Thực nghiệm từng là trường “con quan”
“Thực ra mà nói, nhiều người dân họ không hiểu, không biết mô hình thực nghiệm hay ở chỗ nào, ưu việt ở chỗ nào đâu. Họ chỉ nghe đồn là tốt thế này, tốt thế kia. Nhưng có một thực tế hiển hiện là người dân đã hết kiên nhẫn với những chương trình đào tạo hiện hành trong các nhà trường…”.
Hàng trăm phụ huynh bạc mặt từ nửa đêm chen chúc xếp hàng, thậm chí đạp đổ cổng sắt ùa vào, tranh nhau mua hồ sơ vào lớp 1 cho con tại trường PTCS Thực Nghiệm Hà Nội hai ngày cuối tuần vừa qua được xem là sự kiện giáo dục “ nóng” nhất, gây choáng váng và nhiều tranh cãi cho dư luận.
Sáng 15/5, GS. TSKH Hồ Ngọc Đại, “cha đẻ” của mô hình thực nghiệm đã có những chia sẻ xung quanh câu chuyện này.
“Mô hình thực nghiệm không thể tồi tệ hơn những mô hình khác”
“Để biết lý do tại sao, trong hàng trăm trường tiểu học cả công và tư trên địa bàn thành phố Hà Nội, người dân vẫn muốn và chỉ muốn chọn Trường PTCS Thực nghiệm Hà Nội cho con, báo chí nên đi hỏi phụ huynh, học sinh đã học ở trường này, bộ phận quản lý đương chức… và những người làm chương trình giáo dục hiện hành. Đó là những đối tượng nên hỏi và sẽ cho dư luận câu trả lời đích đáng nhất…”, GS. Hồ Ngọc Đại mở đầu câu chuyện với phóng viên báo Giáo dục Việt Nam.
GS. Hồ Ngọc Đại được biết đến với tư cách là người sáng lập và khai sinh ra mô hình giáo dục thực nghiệm ở Việt Nam. Vị Giáo sư đáng kính này đã từng từ chối lời mời làm Thứ trưởng để xin đi dạy lớp 1.
Nói về “đứa con” của mình, GS. Hồ Ngọc Đại chia sẻ: “Sự thật là có một mô hình giáo dục như thế. Những cái tốt, cái xấu, những cái đẹp, cái dở, những cái hay, cái chưa hay… nó bày ra thực tế như thế. Và nó đã tồn tại 35 năm nay.
Thời gian đầu, Trường PTCS Thực nghiệm chỉ là trường của con em giới trí thức, giới văn nghệ sỹ và cán bộ cao cấp. Dân không cho con đến. Đơn giản thôi, họ không tin vào mô hình thực nghiệm đầy mới mẻ này. Lúc đó chỉ có tầng lớp trí thức, văn nghệ sỹ và cán bộ cao cấp tin tưởng và ủng hộ mô hình thực nghiệm. Lớp phụ huynh đầu tiên tuyệt với lắm! Họ chia sẻ, họ đồng cảm và tình nguyện đến với mình.
Mãi đến sau này, người dân mới dần tin tưởng và bắt đầu cho con em đến với mô hình thực nghiệm. Đó là thành công của mô hình thực nghiệm dù thành công đó phải trải qua cả một quá trình phấn đấu lâu dài và quá thầm lặng”.
Chứng kiến cảnh phụ huynh chen chúc xếp hàng từ nửa đêm để mua hồ sơ xin học cho con, GS. Hồ Ngọc Đại bày tỏ sự sẻ chia, thông cảm cùng những bậc phụ huynh.
Ông cho biết: “Đây cũng là hiện tượng dễ hiểu và cần thông cảm. Ai cũng mong muốn mang đến cho con cái những môi trường học tập tốt nhất từ những năm tháng đầu đời. Khi dân đã tin, tất yêu họ sẽ hành động. Các mùa tuyển sinh những năm gần đây, tỷ lệ phụ huynh mong muốn cho con em mình vào trường Thực nghiệm rất nhiều. Số lượng hồ sơ và học sinh cứ tăng lên vùn vụt. Tuy nhiên, năm nay thì có sự gia tăng đột biến và nó đã diễn ra như những gì đã thể hiện vừa qua…”.
