Thừa – thiếu giáo viên: Bất cập vì chính sách chưa nhất quán
Việc thừa – thiếu giáo viên, thiếu cơ sở vật chất trước thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới là vấn đề đã tồn tại dai dẳng lâu nay của ngành giáo dục. Nhiều ý kiến cho rằng, bất cập này xảy ra là bởi chính sách chưa nhất quán.
Một giờ học trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Đinh Bộ Lĩnh, Ninh Thuận
Rà soát tổng thể đội ngũ
Lý giải vì sao lại có chuyện giáo viên (GV) cấp mầm non, tiểu học thiếu còn các cấp học cao hơn lại thừa ở nhiều địa phương, TS Nguyễn Tùng Lâm- hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, cho rằng giáo dục (GD) mầm non hiện chúng ta chưa thực sự quan tâm đến nơi đến chốn.
Điều này đáng lẽ phải làm từ sớm. Hiện nay chúng ta mới phổ cập đến trẻ 5 tuổi, trong khi nhu cầu của dân thì 6 tháng tuổi đã phải gửi trẻ. Đã có quá nhiều sai lầm, quá nhiều sự cố xảy ra với nhóm trẻ ở độ tuổi mầm non khi chúng ta xã hội hóa cấp học này.
Vì vậy chúng tôi đang kiến nghị, trong Luật GD phải phổ cập mầm non từ lớp bé chứ không chỉ là nhóm 5 tuổi.
Còn thiếu GV cấp tiểu học thì do cung cầu nguồn nhân lực dự báo không chuẩn. Có chuyện đào tạo cấp học cao nhiều còn cấp thấp thì đào tạo ít. Câu chuyện thừa – thiếu GV không chỉ xảy ra với Hà Nội mà hầu hết các tỉnh thành. Thanh Hóa có giai đoạn đã kéo GV cấp học cao hơn xuống dạy tiểu học và mầm non, điều này sẽ xảy ra nhiều hệ lụy.
Không thể để tình trạng thiếu GV nhạc họa nhưng không tuyển được thì lại lấp chỗ trống bằng cách tuyển giáo viên toán vào để đủ định biên. Điều này dẫn tới tình trạng, tổng số thì vẫn là 1,9 GV/lớp nhưng có khi vẫn thiếu giáo viên ở một số môn học được.
Video đang HOT
Do đó ông Lâm đề nghị, cần thống kê rà soát thật kỹ lưỡng chứ ngồi trên giấy mà ban hành chính sách thì rất khó. Có điều tra kế hoạch dài hơi cho nhiều năm theo quy luật biến động và đưa ra con số tương đối trung bình các năm để năm đông nhất vẫn giãn ra được đủ, còn năm ít nhất anh chỉ đạo GV bồi dưỡng, đào tạo lại. Không thể “ăn đong” hàng năm.
Lý giải về nghịch lý đủ số lượng giáo viên nhưng vẫn thừa thiếu về cơ cấu các cấp học, bà Ngô Thị Minh- phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên Nhi đồng Quốc hội cho rằng, trước khi quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm, Bộ GDĐT phải rà soát tổng thể tình hình đội ngũ hiện nay như thế nào, nhu cầu bồi dưỡng, đào tạo lại đội ngũ tại các địa phương ra sao.
Chương trình, sách giáo khoa mới sắp đi vào thực hiện, sĩ số học sinh trên một lớp như thế nào, nhu cầu đội ngũ ra sao, Bộ phải cụ thể được điều này. Từ đó mới cân đối được mạng lưới trên cả nước. Cũng theo bà Minh, Bộ phải có dự báo nhu cầu giáo viên của 5 năm, 10 năm tới. Từ đó mới đưa ra được cần bao nhiều trường sư phạm ở Trung ương, cần giữ bao nhiêu trường sư phạm địa phương.
“Có một thực tế hiện nay đó là các con số thống kê của Bộ GDĐT đưa ra chưa chuẩn xác. Quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm, thừa thiếu giáo viên hiện nay đang là bài toán bùng nhùng đối với ngành GD. Sắp tới, khi sửa đổi Luật GD, Luật Nhà giáo… còn rất nhiều việc phải làm để đáp ứng điều kiện thực hiện chương trình GD phổ thông mới” – theo bà Minh.
Chính sách chưa nhất quán
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới thừa, thiếu GV như: một số quy định trong tuyển dụng chưa phù hợp với thực tiễn; vấn đề phân cấp trong tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức ngành GD cũng tạo ra nhiều bất cập, tiêu cực.
