Thực hiện 2 ca mổ cùng lúc cứu bé trai bị suy tim, khe hở môi rộng
Bị tim bẩm sinh kèm thêm khe hở môi rộng, bé trai ( Ninh Bình) không thể bú mẹ, ăn uống hay bị sặc, dễ viêm phổi. Dù trẻ nhẹ cân, còn nhỏ, bác sĩ vẫn quyết định phẫu thuật sửa đồng thời hai dị tật này.
Bé trai sinh thường lúc 38 tuần, nặng 2,7kg tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình. Mẹ bé cho biết trong quá trình mang thai, chị khỏe mạnh, không ốm. Vì thế thấy con chào đời bị dị tật khe hở môi lớn, cộng thêm bị tim bẩm sinh khiến gia đình rất bất ngờ. Tuy nhiên, khi đó các bác sĩ cũng chỉ dặn về nhà chăm sóc, đợi con lớn hơn sẽ tiến hành phẫu thuật.
Trẻ vừa bị tim bẩm sinh vừa dị bị dị tật khe hở môi rộng. Hình ảnh trẻ trước khi phẫu thuật.
Theo lời kể của gia đình trẻ hay khó thở, thở khò khè, mỗi lần khóc là tím tái cả người. Việc ăn uống của trẻ cũng không hề dễ dàng. Dị tật khe hở môi và vòm miệng lớn khiến bé không có khả năng bú mẹ. Gia đình phải dùng thìa đổ sữa cho con. Tuy nhiên, bé ăn cũng hay bị sặc, trớ; cộng thêm hay bị ốm khiến con tăng cân rất chậm.
Gần đây, gia đình đưa con vào Bệnh viện Nhi Ninh Bình với triệu chứng khó thở. Các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị suy hô hấp viêm phổi nặng do bệnh tim bẩm sinh ( thông liên thất rộng), khe hở môi rộng. Trẻ phải đặt nội khí quản và thở máy.
Sau điều trị thở máy không có tiến triển, không rút được máy thở nên đã hội chẩn với các bác sĩ Trung tâm tim mạch bệnh viện E. Trẻ được chuyển đến khoa Phẫu thuật Tim mạch trẻ em, Bệnh viện E Trung ương (Hà Nội).
Tại đây, các bác sĩ xác định trước tiên phải xử lý tình trạng viêm phổi và rút được máy thở. Trẻ được rút máy thở sau 2 ngày. Các bác sĩ chuyên khoa tim mạch và bác sĩ tạo hình thẩm mỹ hội chẩn để tiến hành phẫu thuật sửa dị tật tim bẩm sinh và dị tật khe hở môi. Lúc này trẻ mới được 45 ngày tuổi, chỉ nặng 3kg.
Hình ảnh trẻ sau khi được phẫu thuật vá lỗ thông liên thất và tạo hình
TS.BS Đỗ Anh Tiến, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch trẻ em, Bệnh viện E cho biết, trẻ bị dị tật tim bẩm sinh, thông liên thất lỗ rộng, gây tăng áp động mạch phổi rất nặng, dẫn đến viêm phổi, suy tim van. Đặc biệt, trẻ còn kèm thêm dị tật khe hở môi nặng khiến nguy cơ bị viêm phổi của trẻ cao hơn rất nhiều lần. Tình trạng suy tim bắt buộc trẻ cần phải mổ càng sớm càng tốt.
Video đang HOT
Trong khi đó bị dị tật khe hở môi của trẻ cũng ở mức độ nặng. Ths.BS Nguyễn Đình Minh, Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình-Thẩm mỹ và Hàm mặt, Bệnh viện E cho biết dị tật khe hở môi được chia làm 4 độ thì cháu bé bị hở độ 4. Đây là loại khe hở môi khó, khe hở môi kép cả hai bên toàn bộ chiều cao của môi đến tận nền mũi, kèm theo dị tật khe hở vòm, khe hở cung răng.
“Dị tật khe hở môi và vòm miệng lớn khiến trẻ khó khăn trong việc ăn uống. Trẻ không có khả năng bú mẹ, khi ăn hay sặc, trớ do thức ăn đi vào mũi, đường hô hấp (mũi miệng thông nhau)”, BS Minh cho biết.
Ngoài ra, trẻ cũng dễ bị viêm đường hô hấp do thở bằng khoang miệng gây khô đường hô hấp. Nếu không can thiệp, khi lớn trẻ sẽ bị nói ngọng vòm miệng bị hở gây thoát hơi. Trẻ không nói được các âm bật như P, B…
Trẻ bị vừa bị tim bẩm sinh vừa bị dị tật khe hở môi lớn. Điều này đặt ra cho phẫu thuật viên phải lựa chọn can thiệp tim trước hay sửa dị tật khe hở môi trước.
Theo BS Tiến, thực hiện phẫu thuật nào trước cũng sẽ rất khó khăn trong khâu chăm sóc, hồi sức giai đoạn sau. Tối ưu nhất là thực hiện cả hai ca mổ trong một lần gây mê. Tuy nhiên, không phải bệnh viện nào cũng thực hiện được.
