Thương hiệu Học trò miền Trung
Những học sinh sống trong bão lũ mà vẫn vững vàng và học giỏi, tinh thần ấy đáng được gọi là kiên cường.
Cách nay bốn năm, trong vòng phỏng vấn cuối cùng để tranh học bổng Freeman – suất học bổng toàn phần duy nhất hằng năm từ một trường đại học danh giá của Mỹ dành cho học sinh Việt Nam – trong bảy thí sinh đến từ mọi miền đất nước, có một bạn nữ từ miền Trung.
Trong vòng thi đó, người được chọn – thí sinh của Trường trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong, TPHCM – đã chia sẻ với tôi rằng: “Cả bảy thí sinh khi đã vào vòng cuối đều rất quyết tâm, nhưng nếu không phải là người được chọn thì em mong nhất là chị ấy (nữ sinh miền Trung), vì Học trò miền Trung là một thương hiệu”.
Cứ sau mỗi trận bão, lũ, những đứa trẻ miền Trung lại phải học qua những cuốn tập, sách lem nhem chữ như thế này
Vâng, học trò miền Trung nổi tiếng học giỏi, cần mẫn, chăm chỉ, quyết tâm.
Thực tế, để học giỏi, học sinh sống ở các thành phố lớn cố gắng một, đầu tư một thì các bạn miền Trung phải cố gắng gấp năm, gấp mười, thậm chí nhiều lần hơn thế. Ngoài việc có nhiều trường tốt, nhiều thầy cô giỏi, nhiều thông tin thì riêng chuyện không phải trải qua những ngày tháng bão lũ, sạt lở, không phải có những trải nghiệm đau buồn, học trò thành phố đã có lợi thế hơn các bạn miền Trung nhiều rồi.
Ở miền Trung, năm nào cũng mấy tháng bão, mưa, nghỉ học rồi học bù. Năm nào học sinh cũng chứng kiến mọi thành quả lao động của cha mẹ, ông bà tan tành sau bão. Tháng 10/2020, ngay ngày cơn bão số 9 ập vào miền Trung, chúng tôi đi qua Huế, Quảng Nam, nơi chưa phải tâm bão mà nhìn các trường học vắng lặng ngập trong nước, tơi tả trong mưa, gió thật xót xa. Cả tháng ngập trong nước thì thứ gì không bị lũ cuốn cũng có còn dùng được đâu!
Học trò miền Trung là hình ảnh quen thuộc trong các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Nhưng mùa bão này, đi qua Huế, chẳng thể thấy một anh Ngạn lãng mạn như trong Mắt biếc, chỉ thấy các trường không một bóng học trò. Cả miền Trung tan nát, tơi tả. Giữa mênh mông nước, tối đến thì leo lét nến hoặc đèn dầu, những đứa trẻ sẽ thèm và nhớ những ngày bình thường ở trường biết bao nhiêu. Kinh khủng nhất là có em phải mất đi người thân, bạn bè, thầy cô. Vết thương ấy trong lòng các em, biết khi nào lành?
Video đang HOT
Ngay khi nước rút, bão tan, học trò miền Trung sẽ lại đến trường. Quần áo ấm, ba-lô, tập vở, sách giáo khoa, đồ dùng học tập đã sẵn sàng. Tất cả trường học khắp cả nước đều có các chương trình Gửi bạn miền Trung. Trường lớp sẽ được lợp dựng lại. Quà được gửi đến, thương yêu được trao tặng, và cuộc sống ở miền Trung sẽ lại dần hồi phục, những nỗi buồn sẽ lắng xuống.
Học trò miền Trung sẽ lại đuổi kịp các bạn, sẽ lại tiếp tục học giỏi, lại cùng có mặt trong những vòng phỏng vấn cuối cùng để nhận các học bổng danh giá từ những trường đại học lớn trên thế giới. Thương hiệu Học trò miền Trung sẽ được giữ vững như xưa nay vẫn vậy.
Tôi muốn nói với các con mình – những đứa trẻ sinh ra và lớn lên nơi thành phố đầy nắng – rằng các con không chỉ cần chia sẻ mà còn cần thể hiện sự trân trọng với các bạn miền Trung ngay cả khi tranh tài, khi là đối thủ trong các cuộc thi. Những học sinh sống trong bão lũ mà vẫn vững vàng và học giỏi, tinh thần ấy đáng được gọi là kiên cường.
Xúc động bức thư gửi trò vùng lũ ngày trở lại trường của "thầy giáo làng"
Ngày mai đi học, nếu cũng không còn cặp sách để đựng đồ cũng không sao, các em có thể bỏ tất cả vào một bao ni lông, cột thật chặt...
Đó là những dòng chia sẻ của thầy giáo Hà Văn Quý - Hiệu trưởng trường trung học phổ thông Quảng Ninh (Quảng Bình) gửi các em học sinh sau trận lũ lịch sử.
Thầy Quý (ngoài cùng bên phải) đi cùng đoàn công tác trong đợt lũ. Ảnh: NVCC
Nằm ở vùng thấp trũng, ngôi trường trung học phổ thông Quảng Ninh là nơi gánh chịu nhiều thiệt hại trong đợt mưa lũ vừa qua.
