Thuế quan và cắt giảm thuế – những ưu tiên của Tổng thống đắc cử Mỹ
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã cam kết đưa thuế quan và cắt giảm thuế trở thành những vấn đề cốt lõi trong chương trình nghị sự kinh tế khi ông nhậm chức vào tháng 1/2025.
Chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 11 vừa qua của ông Trump phần lớn là nhờ mối quan tâm của cử tri về nền kinh tế. Một số nhà dự báo ngân sách nổi tiếng đã ước tính các kế hoạch cắt giảm thuế của ông Trump sẽ làm tăng thêm thâm hụt ngân sách liên bang 3.600-6.600 tỷ USD trong một thập kỷ, tùy thuộc vào đề xuất nào được thực thi.
Cảng container hàng hóa tại Vancouver, British Columbia, Canada ngày 12/11/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Dưới đây là các đề xuất về thuế quan và cắt giảm thuế của ông Trump:
Tăng thuế nhập khẩu
Sau cuộc bầu cử, một trong những hành động đầu tiên của ông Trump là tuyên bố áp mức thuế chung 25% đối với hàng nhập khẩu của Canada và Mexico, trừ phi hai nước này tăng cường nỗ lực ngăn chặn tình trạng buôn bán bất hợp pháp các chất ma túy như fentanyl và dòng người di cư trái phép vào Mỹ. Chính phủ Mexico phản ứng khi nói rằng thuế quan có thể khiến 400.000 người Mỹ mất việc làm.
Tổng thống đắc cử Mỹ cũng đã đưa ra kế hoạch áp dụng mức thuế chung 10-20% đối với hầu hết hàng nhập khẩu từ mọi quốc gia, cũng như mức thuế từ 60% trở lên đối với hàng hóa từ Trung Quốc, để thúc đẩy hoạt động sản xuất tại Mỹ.
Ông Trump thường xuyên tuyên bố sẽ đánh thuế 200% vào các nhà sản xuất ô tô chuyển sản xuất sang Mexico. Các mức thuế này có thể vi phạm Hiệp định thương mại Mỹ-Mexico-Canada (USMCA) mà ông đã ký thành luật vào năm 2020.
Hiệp hội Bán lẻ Quốc gia, đại diện cho Walmart và các nhà bán lẻ khác chiếm gần một nửa khối lượng vận chuyển container, nằm trong số các nhóm ngành phản đối mức thuế đề xuất của ông Trump. Các nhà kinh tế cho rằng thuế quan sẽ khiến lạm phát tăng.
Video đang HOT
Ông Trump cho biết ông sẽ chính thức thông báo cho Mexico và Canada về kế hoạch đàm phán lại USMCA để giải quyết những lo ngại về ô tô Trung Quốc.
Cắt giảm thuế cho các nhà sản xuất trong nước
Ông Trump đã cam kết giảm thuế doanh nghiệp từ 21% xuống 15% đối với các công ty sản xuất sản phẩm của họ ở Mỹ. Ông đã cắt giảm thuế doanh nghiệp từ 35% xuống 21% trong nhiệm kỳ Tổng thống 2017-2021 của mình.
Gia hạn cắt giảm thuế
Ông Trump muốn gia hạn tất cả các đợt cắt giảm thuế cá nhân mà ông đã thông qua Quốc hội vào năm 2017, bao gồm cả việc cắt giảm thuế đối với những người Mỹ giàu có nhất, mà các chuyên gia thuế và ngân sách ước tính sẽ làm giảm nguồn thu trong một thập kỷ khoảng 3.300-4.000 tỷ USD.
Tuy nhiên, một số đảng viên Đảng Cộng hòa lo ngại trước việc ban hành một đợt giảm thuế mới mà không bù đắp bằng việc cắt giảm mạnh chi tiêu, có thể bao gồm việc cắt giảm các chương trình phúc lợi.
Những lo ngại về việc tăng thêm nợ liên bang đã tác động đến thị trường trái phiếu Mỹ, điều có thể làm chậm nỗ lực cắt giảm thuế của ông Trump.
Không đánh thuế với tiền làm thêm giờ, tiền boa hoặc trợ cấp an sinh xã hội
Ông Trump cho biết ông sẽ chấm dứt tất cả các loại thuế đánh vào tiền làm thêm giờ trong gói cắt giảm thuế rộng hơn.
Ông cũng cho biết ông sẽ ban hành quy định để chấm dứt việc đánh thuế tiền boa. Luật hiện hành yêu cầu người lao động kê khai tiền boa là thu nhập chịu thuế.
Ông đã tuyên bố sẽ miễn thuế đối với các khoản trợ cấp an sinh xã hội.
Giảm thuế đối với công dân Mỹ ở nước ngoài
Ông Trump đã cam kết giảm thuế đối với công dân Mỹ sống ở nước ngoài mà không cung cấp thông tin cụ thể. Theo Sở Thuế vụ Mỹ, người Mỹ sống hoặc đi du lịch ở nước ngoài phải nộp tờ khai thuế thu nhập, thuế bất động sản, thuế quà tặng và “nộp thuế ước tính giống như những người cư trú tại Mỹ.
Đề xuất khấu trừ thuế của các bang và địa phương (SALT)
Ông Trump đã tuyên bố sẽ khôi phục khấu trừ SALT dành cho người nộp thuế liên bang. Quy định cắt giảm thuế mà ông Trump ban hành năm 2017 áp mức trần 10.000 USD đối với số tiền thuế bang và địa phương mà người nộp thuế có thể khấu trừ. Hiện chưa rõ liệu ông Trump có ý định loại bỏ mức trần này hay không – vốn chủ yếu ảnh hưởng đến các bang có mức thuế cao như New York.