Việc điều động, luân chuyển công tác của viên chức giữa các trường còn gặp nhiều khó khăn do bố trí chuyên môn đào tạo chưa phù hợp với vị trí việc làm hoặc do chênh lệch về điều kiện kinh tế, xã hội, địa lý giữa xã đặc biệt khó khăn và các xã khác. Nhiều địa phương ký hợp đồng với GV tràn lan, thiếu dự báo, quy hoạch tổng thể nhu cầu đội ngũ… nhưng nguyên nhân sâu xa của sự bất cập này nằm ở chỗ chính sách chưa nhất quán.
Nguyên phó giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội, Lê Quốc Cường cho biết, những năm trước đây khi nói đến GD, y tế chúng ta khuyến khích xã hội hóa. Tức là muốn nhân dân mở trường tư để giảm bớt biên chế nhà nước. Nhưng không phải địa phương, bộ ngành nào cũng thực hiện nghiêm.
Cụ thể, về biên chế, Chính phủ, Bộ Nội vụ và Bộ GDĐT gần như không sửa đổi theo chính sách mới vẫn áp định mức khoán từ y tế đến GD. Chẳng hạn, khoán theo số lớp để giao biên chế, còn bệnh viện thì giao biên chế theo số giường nên vấn đề này đã nảy sinh bất cập.
Trong khi một bên đòi biên chế dù định mức giao biên chế không rõ ràng. Trước đây, GV cấp 2 định mức biên chế là 1, 8; cấp 1 thì 1,1; cấp 3 hơn 2. Chẳng hạn với GV cấp 3, cứ mỗi một đầu lớp có 2 GV. Trong khi đó nếu khoán theo số lớp thì khi học sinh đi học đông số lớp tăng lên biên chế tăng lên và ngược lại.
Cũng như y tế, nếu giường bệnh tăng lên thì biên chế tăng lên. Nhưng để thực hiện điều này thì phải phá vỡ tất cả những khoản định mức trước đây xây dựng và phải làm lại. Như vậy việc giao biên chế mới có cơ sở. Còn hiện nay chẳng ai nói gì thì cứ thông tư, nghị định trước đây quy định cứ thế nào cứ áp vào mà thực hiện nên lúc nào cũng nảy sinh bất cập. Cho nên mới có chuyện nơi thừa vẫn thừa, nơi thiếu vẫn thiếu cứ xảy ra mà không giải quyết được.
Ông Lê Quốc Cường khẳng định, nguyên nhân sâu xa của vấn đề này là chế độ chính sách của ta không nhất quán, mỗi giai đoạn lịch sử lại khác nhau nên sẽ nảy sinh bất cập không đáng có.
Theo Daidoanket.vn
Giáo viên có "đủ trình" để theo kịp chương trình phổ thông mới?
Bộ GD&ĐT vừa công bố Dự thảo các chương trình môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Nhiều ý kiến cho rằng, nỗi lo lớn nhất khi triển khai chương trình mới là chất lượng giáo viên, việc thiếu, thừa giáo viên ở nhiều môn học.
Về lâu dài, trường sư phạm sẽ xây dựng chương trình đào tạo giáo viên tích hợp khi triển khai chương trình giáo dục tổng thể mới. Ảnh minh họa: Q.Anh
Bài toán khó thừa - thiếu giáo viên
Sau nhiều ngày chờ đợi, Bộ GD&ĐT đã chính thức công bố Dự thảo các Chương trình môn học, hoạt động giáo dục trong Chương trình giáo dục phổ thông mới để lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân. GS.TS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông , chương trình giáo dục phổ thông mới có 20 môn/hoạt động giáo dục. Trong đó, những môn học bắt buộc xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12 như tiếng Việt/Ngữ văn, Toán, Giáo dục công dân, Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp....
Cũng theo GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, chương trình các môn học có nội dung gắn với mỗi cấp học và những yêu cầu cần đạt cụ thể (mức độ biểu hiện cụ thể của năng lực cần hướng tới). Chương trình tập trung phát triển năng lực học sinh; trong đó năng lực là sự kết hợp tố chất, phân hóa phát triển kỹ năng của học sinh... Để chuẩn bị các điều kiện để áp dụng chương trình mới, Bộ GD&ĐT cho biết, trong thời gian qua Bộ cũng đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các trường sư phạm trên phạm vi cả nước triển khai các biện pháp bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ giáo viên đáp ứng theo yêu cầu của chương trình mới đề ra.
Ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, nhiều chuyên gia, nhà quản lý giáo dục trong cả nước đã có ý kiến đóng góp, trong đó lo ngại nhất là về đội ngũ giáo viên hiện nay, liệu khi áp dụng các môn học theo hình thức mới, tích hợp, đội ngũ này có "theo" kịp? Bên cạnh đó, việc rút gọn môn học cũng kéo theo thực trạng thiếu giáo viên ở các môn học mới và thừa rất nhiều giáo viên ở các môn học "truyền thống".