Ngôi trường bị nước ngập nhiều ngày, gây hư hỏng nặng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học. Sau lũ, thầy trò đã cùng nhau bắt tay dọn dẹp, vệ sinh lại trường lớp để sớm trở lại với chương trình học.
Cảm thông với sự mất mát của học trò vùng lũ, "thầy giáo làng" đã viết bức thư chia sẻ tình cảm với học trò, trong đó chứa đựng nhiều góc nhìn nhân văn.
"Ngày mai đi học, các em không nhất thiết phải mặc đồng phục, không nhất thiết phải áo trắng, áo dài và nếu có ố vàng một chút cũng không sao, đừng quá tự ti, đừng quá lo lắng, miễn là áo quần đủ khô, đủ ấm em nhé!
Ngày mai đi học, các em không nhất thiết phải mặc dép có quai hậu (như quy định của Đoàn trường), chỉ cần có cái để xỏ vào chân, bùn lấm một tí cũng được, sứt mẻ một tí cũng được, miễn là đủ để ngăn rác bẩn hay cây gai đâm vào chân, em nhé!
Ngày mai đi học, các em nhớ dậy sớm một tí, đề phòng chiếc xe yêu thích ngày nào bỗng dưng "dở chứng", mình có thể làm một cuốc "bộ hành" giữa trời thu xanh mát, hoặc có thể ra đường ngóng chúng bạn "hốt-dùm-tui-đi";
Và nếu trễ một chút cũng không sao, miễn là đi đủ chậm và an toàn, thấy ai trách thì nhớ mỉm cười và cúi đầu xin được thông cảm, em nhé!
Ngày mai đi học, nếu chưa có đủ sách vở hoặc bút viết, xin các em đừng quá lo lắng, thầy cô còn có nhiều bài học làm người, bài học cho tinh thần tương thân tương ái, bài học về giá trị cốt lõi của học trò trường Quảng Ninh mà đôi khi các em chỉ cần dùng trái tim để "learn by heart" mà không phải ghi chép gì nhiều, em nhé!
Ngày mai đi học, nếu cũng không còn cặp sách để đựng đồ cũng không sao, các em có thể bỏ tất cả vào một bao ni lông, cột thật chặt, và nhớ ghi rõ tên và trường để bà con gửi trả về nếu lỡ nước có cuốn trôi, em nhé!
Ngày mai đi học, khoan hãy học bài cũ, các em có thể dành thời gian hỏi han bạn bè, thầy cô sau đợt lụt vừa rồi, và nhớ đừng chê cười nếu như #crush của mình mặc đồ không được đẹp, đi dép không được "mốt" hay thấy một bao ni lông lăn lốc trong góc bàn cuối lớp, em nhé".
Trường trung học phổ thông Quảng Ninh bị ngập sâu trong đợt lũ vừa qua. Ảnh: HQ
Và thầy Hà Quý cũng căn dặn các học trò của mình rằng: "C ác nhà hảo tâm cũng sẽ đến với các em (như họ đã hứa với thầy cô), thầy mong các em biết trân quý những đồ dùng mà mình nhận được.
Nếu có hơi cũ, hơi rách tí thì cũng mong các em hiểu, đó không chỉ là cuốn vở, tấm áo mà còn cả tấm lòng tương thân tương ái của các bác, các o, các chú, các anh/chị/em;
Và đặc biệt từ các bạn học sinh cùng trang lứa từ mọi miền khắp cả nước, các bạn học sinh ấy, dù còn nhiều nghèo khó nhưng vẫn đóng góp ủng hộ một vài cuốn vở hay 10k, 20k...
Họ đã dành cho đồng bào miền Trung nói chung và Trường chúng ta không chỉ tiền của, sức lực, thời gian, không chỉ sự cho-nhận thông thường, mà còn cả tấm lòng yêu thương đến nghẹn lòng, em ạ".
Cuối thư, thầy Quý mong rằng khi học sinh trở lại trường sẽ tự tin, mỉm cười. "... còn người là còn của, đừng quá lo lắng, đừng quá bi quan, thua keo này ta bày keo khác.
Chỉ cần cố gắng từng tí một, vượt qua những trở ngại trước mắt, không ngừng học tập, và thầy tin, tươi sáng sẽ sớm đến với chúng ta", thầy Quý viết.
Đợt lũ lịch sử vừa qua đã khiến hàng ngàn ngôi trường ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế ngập chìm sâu trong nước. Hàng trăm ngàn học sinh bị nước lũ cuốn trôi sách vở, cặp, áo quần. Con đường trở lại trường của các em còn rất gian nan, vất vả.
Các tỉnh miền Trung thiếu sách vở, thiết bị dạy học trầm trọng sau lũ Bão chồng bão, lũ chồng lũ khiến ngành giáo dục các tỉnh miền Trung thiệt hại nặng nề. Hàng chục giáo viên, học sinh thiệt mạng. Thiết bị dạy học, sách vở bị cuốn trôi, hư hỏng. Theo báo cáo của Cục Cơ sở vật chất, Bộ GD&ĐT, tính đến ngày 29/10, tỉnh Hà Tĩnh có hơn 20.000 học sinh bị ảnh hưởng...