Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới: Chủ động tự bồi dưỡng
Chuẩn bị cho Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới, Bộ GD&ĐT đang đẩy mạnh công tác bồi dưỡng giáo viên ở các tỉnh, thành trong cả nước.
Bên cạnh tham gia các lớp bồi dưỡng, đội ngũ nhà giáo cũng chủ động trong việc tự bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng để tiệm cận với chương trình.
Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (quận 4) trong giờ học tiếng Anh.
Ưu tiên bồi dưỡng giáo viên
Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT TPHCM, để chuẩn bị về đội ngũ cho chương trình mới, Sở GD&ĐT đã xây dựng lực lượng cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán, nhất là ở cấp tiểu học để tham gia các chương trình, các lớp bồi dưỡng, tập huấn do Bộ GD&ĐT tổ chức. Cụ thể, trong tháng 10 này, Sở cử khoảng 70 hiệu trưởng và gần 500 giáo viên cốt cán của TPHCM tham gia chương trình bồi dưỡng giáo viên do Bộ GD&ĐT tổ chức. Từ đó, sẽ xây dựng đội ngũ báo cáo viên, các chuyên đề nhằm thực hiện việc bồi dưỡng, tập huấn về Chương trình giáo dục phổ thông mới cho toàn ngành.
Bên cạnh đó, Sở cũng chủ động phối hợp với các trường ĐH, cơ sở bồi dưỡng giáo viên xây dựng những chuyên đề về chương trình GDPT tổng thể để triển khai cho các đơn vị cơ sở.
Ngay trong hè năm 2019, ngành đã xây dựng, đưa vào chương trình bồi dưỡng hè nhiều chuyên đề, nội dung để trang bị sẵn sàng cho cán bộ, giáo viên những kiến thức, kỹ năng cần thiết nhằm bảo đảm việc triển khai chương trình GDPT 2018 đúng tiến độ và đạt chất lượng theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT.
UBND TPHCM đã yêu cầu các cơ sở giáo dục thực hiện rà soát hiện trạng, nhu cầu cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên từng cấp học, lớp học, môn học theo lộ trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, từ đó đề xuất với Sở GD&ĐT nhằm bảo đảm số lượng và chất lượng để thực hiện kế hoạch bồi dưỡng giáo viên đạt hiệu quả thực hiện chương trình GDPT; tham gia đầy đủ các khóa bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên hàng năm (từ năm 2019 đến năm 2023).
Cụ thể: Các lớp bồi dưỡng hướng dẫn dạy học môn học (theo tài liệu hướng dẫn dạy học chương trình GDPT), trong đó giáo viên tiểu học gồm 6 đợt (từ năm 2018 đến năm 2023); giáo viên THCS gồm 5 đợt (từ năm 2019 đến năm 2023) và giáo viên THPT gồm 4 đợt (từ năm 2020 đến năm 2023)…
Video đang HOT
Ảnh minh họa/ Internet
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, để chuẩn bị thực hiện chương trình GDPT vào năm học 2020 – 2021, bảo đảm 100% thầy cô giáo dạy lớp 1 được tập huấn, bồi dưỡng, trong năm học này, sở đề nghị lãnh đạo các trường tổ chức cho các giáo viên nghiên cứu kĩ Thông tư 32 của Bộ GD&ĐT về ban hành chương trình GDPT, nghiên cứu tổng thể chương trình, mục tiêu, đầu ra, yêu cầu, định hướng phát triển…
Chương trình mới được thiết kế theo hướng mở để giáo viên chủ động, sáng tạo trong cách giảng dạy của mình. Trước mắt, các giáo viên, nhà trường cần thực hiện tốt Văn bản 4612 của Bộ GD&ĐT về đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh…
Tự bồi dưỡng để đáp ứng yêu cầu
Ngoài việc bồi dưỡng giáo viên thực hiện chương trình mới, việc bồi dưỡng thường xuyên để nâng cao năng lực người thầy theo chuẩn giáo viên, chuẩn hiệu trưởng mà Bộ đã ban hành cũng được Sở GD&ĐT, các quận, huyện tại TPHCM chú trọng. Đặc biệt, đội ngũ nhà giáo luôn chủ động tìm tòi, sáng tạo trong cách dạy học, không ngừng nỗ lực học hỏi, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng để tiệm cận với chương trình GDPT năm 2018.
Tại TPHCM, từ nhiều năm nay, các trường học đã chủ động triển khai cho giáo viên trong đổi mới phương pháp dạy học, đánh giá học sinh, triển khai kế hoạch dạy các tiết học trải nghiệm ngoài nhà trường, tiết học STEM…, tổ chức cho học sinh tự khám phá, vận dụng kiến thức đã học để giải quyết các vấn đề trong thực tiễn.
