Thương hiệu quyết định học phí của đại học Mỹ
Mức niêm yết học phí của các đại học Mỹ tỷ lệ thuận với thứ hạng trên bảng xếp hạng và top đầu đều là trường tư.
Theo The Atlantic, người Mỹ có xu hướng nghĩ về đại học như một hệ thống phân cấp rộng lớn chủ yếu dựa trên vị thế và mức độ nhận biết thương hiệu. Ở top đầu là những trường như Harvard hay Stanford, với đội ngũ giảng viên nổi tiếng và những nghiên cứu mang tính đột phá. Ở top cuối là những trường cao đẳng cộng đồng thiếu kinh phí tài trợ và đại học công lập ít tiếng tăm, nơi có những tòa nhà buồn tẻ và nhiều sinh viên đăng ký học bán thời gian.
“Hệ thống phân cấp uy tín” này không chỉ tồn tại ở nước Mỹ. Một minh chứng cho xu hướng này là sự gia tăng của các bảng xếp hạng đại học toàn cầu, gồm bảng xếp hạng công bố hàng năm bởi tờ Times Higher Education (THE) có trụ sở ở Anh. Trong đó, việc đánh giá cao một trường đồng nghĩa với việc khẳng định tầm cỡ của nó.
Để lập bảng xếp hạng cho năm 2018, nhóm nghiên cứu đã khảo sát hơn 10.000 cơ sở giáo dục bậc cao trên 138 quốc gia, đánh giá thông qua những câu hỏi về nghiên cứu và giảng dạy. Bảng xếp hạng THE cũng có những sai sót, nhưng được cho là có sức ảnh hưởng lớn nhất, mục đích chính là so sánh đại học ở các quốc gia khác nhau.
Đa số đại học uy tín nhất nước Mỹ là cơ sở tư thục, không nhận được tài trợ của chính phủ. Ảnh: The Atlantic
Xét 105 trường đầu tiên của danh sách, chỉ có 21 trường là cơ sở tư thục, trong đó 19 trường thuộc Mỹ. Như vậy, ở hầu hết quốc gia ngoài Mỹ, các đại học uy tín nhất đều là trường công lập.
“Có sự phân chia rõ rệt về đại học công lập và đại học tư thục ở Mỹ”, cựu nhà báo Phil Baty, người biên tập bảng xếp hạng THE gần một thập niên cho biết. Theo ông, sự phân chia này có thể lý giải tại sao đại học Mỹ sở hữu mức học phí cao nhất thế giới.
Chẳng hạn, trong số trường được liệt kê ở top 10, Mỹ chiếm 8 vị trí, gồm Đại học Harvard, MIT và Stanford, nơi có “giá niêm yết” trong năm học 2018-2019 cho sinh viên đại học lần lượt là 76.650 USD, 70.240 USD và 71.587 USD (gồm học phí, sách, ăn ở, sinh hoạt). Về mặt pháp lý, tất cả đại học ở Mỹ đều được yêu cầu công bố tổng chi phí lên website riêng.
Tính riêng học phí, sinh viên Harvard tốn khoảng 50.000 USD trong năm học này. Trong khi đó, học phí tại Đại học Oxford (xếp thứ 5) khoảng 12.000 USD một năm, chỉ bằng một phần tư.
Princeton, Yale và Đại học Chicago cũng lọt vào top cao nhất, ở vị trí thứ 7, 8, 9. Chỉ hai trong 8 trường Mỹ thuộc top 10 là trường công lập, gồm UC Berkeley (xếp thứ 6) và UCLA (đồng hạng 9). Đây đều là những trường chọn lọc gắt gao và có mức giá ngang ngửa đại học tư thục. Cư dân trong bang California sẽ phải bỏ ra khoảng 35.000 USD cho một năm học 9 tháng ở các trường này.
Baty so sánh, ở các nước châu Âu, đại học và cao đẳng tư thục là các trường “làng nhàng” nhất, cơ sở giảng dạy là những tòa nhà ọp ẹp, cung cấp chương trình đào tạo nghề với chi phí thấp. Do vậy, trúng tuyển vào trường công lập hàng đầu như Đại học Oxford không phải chiến tích dễ dàng đạt được. Tỷ lệ chấp nhận vào ngôi trường tồn tại gần một thiên niên kỷ này chỉ khoảng 17%.