Theo lời GS. Hồ Ngọc Đại, mô hình thực nghiệm đã có lúc lan tỏa đến 43 tỉnh thành trong cả nước, nhưng sau đó lại có một thời gian “chững lại” do Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra chương trình mới và người dân hy vọng vào chương trình đó. Khi chương trình mới “thất bại”, người dân lại bắt đầu quay lại, hy vọng, đặt niềm tin với mô hình thực nghiệm.
“Thực ra mà nói, nhiều người dân họ không hiểu, không biết mô hình thực nghiệm hay ở chỗ nào, ưu việt ở chỗ nào đâu. Họ chỉ nghe đồn là tốt thế này, tốt thế kia. Nhưng có một thực tế hiển hiện là người dân đã hết kiên nhẫn với những chương trình đào tạo hiện hành trong các nhà trường.
Nói đi phải nói lại, mặc dù người dân chỉ nghe đồn về những tốt, cái hay, cái ưu việt của trường Thực nghiệm. Nhưng cái người dân mắt thấy, tai nghe là nền giáo dục hiện hành đã khiến họ mất đi niềm tin khi phải chứng kiến con cái mình “còng lưng” cõng những cặp sách nặng hơn trọng lượng cơ thể đến trường, rồi học thêm, rồi o ép chuyện này chuyện khác…
Và tất nhiên, họ cho rằng chắc chắn mô hình thực nghiệm không thể tồi tệ hơn những gì họ đã thấy…”, GS. Hồ Ngọc Đại chia sẻ.
Video đang HOT
GS. TSKH Hồ Ngọc Đại
Chúng tôi dạy trẻ biết tự trọng và tự chủ
Nói về những điểm khác biệt và tính ưu việt của mô hình thực nghiệm, GS. Hồ Ngọc Đại nhấn mạnh: “Quan trọng nhất là trẻ con lớn lên ở đây được tôn trọng. Các thầy cô giáo trường nào thì cũng yêu quý trẻ con thôi. Nhưng cái nổi bật của mô hình thực nghiệm là tôn trọng trẻ con bằng thái độ và công việc. Tri thức đưa đến cho trẻ là tri thức rất hiện đại, rất cơ bản và không có sự so sánh giữa đứa trẻ này với đứa trẻ khác. Đứa trẻ nào cũng được tôn trọng. Không chỉ những học sinh giỏi toán, giỏi văn mới được tôn trọng, trẻ tập thể dục giỏi cũng được tôn trọng…”.
GS. Hồ Ngọc Đại chia sẻ thêm: “Tôn trọng cái cuộc sống thật của trẻ con là cái sâu sắc nhất và nên làm với trẻ con. Ở Trường Thực nghiệm không có thi đua, không có xếp loại, không có nhất, nhì, ba, tư… Người ta bảo thi đua là cạnh tranh lành mạnh nhưng đã theo tôi, đã cạnh tranh thì không thể lành mạnh.
Trẻ không chỉ được tôn trọng, trẻ còn được giáo dục để hướng đến để phát triển tư chất của từng em. Cách suy nghĩ và quan hệ trong cuộc sống của trẻ con cũng được thay đổi. Trẻ đã tự trọng thì không thể hư được. Trong Trường PTCS Thực nghiệm có hàng ngàn trẻ con nhưng không có đứa trẻ nào hư. Tôi cũng muốn nói và chia sẻ với các bà mẹ là hãy yêu thương trẻ thật sự và tôn trọng thật sự trẻ”.