Các đề xuất khác về kinh tế
Ngoài đề xuất về thuế quan và cắt giảm thuế, ông Trump còn cam kết sẽ hỗ trợ ngành dầu khí bằng việc tài trợ cho dự án các đường ống mới và khôi phục hoạt động khai thác thủy lực trên đất liên bang nhằm thúc đẩy nền kinh tế.
Ông Trump tuyên bố sẽ thành lập Hội đồng Năng lượng Quốc gia để điều phối các chính sách nhằm thúc đẩy sản xuất năng lượng của Mỹ, do người được ông chọn làm Bộ trưởng Nội vụ đứng đầu, Thống đốc bang Bắc Dakota Doug Burgum.
Ông cũng cho biết sẽ xem xét chấm dứt khoản tín dụng thuế 7.500 USD cho việc mua xe điện. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, ông đã tìm cách bãi bỏ tín dụng thuế xe điện mà Tổng thống Joe Biden gia hạn vào năm 2022.
Ông cho biết sẽ đề xuất khấu trừ thuế đối với tiền lãi các khoản vay mua ô tô. Ông đã cam kết đặt mức trần tạm thời cho lãi suất thẻ tín dụng “khoảng 10%”.
Thuế quan mới của ông Trump: Cơ hội và thách thức cho các nền kinh tế châu Á
Tổng thống đắc cử Donald Trump gần đây đã tuyên bố kế hoạch áp đặt thuế quan mạnh tay đối với hàng hóa nhập khẩu từ các đối tác thương mại chính của Mỹ, bao gồm Mexico, Canada và Trung Quốc.
Người tiêu dùng tại một siêu thị ở California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Chính sách này, dự kiến được thực hiện ngay từ ngày đầu nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump, có thể gây ra những tác động đáng kể đối với kinh tế toàn cầu, đặc biệt là tại khu vực châu Á, nơi có sự phụ thuộc lớn vào xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Những tác động của chính sách thuế quan dự kiến thời Tổng thống Trump 2.0 không chỉ dừng lại ở việc tăng chi phí thương mại mà còn gây áp lực lên các quốc gia có nền kinh tế dựa vào xuất khẩu. Năm 2023, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Hàn Quốc và là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Nhật Bản, với kim ngạch lần lượt đạt 116 tỷ USD và 145 tỷ USD. Tương tự, nhiều quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan, và Indonesia cũng coi Mỹ là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất.
Tuy nhiên, chính sách này cũng mở ra những cơ hội cho một số quốc gia trong khu vực. Với việc các công ty tìm cách tránh thuế quan từ Trung Quốc, Đông Nam Á có thể trở thành điểm đến mới cho các chuỗi cung ứng. Một số doanh nghiệp lớn đã lên kế hoạch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc sang các quốc gia như Việt Nam, Campuchia và Thái Lan. Vừa qua, công ty giày Steve Madden thông báo sẽ giảm một nửa sản lượng tại Trung Quốc và chuyển sang các nước Đông Nam Á, Mexico và Brazil.
Mặt khác, chính sách thuế quan cũng làm gia tăng áp lực lên nền kinh tế Mỹ. Với mức thuế cao, giá cả trong nước dự kiến sẽ tăng khi các công ty chuyển phần chi phí nhập khẩu tăng thêm sang cho người tiêu dùng. Điều này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức mua tại thị trường Mỹ, làm giảm nhu cầu đối với hàng hóa nhập khẩu từ châu Á.
Ngoài ra, thâm hụt thương mại giữa Mỹ và các quốc gia châu Á vẫn là vấn đề lớn. Trong 9 tháng đầu năm 2024, Mỹ ghi nhận mức thâm hụt thương mại lớn với Trung Quốc, Mexico và Việt Nam. Việc hạn chế nhập khẩu từ Trung Quốc đã làm giảm thâm hụt thương mại với quốc gia này, đồng thời lại làm gia tăng thâm hụt với các nước khác như Việt Nam và Thái Lan.
Các nhà kinh tế cảnh cho rằng thuế quan mới của ông Trump có thể là "con dao hai lưỡi". Dù giúp giảm thâm hụt thương mại và thúc đẩy sản xuất trong nước, chính sách này cũng có nguy cơ làm suy yếu khả năng cạnh tranh toàn cầu của Mỹ và gây tổn hại đến các mối quan hệ kinh tế quốc tế.
Nhìn chung, chính sách thuế quan của Tổng thống đắc cử Donald Trump mang đến cả cơ hội lẫn thách thức cho nền kinh tế châu Á. Trong khi một số quốc gia có thể hưởng lợi từ việc tái định hình chuỗi cung ứng, những nước khác sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt và áp lực từ chi phí thương mại tăng cao. Sự thay đổi này đòi hỏi các quốc gia trong khu vực phải linh hoạt và nhanh chóng thích nghi để giảm thiểu rủi ro và tận dụng cơ hội.
Cuộc chiến thuế quan Mỹ - Trung: Lịch sử có lặp lại? Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã cảnh báo Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump rằng, việc ông đe dọa áp thuế bổ sung đối với hàng hóa Trung Quốc có thể đẩy hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vào một cuộc chiến thương mại. Theo Reuters, Trump, người dự kiến nhậm chức vào ngày 20.1.2025, tuyên bố rằng ông...