Thủ tướng dự các Hội nghị cấp cao tại Myanmar
Đây là dịp để Việt Nam trực tiếp đẩy mạnh hợp tác thương mại, đầu tư, kết nối khu vực… với các quốc gia; củng cố quan hệ, hợp tác với các nước trong khu vực
Sáng 22/6, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam sang Myanmar tham dự Hội nghị Cấp cao Hợp tác Campuchia – Lào – Myanmar – Việt Nam lần thứ 7 và Hội nghị Cấp cao Chiến lược Hợp tác Kinh tế Ayeyawady – Chao Phraya – Mekong lần thứ 6 trong hai ngày 22&23/6 theo lời mời của Tổng thống Myanmar Thein Sein.
Cơ chế hợp tác Campuchia – Lào – Myanmar – Việt Nam là một trong những nỗ lực đáp ứng yêu cầu khách quan của hội nhập tiểu vùng Mekong và ASEAN. Xuất phát từ trở ngại lớn nhất đối với hội nhập ASEAN chính là khoảng cách phát triển giữa các thành viên ASEAN mà cụ thể là giữa các nước Campuchia – Lào – Myanmar-Việt Nam với các nước trong ASEAN.
Đây là khởi nguồn ý tưởng thu hẹp khoảng cách phát triển nhằm thúc đẩy hội nhập của các nước vào tiến trình phát triển chung của khu vực. Hợp tác giữa 4 quốc gia là cơ chế mở, một mặt phát huy lợi thế, tiềm năng hợp tác sẵn có của các nước, mặt khác là kênh kêu gọi hỗ trợ của các nước khác trong ASEAN và các đối tác phát triển.
Hội nghị Cấp cao Hợp tác Campuchia – Lào – Myanmar – Việt Nam đầu tiên được tổ chức tại Thủ đô Vientiane, Lào vào cuối năm 2004 và lần lượt được tổ chức tại Malaysia, Philippines, Việt Nam, Campuchia, Lào và hội nghị thứ 7 lần này được tổ chức tại Myanmar.
Có thể thấy điểm nổi bật qua các hội nghị là cam kết chính trị mạnh mẽ của các quốc gia liên quan đến đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực kết nối giao thông vận tải, nông nghiệp, công nghiệp, du lịch, y tế, môi trường, năng lượng, đào tạo nguồn nhân lực…
Với sự tham dự của người đứng đầu Chính phủ các quốc gia, hội nghị là dịp để các nhà lãnh đạo quyết định những vấn đề lớn và thống nhất định hướng hợp tác trong thời gian tới, nhất là tập trung vào lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, giao thông, nông nghiệp, công nghiệp và năng lượng, du lịch, phát triển nguồn nhân lực thông qua các dự án hợp tác cụ thể trên từng lĩnh vực cũng như khuyến khích, kêu gọi các nguồn lực quốc tế tham gia vào quá trình hợp tác phát triển.
Tại Hội nghị Cấp cao Hợp tác Campuchia – Lào – Myanmar – Việt Nam lần thứ 7, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ cùng các nhà lãnh đạo kiểm điểm quá trình triển khai 10 cơ chế hợp tác Mekong gắn với tiến trình hợp tác song phương giữa các quốc gia và thúc đẩy phát triển bền vững của cả tiểu vùng Mekong.
Video đang HOT
Thủ tướng các nước cũng sẽ đánh giá, hoàn thiện các cơ chế hợp tác với các đối tác như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) nhằm gắn kết hơn, đạt hiệu quả thiết thực hơn cơ chế hợp tác này với quá trình xây dựng, hình thành và phát huy hiệu quả Cộng đồng kinh tế ASEAN, đồng thời nâng cao vai trò, vị trí của các quốc gia trong chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu…
Cũng tại Myanmar, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ tham dự Hội nghị Cấp cao Chiến lược hợp tác Kinh tế mang tên của 3 dòng sông chính trong lưu vực sông Mekong là Ayeyawady – Chao Phraya – Mekong. Đây là khuôn khổ hợp tác kinh tế gồm 5 nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam nhằm tăng cường hợp tác kinh tế chung và song phương để khai thác và phát huy lợi thế so sánh giữa các vùng, các nước thành viên, nâng cao sức cạnh tranh và thu hẹp khoảng cách phát triển.
Đến nay, Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady – Chao Phraya – Mekong (gọi tắt là ACMECS) có 7 lĩnh vực hợp tác gồm: thương mại – đầu tư; nông nghiệp; công nghiệp – năng lượng; giao thông; du lịch; phát triển nguồn nhân lực và y tế.
Tại Hội nghị Cấp cao Chiến lược Hợp tác Kinh tế Ayeyawady – Chao Phraya – Mekong lần thứ 6, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ cùng các nhà lãnh đạo Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan đánh giá kết quả thực hiện Chương trình hành động ACMECS giai đoạn 2013 – 2015 trong các lĩnh vực hợp tác cụ thể như công nghiệp – năng lượng, du lịch, thương mại – đầu tư, nông nghiệp, phát triển nguồn nhân lực, kết nối giao thông, y tế, an sinh xã hội và môi trường nhằm gắn kết hơn nữa hợp tác ACMECS với quá trình xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2015 và thực hiện Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN.
Trên cơ sở này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ cùng các nhà lãnh đạo thống nhất phương hướng, mục tiêu và các lĩnh vực, dự án ưu tiên cần đẩy mạnh hợp tác giữa các nước cũng như với các đối tác phát triển, nhất là trong bối cảnh Cộng đồng ASEAN hình thành vào cuối năm nay.