Tôn trọng trẻ là dạy cho trẻ tri thức đàng hoàng
Theo GS. Hồ Ngọc Đại, điểm khác biệt lớn nhất của Trường PTCS Thực nghiệm là: “Nhà trường tôn trọng trẻ bằng cách dạy cho học sinh tri thức đàng hoàng. Thái độ không chưa đủ mà phải bằng công việc. Dạy cho trẻ cách làm việc đàng hoàng, tự chủ đàng hoàng. Trẻ có đến đâu thì tôn trọng trẻ đến đấy. Mô hình thực nghiệm tuyệt đối không có chuyện tôn vinh, biểu dương trẻ con vì như thế là hạ nhục một đứa trẻ khác. Trẻ con rất dễ tủi thân. Quan niệm về trẻ con phải hoàn toàn khác…”.
GS. Hồ Ngọc Đại cũng cho biết: “Trẻ con lớp 1 ở trường Thực nghiệm được học tiếng Việt, toán hiện đại, cao cấp. Hiện đại không có nghĩa là nửa vời mà là tư duy hiện đại, tư duy theo cách làm việc và cũng cần xác định tư duy cái gì, làm việc cái gì là tốt và xứng đáng nhất với trẻ con.
Cái tầm bậy và khổ nhất với những đứa trẻ thành phố vào học lớp 1 ở trường Thực nghiệm là đã được học chữ từ mẫu giáo. Trẻ đã quá quen với cái cũ và không thể làm quen, tiếp nhận được cái mới của chương trình tiếng Việt công nghệ. Trẻ biết chữ từ mẫu giáo chỉ có lợi thế từ 2 tháng đầu.
Ngày xưa, trẻ biết chữ là không nhận vào trường. Tuy nhiên, đến giờ dưới nhiều tác động thì đã làm nhạt nhòa đi nhiều thứ ở Trường Thực nghiệm…”.
Theo Báo Giáo dục Việt Nam
GS Hồ Ngọc Đại: 'Tôi thương phụ huynh quá!'
Trong hai ngày cuối tuần (12 và 13/5), một hiện tượng giáo dục thu hút sự quan tâm của dư luận: phụ huynh đạp đổ cổng trường để mua đơn đăng ký cho con vào học lớp 1. Chuyện xảy ra tại Trường PTC Thực Nghiệm (Hà Nội). Nói về hiện tượng này, GS Hồ Ngọc Đại, "cha đẻ" của mô hình trường thực nghiệm bày tỏ: "Tôi thương phụ huynh quá!"
Trường Thực Nghiệm nóng vì sao?
Lý giải nguyên nhân về việc chen lấn để mua hồ sơ, nhiều bậc phụ huynh cho biết, do được biết, năm học 2012 - 2013, trường chỉ tuyển 140 em, trong khi số lượng hồ sơ bán ra khá "nhỏ giọt" (200 bộ). Trong khi đó, lâu nay, trường được biết tới là có uy tín, môi trường học chất lượng, và thêm một điểm nhấn, GS Ngô Bảo Châu, người vừa có giải thưởng quốc tế về toán học Fields, từng học tiểu học tại đây.
Chị Hoàng Hường ở quận Ba Đình, chọn ngôi trường này vì con chị được học lớp ít học sinh (40 cháu/ lớp). Bé tới trường không phải còng lưng cõng cặp nặng. Về nhà, bé cũng không phải bò ra để làm bài tập. Hơn nữa, bé được học tiếng Anh nhiều. Ngoài chương trình học trên lớp, bé không phải học thêm bất cứ môn nào, kể cả môn tiếng Anh.
Do vậy, bé thứ hai đến tuổi vào lớp 1 - chị không ngại dậy sớm chen chân xếp hàng, xô đẩy để mua đơn cho con vào học năm học tới.
Anh Hưng (tên nhân vật đã đổi), một phụ huynh ở quận Cầu Giấy cho biết, cả hai cháu (sinh năm 2000 và 2005) đều chọn Trường Thực nghiệm. Bởi mô hình này tôn trong cá tính của học sinh - ngay từ đầu vào lớp 1, con được khẳng định cái tôi trong cách xưng hô: gọi "cô xưng em" chứ không gọi cô xưng con như những trường tiểu học khác. Và học sinh rất thích đến trường.
