Thư xin việc “nói thật” của sinh viên gây ấn tượng
Một ngân hàng của Mỹ đã nhận được bức thư xin thực tập vô cùng ấn tượng của một sinh viên và sự đặc biệt trong bức thư này chính là sự trung thực.
Một sinh viên năm cuối chuyên ngành tài chính mới đây đã viết một bức thư khá chân thành để xin thực tập ở một ngân hàng đầu tư. Thay vì thổi phồng thông tin cá nhân hay khoe khoang về những thành tích như nhiều thư xin việc khác, sinh viên này quyết định nói thật và cậu đã đúng.
Trong bức thư được chia sẻ trên tờ Business Insider, cậu giải thích rằng mình “không có kỹ năng gì đặc biệt hay những khả năng thiên tài” nhưng cậu sẽ làm bất cứ công việc gì trong kỳ thực tập, kể cả “đánh giày hay đi lấy quần áo ở tiệm giặt là”.
Bức thư trung thực của cậu sinh viên.
Ngoài ra, trong bức thư, chàng trai này cũng không hề đề cập tới vấn đề lương bổng. Cậu viết “Tôi sẵn sàng làm việc gần như không vì bất cứ thứ gì”.
Bức thư được lan truyền và bỗng nhiên trở thành tâm điểm chú ý. Người nhận bức thư đã chuyển tiếp nó cho một số lãnh đạo ngân hàng khác. Tờ Business Insider đã liệt kê một danh sách những phản hồi cho bức thư, hầu hết đều ủng hộ và khuyến khích người viết, như: “Thật là tuyệt vời”, “Chúng tôi sẽ gọi cho cậu ấy” hay “Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu chàng trai này nhận được ít nhất một cuộc gọi của một ngân hàng nào đó”.
Bức thư đề ngày 14/1 viết: “Tôi viết bức thư này để xin được thực tập ở công ty ông. Tôi biết thật không bình thường khi một sinh viên năm cuối tới từ một trường đại học bình thường như… xin thực tập tại công ty…, tuy nhiên tôi vẫn hi vọng ông sẽ có một quyết định ngoại lệ. Tôi vô cùng thích lĩnh vực ngân hàng đầu tư và không muốn gì hơn là được học tập dưới sự hướng dẫn của ông. Tôi không ngại làm những việc như phục vụ cà phê, đánh giày, đi lấy quần áo ở tiệm giặt là… Thực sự, tôi chỉ muốn được làm một nhân viên trong ngành công nghiệp này và thu nhận được nhiều kiến thức nhất có thể”.
Video đang HOT
“Tôi sẽ không lãng phí thời gian của ông bằng việc thổi phồng thông tin cá nhân của mình… Sự thật là tôi không có kỹ năng gì đặc biệt hay khả năng thiên tài nào. Nhưng tôi có điểm GPA gần như hoàn hảo và sẽ làm việc chăm chỉ…”
Bức thư xin việc này được đánh giá là nổi bật giữa rất nhiều đơn xin việc độc đáo và khoa trương khác.
Trước đó, một bức thư xin việc từ năm 2011 nộp vào vị trí quản lý văn phòng ở một công ty phần mềm đã khoe khoang bản thân một cách quá lố rằng: “Tôi là người tốt nhất cho vị trí này” hay “Tôi vô cùng đẹp trai”, “thông minh một cách đáng ngạc nhiên”…
Theo VietNamNet
Học Kinh tế, vì đâu thực tập... pha trà?
Nội dung thực tập nhàm chán, rập khuôn nên sinh viên chỉ tập trung vào lợi ích của mình, chưa nghĩ đến mình sẽ đem lại gì cho doanh nghiệp. Đó là một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp "ngại" hỗ trợ sinh viên trong quá trình thực tập.
Thực tập lãng phí
Ông Huỳnh Song Hào - phó giám đốc Ngân hàng Vietcombank chi nhánh TPHCM cho hay với nền tảng từ nhà trường, nhiều sinh viên (SV) ngành Kinh tế sau khi được đào tạo thêm là những nhân tố rất tích cực trong nhân lực của ngân hàng. Tuy nhiên, theo ông Hào, thực tập bây giờ vẫn như cách đây cả chục năm, các bạn đến doanh nghiệp (DN) thực tập chủ yếu để thu thập thông tin cho mình chứ không xác định sẽ làm được gì cho DN.
Ông Hào đề xuất, khi SV đi thực tập nhà trường cần xây dựng sẵn những đề tài để các em nắm được mục tiêu cụ thể. Khi đi thực tập sẽ phối hợp cùng DN xây dựng đề tài đó. Có như vậy mới có tương tác hai chiều, SV cũng hỗ trợ DN thì mới có tính kết nối với trường học, kỳ thực tập mới hiệu quả.