Đoàn đại biểu Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu tham dự Hội nghị Cấp cao Hợp tác Campuchia – Lào – Myanmar- Việt Nam lần thứ 7và Hội nghị Cấp cao Chiến lược Hợp tác Kinh tế Ayeyawady – Chao Phraya – Mekong lần thứ 6 tại Myanmar, không chỉ thể hiện quyết tâm của Việt Nam thực hiện các cơ chế hợp tác quan trọng này mà còn trực tiếp đẩy mạnh hợp tác thương mại, đầu tư, kết nối khu vực, bảo vệ nguồn nước, phát triển nguồn nhân lực giữa các quốc gia, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam, tiếp tục thể hiện vai trò dẫn dắt trong hợp tác Mekong cũng như củng cố quan hệ, hợp tác với các nước trong khu vực nói chung và với Myanmar nói riêng.
Theo Thành Chung
VOV
Khởi công xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh trên quê hương Lenin
Đại diện chính quyền tỉnh Nghệ An phối hợp với chính quyền tỉnh Ulyanovsk, thành phố Ulyanovsk và Hội người Việt Nam tại đây ngày 11/6 đã tổ chức Lễ khởi công xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh trên quê hương V.I. Lenin.
Đó là tình cảm kính yêu đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh của bà con cộng đồng Hội người Việt Nam "Đoàn Kết" tại tỉnh Ulyanovsk, là tấm lòng và trách nhiệm của lãnh đạo tỉnh Nghệ An và cũng là của tình đoàn kết hữu nghị cao cả mà sâu nặng của lãnh đạo tỉnh Ulyanovsk.
Tối ngày 9/6 vừa qua, đoàn cán bộ công tác của tỉnh Nghệ An do Phó chủ tịch tỉnh Lê Ngọc Hoa dẫn đầu đã sang thăm và làm việc với lãnh đạo tỉnh Ulyanovsk về triển khai ký kết xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và khả năng xây dựng Nhà thương mại tỉnh Nghệ An tại thành phố Ulyanovsk. Cùng đi với đoàn có ông Nguyễn Hùng, Phó đại sứ Việt Nam tại Liên Bang Nga, và đại diện các cơ quan thông tấn Việt Nam tại Nga.
Đông đảo bà con người Việt chờ đón đoàn tại sân bay Ulyanovsk.
Ra đón đoàn tại sân bay Ulyanovsk là lãnh đạo tỉnh Ulyanovsk và đông đảo bà con Việt Nam của Hội người Việt Nam hiện đang làm ăn, sinh sống và học tập tại Ulyanovsk. Những bó hoa tươi thắm của bà con Việt Nam cùng bánh mì, muối theo phong tục Nga, đã tô thắm thêm tình hữu nghị và đoàn kết giữa 2 tỉnh.
Cuộc giao lưu giữa đoàn Nghệ An và tỉnh Ulyanovsk.
Ngày 10/6 và 11/6, lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã làm việc cùng lãnh đạo tỉnh Ulyanovsk về kế hoạch triển khai xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, quảng trường Hồ Chí Minh và Nhà thương mại tỉnh Nghệ An tại Ulyanovsk. Hai bên đã hoàn tất các thủ tục ký kết.
Lãnh đạo 2 tỉnh Nghệ An và tỉnh Ulyanovsk hội đàm tại Ulyanovsk.
Trưa ngày 11/6 giờ địa phương, lãnh đạo 2 tỉnh Nghệ An và tỉnh Ulyanovsk cùng toàn thể bà con Việt Nam hiện đang làm ăn, sinh sống và học tập tại đây đã long trọng làm Lễ động thổ xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và quảng trường Hồ Chí Minh.
Lễ động thổ xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh được tổ chức long trọng.
Dự án xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh là đề xuất của Hội người Việt Nam "Đoàn Kết" tại Ulyanovsk và lãnh đạo tỉnh Nghệ An và đã được Ban bí thư trung ương Đảng ủng hộ.
Dự kiến tượng đài gồm tượng đồng cao 4 m, bệ tượng đá hoa cương 5 m, nằm bên cạnh đại lộ Hồ Chí Minh. Mong muốn của lãnh đạo tỉnh Nghệ An là hoàn thành tượng đài vào 4/11/2015, nhân ngày Hòa hợp các dân tộc Nga.
Cũng trong chuyến công tác này, đoàn cán bộ công tác của tỉnh Nghệ An đã đi thăm trường trung học phổ thông số 76, nhà bảo tàng V.I.Lê Nin, Tổ hợp tưởng niệm Lê Nin, quảng trường 100 năm ngày sinh V.I.Lê Nin.
Võ Hoài Nam
Theo Dantri
Khai mạc Hội nghị cấp cao EU-CELAC Theo Roi-tơ và TTXVN, Hội nghị cấp cao (HNCC) Liên hiệp châu Âu (EU) - Cộng đồng các quốc gia Ca-ri-bê và Mỹ la-tinh (CELAC) lần thứ 8 họp tại thủ đô Brúc-xen (Bỉ) trong hai ngày 10 và 11-6. Tham dự hội nghị, có lãnh đạo 61 quốc gia đến từ châu Âu và khu vực Mỹ la-tinh và Ca-ri-bê. Phiên họp...