Lý do nữa được anh Hưng chọn Thực nghiệm là các cô giáo có cách hành xử với học sinh có văn hóa, gây thiện cảm với số đông phụ huynh. Hồi năm 2006, khi cô con gái đầu lòng vào lớp 1, anh rất ấn tượng với cô giáo Diệu Lý chỉ bởi trong ngày tựu trường, cô đã cầm quạt giấy đi từng học sinh xếp hàng ở sân trường quạt cho từng cháu.
"Về chương trình học, ngoài việc có nhiều sự lựa chọn cho phụ huynh nếu muốn cho con học Chương trình đại trà (quy định của Bộ GD-ĐT) hoặc Chương trình thực nghiệm thì cách dạy của trường không chạy theo thành tích" - anh Hưng khái quát. Các con anh học rất thoải mái, không có cảm giác nhồi nhét. Hơn nữa, mỗi môn học như Toán, Văn, Nhạc, Vẽ....đều có giáo viên riêng. Đây là sự khác biệt so với các trường tiểu học khác.
Còn lý do mà chị Vân Anh ở quận Đống Đa chọn mô hình Trường Thực nghiệm cho hai con là bởi "ngộp khuôn viên của trường khi đến tìm hiểu cho con thứ nhất học (năm 2003).
Thêm những lý do khác như lớp học không quá đông, con về nhà ít bài tập và không phải đi học thêm - nên chị tiếp tục chọn ngôi trường này cho đứa thứ hai.
Nhưng theo năm tháng song hành cùng chuyện học của con, chị nhận thấy, trường Thực nghiệm ngày hôm nay đã có một số thay đổi. Một số cô giáo dạy giỏi của trường cũng đã "chạy" sang trường khác. Cô giáo Diệu Lý, người "gây mê" nhiều phụ huynh, nay đã chuyển sang làm quản lý một trường tư thục.
Và quan trọng hơn, môi trường sư phạm dần bị mai một. Sự quan tâm của cô chỉ còn là tiếng đồn theo năm tháng, khiến phụ huynh chạy theo xu hướng "tâm lý đám đông".
Bất chấp tất cả để con được học trường tốt
Không chỉ "nóng" trước cổng trường Thực Nghiệm dù trước buổi sáng đều có các cơn mưa, câu chuyện "đạp đổ cổng trường mua hồ sơ cho con vào lớp 1" sôi động không kém trên nhiều diễn đàn dành cho các bậc cha mẹ, các trang mạng xã hội.
Thu thập thông tin qua báo chí, một số thành viên webtretho tỏ vẻ thất vọng về văn hóa của người Thủ đô. Một số khác thở dài: "Người lớn thiếu văn hóa vậy sao mong trẻ con có văn hóa" hay "Buồn thay cho cái gọi là thủ đô văn hiến, nhìn cảnh này rồi cảnh lễ hội hoa, không dám nghĩ người nước ngoài sẽ đánh giá Hà Nội sao nữa".
Một thành viên khác thẳng thắn nhận định "Tìm trường tốt cho con là đúng, nhưng chỉ vì tâm lý đám đông mà làm mọi cách, có những hành vi khiếm nhã thế này thì không chấp nhận được".
Trên mạng xã hội Facebook, tham gia thảo luận cùng bè bạn, một cư dân mạng biệt danh Hiệp Linh đặt vấn đề: "Tại sao lại làm 1 việc vô giáo dục để cho con cái được giáo dục?". Tuy nhiên, gợi mở của anh được tranh luận lại ngay: "Chẳng phải là vô giáo dục, nhìn phụ huynh thức đêm đứng chờ xin học cho con thấy mà thương. Đấy là tại ngành, chứ không phải tại dân".
Biệt danh Đức Bình bình tĩnh phân tích: Có 2 vấn đề ở đây. Một là hệ thống giáo dục phân biệt trường điểm trường thường làm cho tâm lí phụ huynh luôn muốn con mình phải vào trường điểm. Thứ 2 là ý thức của người dân mình quá kém, tại sao không xếp hàng một cách văn hóa, người đến sau phải tôn trọng người đến trước, bố mẹ như vậy thì làm sao dạy trẻ có văn hóa?