Hình thức, nội dung thực tập của SV chưa gắn liền với hoạt động chuyên môn của doanh nghiệp. (Ảnh minh họa).
"Khi tiếp nhận một thông tin, SV ra trường có những ý tưởng, cách xử lý, đánh giá rất mới lạ mà nhân viên làm việc lâu năm bị tư duy theo lối mòn không có được. Nếu phối hợp với nhân viên của DN sẽ có những đề tài mang tính ứng dụng, thực tiễn cao. Vì thế rất cần các tài hợp tác chung thì hai bên mới hỗ trợ nhau được", ông Hào nói.
Bà Phạm Thị Mỹ Hạnh - phó tổng giám đốc Công ty CP trang sức Phú Nhuận (PNJ) cho rằng, SV đi thực tập vẫn hướng tới các bản báo cáo thông tin về DN như doanh thu, số lượng công nhân... rất rập khuôn, nhàm chán. Những thông tin đó gần như không có giá trị nhiều về chuyên môn mà còn ảnh hưởng đến bí mật của DN.
"Ở chỗ chúng tôi SV không đến mức phải đi rót nước, pha trà mà vẫn được tham gia vào một số hoạt động chuyên môn. Nhưng đề tài các em thực hiện lại không liên quan đến chuyên môn, vì thế cơ hội để SV đi thực tập được cọ xát cũng hạn chế", bà Hạnh cho hay.
Bà Nguyễn Thanh Mỹ, Công ty CP Ước mơ xanh cho rằng, hình thức thực tập hiện nay đang bỏ phí khả năng của SV. Nhiều em than đi thực tập chỉ rót nước, pha trà hay chỉ photo tài liệu...
Trong khi ở trường nhiều SV rất năng động, họ thực hiện những dự án, kế hoạch làm việc nhóm rất tốt lại không được phát huy trong quá trình thực tập. Các em đi thực tập mang tính cá nhân, đơn lẻ nên DN cũng khó hỗ trợ và các em mất đi cơ hội trau dồi thêm kỹ năng, kinh nghiệm.
Bà Mỹ và bà Hạnh cùng đề nghị SV đi thực tập cần được nhà trường định hướng, có thể một nhóm cùng thực hiện chung một đề tài có tính chuyên môn hơn. Để các em vừa có động lực làm việc trong kỳ thực tập và DN nhận thấy đề tài đó thiết thực cho mình.
Mạnh dạn "trao quyền"
Ông Đỗ Thanh Năm - giám đốc Công ty tư vấn và hỗ trợ chiến lược Win - win cho hay, SV đi thực tập muốn nhận được sự hỗ trợ của DN thì chính các bạn phải xác định mình đóng góp được gì cho DN.
Đối với công ty Win - win, SV khi vào thực tập cũng được sàng lọc vì công ty thực hiện chính sách trả lương cho SV khi đến thực tập như nhân viên. Theo đó, SV phải đảm bảo làm việc như tất cả mọi nhân viên như làm việc 8 tiếng/ngày, đáp ứng các yêu cầu công việc và kỷ luật công ty. Sau thời gian đó công ty sẽ giữ lại những SV phù hợp, còn những ứng viên khác sẽ được giới thiệu đến các công ty đối tác.
Nhà trường cần định hướng, xây dựng nhóm đề tài thực tập mang tính chuyên môn hơn.
Một lãnh đạo ngân hàng Sacombank cho biết hầu hết SV khi đi thực tập không xác định được công việc. Ngân hàng có chương trình đào tạo cho các em theo từng vị trí, công việc, chức danh cụ thể trong thời gian 3 tháng. Sau khi được đào tạo, nhiều em được tiếp nhận ở lại làm việc.
Ông dẫn chứng gần đây nhất là một SV Trường ĐH Kinh tế TPHCM sau khi thực tập hai tháng thì được nhận làm chính thức. Trước đó, dù SV này chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng ngân hàng tin tưởng giao cho bạn thực hiện một dự án cả tỷ đồng và kết quả rất lạc quan.
Theo đại diện này, DN cũng phải mạnh dạn "trao quyền" cho các bạn SV, tạo điều kiện cho các bạn được tự chủ trong công việc. "Vì chỉ khi có những trải nghiệm thông qua việc tổ chức, thực hiện các dự án, SV mới thể hiện được năng lực và phát triển được con đường sự nghiệp của mình".
Hoài Nam
Theo dân trí
Tips giúp bạn lựa chọn trường khi du học Trường đại học nổi tiếng không có nghĩa là tất cả các chuyên ngành được giảng dạy đều tốt. Mỗi trường có một thế mạnh riêng trong giảng dạy. Khi chúng ta càng có nhiều lựa chọn trong việc du học, chúng ta càng mất nhiều thời gian để nhắc các lựa chọn phù hợp cho mình. Đương nhiên ai cũng muốn học...