Danh tiếng đẩy học phí tăng vọt
Là cơ sở tư thục, phần lớn đại học hàng đầu nước Mỹ theo bảng xếp hạng THE không nhận được tài trợ từ cơ quan lập pháp tiểu bang. Thay vào đó, các trường chủ yếu dựa vào học phí của sinh viên, các khoản trợ cấp cho hoạt động nghiên cứu, hay hưởng lợi từ khoản quyên góp từ thiện khổng lồ mỗi năm từ các tổ chức, cá nhân, phụ huynh, cựu sinh viên.
Video đang HOT
Khoảng cách về uy tín giữa đại học công lập và tư thục không phải là hiện tượng mới, nhưng nó trở nên tồi tệ hơn trong những thập niên gần đây. Báo cáo năm 2017 của Trung tâm về Ngân sách và Ưu tiên Chính sách cho thấy, mặc dù có một khoản tài trợ nhỏ trong những năm qua, chi tiêu của tiểu bang cho giáo dục đại học công lập “vẫn thấp hơn mức lịch sử”. Trong năm học 2017-2018, mức tài trợ thấp hơn năm 2008 gần 9 tỷ USD. Sự cắt giảm này buộc đại học công lập tìm cách xoay xở bằng cách giảm số lượng giảng viên và khóa học.
Xét từ lịch sử, hệ thống giáo dục đại học của Mỹ hình thành vào những năm 1600 như mạng lưới cơ sở giáo dục dành cho giới thượng lưu. Chính sách được tạo ra đầu những năm 1800 khẳng định sự tự do của các trường đại học, hạn chế sự can thiệp của chính phủ, giúp củng cố quan niệm giáo dục bậc cao là của doanh nghiệp tư nhân.
Đại học công lập chỉ bắt đầu mở cửa đồng loạt vào những năm 1860, khi chính quyền liên bang dành nguồn lực để thành lập những cơ sở giáo dục được quốc gia cấp đất.
Vốn ít danh tiếng hơn đại học tư thục, đại học công lập đang vướng vào vòng luẩn quẩn: Rất khó để thuyết phục cơ quan lập pháp tài trợ cho những tổ chức đang trong tình cảnh chật vật, và cũng rất khó để thu hút sinh viên đến học khi cơ sở còn thiếu thốn. Sự bành trướng của các bảng xếp hạng, liên quan đến khả năng tài chính và uy tín của các trường đại học càng khiến vấn đề thêm trầm trọng.
Trong năm 2016, 65% sinh viên năm nhất của Mỹ cho biết danh tiếng là “rất quan trọng” khi xem xét lựa chọn một trường đại học. Đó là tỷ lệ gần cao nhất từ trước đến nay, theo cuộc khảo sát sinh viên trên toàn quốc được Viện Nghiên cứu Giáo dục Đại học UCLA thường xuyên thực hiện từ năm 1967.
Khoảng cách lớn về uy tín, theo Baty, khiến một số đại học công lập không thể cạnh tranh để giành giảng viên ưu tú, bởi mức lương thấp hơn và môi trường giảng dạy kém hơn đại học tư thục.
Trên thực tế, hầu hết sinh viên đại học tư thục ở Mỹ không trả toàn bộ “giá niêm yết”. Chẳng hạn, một báo cáo gần đây cho thấy, trong năm học 2017-2018, chỉ 11% sinh viên năm nhất toàn thời gian tại các trường tư thục ở Mỹ trả nguyên giá, nhờ hỗ trợ tài chính và các khoản trợ cấp khác. Mức hỗ trợ trung bình lên đến hơn một nửa học phí.
Tuy nhiên, “giá niêm yết” cao chót chót đã tô đậm một trong những nét riêng biệt của giáo dục Mỹ: Các trường đại học hàng đầu được tài trợ thông qua học phí của sinh viên, chứ không phải chính phủ. Điều này góp phần đẩy học phí ngày càng tăng vọt, không có điểm dừng.
Thùy Linh
Theo VNE
Chi phí đại học ở nơi đắt đỏ nhất thế giới
Học phí đắt đỏ, sinh viên ngoài bang và người không cư trú tại Mỹ phải trả nhiều gấp đôi, gấp ba so với sinh viên trong bang.
