng Tiên Sa, thành phố Đà Nẵng. Điều đáng...