Cụ thể, theo thống kê của Bộ GD&ĐT, hiện nay cả nước thiếu khoảng 5.616 giáo viên tiếng Anh; 5.607 giáo viên Tin học ở Tiểu học... Trong khi đó, nếu đối chiếu với một số môn mới đưa vào chương trình sẽ phải tuyển giáo viên mới hoàn toàn, đặc biệt với môn Ngoại ngữ đang thiếu nghiêm trọng ở cấp Tiểu học. Nếu như theo như lộ trình triển khai của chương trình mới, bắt đầu từ năm học 2021 - 2022 đến năm học 2023 - 2024, mỗi năm sẽ phải tuyển bổ sung khoảng 2.000 giáo viên tiếng Anh và 2.000 giáo viên Tin học. Trên cơ sở số giáo viên đang thừa khoảng 8.874 hiện nay, Bộ GD&ĐT lại "bất đắc dĩ" phải đề nghị các địa phương ưu tiên tuyển thêm giáo viên các môn học mới.
Giáo viên sẽ cần "đa di năng"?
Trước những băn khoăn về trình độ giáo viên đáp ứng cho Chương trình mới, ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết: "Hiện nay, Bộ đã lên kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, trong đó, các trường sư phạm sẽ đào tạo giáo viên dạy các môn theo chương trình môn học mới ví dụ như: Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội. Đồng thời, Bộ cũng sẽ thực hiện lộ trình lựa chọn giáo viên cốt cán bồi dưỡng trước. Theo đó, mỗi môn học sẽ có 2 giáo viên được lựa chọn ở cấp tỉnh, thành phố để bồi dưỡng cốt cán khoảng 8 ngày vào kỳ 2 năm 2019. Sau đó, Bộ sẽ tổ chức bồi dưỡng giáo viên đại trà qua mạng".
Cũng theo Bộ GD&ĐT, Bộ cũng lên kế hoạch bồi dưỡng giáo viên dạy tích hợp. Theo tính toán, mỗi giáo viên sẽ phải học thêm 20 tín chỉ (mỗi tín chỉ 15 tiết) để dạy tích hợp. Khi đó, giáo viên Lịch sử có thể dạy cả Địa lý và ngược lại, đảm bảo tất cả giáo viên sẽ đáp ứng được các yêu cầu của đổi mới giáo dục. PGS.TS Mai Sĩ Tuấn, Tổng Chủ biên môn Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội cho biết, việc tích hợp các môn học như tự nhiên hay xã hội đã được Bộ GD&ĐT nghiên cứu, lên kế hoạch chuẩn bị từ trước đây, việc áp dụng tích hợp các môn học giúp học sinh được giảm tải, có sự liên hệ giữa các môn học.
"Giáo viên cũng đã được chuẩn bị, tập huấn về chủ trương tích hợp môn học từ trước đây chứ không phải bây giờ mới tiến hành. Đối với giáo viên bộ môn, việc kết hợp với các môn tích hợp cũng không nhiều khó khăn bởi đã nắm được kiến thức. Một giáo viên môn Toán, cũng sẽ đủ kiến thức để dạy thêm các môn như Vật Lý, Hóa học... chỉ cần thông qua bồi dưỡng, thậm chí đọc tài liệu là hoàn toàn có thể dạy được. Trên cơ sở chủ trương tích hợp, các môn học có sự lồng ghép giúp học sinh có sự liên hệ để phát huy hiểu biết, năng lực. Tích hợp môn học cũng đã được áp dụng tại nhiều quốc gia, trên cơ sở học hỏi các nước sẽ áp dụng một cách phù hợp tại Việt Nam", PGS.TS Mai Sĩ Tuấn .
Còn theo GS. Nguyễn Minh Thuyết: "Trước mắt, việc dạy tích hợp không đặt ra yêu cầu một giáo viên phải dạy nhiều lĩnh vực, mà có thể 3 người dạy 1 môn tích hợp. Còn những chủ đề liên môn thì thiên về môn nào, giáo viên môn đó sẽ đứng lớp. Tuy nhiên, về lâu dài, trường sư phạm sẽ xây dựng chương trình đào tạo giáo viên tích hợp".
Theo Giadinh.net
Chương trình giáo dục phổ thông mới: Có tính mở và linh hoạt Điểm nổi bật của dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới là các môn học đều được thiết kế theo hướng mở và linh hoạt. ảnh minh họa Sau một thời gian chuẩn bị, cách đây vài ngày, Ban soạn thảo chương trình giáo dục phổ thông mới đã công bố dự thảo chương trình các môn học. Ngay sau khi...