Học phí ở đại học Mỹ là bao nhiêu? Nếu quan tâm đến việc học tập tại xứ sở cờ hoa, một trong những yếu tố quan trọng nhất để cân nhắc là bạn sẽ phải bỏ ra bao nhiêu tiền trong những năm tháng sinh viên.
Học phí vượt xa các nước
Nổi tiếng nhất thế giới về giáo dục bậc cao, Mỹ đồng thời có mức học phí đại học cao nhất trong số 35 thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), xét cả trường công và tư, theo báo cáo công bố tháng 9/2017.
Học phí trung bình hàng năm dành cho hệ cử nhân của đại học công lập ở Mỹ năm học 2015-2016 là 8.202 USD. Xếp thứ hai là Chile với 7.654 USD mỗi năm cho trường công. Trong khi đó, khoảng một phần ba quốc gia trong OECD không tính phí cho các cơ sở công lập. Ở 10 quốc gia, học phí thấp hơn 4.000 USD.
Học phí hệ cử nhân cơ sở công lập tại một số nước OECD năm học 2015-2016. Đồ họa: Business Insider
Hầu hết thành viên của OECD là nước phát triển có mức thu nhập cao. Các quốc gia phát triển khác ngoài tổ chức như Trung Quốc hay Singapore cũng không có chi phí đại học trung bình cao như Mỹ.
Đối với trường tư, khoảng cách giữa học phí của Mỹ và các quốc gia trong OECD trở nên rõ nét. Năm học 2015-2016, trung bình một cử nhân ở Mỹ mất 21.189 USD mỗi năm khi học trường tư, cao gấp nhiều lần các quốc gia khác.
Học phí hệ cử nhân cơ sở tư thục tại một số nước OECD năm học 2015-2016. Đồ họa: Business Insider
Nếu một số quốc gia phân chia học phí khác nhau cho sinh viên trong Liên minh châu Âu (EU) và sinh viên quốc tế, đại học Mỹ tính phí sinh viên trong bang khác ngoài bang và người không cư trú tại Mỹ. Forbes thông tin, mức phí vốn đã "trên trời" sẽ tăng gấp đôi, gấp ba đối với sinh viên ngoài bang và quốc tế.
Cụ thể, tại Đại học bang Arizona, sinh viên đại học trong bang trả 10.370 USD và sinh viên quốc tế trả 28.270 USD học phí năm học 2016-2017. Tương tự, tại Đại học Purdue ở Indiana, một cư dân Indiana sẽ trả khoảng 5.000 USD mỗi năm nhưng một người không cư trú phải trả hơn 15.000 USD. Những con số này chưa bao gồm phí nhà ở đắt đỏ hay bảo hiểm y tế.
Đại học Michigan (một trong những đại học công lập có thứ hạng cao) đang tính phí cho sinh viên ngoài bang là 45.410 USD mỗi năm, thêm khoảng 10.872 USD phí ăn ở, 1.048 USD cho sách và thiết bị học tập, 2.454 USD cho các chi phí cá nhân khác. Tổng cộng, mỗi sinh viên tốn khoảng 59.784 USD mỗi năm.
Chi phí ăn ở, sinh hoạt
Theo Times Higher Education, nhìn chung các làng đại học ở vùng Trung Tây nước Mỹ có mức sống thấp hơn, phía Đông và phía Bắc cao hơn. Trung bình, mỗi căn hộ bắt đầu từ mức 500 USD mỗi tháng (căn hộ một phòng ngủ ở khu vực nông thôn) lên đến 3.500 USD mỗi tháng (căn hộ một phòng ngủ ở Boston).
Chỗ ở trong khuôn viên trường thường là ký túc xá, với khoảng 2-3 người mỗi phòng. Mọi người dùng chung nhà tắm và nhà vệ sinh. Năm 2017, phòng ký túc xá ở Mỹ giá trung bình 10.440 USD mỗi năm tại đại học công lập bốn năm hoặc 11.890 USD mỗi năm tại đại học tư thục bốn năm, gồm tất cả tiện tích và chi phí liên quan đến chỗ ở. Mỗi đại học ước tính phí ăn ở cho sinh viên, đăng tải trên website.
