Thực hiện Thông tư 30: Sự kết hợp hài hòa giữa định tính và định lượng
Các em HS Trường Tiểu học Trần Văn Ơn (quận Hải Châu, Đà Nẵng) hào hứng tham gia hoạt động ngoại khóa
GD&TĐ – Sau một năm triển khai Thông tư 30 của Bộ GD&ĐT về đánh giá HS tiểu học, nhiều cán bộ quản lý (CBQL) cho rằng, nếu cán bộ, giáo viên thẩm thấu được tinh thần của Thông tư thì trong triển khai thực hiện sẽ không có quá nhiều vướng mắc, áp lực.
Và mức độ thành công của việc đổi mới trong kiểm tra, đánh giá HS còn phụ thuộc vào công tác tuyên truyền bởi điều quan trọng hơn cả là phải làm sao để thay đổi nhận thức của cả xã hội về quan niệm chất lượng giáo dục.
Sự chuyển đổi từ… Ban Giám hiệu
Trước khi cho tiến hành kiểm tra kết thúc học kỳ II, Ban giám hiệu (BGH) Trường Tiểu học Bạch Đằng (quận Thanh Khê, Đà Nẵng) một lần nữa lại tổ chức tập huấn cách ra đề cho toàn bộ giáo viên, từ nguyên tắc ra đề, chuẩn kiến thức kỹ năng, ma trận đề…
Cô Lương Mỹ Huệ – Phó Hiệu trưởng – giải thích: “Với Thông tư 30, việc ra đề kiểm tra học kỳ do giáo viên đảm nhiệm thay vì Phó Hiệu trưởng ra đề thi cho toàn bộ các khối lớp như trước đây. Giáo viên vẫn nắm được nguyên tắc ra đề, tính phân hóa của đề nhưng trên thực tế thì họ chưa làm bao giờ cả.
Chính vì vậy, tập huấn và thảo luận về mức độ phân hóa là một cách mà BGH hỗ trợ cho giáo viên về mặt kỹ thuật, do đớ, dù học kỳ I đã tổ chức tập huấn, hết học kỳ II tiếp tục tập huấn cũng không thừa, bởi vừa là rút kinh nghiệm, vừa là là quen với phương pháp mới”.
Video đang HOT
Làm rõ hơn vấn đề này, thầy Trần Tám – Hiệu trưởng – phân tích: “Năm đầu tiên đảm nhận việc ra đề nên giáo viên vừa làm vừa học hỏi, họ không ngại việc phải sửa đổi, từ cách trình bày đề, font chữ.
Thông tư 30 yêu cầu trách nhiệm cao ở giáo viên, vì vậy, sự hỗ trợ các mặt của BGH đến giáo viên là rất cần thiết. Và chúng tôi chủ trương những góp ý là để cho giáo viên hoàn thiện hơn, chứ không phải là cơ sở để đánh giá thi đua”.
Không tạo thêm áp lực và làm nặng nề thêm cho giáo viên là quan niệm của rất nhiều CBQL khi chuyển sang đánh giá HS theo thông tư 30. Thầy Trần Tám chia sẻ thêm: “Lúc đầu, mới tiếp nhận thông tư, chúng tôi cũng chưa hình dung hết được những công việc phải làm.
Nhưng rồi phải nghiền ngẫm, nghiên cứu, so sánh đối chiếu với thông tư 32 trước đó, đọc kỹ cả những bài trả lời phỏng vấn của lãnh đạo Bộ GD&ĐT và qua cả thực tế triển khai thì thấy quả thực việc áp dụng thông tư 30 cũng nhẹ nhàng, có nhiều ưu điểm và giáo viên không “quá tải” như dư luận phản ảnh”.
Chính vì vậy, trong các buổi sinh hoạt chuyên môn, BGH Trường Tiểu học Bạch Đằng luôn đưa ra các thông tin có liên quan đến việc triển khai Thông tư để cùng giáo viên phân tích, đánh giá cũng như thảo luận về phương pháp thực hiện.
Có cùng quan điểm như vậy, cô Mỹ Huệ phân tích: “Trên góc độ BGH đánh giá giáo viên thông qua hồ sơ thì trước đây, Thông tư 32 có cơ chế quản lý rõ ràng, chặt chẽ hơn. Với Thông tư 30, việc quản lý của BGH có phần thoáng hơn, mỗi tháng chỉ phải nhận xét bằng chữ một lần đối với một HS”.
Cũng với gióc nhìn đó, cô Trần Thị Kim Bình – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chi Lăng (quận Sơn Trà) – cho biết không nhất thiết phải dự giờ giáo viên mới có thể kiểm tra được sự tận tâm của giáo viên đối với HS.