Chị Nhật Mai, ở huyện Từ Liêm, từng chen chân mua hồ sơ cho con vào trường này năm ngoái bày tỏ sự cảm thông: "Khi tới đây, không ai nghĩ rằng, lại có đông người như thế không ai nghĩ trước được có cảnh chen lấn này. Nên đến rồi thì cố cho được thì may, không thì cũng thôi. Thực trạng các trường tiểu học ở Hà Nội như vậy nên khó tránh khỏi".
Nickname capi_hh nêu ý kiến: "Cái gì tốt thì người ta tìm đến là lẽ đương nhiên. Tại sao các trường khác không cố gắng mà làm tốt như vậy nhỉ? Không phải thời bao cấp vẫn còn mà đây chính là kiểu của thời kinh tế thị trường, hàng hóa ở đâu tốt thì người ta mua thôi. Dù phải chen nhau vẫn sướng".
Không thể trách phụ huynh?
Trao đổi với PV chiều 13/5, GS Hồ Ngọc Đại -"cha đẻ" của mô hình Trường Thực nghiệm chia sẻ: Tôi đã theo dõi hiện tượng phụ huynh xô đẩy để mua đơn cho con qua phản ánh của các báo - và thấy thương phụ huynh nhiều hơn. Đó là quyền lợi sát sườn, tương lai của con em họ...nên không thể trách.
Đáng trách phải trách những người làm giáo dục: Tại sao mô hình có rồi lại không nhân ra để phụ huynh khỏi chen lấn?
"Hiện tượng phụ huynh xô đổ cổng trường nói lên một điều, mô hình giáo dục hiện nay có vấn đề buộc phụ huynh phải tìm đến một mô hình khác" - ông nói. Dù mô hình khác chưa chắc đã tốt hơn, nhưng giữa hai cái tồi tệ, buộc họ phải chọn cái ít tồi tệ hơn.
An ninh phải nhập cuộc mới hết cảnh xô đẩy (Ảnh chụp sáng 13/5, Văn Chung)
Chứng kiến cảnh chen lấn, xô đẩy...GS nhắc đi nhắc lại quan điểm "tôi rất thương phụ huynh học sinh". Và đáng trách những người làm giáo dục mà nạn nhân của nó là những người làm chương trình năm 2000.
"Họ đổ tiền tỷ vào làm chương trình để "thu lại" sự không bằng lòng của "khách hàng" là phụ huynh. Cuối cùng, đọng lại chỉ là "thành tích của lợi ích nhóm".
"Khoan vội trách phụ huynh hành xử thiếu văn hóa, bởi họ phải thương con mình. Đối với phụ huynh, con cái là nhất nên phải chọn môi trường tốt hơn cho chuyện học hành, mặc dù sự lựa chọn chỉ là cảm tính" - ông chia sẻ sâu sắc trước những hành vi chưa thanh lịch của các bậc làm cha làm mẹ.
Theo GS, nên hiểu phản ứng của phụ huynh là mong muốn bình thường - mong muốn con được học trong môi trường giáo dục tốt.
"Để không còn phản ứng đó và có niềm tin vào nền giáo dục nước nhà, chỉ có cách giáo dục. Trường Thực Nghiệm cũng phải thay đổi. Hôm nay, họ phản ứng như vậy là cách hành xử tự nhiên, không chê trách được!?" - GS Hồ Ngọc Đại chốt lại.
Theo VNN
Vị giáo sư dị ứng với nếp mòn Tôi không được gần gũi với GS Hồ Ngọc Đại nhiều, lại là người ở lĩnh vực chuyên môn khác ông. Tuy nhiên chỉ qua vài lần giao tiếp với ông, làm quen với một số phát biểu của ông, tôi cũng xin mạo muội ghi lại đây một vài cảm nhận của tôi, - chúng có thể đúng, có thể không vừa...