Các dịch vụ điện nước có thể không được gộp trong giá thuê nhà. Điện tốn khoảng 50-100 USD mỗi tháng và phí sưởi ấm cũng tương tự. Nước, hệ thống thoát nước và thu gom rác thải được chủ nhà trả, nhưng nếu trách nhiệm đó thuộc về người thuê nhà, số tiền phải bỏ ra là 50-75 USD ba tháng một lần.
Phí mua hàng tạp hóa ở Mỹ rơi vào khoảng 20-60 USD mỗi người trong một tuần, tùy thuộc chế độ ăn uống. Giá trái cây và rau tươi chênh lệch đáng kể ở các nơi khác nhau trên cả nước. Một số khu nhà ở hay ký túc trong trường đại học có gói bữa ăn đi kèm phí thuê phòng.
Tiền Internet mỗi tháng khoảng 45-50 USD, xăng tốn khoảng 3,5 USD cho mỗi gallon (4,5 lít). Vé giao thông công cộng hàng tháng có giá 50-60 USD, một số khu vực giảm giá cho sinh viên. Chi phí trung bình cho sách và tài liệu học tập mỗi năm rơi vào khoảng 1.170 USD, hay 390 USD mỗi học kỳ.
Đối với sinh viên ngoại quốc, một khoản tiền bắt buộc khác cần xem xét là thị thực du học, có giá 160 USD. Quá trình nộp đơn có thể kéo dài, nên bắt đầu khoảng 3-5 tháng trước khi vào học kỳ.
Hỗ trợ tài chính
Chi phí học tập tại Mỹ rất cao nhưng điều quan trọng là phải xem xét giữa giá nguyên gốc (quảng cáo trên website đại học) và khoản thực trả của sinh viên sau khi tìm hiểu các nguồn tài trợ.
Năm 2013-2014, 85% sinh viên hệ cử nhân toàn thời gian tại đại học công lập bốn năm và 89% sinh viên đại học tư thục phi lợi nhuận hưởng lợi từ một số hình thức hỗ trợ tài chính.
Sinh viên dự lễ phát bằng vào tháng 5 năm 2018 của Đại học Harvard. Ảnh: Center for American Progress
Thông thường, những đại học uy tín nhất nước Mỹ với mức học phí cao ngất ngưởng lại mang đến cho sinh viên nhiều cơ hội tài trợ nhất. Chẳng hạn, khoảng 91% sinh viên tại Viện Công nghệ Massachusetts nhận được hỗ trợ tài chính.
Hỗ trợ tài chính có nhiều dạng: học bổng dựa trên kết quả học tập, trợ cấp tùy vào điều kiện tài chính, cung cấp vị trí trợ giảng hoặc hỗ trợ nghiên cứu, vừa học vừa làm. Một số loại hỗ trợ chỉ dành cho công dân Mỹ nhưng sinh viên quốc tế cũng không thiếu cơ hội giành học bổng hấp dẫn. Ví dụ, Đại học Pennsylvania dành 6 triệu USD mỗi năm để tài trợ cho sinh viên sau đại học ngoài nước Mỹ.
Một số đại học thứ hạng cao ở Mỹ vận hành chính sách tuyển sinh needs-blind admission, có nghĩa trường không quan tâm đến nền tảng tài chính của sinh viên trong quá trình ứng tuyển và hứa cung cấp hỗ trợ tài chính để mọi ứng viên thành công có thể hưởng lợi. Trong năm 2017, các cơ sở này bao gồm Viện Công nghệ Massachusetts, Đại học Harvard, Đại học Princeton, Đại học Yale và Đại học Amherst.
Ngoài ra, chính phủ Mỹ tài trợ một vài chương trình học bổng cho sinh viên quốc tế, chẳng hạn chương trình sinh viên nước ngoài Fulbright và chương trình học bổng Hubert Humphrey.
Thùy Linh
Theo Vnexpress
Tại sao đại học Mỹ đắt đỏ? Tổng kinh phí dành cho đội ngũ nhân viên như chuyên gia tư vấn sức khỏe tâm thần, bộ phận tuyển sinh... còn lớn hơn nhóm giảng dạy. Từ xưa đến nay, việc học phí giáo dục bậc cao ở Mỹ tăng vọt luôn khiến nhiều người kinh ngạc. "Các quý ông phải chi tiền trong một năm cho con trai nhiều hơn...