TPHCM đã thực hiện việc triển khai cho học sinh tiếp cận tiếng Anh từ lớp 1 theo chương trình tiếng Anh tăng cường; nhà trường chủ động cho học sinh làm quen với bộ môn Tin học qua chương trình Tin học IC3 Spark, trong đó một số trường có điều kiện đã chủ động dạy Tin học cho học sinh ngay từ năm lớp 1… Bên cạnh đó, ngành GD TP cũng triển khai xây dựng mô hình trường tiểu học tiên tiến theo xu hướng hội nhập khu vực và quốc tế.
Sự chủ động của các trường đặt ra yêu cầu đối với người giáo viên là luôn đổi mới, sáng tạo. Thạc sĩ Vũ Hoàng Sơn, giáo viên Trường TH Bình Hòa (quận Bình Thạnh) cho rằng, nghề giáo đòi hỏi mỗi giáo viên học hỏi, sáng tạo hằng ngày, học từ đồng nghiệp, tài liệu, các mô hình trong và ngoài nước với phương pháp, kỹ năng dạy học hay, hiệu quả và áp dụng phù hợp với học sinh của mình.
Được bồi dưỡng và tự bồi dưỡng là hai yếu tố quan trọng giúp người giáo viên luôn chủ động, sẵn sàng thích nghi với bất cứ sự thay đổi nào, giáo viên cũng linh hoạt tiếp cận tốt nhất.
Đề cao vai trò của tự bồi dưỡng, thầy Vương Sĩ Đức, giáo viên Trường TH Nguyễn Thị Minh Khai (quận Gò Vấp) chia sẻ, điều cốt lõi vẫn là năng lực, kỹ năng của người thầy. Nếu giáo viên chuẩn bị tốt tâm thế, tìm hiểu kĩ về tổng thể chương trình mới, mục tiêu, định hướng, có nền tốt, khi tham gia tập huấn, bồi dưỡng, các thầy cô sẽ nắm gọn tinh thần, cách thức, nội dung… của chương trình nên việc tiếp cận, triển khai chương trình mới sẽ rất thuận lợi.
Thảo Nguyên
Theo GDTĐ
Để đội ngũ giáo viên thích ứng chương trình giáo dục phổ thông mới
Để triển khai chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới có hiệu quả thì đội ngũ nhà giáo (ĐNNG) là nhân tố đóng vai trò quyết định. Xoay quanh vấn đề này, phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với PGS, TS Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT).
Phóng viên (PV): Thưa ông, một trong những vấn đề dư luận xã hội quan tâm là ĐNNG chuẩn bị cho chương trình GDPT mới. Vậy ngành giáo dục đã đưa ra mục tiêu thế nào để bảo đảm nguồn lực này?
PGS, TS Nguyễn Xuân Thành: Giáo viên là nhân tố nòng cốt quyết định thành hay bại khi triển khai chương trình GDPT mới. Xác định được tầm quan trọng của nội dung này, ngay từ năm 2013, Bộ GD&ĐT đã tiến hành từng bước công tác bồi dưỡng giáo viên tiếp cận dần với tư duy đổi mới chương trình. Đặc biệt, giai đoạn hiện nay Bộ GD&ĐT đặt ra kế hoạch, đến năm 2021 sẽ hoàn thành bồi dưỡng cho đối tượng cốt cán bao gồm: 800 giảng viên sư phạm, 1.000 cán bộ quản lý cấp sở và phòng, 4.000 hiệu trưởng, 35.000 giáo viên phổ thông. Cùng với đó, sẽ hoàn thành bồi dưỡng đại trà cho khoảng 3.500 cán bộ quản lý cấp sở và phòng, gần 28.000 hiệu trưởng và khoảng 900.000 giáo viên phổ thông.
PGS, TS Nguyễn Xuân Thành.
PV: Con số gần 900.000 giáo viên phổ thông có nghĩa là toàn bộ giáo viên bậc học này sẽ được bồi dưỡng chương trình mới. Điều này có cần thiết ngay không?
PGS, TS Nguyễn Xuân Thành: Nhiều người lập luận, chương trình GDPT mới được triển khai bắt đầu từ năm học 2020-2021 ở lớp 1 và lần lượt các năm sau theo các lớp, các cấp học. Như vậy, về cơ bản thì số giáo viên trực tiếp giảng dạy chương trình mới bắt đầu từ năm học 2020-2021 chỉ là giáo viên trực tiếp dạy lớp 1. Sau đó đến năm học 2021-2022 ở lớp 2 cấp tiểu học và lớp 6 cấp THCS. Vì vậy cũng dễ hiểu khi có người cho rằng chưa cần thiết phải bồi dưỡng toàn bộ giáo viên.