Hai ca mổ thực hiện trong 5 tiếng.
Rất may là tại Bệnh viện E có cả kíp mổ tim trẻ em và tạo hình, có thể thực hiện được cả hai can thiệp trên trong một lần mổ.
Việc can thiệp sửa dị tật ở tim, môi cùng lúc sẽ giúp tránh cho trẻ nguy cơ một lần nữa gây mê. Ngoài ra, việc tạo hình môi giúp cho trẻ ăn uống và gia đình chăm sóc dễ hơn. Gia đình và bản thân trẻ không bị tự ti do các biến dạng vùng mặt.
Ca mổ gồm 2 kíp phẫu thuật tim nhi và phẫu thuật tạo hình. Do trẻ còn nhỏ (45 ngày tuổi), phẫu trường nhỏ nên phải từng kíp tiến hành phẫu thuật lần lượt. Điều này sẽ kéo dài thời gian phẫu thuật, thời gian gây mê cho trẻ. Vì thế các bác sĩ đều cố gắng rút ngắn thời gian phẫu thuật nhanh nhất có thể. Hai ca mổ thực hiện trong khoảng 5 giờ đồng hồ.
Trẻ có lỗ thông liên thất khá lớn, gấp 1,5 lần lỗ van động mạch chủ, vị trí quanh màng. Kíp phẫu thuật tim đã mổ vá lỗ thủng bằng miếng vá nhân tạo.
Về phẫu thuật tạo hình, trẻ được phẫu thuật tái tạo khe hở môi bằng kỹ thuật Millard cải tiến giúp khe hở đóng được hoàn toàn và có bờ cong môi tròn trịa, khắc phục hoàn toàn dị tật. Khe hở vòm sẽ được đóng tiếp theo khi cháu bé được khoảng 12 tháng tuổi.
Theo BS Minh, một trong những khó khăn của bác sĩ tạo hình là do trẻ nhẹ cân, vùng môi của trẻ quá nhỏ vì thế việc tạo hình khá khó khăn, đòi hỏi sự tỉ mỉ. Ngoài ra cần phải thực hiện kỹ thuật một cách nhanh chóng do thời gian gây mê không quá kéo dài với bệnh nhân có can thiệp tim. Khe hở môi kép cũng là loại khe hở khó, khe hở của bệnh nhân rộng, phần tiền hàm biến dạng nặng nề kéo cao hẳn lên trên.
Hiện sức khỏe của trẻ ổn định, rút được máy thở, đã được ghép với mẹ, kết quả tốt về mặt tạo hình thẩm mỹ, siêu âm tim lỗ thông được vá kín, chức năng tim tốt. Các vết mổ liền tốt. Trẻ có thể xuất viện trong vài ngày tới.
Nam Phương
Phát hiện sớm bệnh tim bẩm sinh ở trẻ: Giải pháp để điều trị bệnh hiệu quả
Dị tật tim bẩm sinh có tỷ lệ mắc không cao, nhưng là loại dị tật gây ra nhiều hậu quả nặng nề nhất cho trẻ, thậm chí có thể khiến trẻ tử vong.
Bác sĩ thăm khám cho một bệnh nhi sau ca phẫu thuật tim tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai. Ảnh: G.Nhi
Việc phát hiện sớm tình trạng bệnh của trẻ là rất cần thiết để có phương pháp điều trị, can thiệp kịp thời giúp trẻ khỏe mạnh, phát triển bình thường.
* Ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ
Do hoàn cảnh khó khăn, không có tiền để phẫu thuật bệnh tim cho con, đã 10 năm nay chị N.T.H. (ngụ P.Long Bình, TP.Biên Hòa) hằng tháng phải đưa con trai Đ.C.H. đến Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai để khám và theo dõi tình trạng bệnh tim của con. Chị H. cho biết, khi bé H. được 3 tháng tuổi, thấy con hay ốm đau, ngón tay, ngón chân, môi tím tái, chị mới đưa con đi khám bệnh thì được bác sĩ chẩn đoán bé bị bệnh tim một thất, teo van động mạch phổi. Mặc dù đã 10 tuổi nhưng bé H. chỉ nặng 18kg, đi lại rất yếu, và không đủ sức khỏe để theo học như các bạn cùng trang lứa.
Hay như trường hợp bé D.M.T. (ngụ P.Phước Tân, TP.Biên Hòa) đã 11 tuổi nhưng bé chỉ nặng 15kg, thân hình gầy gò. "Gia đình phát hiện con bị tim bẩm sinh từ khi còn mang thai. Nhưng do thiếu hiểu biết, nhà nghèo nên chúng tôi không có điều kiện để chữa trị cho con. Căn bệnh tim liên tục hành hạ khiến cháu nay ốm mai đau, không thể đi học được" - mẹ bé T. cho biết.