“Chỉ cần đọc kỹ từng lời nhận xét, BGH có thể biết được GV đó lên lớp giảng dạy như thế nào, có trách nhiệm hay không. Chẳng hạn như trong một tháng, em A chỉ có một lời nhận xét, nhưng chất lượng bài làm cũng như chữ viết của HS vẫn ổn định, không bị sút giảm, tức là GV đã có sự ghi nhớ về năng lực HS”.
Đây cũng là kinh nghiệm chung của nhiều CBQL giáo dục trong việc kiểm soát và duy trì chất lượng khi triển khai thực hiện Thông tư 30. Cũng có dư luận cho rằng, giáo viên có tâm lý “thả nổi” vì không còn chấm điểm trong quá trình dạy.
Thầy Đặng Nhứt – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Văn Ơn (quận Hải Châu) lại chia sẻ một kinh nghiệm khác: “Chỉ cần đi ngang qua hành lang lớp học để quan sát, cũng đã có thể đánh giá phần nào chất lượng giờ dạy của GV thông qua thái độ của HS, nề nếp lớp học, cử chỉ, lời nói của cô giáo…”.
Tận tâm với nghề nghiệp, tận tụy với học sinh
Sau một năm triển khai Thông tư 30, cô Thu Hồng cho biết, cách kiểm tra, đánh giá như hiện nay đã kết hợp hài hòa giữa định tính và định lượng rõ rệt nhất.
Cô nói: “Bài thi học kỳ của HS có thể đạt điểm cao nhưng quá trình học có thể chưa nắm vững một khối lượng kiến thức nào đó nên qua những nhận xét của giáo viên, phụ huynh có thể nắm sát hơn lực học của con”.
Ở một góc độ khác, cô Thu Hồng cho biết, với cách đánh giá bằng nhận xét, phụ huynh còn nhận được sự hỗ trợ rất nhiều trong việc phát hiện ra những “lỗ hổng” của con: “Với những bài nào HS làm sai, sẽ được giáo viên nhận xét, chỉ ra cách khắc phục và yêu cầu làm lại, có kiểm tra sau đó.
Chính sự ghi chú cẩn thận của giáo viên sẽ giúp cho phụ huynh biết con “lủng” ở đoạn nào để bổ túc kịp thời”. Cô Mỹ Huệ cũng phân tích thêm: “Đúng là với cách đánh giá bằng điểm số sẽ tác động mạnh đến phụ huynh, nhưng chỉ với điểm số không thôi mà không chỉ rõ cách khắc phục bằng những lời nhận xét, không có kế hoạch hướng cho HS sửa những lỗi sai thì điểm yếu vẫn cứ là điểm yếu”.
Thông tư 30, vì vậy đòi hỏi mỗi giáo viên đều phải có tinh thần trách nhiệm cao, bám sát HS hơn trong việc theo dõi, tiếp nhận từng đơn vị kiến thức, kỹ năng.
Thầy Trần Tám cũng không giấu được niềm vui, kể rằng, đã có không ít giáo viên thắc mắc với BGH: Mỗi tháng, nếu GV nhận xét HS hơn 2 lần, tức là nhiều hơn mức mà Thông tư yêu cầu, thì có được không?
Thầy Tám khẳng định: Đánh giá, nhận xét HS, bằng lời hay bằng chữ viết, là một hoạt động hằng ngày của giáo viên. Từ những nhận xét này, giáo viên sẽ có kế hoạch cho những bài giảng tiếp theo. Thế nên, những giáo viên có tâm huyết với nghề, tận tâm với học trò đều không lấy đó làm nặng nề.
Cũng đồng tình với nhận xét này, thầy Đặng Nhứt cho biết, ở Trường Tiểu học Trần Văn Ơn có nhiều GV ở lại chấm bài HS đến 6 giờ tối mới rời trường, cho dù chúng tôi chỉ quy định, trong 1 tháng, mỗi HS phải được nhận xét bằng chữ ít nhất một lần.
Họ làm việc thêm giờ xuất phát từ trách nhiệm với HS, từ lòng tự trọng với nghề nghiệp. Theo thầy, điều này hỗ trợ cho phụ huynh rất nhiều trong việc nắm bắt tình hình học tập của con em mình.
Theo cô Trần Thị Thu Hồng – Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Huỳnh Ngọc Huệ (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng), ngoài thu vở HS để theo dõi, thì sau mỗi tiết dự giờ, BGH nhà trường đều tổ chức khảo sát HS.
Cô cho rằng, đối với HS Tiểu học, nếu giáo viên lơ là một chút là chất lượng HS giảm sút ngay. Nên với những bài kiểm tra khảo sát đột xuất, nếu giáo viên cứ thả nổi thì HS sẽ không đáp ứng được; cùng với các kênh thông tin khác, thì đây là một cách để BGH kiểm soát chất lượng.
Theo GD&TĐ