Tuy vậy, chúng ta cần nhận thức rằng, việc bồi dưỡng giáo viên phải triển khai theo một lộ trình, đồng bộ. Bộ GD&ĐT cũng đã đề ra trong năm 2019 sẽ triển khai bồi dưỡng tập trung ở một số nội dung quan trọng để bảo đảm tất cả giáo viên hiểu đúng và có tư duy về chương trình GDPT mới. Ở mỗi nhóm đối tượng có mục đích, yêu cầu bồi dưỡng khác nhau, nhưng giáo viên sẽ được bồi dưỡng hai chuyên đề chung mang tính chất hướng dẫn, gợi mở, đó là giới thiệu chương trình GDPT mới và sách giáo khoa. Qua bồi dưỡng, giáo viên sẽ hiểu định hướng của chương trình và áp dụng định hướng này ngay vào chương trình hiện tại để có sự làm quen. Từ việc làm quen ban đầu sẽ hình thành tư duy sắp xếp lại nội dung dạy học và đổi mới phương pháp. Giáo viên thực sự hiểu về chương trình mới, phương pháp mới thì khi áp dụng sẽ không còn bỡ ngỡ.
Một giờ học tại Trường Phổ thông vùng cao Việt Bắc.
PV: Với việc bồi dưỡng ĐNNG lần này, bài toán về giáo viên dạy các môn tích hợp trong chương trình GDPT mới sẽ được giải quyết thế nào, thưa ông?
PGS, TS Nguyễn Xuân Thành: Về cơ bản, việc bồi dưỡng giáo viên dạy các môn tích hợp cũng không khác những giáo viên giảng dạy các môn còn lại. Nhiều người cho rằng, giáo viên sẽ gặp khó khăn khi được bố trí dạy môn tích hợp mà giáo viên đó chỉ được đào tạo một bộ môn. Đó là nhận thức chưa phù hợp. Trước hết, chúng ta nên hiểu đúng về các môn tích hợp. Đối với các môn này, chương trình mới sẽ thiết kế theo từng mạch chủ đề và trong đó có phân định rõ ràng tỷ lệ cho từng môn thành phần. Vì vậy, việc dạy học của giáo viên về cơ bản cũng vẫn là kiến thức đúng chuyên môn mà giáo viên đó được đào tạo. Ví dụ, ở môn Khoa học tự nhiên cấp học THCS gồm: Vật lý, Hóa học và Sinh học. Giáo viên phụ trách môn thành phần nào vẫn sẽ dạy phần kiến thức môn thành phần đó trong môn tích hợp. Chỉ khác là thời lượng phân môn sẽ được tập trung liên tục có thể trong một kỳ hoặc nửa kỳ. Do đó, việc bồi dưỡng đối với các giáo viên này cũng sẽ có thêm một số thao tác, nhưng chúng tôi đánh giá là không quá khó khăn. Chương trình bồi dưỡng sẽ chú trọng thêm một số chuyên đề giúp giáo viên hiểu rõ về cách thức triển khai thực hiện và phối hợp tốt giữa các phần kiến thức khi dạy học môn tích hợp.
PV: Để hoàn thành kế hoạch bồi dưỡng vào năm 2021, Bộ GD&ĐT sẽ triển khai những phần việc cụ thể nào, thưa ông?
PGS, TS Nguyễn Xuân Thành: Về nội dung bồi dưỡng giáo viên sẽ tập trung vào việc phát triển một số nghiệp vụ cụ thể, như: Xây dựng kế hoạch dạy học và giảng dạy; sử dụng phương pháp dạy học và giảng dạy; kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học; tư vấn hỗ trợ học sinh; khai thác sử dụng thiết bị dạy học...
Để triển khai các nội dung đó, trước mắt, Bộ GD&ĐT sẽ tập trung tập huấn cho một số lượng giảng viên sư phạm và giảng viên quản lý giáo dục nòng cốt hiểu rõ về chương trình mới, cách thức triển khai, yêu cầu đổi mới của tất cả môn học. Sau đó sẽ bồi dưỡng cho 35.000 giáo viên cốt cán. Số lượng giáo viên này là để bảo đảm ít nhất mỗi trường có một giáo viên và trong một khu vực lại phải bảo đảm đủ giáo viên cốt cán ở từng môn. Quá trình bồi dưỡng đại trà sẽ không phải thực hiện theo mô hình cấp độ F1, F2... mà bồi dưỡng dưới dạng số hóa trên hệ thống để giáo viên khai thác và tự tìm hiểu dưới sự hướng dẫn của giáo viên cốt cán. Toàn bộ giáo viên có thể chủ động tìm hiểu và tự bồi dưỡng thông qua hệ thống tư liệu này. Từ đó, việc bồi dưỡng sẽ được triển khai một cách bài bản đến từng giáo viên mà vẫn bảo đảm hiệu quả.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
DUY VĂN (thực hiện)
Theo qdnd
TP.HCM: Thành lập đội tuyển học sinh giỏi dự thi quốc gia năm 2020 Ngày 1/10, Sở GD&ĐT TP.HCM đã công bố quyết định thành lập đội tuyển học sinh giỏi của TP tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm 2020. Học sinh tham dự buổi công bố quyết định thành lập đội tuyển học sinh giỏi của TP.HCM dự thi học sinh giỏi quốc gia năm 2020 Sở thành lập 11 đội tuyển...