ThS-BS.Nguyễn Thị Ly Ly, Trưởng khoa Tim mạch thận niệu Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, trung bình mỗi tuần, Khoa Tim mạch thận niệu có khoảng 30-40 lượt bệnh nhân tim bẩm sinh đến khám. Với những trẻ mắc các dạng tim bẩm sinh nhẹ như thông liên nhĩ, thông liên thất lỗ nhỏ... hoàn toàn có sự phát triển thể chất bình thường nếu không kèm theo các hội chứng bất thường khác ngoài tim. Còn các bệnh tim bẩm sinh có tình trạng suy tim tiến triển như thông liên thất lỗ lớn, kênh nhĩ thất... sẽ làm trẻ chậm tăng cân, dễ bị viêm phổi.
Cho đến nay, vẫn chưa thể xác định nguyên nhân chính xác gây ra bệnh tim bẩm sinh, có thể do nhiều nguyên nhân như bất thường của các nhiễm sắc thể, di truyền trong gia đình khiến tim bẩm sinh xảy ra trong nhiều thế hệ của gia tộc, môi trường sống tác động lên cơ thể bà mẹ lúc mang thai như: tia phóng xạ, tia quang tuyến X, hóa chất, rượu, thuốc...
* Cần phát hiện sớm bệnh
Theo BS.Ly, một số trường hợp trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh nhưng không có biểu hiện gì do dị tật không nặng, chỉ tình cờ được phát hiện khi khám sức khỏe hoặc khám vì một lý do khác.
Một số dị tật khác cũng hay đi kèm với bệnh tim bẩm sinh như: hội chứng down, sứt môi - chẻ vòm, thiếu hoặc thừa ngón tay - ngón chân, tật đầu to, đầu nhỏ...
Cần đưa trẻ đi khám bệnh ngay nếu phát hiện trẻ có những triệu chứng khác lạ như: trẻ hay bị ho, khò khè tái đi tái lại, thở khác thường (thở nhanh, lồng ngực rút lõm khi hít vào), viêm phổi tái đi tái lại nhiều lần; trẻ có làn da xanh xao, lạnh, vã mồ hôi; trẻ bị tím môi, đầu ngón tay, ngón chân khi khóc, khi rặn...; trẻ bú hoặc ăn kém, chậm lên cân, thậm chí không tăng cân hay sụt cân. Trẻ chậm phát triển thể chất và tinh thần so với trẻ khác.
"Các bậc phụ huynh cần chú ý đến các dấu hiệu bất thường của trẻ để kịp thời thăm khám nhằm phát hiện bệnh tim bẩm sinh sớm, để có hướng điều trị phù hợp cho trẻ. Tim bẩm sinh là bệnh nguy hiểm, nhưng nếu trẻ được phát hiện và can thiệp sớm sẽ có thể chữa khỏi hoàn toàn, trẻ có cơ hội được sống khỏe mạnh và phát triển bình thường như trẻ khác" - BS.Ly cho biết.
* Chăm sóc trẻ bị tim bẩm sinh
Mặc dù nhiều trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh có thể sinh hoạt, học tập không khác trẻ bình thường, nhưng nhìn chung, tất cả trẻ mắc bệnh này cần được chăm sóc kỹ lưỡng và đúng cách để có sức khỏe tốt. Cha mẹ có vai trò rất lớn trong việc phối hợp điều trị cho trẻ.
Cần phòng tránh bệnh đường hô hấp cho trẻ, vì trẻ bị tim bẩm sinh rất dễ bị viêm phổi, để tránh biến chứng này gia đình nên giữ ấm cho trẻ khi trời lạnh, không cho trẻ ở những nơi có nhiều khói bụi, khói thuốc lá. Nếu trong gia đình có người mắc các bệnh ho, cảm cúm thì nên tránh xa trẻ, không nên tiếp xúc với trẻ. Ngoài ra cần chú ý, chăm sóc răng miệng cho trẻ bị bệnh tim bẩm sinh để phòng tránh các bệnh nhiễm trùng.
Những trẻ mắc bệnh tim thường khó ăn do mệt, ăn vào nôn ngay. Vì vậy, cha mẹ nên cho trẻ ăn từ từ, chủ yếu bằng thìa, ăn nhiều bữa, mỗi bữa ít hơn bình thường; đồng thời theo dõi sát việc lên cân của trẻ để có chế độ dinh dưỡng hợp lý.
Trẻ bị tim bẩm sinh nên tái khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ. Dù trẻ có bình thường cũng nên đi tái khám theo lịch hẹn để bác sĩ đánh giá diễn tiến của bệnh, phát hiện các biến chứng cũng như điều chỉnh lại liều lượng thuốc cho phù hợp với cân nặng tăng dần của trẻ. Các trẻ đã được can thiệp phẫu thuật vẫn cần được tiếp tục theo dõi ở phòng khám của chuyên khoa tim mạch. Ngoài ra, cần tiêm chủng đầy đủ để bảo vệ sức khỏe cho trẻ.
Gia Nhi
Điều trị thành công bệnh tim bẩm sinh tím Tất cả các dị tật của tim hoặc các mạch máu lớn có ngay từ lúc sinh ra đều được gọi là bệnh tim bẩm sinh. Bệnh tim bẩm sinh tím - Cyanotic congenital heart disease (CCHD) là một bệnh tim bẩm sinh gây ra nồng độ oxy trong máu thấp làm da có màu tím tái. Tứ chứng Fallot là bệnh thường...